Thày Lê Khánh Quỳnh quê gốc ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Mới 13 tuổi thày đã lên chiến khu Hòa Mỹ tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm liên lạc. Hòa bình lập lại, mới 15 tuổi thày được tập kết ra Bắc, được đi học phổ thông, học Đại học và trở thành giáo viên môn Vật Lý. Tốt nghiệp đại học thày về công tác tại Trường cấp 3 Nam Sách và sau đó sang Trường cấp 3 Chí Linh từ năm 1970 đến 1973. Sau đó thày được Bộ triệu tập về làm công việc viết sách giáo khoa. Từ đó thày gắn bó với công việc làm ra những tấm sách giáo khoa cho học sinh cả nước cho đến khi về hưu.
Mặc dù thời gian ở Chí Linh không dài song thày luôn dành cho mảnh đất và con người nơi đây những tình cảm vô cùng sâu nặng, nhất là với các học sinh niên khóa 1968- 1971. Thày đã nhiều lần về dự Hội khóa của khóa này. Và chính tư gia của thày và cô Hạnh cũng là một địa chỉ “tụ tập” của học sinh Chí Linh. Vĩnh biệt thày, xin nhắc lại một vài kỷ niệm sâu sắc với thày.
Mừng ngày Nhà giáo, thày cô lại chiêu đãi trò:
Sau một thời ly tán do chiến tranh, lo học hành rồi lo làm ăn kiếm sống… thì quãng cuối những năm 80 chúng tôi mới lần tìm và tập hợp đủ đội hình học sinh Trường cấp 3 Chí Linh niên khóa 1968- 1971 nói chung và tại Hà Nội nói riêng. Lúc đó, tại Hà Nội có khoảng 10 bạn, đủ cả 3 lớp và làm nhiều nghề khác nhau. Tôi mặc dù đóng quân ở Vĩnh Phú, nhà ở Sao Đỏ song cũng hay về đây tụ tập vì đang theo học tại chức Đại học KTQD. Tập hợp được nhau rồi chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau và bắt đầu dò tìm thông tin về các thày cô giáo đã từng dạy dỗ mình cũng đang ở Hà Nội. Bằng nhiều phương cách khác nhau dần dần chúng tôi cũng tìm ra địa chỉ của bảy thày, cô đã từng dạy ở Chí Linh thời chúng tôi học. Đó là thày Nghị dạy Sinh Vật; thày An dạy Toán Lý; thày Hùng dạy Toán; vợ chồng thày Thịnh, cô Cẩm Tú dạy Vật Lý và vợ chồng thày Quỳnh, cô Hạnh. Thày trò tìm được nhau mừng vui khôn xiết. Chúng tôi vui mừng vì thấy các thày cô sau mấy chục năm xa nhau vẫn mạnh khỏe, vẫn cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Còn các thày cô cũng vô cùng phấn khởi vì thấy các trò của mình ngày nào giờ đã trưởng thành, rắn rỏi.
Cũng bắt đầu từ đó, cứ dịp 20 tháng 11 chúng tôi lại dắt díu nhau đến chúc mừng các thày cô nhân dịp Ngày nhà giáo. Năm nào đông thì gần đủ, năm vắng cũng 4-5 tên. Mà đã đi hầu hết là kéo theo rờ- moóc (vợ con) nên đội hình khá là hùng hậu. Và cái đội quân rồng rắn ấy thường kết thúc hành trình ở nhà thày Quỳnh, cô Hạnh bởi khi gọi điện đến thày hay cô vẫn dặn: “Đi đâu thì đi nhưng Trưa (hoặc chiều tối) về nhà thày cô ăn cơm”. Được cái bọn tôi cũng là những tên không khách sáo gì nên chấp hành lệnh của thày cô khá nghiêm. Vất vả nhất những ngày này chính là cô Hạnh. Chẳng biết cô chuẩn bị từ bao giờ song những bữa tiệc ấy đều rất thịnh soạn, chu đáo. Vất vả thế nhưng lúc nào cũng thấy cô vui như Tết. Có năm cả ba chị em TH, MH, VA cũng có mặt, vui thật là vui. Thế là ngày Tết nhà giáo, đến tết thày cô lại được thày cô cho ăn tết.
Sau này, thấy cứ như thế cũng bất tiện và vất vả cho thày cô quá, mà thày cô thì càng ngày tuổi càng cao, sức càng yếu nên chúng tôi quyết định nhóm Hà Nội sẽ “đại hội” vào dịp 20.11 tại một địa điểm chung. Sẽ mời các thày cô đến dự để chúc mừng và liên hoan luôn. Nề nếp đó vẫn được duy trì đều đặn và thày Quỳnh, cô Hạnh cũng đã tham gia rất nhiệt tình.
Thày Lê Khánh Quỳnh trong buổi gặp mặt 20.11.2012 |
May quá, nó vẫn còn ở đây
Trong những lần đến thăm và chúc mừng các thày cô giáo thì có một lần những ai có mặt chắc sẽ không thể nào quên. Ấy là vào dịp 20.11 năm 1992. Năm đó mùa đông đến sớm nên mới cuối tháng 11 trời đã khá lạnh. Chúng tôi chọn lúc gần trưa để đi cho ấm. Đoàn binh hôm đó khá đông, trong đó có vợ chồng Bùi Đức và Tú Anh. Cháu Tú Quỳnh- con gái của Bùi Đức- Tú Anh chưa đày tuổi, không yên tâm để ở nhà nên mẹ Tú Anh ủ cho thật ấm rồi bế đi theo.
Sau một hành trình hơi dài, gần trưa chúng tôi mới đến nhà thày Quỳnh, cô Hạnh ở đường Phan Đình Giót, chỗ bãi than ga Giáp Bát rẽ vào. Thật không may, thày cô đi đâu đó vắng nhà. Vì đã điện thoại trước nên bọn tôi biết thày cô hôm nay không đi đâu xa cả. Có điều không hẹn thời gian đến nên thày cô chạy quanh đâu đó thôi. Cả bọn quyết định quay ra quán “RTC” bãi than vốn khá nổi tiếng để chờ.
Trời thì lạnh, quán thì ấm, RTC thì ngon nên mọi người hăng hái lắm. Để thao tác đỡ vướng víu mẹ T.A bế con vào phòng trong của chủ quán cho bé nằm nhờ. Sau chừng hơn một giờ nhiệt tình rót, gắp tất cả các món đều sạch sành sanh và tinh thần cả hội thì hết sức hăng hái mới đứng dậy vào nhà thày cô. Đúng như chúng tôi dự đoán, lúc này thày cô đã về. Thày cô phê bình chúng tôi “thiếu kiên trì” vì thày cô chỉ chạy ra chợ ngay gần đó thôi. Rồi thày lấy rượu, bia ra thày trò cùng nâng cốc chúc mừng. Không khí thật là vui vẻ, đầm ấm. Đến lúc đó như thường lệ cô Hạnh mới hỏi han từng đứa về tình hình con cái thế nào. Nhắc đến “con” thì T.A mới hoảng hốt kêu lên: “Chết rồi! Tú Quỳnh vẫn ở quán”. Cả bọn lúc này mới nhớ ra, còn thày cô thì ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Tôi vội giải thích cho thày cô hiểu và xin phép thày cô để chúng tôi về. Thày cô đồng ý ngay và cũng khóa cửa đi cùng chúng tôi ra quán xem sao.
Đã quá trưa. Quán đã đóng cửa kín mít. Cả hội lo lắng gọi một lát thì bà chủ quán mới ra mở. Cửa vừa mở T.A đã lao ngay vào phòng trong. Tại đó, bé TQ vẫn say sưa ngủ như chẳng có gì xảy ra. Cô Hạnh thì cứ xuýt xoa nhắc đi nhắc lại: “May quá! Nó vẫn còn ở đây”.
Thời gian trôi nhanh quá. Mới đó mà nay bé TQ đã tốt nghiệp đại học rồi.
Thày biết các cậu còn khó khăn lắm
Nói cho công bằng, học sinh khóa 1968- 1971 là một khóa có những nét rất riêng. Có vẻ đó là một khóa học “trọng tình”. Học sinh trong khóa rất tình cảm với nhau, rất quý trọng thày cô và cũng rất gắn bó với quê hương. Cũng chính vì vậy, khóa này đã tổ chức một cách đều đặn các cuộc gặp mặt 5 năm một lần từ 1991 đến nay. Lần gặp mặt nào cũng được tổ chức rất trang trọng, ý nghĩa và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dự. Để làm được điều đó, các bạn trong BLL thường phải lao tâm khổ tứ rất nhiều, phải lo nhiều thứ, đặc biệt là trong những năm đầu.
Hồi đó, đất nước nhìn chung còn khó khăn. Bạn bè trong khóa cũng vậy, nhiều người vẫn còn trong cảnh “đầu tắt mặt tối chạy ăn từng bữa” nên một trong những mối lo của BLL là vấn đề tài chính bảo đảm. Các cụ chả tổng kết “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là gì! Mà mỗi lần thế biết bao nhiêu thứ phải chi. Cũng vì vậy, đã từng có lần sau khi gặp mặt xong, BLL lại phải ngồi lại với nhau cộng trừ nhân chia và cùng móc túi ra để góp thêm cho “huề”.
Năm 1996, tình hình cũng không khá hơn bao nhiêu nên BLL cũng vẫn lo lắm.Đến trước giờ khai mạc rồi mà thủ quỹ Hồng vẫn nhăn nhó: “Chúng nó nộp ít quá. Có khi âm mất”. Tôi bảo: “Không sao! Cứ làm đi! Có gì bọn tớ góp thêm”. Nói cứng vậy song vẫn lo. Nhỡ âm nhiều quá thì mình toi. Đúng lúc ấy, tôi thấy thày Quỳnh lại gần và đưa cho mình một bọc giấy. Tôi ngơ ngác song vẫn đưa tay nhận và hỏi thày: “Thưa thày, cài gì đây ạ?”. Thày cười hiền hậu: “Quà của vợ chồng tôi tặng các cậu”- (thày hay xưng thế với chúng tôi). Tôi mở lớp giấy bọc thì thấy đó là một cọc tiền nên hốt hoảng đưa lại cho thày: “Thưa thày, chúng em đã chuẩn bị đủ rồi. Mà thày cô là khách quý của bọn em cơ mà”. Thày lắc đầu nghiêm mặt: “Cậu cứ cầm lấy! Khách thì không được tặng quà à?”. Tôi bối rối chưa biết xử trí thế nào thì thày trầm giọng: “Cậu cứ nhận đi! Tôi biết các cậu còn khó khăn lắm”. Trước tấm lòng chân thật của thày, tôi đành nhận và cảm ơn thày. Năm đó, quỹ Hội của chúng tôi không “âm” nữa mà còn dư dật để chi tiêu cho những công việc khác trong mấy năm sau.
Bệnh nghề nghiệp ấy mà
Khoảng năm 2000 thày Lê Khánh Quỳnh về hưu. Thày đã nghỉ song trông vẫn phong độ lắm và lúc nào cũng rất dồi dào sinh lực. Hồi ấy phong trào tập khiêu vũ cổ điển tương đối phát triển. Ngay thày An cũng đã mở một trường dạy khiêu vũ ngay tại nhà (22 LQS). Trong một lần gặp gỡ nghe thày An nói chuyện thày Quỳnh thích ngay và bắt đầu tham gia luyện tập ở Cung hữu nghị Việt Xô. Có lẽ thày là người có năng khiếu nên tiến bộ rất nhanh và tỏ ra vô cùng thích thú với sở thích mới này. Lần nào gặp nhau thày cũng nói về khiêu vũ rất nhiều. Nào là khỏe người. Nào là vui vẻ v.v… Rồi thày khuyến khích chúng tôi nên luyện tập. Không chỉ thế, thày còn biên soạn thành giáo trình huấn luyện một số điệu nhảy cơ bản rồi photo coppy tặng bọn tôi mỗi tên một quyển. Tôi cười trêu thày: “Phong trào khiêu vũ đang lên. Thày đưa sách này in có khi lại thắng lớn đấy”. Thày cũng cười vui vẻ: “Thấy họ cứ dạy truyền miệng với thực hành mãi mình đâm ngứa ngáy chân tay. Bệnh nghề nghiệp ấy mà”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét