Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Cha và Dì

Theo hướng chỉ của một bà cụ, tôi rẽ vào ngõ có hàng rào tóc tiên. Những nụ hoa dài nhỏ như lũ chuồn chuồn ớt đậu rải rác dọc bờ rào trông thật vui mắt. Cổng nhà không đóng, tôi se sẽ dắt xe vào và dừng lại bên ngoài. Sâu trong sân, bên mấy khóm nhài, một người đàn bà chừng bốn bảy, bốn tám tuổi đang mải miết hái những bông hoa nhỏ xíu, trắng muốt bỏ vào chiếc ly thuỷ tinh. Mặt trời buổi sáng lách qua giàn thiên lý, buông mấy chùm hoa nắng nhảy nhót trên sân.

Người đàn bà không biết có người lạ, vẫn tiếp tục vén lá tìm những bông hoa bị che khuất. Không gian yên tĩnh mà sống động. Hương thơm của hoa lá còn hơi sương thật dễ chịu. Trạng thái căng thẳng của tôi trước lúc đến đây chùng hẳn xuống. Tôi ngờ ngợ, người đàn bà này mình đã gặp ở đâu? Đúng rồi! Hoa nhài ...

Khi Cha tôi bệnh nặng đang nằm viện, có một thiếu phụ đã đến thăm Cha. Tôi bước vào phòng chỉ kịp nghe cô ấy nói "Em về". Thấy tôi, cô gật đầu chào và vội vã đi ra. Tôi đến cạnh Cha, thấy trên kệ tủ nhỏ đựng đồ có mấy chùm hoa nhài còn tươi nguyên lá, cắm trong chiếc bình nhỏ xíu, trong suốt, chỉ có ở phòng thí nghiệm hoặc phòng pha chế hoá chất. Bình hoa nhỏ nhắn, ngộ nghĩnh thật dễ thương. Hình như cha tôi đang mơ màng hít sâu hương thơm thoảng dịu của hoa. "Ai vậy Cha?" Ông giật mình, "À, cô ấy cùng cơ quan với Cha trước đây". Lúc ấy tôi còn nhỏ, chẳng biết gì ...

Vậy là thiếu nữ có đôi mắt lá răm đang nhìn như thôi miên vào chùm hoa nhài trong tấm ảnh mà tôi đang giữ, người thiếu phụ với những bông hoa nhài đến thăm cha tôi ngày ấy và người đàn bà đang lặng lẽ hái hoa nhài trong sân kia là một. Người ấy đã từng đi qua cuộc đời của cha tôi. Nhưng hoa nhài có duyên nợ gì với bà nhỉ? Đó chỉ là sự trùng lặp tình cờ hay còn một lý do nào khác? Ý nghĩ bất chợt ấy khiến tôi có dự cảm cuộc gặp gỡ với bà không chỉ dừng lại ở ý định lúc đầu. Tôi cất tiếng chào cũng dễ dàng, không đến nỗi nặng nề như tưởng tượng khi ở nhà.
- Chào Dì ạ!
Bà nhìn lên, nét mặt bỗng thảng thốt. Mãi mới thấy bà trả lời.
- Vâng ! chào ...
- Con là con gái của cha ...
Bà giơ hai tay ôm hai bên thái dương, thốt lên.
- Ôi! Thảo nào, chúng nó giống nhau quá ...
Rồi như chợt tỉnh bà nói :
- Ta vào nhà đi con!
Căn nhà thật gọn gàng, sạch sẽ. Mọi thứ bàn ghế, giường tủ đều đóng đơn giản, được sắp xếp hợp lý nên căn nhà tuy nhỏ nhưng không thấy chật chội. Tôi nhìn khắp một lượt, chợt dừng mắt ở góc nhà bên phải, cạnh cửa sổ nhìn ra vườn, trên chiếc bàn nhỏ, bên chồng sách xếp ngay ngắn là ảnh một cô gái. Thoạt nhìn, tôi cũng phải thừa nhận: "Giống mình thật". Dì đưa tận tay tôi ly nước.
- Con uống đi, trà hoa nhài thơm lắm ...
- Tôi đón ly nước, lặng lẽ nhấp từng ngụm nhỏ. Dì lau lau chiếc khăn lên mấy chỗ nước ướt, mắt nhìn xuống chờ đợi. Búi tóc còn dày dặn ôm gọn sau gáy, trông dì thật phúc hậu. Chắc lúc còn trẻ bà có duyên lắm. Tôi nghĩ đến Cha, "Không trách, ông đã yêu bà". Tôi lấy trong túi ra một tấm ảnh:
- Trước lúc qua đời, mẹ con dặn lại: Con tìm gặp người trong ảnh, đưa lại cho cô ấy tấm ảnh này và xin cho em nó được về nhận cha trước bàn thờ ông ấy. Trước khi mất, cha con đã đưa cho mẹ tấm ảnh cùng địa chỉ cô ấy. Ông nói có một câu "Cô ấy chỉ có hai mẹ con". Đọc những dòng chữ cha con viết sau tấm ảnh, mẹ hiểu cha con muốn nói gì với mẹ. Nhưng rồi mẹ cứ lần lữa mãi không làm nổi điều đó ...
Dì run run đón tấm ảnh từ tay tôi. Thời gian làm nước ảnh ngả màu, mấy câu thơ cha tôi chép của một nhà thơ nào đó ở mặt sau cũng đã nhạt nhoà màu mực, tôi đã cố đọc và thuộc lòng:
"Trái tim ta cỗi cằn đá sỏi
Chợt trào lên như có bão trong lòng
Ôi! Tình lặng, tóc tơ còn vương vấn
Xa nhau rồi, ai nhớ đến chăng ai?..."

Dưới mấy câu thơ đó ông còn ghi: "Ta mãi mãi có lỗi với em". Áp tấm ảnh lên ngực, Dì lẩm bẩm nói với tôi nhưng thực ra là nói với riêng mình :
- Cha con không có lỗi với Dì !
Tôi không hiểu được, vì sao thế nhỉ? Chính mẹ tôi cũng nói với tôi: "Cha con không có lỗi nhiều với mẹ". Từ khi biết chuyện của Cha, dù rất yêu kính Cha, tôi vẫn cho rằng Cha có lỗi nhiều với mẹ tôi và Dì. Như đọc được suy nghĩ của tôi, Dì nói tiếp :
- Nếu con biết, dì đã từng yêu cha con đến mức nào, đã đau đớn đoạn tuyệt mọi ràng buộc với ông như thế nào, con sẽ hiểu. Giữa dì và cha con, không ai là người có lỗi. Nhưng dì hiểu rõ, chính tình yêu cuồng nhiệt, cháy bỏng của tuổi trẻ nơi dì ngày ấy đã làm cha con lỗi đạo. Do vậy dì đã cắt lòng chịu đựng vì tình yêu của mình. Đó là sự thật hơn hai mươi năm qua. Nếu biểu cảm đỉnh điểm trong tình yêu là sự hoà quyện hai người với nhau để thăng hoa tái tạo nên một sinh linh mới, được gọi là hạnh phúc lứa đôi, thì đối với tình yêu của dì và cha con, đó lại là sự đau khổ tột cùng. Bởi thế, lỗi lớn nhất của dì và cha con là đối với bé Nhài. Nếu không có lòng nhân từ vị tha của con, sự chấp nhận với việc làm nhân đức của con hôm nay, thì cả đời dì phải ân hận. Dì đã hết lòng vì cha con để nuôi dạy bé Nhài, nhưng tình phụ tử thì không thể thay thế...

Nhài đang học Khoa hoá, trường đại học Tổng hợp. Biết em tuần này không về vì đang thực tập tốt nghiệp, tôi vẫn nán lại với Dì một ngày. Đêm ấy Dì nói hết những điều bấy lâu đã âm thầm dồn nén tận đáy lòng với tôi, người đầu tiên được Dì thổ lộ.

