Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Vài lời nói thêm về dự đối cải tiến


Rất cám ơn các thi hữu Vũ Thị Song Thu và Tạ Anh Ngôi đã tham dự “đối vui cải tiến”. Đỗ Đình Tuân đã “nhâm nhi”, đã “nhấm nháp” và thấy một vấn đề cần nói rõ thêm như sau:
-Vì cách mi đối của Đỗ Đình Tuân không giống cách mời đối hay thách đối truyền thống nên tạm gọi là cách đối cải tiến. Xin tạm hiểu chữ “cải tiến” ở đây mới chỉ có nghĩa là “khác truyền thống”, chứ nó tiến, hay nó lùi thì cũng chưa biết và chưa chắc. Nhưng Đỗ Đình Tuân “cải tiến” chỉ là vì “cách mời này” nó cho phép “người đối lại” (đối giả) có nhiều sự lựa chọn hơn, để mở rộng điều kiện tham gia cho mọi người.
-Về khả năng  lựa chọn thứ nhất “Làm một cặp câu đối mới tương đồng về mặt câu chữ với cặp ra” nghĩa là về mặt cú pháp (tổ chức câu chữ) phải giống như cặp ra. Như vậy các cặp câu đối mới cũng không cần phải đảo vế kiểu như của Vũ Thị song Thu để đối lại làm gì. Vì thông thường trong một cặp câu đối có hai vế thì vế 1 thường kết thúc bằng thanh trắc và vế 2 kết thúc bằng thanh bằng nghe thuận tai hơn. Cố nhiên khắc phục kiểu này không khó vì chỉ cần đảo vế lại là xong. Có lẽ việc khó nhất ở khả năng này là chọn đúng các động từ là từ láy. Chẳng hạn ở cặp 1 của Vũ Thị Song Thu các chữ “thương”, “nhớ”, “chán chường” đều là “nội động từ” cả và “chán chường” đúng là từ láy. Như vậy vế này là hoàn toàn chỉnh. Nhưng ở vế sau trong vế con “chòng chành chếnh choáng” thì “chếnh choáng” chưa chắc đã là động từ. Cũng tương tự ở cặp dưới chữ “đỏng đảnh” cũng chưa chắc đã là động từ ???
-Về khả năng lựa chọn thứ hai và thứ ba thì hoàn toàn đã trở về như cách mi đối truyền thống. Ở đây Đỗ Đình Tuân chỉ mở rộng khả năng lựa chọn cho người đối ở chỗ có quyền chọn bất cứ vế nào làm vế ra cũng được. Nhưng ở các khả năng này người đối phải chú ý là cặp đối lại của mình phải kết hợp được với vế ra để thành một cặp đối hoàn chỉnh. Chằng hạn “Hào hứng ăn, hào hứng uống, hào hứng hát hò” (Vũ Thị Song Thu) thì rõ ràng kết hợp được với “ Nhẩn nha đọc, chẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp” (Đỗ Đình Tuân) thành một cặp đối hoàn chỉnh. Hoặc nữa “ nhì nhắng cấy, nhì nhằng gặt, nhì nhằng nhấm nhá (Tạ Anh Ngôi) thì hoàn toàn có thể kết hợp được với “Nhúc nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhúc nhắc nhâm nhi” (Đỗ Đình Tuân) để thành một cặp đối hoàn chỉnh.
Xin có vài lời nói thêm như vậy để cuộc chơi tiếp tục chuẩn xác hơn. Một lần nữa xin chân thành các thi hữu đã dự đối và đang chuẩn bị dự đối. Xin chào trân trọng và chúc thành công.
                                                                         17/11/2012
                                                                       Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét