Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Bàn qua về từ láy

                           

          Từ láy là một lớp từ khá đặc biệt trong tiếng Việt. Nó đặc biệt trong cách cấu tạo từ và càng đặc biệt trong khả năng diễn tả. Gọi là từ láy(lấp láy, lặp lại) nên ít nhất cũng gồm hai tiếng (Người ngợm, rung rinh, đỏng đảnh,),Cũng có từ ba tiếng (Ngấy ngầy ngậy, dửng dừng dưng, vẻ vè ve…), Hoặc bốn tiếng (cấm ca cấm cảu, ngấm nga ngấm nguýt, lục đà lục đục…). Căn cứ vào yếu tố được lặp lại người ta thường chia từ láy thành ba loại:

          a/Lặp âm: ở dạng này các âm sau lặp lại nguyên xi các âm trước (đỏ đỏ, xanh xanh, trắng trắng…). Cũng có thể biến đổi thanh điệu để đọc cho thuận miệng (đo đỏ, trăng trắng, lành lạnh…).Riêng ở những chữ mang thanh nhập thì thay đổi thanh điệu đồng thời cũng phải biến đổi cả vần nữa thì đọc mới thuận miệng (phắc phắc thành phăng phắc, quác quác thành quang quác, khít khít thành khin khít...)

          b/Lặp vần:các âm sau chỉ lặp lại phần vần của âm trước, không lặp lại phụ âm đầu (loay hoay, lục đục, lung tung, lênh khênh…).

          c/Lặp phụ âm đầu: các âm sau chỉ lặp lại phụ âm đầu của âm trước, không lặp lại phần vần (ngúng nguẩy, cấm cảu, nghênh ngang, dềnh dàng, khập khiễng…)

Cách cấu tạo từ độc đáo này đã phân biệt nó với hai lớp từ ghép khác là các  lớp từ:

a/ Ghép chính phụ:  từ có hai yếu tố trong đó có một yếu tố giữ vai trò trung tâm và một yếu tố phụ thêm để xác định rõ hơn cho yếu tố trung tâm(đất đai, chó má, chanh chua, đánh mạnh, đỏ lòm, xanh thẫm…).

b/ Ghép đẳng lập: từ ghép trong đó hai yếu tố ngang bằng nhau không phân chính phụ (người người, quần áo…;  đánh đập, hát hò,mong muốn,  hoan hỉ…; đậm đặc, thưa thoáng, mỏng mảnh…)

Nhưng có nhiều trường hợp cũng rất dễ nhầm giữa từ láy với các lớp từ khác. Chẳng hạn như ngẫu nhiên mà cả ba trường hợp của thày Tư, thày Hiểu và cô giáo Vân Anh đều rơi vào trường hợp nhầm lẫn ấy.

-Động từ của tiểu vế thư ba của thày Tư hoan hô không phải là từ láy. Tra cứu ra thì đây lại là hai từ gốc Hán: (hoan) là vui mừng và là reo hò, kêu to. Như vậy thì hoan hô là một động từ ghép đẳng lập gồm “hoan” là một nội động từ ghép ngang bằng với “hô” là một ngoại động từ để làm thành một động từ ghép chỉ việc thể hiện thái độ tán thành khuyến khích của một đám đông bằng cách reo hò tán thưởng hoặc vỗ tay. Hoan hô không phải là từ láy, nhưng rất dễ nhầm với từ láy phụ âm đầu (ở đây là phụ âm h)

-Tương tự từ thưởng thức của thày Hiểu cũng vậy. Đây cũng là một động từ ghép đẳng lập gồm hai động từ gốc Hán (thưởng) là xem, ngắm cảm thụ một cách thích thú và (thức) là  nhận biết. Như vậy thì “thưởng thức” có nghĩa là cảm thụ và nhận biết một cách thích thú. Đó cũng không phải là từ láy. Nhưng ta vẫn dễ nhầm với một từ láy phụ âm đầu (ở dây là phụ âm th)

-Trường hợp đấm đá của cô giáo Vân Anh thì càng rõ hơn. Đó cũng là một động từ ghép đẳng lập gồm hai động từ đơn thuần Việt: “đấm”là động tác đánh đối phương bằng sức của cánh tay và điểm trực tiếp tác động vào đối phương là “nắm đấm” (bàn tay nắm chặt). Nó gần nghĩa với “thụi” nhưng “thụi” thì xác định hướng tác động theo chiều nằm ngang cánh tay. Còn “đấm” thì không có chuyện xác định này.  “đá” là động tác đánh đối phương bằng sức của cẳng chân mà điểm trực tiếp tác động vào đối phương là mũi bàn chân hoặc mu bàn chân. Nó gần nghĩa với “đạp” nhưng “đạp thì xác định hướng tác động từ trên xuống và điểm tác động là gan và đáy bàn chân. Còn “đá” thì chỉ hoặc ngang, hoặc hất lên.

Cho nên cả ba trường hợp tuy đều là những câu đối hay nhưng đều chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người ra vì thế Đỗ Đình Tuân xin kiến nghị với Ban biên tập Tri Ân như sau:
       1-Vì Ban biên tập chưa có ý kiến quyết định trao giải nhất trong kỳ này nên Đỗ Đình Tuân xin hoãn việc trao giải tặng hoa vào dịp khác.
        2-Đề nghị Ban biên tập khuyến khích và theo dõi, tổng kết kịp thời để đúng dịp đón tết mừng xuân Quý Tỵ sẽ công bố giải. Vào dịp đó Đỗ Đình Tuân xin gửi hoa tặng.
        3-Những ý kiến bàn bạc trên đây chỉ là ý kiến cá nhân nhằm bàn bạc để rút kinh nghiệm chung chứ không  nhằm chê bai phê phán gì cả. Rất mong mọi người thông cảm. Xin cám ơn.
28/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét