Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

NGUYỄN THÀNH CÔNG

Thành công đấy, nhưng... - Kỳ 2



Từ đó, mỗi lần vào SG công tác tôi và hắn đều gặp nhau. Tôi đặc biệt quý hắn vì mặc dù sống xa quê mấy chục năm, lại ở giữa Sài Gòn hoa lệ thế này song hắn vẫn giữ được cái bản chất chân chất của người quê tôi. Lại nữa, hắn là người rất trân trọng tình cảm bạn bè. Ngược lại, hắn cũng rất quý tôi và hai thắng cũng hay tâm sự với nhau. Thời gian sau này, chúng tôi kết nối thêm được lão Thảo, thằng Sướng mới chuyển công tác vào trong đó nên đã vào SG là tôi phải dành ít nhất một buổi cho nhóm này. Riêng thằng TP tài vụ A42 mất chức kiêm cò nhà đất thì thi thoảng mới góp mặt. Tất cả những lần gặp mặt ấy, hắn đều tranh chi trả tiền. Lý do được hắn nêu ra rất giản dị: “Chắc chắn là đến thời điểm hiện tại, tao đang khá hơn chúng mày. Vậy phải để tao trả. Còn bao giờ chúng mày khá hơn tao thì tao sẽ để chúng mày trả”.

Trong những lần gặp mặt đó đã có đôi lần tôi ngủ lại nhà hắn và cũng đã khá thân thiết với gia đình hắn. Vợ hắn thì luôn tỏ vẻ lễ nghĩa và hơi có vẻ khách sáo. Riêng hai thằng con trai hắn thì rất khoái tôi vì tôi cũng có nhiều chuyện để kể cho chúng nghe, để nói với chúng. Chuyện về quê bố chúng. Chuyện về đánh nhau ngày xưa. Chuyện học hành, games ghiếc … thời nay v.v… Theo tôi nhận xét: thằng con đầu của hắn chất phác, thật thà có nhiều phần giống bố. Còn thằng thứ hai thì có vẻ ma lanh, quái hơn thằng anh nhiều. Qua những lần gặp gỡ đó, tôi đã dần dần được hắn kể cho nghe chuyện của mình.

Về cái thời làm lính thì chẳng nói mọi người cũng biết. Cũng là những chuyện gian khổ, khó khăn, ăn đói mặc rét và cái chết cận kề- nhất là đối với một chiến sĩ đặc công của tỉnh đội Tây Ninh. Có điều, hắn bảo chẳng biết tổ tiên ông bà phù hộ thế nào mà bằng ấy năm, mặc dù khối lần tưởng chết đến nơi mà hắn vẫn không mất mảy may một sợi tóc. Hình như hòn tên, mũi đạn đều tránh hắn thì phải. Và cho đến ngày toàn thắng 30.4.1975 thì hắn vẫn còn nguyên vẹn để tận hưởng niềm vui chiến thắng cùng toàn dân tộc.

Tuy nhiên, sau khi men say chiến thắng lắng xuống cũng là lúc hắn phải đối mặt với thực tế phũ phàng của cuộc đời. Đất nước đã hòa bình, quân đội giảm biên chế. Cũng như hàng vạn, hàng chục vạn đồng đội khác Hắn được thông báo là sẽ được cho ra quân trong một ngày không xa. Tùy hắn lựa chọn: hoặc là xuất ngũ về quê, hoặc là chuyển ngành về đâu đó nếu xin được… Đó là những tháng ngày hắn suy nghĩ rất căng thẳng: đi đâu? Về đâu?...

Nói cho công bằng, quê hương hắn dù mang một cái tên rất đẹp: xã An Lạc, dù dưới lòng đất có cả một mỏ than, dù có ngôi đền Cao nổi tiếng linh thiêng… thì vẫn cứ là một miền quê nghèo. Không chỉ nghèo mà ở đây còn tồn tại những thói tục khá là bảo thủ từ xưa truyền lại. Về đó ư? Dẫu rằng rất yêu quý quê hương nhưng nếu về đó sẽ phải chấp nhận cuộc sống khó khăn như bao đời ông cha đã chấp nhận. Trong khi đó, dù mới chỉ ở miền Nam mấy năm hắn đã nhận thấy đó là một xứ sở giàu có về mọi mặt: thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, con người thì cởi mở và tân tiến- đó là xứ sở rất thuận lợi cho những ai muốn làm giàu. Sau khi suy đi, tính lại hắn quyết định sẽ ở lại miền Nam để lập nghiệp. Nhưng bắt đầu như thế nào đây?