Dì được điều về làm y tá trực ở cơ quan Nông trường bộ. Lúc đó cha tôi đang là Trưởng phòng Kế hoạch. Dù biết ông đã có gia đình nhưng tình yêu giữa hai người vẫn nảy nở một cách thầm kín không thể cưỡng lại. Ông đã ở tuổi bốn mươi, hơn Dì mười lăm tuổi. Khi Dì biết có sự khác lạ trong cơ thể mình, cũng là lúc cha tôi nhận được quyết định đề bạt Phó giám đốc. Qua nhiều đêm không ngủ, Dì gặp cha tôi giao ước: Một là, cha tôi không được lui tới với Dì nữa, để Dì tự lo liệu, tuyệt nhiên không để lộ chuyện hai người. Hai là, nếu cha tôi làm khác đi thì dì sẽ quyên sinh. Ngày ấy, cơ quan nhiều lần kiểm điểm nhưng không ai biết được điều gì hơn ngoài một điều, Dì không chồng mà vẫn sinh con. Nhờ có sự bảo lãnh của người anh ruột ở phòng Tổ chức cán bộ tỉnh, Dì được chuyển về bệnh viện đa khoa của một huyện ngoại thành Hà Nội. Từ một y tá giỏi, dì vừa làm vừa học thêm, trở thành y sĩ rồi bác sĩ. Còn cha tôi, sau năm năm làm Phó giám đốc, ông tiếp túc được đề bạt Giám đốc hơn ba năm thì qua đời. Dù đã hứa với sự giao ước của Dì, nhưng cha tôi vẫn liều đến thăm mẹ con Dì một lần trước lúc Dì chuyển đi. Ông đã ôm ghì bé Nhài mới ba tháng vào lòng khóc nức nở và nói "Cha rất tin mẹ sẽ lo chu toàn cho con, nhưng ...". Ngày đến tuổi đi học, ông tìm đến bệnh viện, buộc Dì phải nhận một số tiền nuôi con ăn học để ông đỡ tủi lòng. Ông không có ý định gặp con vì không muốn phải nói với con những điều không thật. Cũng vì vậy, lần cuối cùng đến thăm ông ở bệnh viện, biết cha tôi không thể qua khỏi nhưng Dì vẫn không dẫn Nhài đến gặp cha, Em còn quá bé để hiểu mọi chuyện. Dì chỉ có thể cho Em biết tất cả khi đã trưởng thành.

Tôi không thể phủ nhận những gì Cha đã dành cho năm anh em chúng tôi. Cha là niềm tự hào, là đấng anh minh, là người cha tôn kính rất mực thương yêu của chúng tôi. Tôi là con gái duy nhất, lại là út luôn được Cha chiều chuộng. Nhiều khi tôi được ông ôm thật lâu, thơm thật nhiều, thật dài. Tôi thấy mình thật sung sướng. Phải chăng những lúc ấy, cha muốn tôi nhận tình thương yêu của cha cho cả em Nhài. Từ bé tôi cũng chưa bao giờ nghe Mẹ phàn nàn gì về Cha, nên khi biết chuyện Cha và Dì, tôi không muốn chấp nhận một sự thật về Cha. Trước khi đến đây, tôi vẫn không sao gạt nỗi định kiến không tốt với Dì. Nhưng giờ đây tôi đã khóc, khóc trong tắc nghẹn, nức nở, có lẽ cả đời tôi chưa bao giờ khóc như vậy. Ôi! Để làm được những gì cho em Nhài, cho cha tôi và cho bản thân mình hôm nay, dì tôi đã phải đau khổ, dầu dãi theo thời gian nghiệt ngã. Tôi nghĩ, nếu phải chết cho tình yêu thì điều đó còn dể hơn ngàn lần so với sự hi sinh, chịu đựng và vượt lên của Dì. Lúc này tôi mới thấm thía lời tâm sự của mẹ: "Cha và mẹ lấy nhau không có tìm hiểu yêu đương. Khi cha con còn đang học trên trường huyện, gia đình đã dạm ngõ mẹ cho ông qua mối mai. Đến ngày cưới, cha mẹ mới biết mặt nhau. Mẹ nghĩ, chuyện cha con có yêu một phụ nữ nào khác cũng là chuyện thường. Nhưng cha con vẫn công thành danh toại, gia đình êm ấm thì cô ấy phải là người hiểu biết và thật tử tế ..." Nghe mẹ nói , tôi vẫn nghĩ, mẹ quá nhân từ và vị tha mà nói vậy. Bây giờ thì tôi hiểu ... Trong tôi đau đáu một nỗi niềm, không ngọt ngào nhưng thật hạnh phúc. Giờ đây, anh em chúng tôi còn có Dì và em Nhài, một phần cuộc đời của cha tôi ... .
Sáng hôm sau, Dì tiễn tôi ra cổng, qua mấy khóm nhài đầy hoa thơm ngát, tôi chợt hỏi chuyện duyên nợ với hoa nhài của dì. Mắt Dì trở nên xao xuyến, bâng khuâng. Tôi nghe tiếng dì như gió thoảng.
- Cha con rất thích trà ướp hoa nhài...
Tôi thầm nghĩ, "Còn mẹ và anh em chúng con vẫn nghĩ cha chỉ thích nước chè xanh". Xe đã đi qua khỏi ngõ, mùi hương nhài vẫn vấn vít theo sau. Hít một hơi thật sâu, tôi thầm nói với mình "Con cảm ơn Dì thật nhiều"...

Nha Trang 24/9/1996 

 Minh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét