(tiếp theo và hết)
Mười năm cuộc sống vợ chồng hương đậm lửa nồng, hạnh phúc dù chưa viên mãn nhưng Vân không hề hối tiếc... Giá như có một đứa con!
Sau nhiều lần khám đi khám lại, biết trục trặc ấy ở phía Hân, cô bác sỹ nửa đùa nửa thật: Nghe nói ngay đến cả vùng cao vẫn có những phiên chợ tình dành cho lứa đôi tìm lại nhau... chị lại đằm thắm thế kia... cá vào ao ai nhà ấy được.
Câu nói bâng quơ của cô bác sỹ không phải không khơi dậy sự liều lĩnh với nỗi khát khao được làm mẹ trong Vân. Cái ước ao dù chỉ một lần được đau cái đau của một lần sinh nở, được hít hà cái mùi khai nồng tã lót cứ ngày một dâng đầy trong Vân với nỗi niềm riêng không thể diễn đạt bằng lời.
Thương và hiểu vợ. Nhiều đêm Hân đưa tay lau dòng nước mắt cho Vân trong im lặng, cố đẩy ngược nỗi buồn vào tận đáy lòng. Không một tiếng thở dài, không một lời ca thán. Vân biết anh để quyền quyết định làm mẹ ấy tùy ở trong Vân.
Như bao người ra quân đợt ấy, Hân không có chế độ gì, năm năm quân ngũ chỉ là cái chớp mắt của một đời người nhưng nó đã để lại trong anh nhiều di chứng, những trận sốt nhớ rừng dai dẳng, những cơn thở khò khè do phổi yếu và có thể cả nỗi buồn không thể chia sẻ đã làm Hân kiệt sức, mất ngủ triền miên. Thương chồng yếu, Vân quyết định gom tiền mua nhà ngoài phố, cùng Hân mở lại hiệu thuốc bắc gia truyền.
Cuộc sống mới, Vân có đồng ra đồng vào, Hân cũng có điều kiện dù chỉ là thơm thảo để gúp đỡ bạn bè. Tất cả tốt đẹp, tất cả tưởng đều êm ả thuận dòng nếu như Vân không nhờ vả kiếm cái giấy đi giám định thương tật với ý đồ chạy chọt cho cho chồng được hưởng chế độ nạn nhân nhiễm chất độc mầu da cam.
Hân nhổ đánh toách một cái vào mảnh giấy báo đi giám định mất gần triệu đồng mới có, Vân tròn mắt nhìn chồng, nỗi ấm ức được ngọn gió giận hờn bùng phát. Đã có những chì chiết lời qua tiếng lại, chạn bát đã xô tránh sao khỏi sự đổ vỡ, “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mỗi ngày thêm một giọt làm nước tràn ly. Hân viết đơn ra tòa xin ly dị vợ với lý do: “Không chịu nổi cô ta” và khẳng định: Nếu được ly hôn, không cần tòa can thiệp về tài sản, tất cả...thuộc về Vân.
Sau hai ba lần hòa giải không thành, tòa cho ly hôn. Hạnh phúc vợ chồng được xây đắp bằng những kỷ niệm đẹp như trong tiểu thuyết tan vỡ với một kết cục buồn. Thế mới biết, tình yêu có thể dung nạp, hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống vợ chồng để vượt qua những khó khăn cơm áo đời thường nhưng nó không thể tồn tại trong hai cách sống hay nói đúng hơn là hai quan niệm sống với cái nhìn khác dấu.
Có thể muốn trốn tránh cảnh vật dễ gợi nhớ những kỷ niện buồn. Vân bán nhà, nhờ chị Bí thư thôn bí mật giữ giùm một sổ tiết kiệm dành cho Hân, vào thành phố HCM cùng với đứa cháu con cậu ruột mở “Vân Bắc Đường” làm nghề thuốc bắc. Sau này nghe nói phát đạt lắm.
Vác ba lô về căn nhà một gian mới làm trong góc vườn của một bà gái hóa. Tỉnh bơ nhũng điều dị nghị, những câu bông đùa khi bà gái hóa kia cứ “xồn xồn”: Vườn rộng, tặng anh ấy thước đất, đi qua đi lại... cho có hơi hướng đàn ông...
Một thân một mình. Đáng kiếp - đối với Hân thế là quá đủ.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi mười năm... hai mươi năm đã biến anh Hân ngày xưa thành bác Hân rồi ông Hân với cái bóng siêu vẹo ngả nghiêng trên đường làng. Lúc lên cơn lảm nhảm, mọi người đều tránh xa y như tránh xa nốt ghẻ đang muốn gãi. Tránh xa y, không hẳn mọi người đều ghét y, họ chỉ tránh xa nỗi đau của một con người được sống mà không ra sống, hay đơn giản hơn là tránh xa cái điều mà y đang hận đang chửi. Chửi chung cả mọi người, mình nghe chút xíu mà gây lộn với y hóa ra hắn đang chửi riêng mình sao, ấy vậy nên cứ nghe và im lặng. Chẳng ai dây với hắn.