 Nói cho công bằng, sau ngày giải phóng miền Nam những anh bộ đội người Bắc mà muốn ở lại trong đó làm việc thì xin việc vào các cơ quan nhà nước cũng không phải là một việc quá khó. Tất nhiên, với những người mà chỉ biết mỗi việc cầm súng thì cũng chỉ được nhận vào những vị trí làm những công việc giản đơn không cần chuyên môn như bảo vệ, nhân viên hành chính v.v.... Đã có một số đồng đội trong đơn vị hắn chọn con đường đó. Còn riêng hắn, hắn có suy nghĩ khác. Hắn cho rằng để đi được xa thì người ta phải chuẩn bị đủ hành trang cho mình. Mà với hắn bây giờ cái hành trang cần thiết nhất là tri thức. Đó cũng chính là cái mà hắn đang thiếu nhất. Và thế là chàng chiến sĩ đặc công lên gặp chỉ huy đơn vị đề nghị cho đi ôn văn hóa để thi đại học. Nguyện vọng của hắn được chấp nhận. Hắn về trường văn hóa quân khu ôn lại bài vở với một quyết tâm nung nấu trong lòng: phải thi bằng được vào ĐH Y Dược thành phố HCM.  Lý do hắn chọn trường đó cũng rất giản dị: qua thời gian sống trong đó hắn thấy các bác sỹ, dược sỹ là những người được trọng vọng, kinh tế cũng khá giả hơn các tầng lớp khác. Đại loại vậy!

Sau hơn một năm cày cuốc, giữa năm 1977 hắn đã thi đỗ vào ngôi trường mơ ước: Khoa Dược, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ngày nhập trường, với nước da đen cộng thêm một chút xanh xao của sốt rét rừng, hầu hết các cô học sinh cùng lớp đều gọi hắn là chú mặc dù hắn cũng chỉ mới 24 tuổi. 

Tiếp đó là sáu năm miệt mài dùi mài kinh sử. Không yêu đương. Không chơi bời. Không du hý. Chỉ có học và học. Hắn lao vào học như bù lại những năm tháng tuổi trẻ đã bị chiến tranh lấy mất. Và cuối cùng, hắn đã tốt nghiệp ĐH một cách xứng đáng với tấm bằng loại Giỏi. Ngay sau khi ra trường hắn được một Xí nghiệp Dược đóng trên địa bàn TPHCM nhận vào làm việc.

Đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp lại có việc làm ngay như hắn cũng là một điều có thể nói là may mắn. Không chỉ thế, về đây một thời gian thì hắn gặp người mà sau này hắn cưới làm vợ. Đó là một cô kế toán có cha là cán bộ miền Nam tập kết và mẹ là người Hưng Yên. Sau ngày giải phóng, cha cô được điều về miền Nam công tác và hiện đang làm Phó Giám đốc Sở XX của thành phố. Khi  ba cô về SG công tác đã đưa mẹ và 2 chị em cô cùng về. Thế rồi một đám cưới đơn giản được tổ chức (hồi đó người ta không cưới xin hoành tráng như bây giờ. Càng cán bộ to lại càng gương mẫu). Vậy là hắn ta đã có công ăn, việc làm và giờ lại có vợ. Nghĩa là đã an cư và bi giờ là đến lúc lạc nghiệp đây.

Những năm 80 là những năm tháng đày khó khăn của cả nước. Những sai lầm trong quá trình điều hành nền kinh tế đã đưa đất nước chìm sâu trong khủng hoảng. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp, các cơ quan đều cố vùng vẫy để tự cứu mình. Hết Kế hoạch 2 rồi Kế hoạch 3 ra đời và TP HCM là địa phương đi tiên phong trong công cuộc đó. Xí nghiệp của hắn cũng vậy. Tham gia vào cuộc chiến đấu đó, lại được tiếp xúc với giới công thương SG trước đây hắn dần dần hiểu biết thêm về kinh tế thị trường và đi đến một nhận định: “muốn làm giàu cho đàng hoàng thì không thể dựa vào đồng lương nhân viên doanh nghiệp nhà nước được”. Ý tưởng “ly khai” cơ quan nhà nước đã manh nha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét