(Câu chuyện về những vế đối)
Hồi trong năm, lúc gần đến tết Quí Tỵ, thấy không khí ra đối và ứng đối của xóm “Tri Ân Cuộc Đời” sôi nổi quá, tự dưng tôi nhớ đến câu chuyện tôi (Tức Tạ Anh Ngôi) cùng với anh bạn họa sỹ điêu khắc đi thăm làng nghề khắc đá mỹ nghệ mãi một tỉnh phía Nam Miền Trung và một vế đối trong một lúc xuất thần (và têu tếu) tôi đã nghĩ ra để trêu bạn. Quả thật, câu chuyện có đến 9/10 tình tiết là có thật, chỉ có vế đối là do tôi “bịa” ra, cũng chỉ nhằm “giải quyết” thời gian nhàn rỗi và nhàm chán của chúng tôi trên chuyến tàu đường xa ấy. Đúng là suốt cả hành trình dài dằng dặc từ Nam ra Bắc, bạn tôi đã không nghĩ ra được vế đối nào khả dĩ, và chính tôi cũng tắc tỵ! Chuyến ấy, vì ra đối mà không đối lại được, tôi đã bị ông bạn vàng “tỷ” cho một trận nên thân. Tôi xấu hổ quá, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, cứ xười xòa xí xóa!
Cùng với thời gian, tôi cũng quên béng câu chuyện ra đối với anh bạn nọ và cũng chưa nghĩ ra được vế đối lại. Đáng lý ra, tôi phải đào sâu, chôn chặt câu chuyện đối ngẫu ấy vào tận đáy lòng mình, để không còn bị nó dày vò khổ ải nữa, thế mà trong một phút ham vui tôi lại “thòi” ra, lại còn đăng lên Blog của mình để thách đối thiên hạ nữa chứ! Chữ đã gõ, bài đã đăng cả ở trang anhngoi blogspot.com, lẫn trang “Tri Ân Cuộc Đời” rồi. Câu chuyện đã "như dao chém đá” làm sao có thể gỡ bỏ và tháo lui được nữa? Sau khi bài đăng, cụ Tuân, cụ Song Thu và cụ Dự đã sốt sắng tham gia. Cụ Song Thu còn tham gia những 3 câu, câu nào cũng đường được.Thế là chết tôi rồi! Cứ tưởng câu đối khó thì mọi người sẽ bỏ cuộc. Chẳng ngờ họ lại hăng hái đến thế! Bao nhiêu câu, từ khả dĩ có thể dùng thì họ đã dùng hết rồi, phen này chắc chỉ còn cách giả vờ ốm, may ra họ mới tha!
Mấy ngày đón tết Quí Tỵ vừa qua thật là nặng nề đối với tôi. Mỗi ngày trôi qua là lòng tôi lại thấy lo lắng. Giá kể, khi kể câu chuyện về vế đối ấy, tôi cứ làm như vô tình đăng lên, không hứa hẹn gì cả, thì bây giờ tôi đã có thể lờ đi đươc. Đằng này, tôi lại dại dột hứa đến sau rằm tháng giêng năm Quí Tỵ, sẽ đăng câu “Giải Đối” của mình nữa chứ! Hết đường lùi rồi. Như con tốt trên bàn cờ người, tôi chỉ còn mỗi một cách: TIẾN. Nghĩ như vậy, nên suốt mấy ngày tết và cho đến tận hôm qua, đi đâu làm gì, lúc ăn lúc ngủ, tôi đều bị câu đối chi phối tinh thần. Đã đang bí chưa tìm được lối ra, lại còn bị “lão” Thanh Dạ luôn luôn “quan tâm” hỏi han, đến sốt cả ruột. Nếu mà không nghĩ ra được vế đối sao cho khả dĩ tàm tạm, chắc chắn lão Thanh Dạ, cụ Đỗ Đình Tuân và cụ Song Thu “lắm lý sự” kia sẽ cho mình “ăn quả” hội đồng đến ra tóp, ra bã chứ chưa cần đến mấy mụ nạ dòng ở phố Bèo nhà cụ Song Thu ra tay!
Càng nghĩ tôi càng thấy mình dại. Nào có ai bắt bớ gì mình đâu? Mình tự nguyện chui vào tròng để cho họ giật đấy chứ? Đáng ra, mấy ngày tết Nguyên Đán, được vợ o bế, vuốt ve, lại được ăn uống no đủ, chơi bời thỏa chí, thì tôi phải tăng cân lên hàng chục ký ấy chứ? Thế mà hôm qua tôi cân ở hàng cân, so với trong năm, tôi chỉ tăng được có 6 ký lô thôi! Thế là vế đối đã “nuốt” của tôi mấy ký thịt còn gì? Tôi căm tôi lắm. Lòng tự hứa với mình lần sau không dại như thế nữa.
May sao, ngày 23-2-2013 vừa qua, nhân chuyến cùng gia đình ông bạn đi lễ chùa đầu năm, tôi đã gặp được vế đối của tôi. Tôi mừng quá, nhẩy cẫng lên mà cười như người tâm thần, đến nỗi tý nữa thì họ đưa tôi vào bệnh viện! Chắc các bạn muốn hỏi tôi câu đối ấy thế nào? Hãy khoan khoan. Đừng nóng vội. Cứ từ từ rồi tôi sẽ kể câu chuyện đã gợi ý cho tôi về vế đối ấy. Chính câu chuyện này đã gỡ cho tôi khỏi mấy cụ đang chờ tôi ở sau ngày Rằm tháng Giêng, năm Quí Tỵ sắp tới. Tôi sung sướng quá. Trời vẫn chưa tuyệt đường của người “thật thà”! Lão Đỗ Mỗ, lão Thanh Dạ và cụ Song Thu hãy đợi đấy! ”Pô-gô-đưi!” Đừng có mà “mơ”nhé!
Chuyện là thế này, có một tài chủ muốn công đức vào ngôi chùa nọ một đôi lục bình sứ Giang Tây. Nhưng khốn nỗi, đôi lọ cao tới trên 2 mét, đường kính thân lọ cũng phải tới 50-60cm, chùa lại ở mãi lưng chừng dốc núi, đường lên chùa vừa quanh co lại vừa dốc, có chỗ dốc gần như thẳng đứng, các biện pháp khênh, gánh đều không thể được, vì không an toàn. Nghĩ mãi, họ mới tìm ra một cách: Vị tín chủ đành phải thuê một người cao to, khỏe mạnh, dùng dây lõi (loại dây bện bằng sợi vừa mềm lại chắc) cột vào thân lọ như đôi quai, đeo vào vai như đeo ba lô, rồi leo lên chùa. Phương pháp này xem ra rất hiệu quả ,vì rất an toàn.
Đoàn chúng tôi tới thăm chùa, đúng lúc người đeo lục bình sứ tiến vào trong chùa. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, một người trong đoàn tôi bỗng thốt lên: ”Trông cứ y như lọ sứ đeo người, chứ không phải người đeo lọ sứ vậy!” Chúng tôi đều quay lại nhìn, và thấy nhận xét kia là chính xác. Chiếc bình sứ thì to cao, con người lại nhỏ bé. Thoáng nhìn, ta có cảm giác con người bị cột vào thân bình sứ, rồi chiếc bình sứ đeo người ấy lên vậy! Chính hình ảnh người đeo bình sứ và nhận xét của người đi cùng đoàn, đã gợi ý cho tôi câu giải đối. Chẳng phải mất công suy nghĩ hay tìm tòi khó nhọc gì cả, tôi chỉ việc rút gọn và thay đổi một vài tình tiết, kết cấu của câu nhận xét kia, là có thể hoàn chỉnh được câu giải đối - Thứ làm cho tôi đã mất ăn,mất ngủ bao lâu nay. Thế là tôi đã trút được gánh nặng. Thế là tôi đã không phải sợ gặp ông Thanh Dạ, ông Đỗ Đình Tuân và cái bà” đáo để” Nguyễn Thị Song Thu, vào sau ngày Rằm Tháng Giêng kia nữa. Tôi đã có thể giữ đúng lời hứa của tôi. Đúng là trời không tuyệt hết đường của “người chân thật”. Tôi đã được cứu. Đây, ân nhân của tôi đây. Tuy không toàn bích nhưng cũng có thể coi là khả dĩ. Tôi xin được trân trọng giới thiệu ân nhân của tôi cùng quí vị - Câu giải đối mà tôi đã hứa hôm nào. Tôi xin chân thành cảm ơn các cụ, các ông, các bà và toàn thể cư dân xóm ”Tri Ân Cuộc Đời” đã bớt chút thời gian, chia sẻ cùng tôi câu chuyện rắc rối này!
Vế ra: ĐẼO ĐÁ NÊN NGƯỜI CHO ĐÁ ĐẼO
Vế đối: ĐEO SỨ TẠI CHÙA TƯỞNG SỨ ĐEO
Nhân Hưng, 17h30 ngày 24-2-2013
(Rằm tháng Giêng, năm Quí Tỵ )
Tạ Anh Ngôi
(Hình ảnh chỉ mang tính minh họa tỷ lệ giữa lục bình sứ với con người)