Người lạ mới gặp thường chỉ ậm ừ trong cách xưng hô với Hân cho phải phép trong giao tiếp. Trọng Hân một phần, sợ y cũng không ít. Không ám chỉ ai, những câu nói không đầu không đuôi của y đã làm nhiều kẻ xung quanh giật thót mình như bị kim châm vào gan bàn chân, da mặt dày mấy cũng nổi da gà giống như khi bị cật nứa miết vào răng dù chỉ là nhè nhẹ. Con người y từ lời nói đến hình hài cái gì cũng trái khoáy, với cái thân teo tóp, vẹo vọ thường đi đôi với bộ áo quần xộc xệch cũng là điều dễ hiểu, dễ chấp nhận. Ở Hân lại không, cái áo thu đông bộ đội phẳng phiu, thơm mùi nắng như cãi nhau với cái quần cộc nhiều túi, nhiều dây, bạ đâu cũng miết đũng xuống ngồi. Con người vô sản như y: Là đông nhất, được ít nhất, thiệt nhiều nhất mà Đảng đã chọn làm nòng cốt thì không cần câu nệ chỗ ngồi. Trong thơ ca, y đã nhiều lần tung tẩy cái thú vui được chia sẻ, được tặng thơ với nét chữ rất đẹp viết trên những tờ giấy thủng bụng xé ra từ vở tập
Cũng đành nợ một ân tình
Xoạc chân lỡ bước giật mình vì thơ
... Đêm trường nửa tỉnh nửa say
Bên thời tóc rối bên vay hận sầu...
Tả tình đồng chí chốn quan trường:
Hai người công tác với nhau
Người tốt vào cũi người gian quan trường
Tả về cuộc sống:
Cuộc sống ơi
Đẫm màu nỗi nhớ
Ngược xuôi như dòng sông
Chở mặt trời sớm
đỏ lòm mầu nắng
Chở vầng trăng chiều
lạnh giá
Chở yêu thương
đứt đoạn hững hờ...
Đọc những vần thơ điên điên khùng khùng, có người bảo y bị nghiệp chướng đến nơi rồi. Và đúng vậy, y đã bị đồng chí Bí thư xã gọi ra Ủy ban. Dằn mạnh tờ giấy xuống bàn: Thơ thẩn gì đây? “... Đảng ta nay đã già rồi / Chia thành hai phái dân thời khổ đau”. Lại còn ký cả tên Nguyễn Tường Hận nữa chứ .
Dù không được mời ngồi, y vẫn thản nhiên ngồi xuống cái ghế băng vốn dành riêng cho người bị gọi đến để cảnh cáo. Đối với y, cái ghế của người vô sản không nên tự chọn. Hai hốc mắt như sâu thêm bởi các vết nhăn rúm như chân chim dãn ra, lấp lánh: Chẳng thấy sai cái gì sốt, chú đừng vén quần mà lội vào thơ như thế, cái “Già” ở đây không phải là già yếu, phải hiểu là già dặn, là từng trải, câu sau tôi có nói chia thành hai Đảng đâu mà chú lo, chỉ là chia thành hai phái tốt xấu, hai phái cơ hội và lập trường kiên định theo ý đồng chí tổng Bí thư Đảng:“Một bộ phận trong Đảng bị biến chất thoái hóa” thôi mà. Dấu“ nặng” trong chữ Hận là bút danh người đời chấm giúp vào chứ tôi chối cũng chả được.
Ngừng một lát như để kiểm nghiệm người đối diện có biết thưởng thức cái vị ngọt sau cái đắng chát của chè mà y vừa “ pha” hay không? Giọng trầm xuống: - Là người chịu trách nhiệm cao nhất xã, hơn ai hết, chú hiểu những người chỉ hô khẩu hiệu to, không dám kề vai gánh vác công việc vì sợ trầy vai bẩn áo lại là những người có lý lịch sáng quắc như gương, loại người này không giúp ích gì cho dân cho Đảng. Ví như hai người cùng đi một hướng trên một con đường, người mang nặng hành trang phải bước gấp hơn cho khỏi tụt hậu nên dễ vấp ngã, mà đã ngã, đầu tóc, quần áo dễ vấy bẩn so với kẻ hành lý tồng tềnh luôn tìm được chỗ đặt chân an toàn, êm ái. Hai loại người này, nếu đồng hành, chú chọn ai?.
Họ đã nói với nhau những gì sau đó. Không ai biết được vì y không kể lại. Chỉ biết rằng sau đận ấy, y không còn chửi đời và ít hận mình hơn. Trong hình hài tả tơi ấy, đã có tính cách “Anh Hân” của ngày xưa.
... Ngôi nhà hoang lạnh mấy chục năm được quét lại vôi ve như bừng sáng lên trong ánh điện và tiếng chào hỏi của các chi hội trong làng mấy ngày nay đến thăm Hân, một nhà bạt mới dựng ngoài sân làm nơi tiếp khách, bà gái hóa “ cho mượn đất” luôn có mặt. Cũng rót nước, mời ngồi, trả lời thay Hân hàng trăm câu hỏi thăm của mọi người. Dạn hơn “Bà gái hóa” một tý, rụt rè hơn bà chủ nhà một tý, rất vừa. Tiếng nói, tiếng cười hồ hởi không giống cái không khí trầm lắng khi đi thăm người ốm thường thấy. Mọi người vui là phải, ngoài cái tình làng xóm lúc tắt lửa tối đèn, họ đã tìm được “Anh Hân” của họ ngày xưa, anh Hân hay lam hay làm, luôn hết mình vì mọi người...
Không biết ai báo tin, Vân biết và Vân đã về. Khi chếc xe con từ từ dừng bánh, cánh cửa bật mở, Vân cúi đầu chào mọi người bước vào nhà, khuỵu người, đổ ập mái tóc chớm bạc nhưng còn rất dày và óng ả vào ngực Hân nức nở: Em đã bay về với anh đây, Hân ơi!
Cái tiếng gọi trong hang đá ngày nào lặp lại, nhưng nó không âm vang ràn rạt mà trầm xuống bởi cộng hưởng nhiều tiếng xụt xịt, nức nở ở xung quanh khiến tiếng gọi cứ đặc quánh lại, ứ đầy tiếc thương cho một số phận, tiếc thương cho một đời người.
Trọng đông 2012
Nguyễn Tô Quang