Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

CAI NGHIỆN ( tiếp theo)


May sao, từ trước đó một ít, có một cậu bạn thân của cháu đã tìm đến hỏi tin tức về Phong rồi và còn loanh quanh ở đó (chắc là vợ cháu mách bảo). Tôi xin cho cháu vào túc trực bên cạnh Phong. Tôi vào phòng, nói với hai anh em câu chuyện mua thuốc:
- Cô đã dò hỏi (cũng không dám bảo bác sĩ khuyên), cô sẽ cho cháu tiền mua một liều cuối cùng. Cháu được dùng, và nhớ rằng đây là lần cuối cùng, bạn đưa cháu đi mua được không? Cô tin cháu, nhưng cháu phải hứa sẽ quay trở lại để tiếp tục điều trị.
- Vâng ạ-cả cậu bạn và cháu đều hứa.
Tôi hỏi chúng, liều thuốc ấy bao nhiêu tiền? cháu bảo 65 ngàn. Tôi lục ví ra, may quá có hơn 70 ngàn.Tôi đưa tiền cho cháu, rồi nhìn theo bóng hai đứa đi vật vờ trong đêm mưa, không biết lo nghĩ gì hơn nữa, chỉ có một niềm tin, tin ở bác sĩ, tin ở hai đứa trẻ.
         Trời mưa mỗi lúc một to hơn. Tôi cứ ngóng hoài ra phía cổng chờ cháu trở lại. Tôi cầu Trời khấn Phật, rồi lại tự trách mình sao cả tin thế. Tôi rất ít khi nói dối, thành ra cũng luôn tin ở sự thành thật của mọi người. Thi thoảng tôi lại đi qua phòng bác sĩ, tất nhiên là im lặng. Có tiếng động bên ngoài, ô kìa, hai đứa quay lại rồi. Có thế chứ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Phong cháu tôi, nét mặt bình thản hơn trước, trên môi vắt vẻo điếu thuốc lá. Nó ngượng ngùng nhìn tôi, lí nhí chào cô, và dường như để tôi khỏi ngạc nhiên, nó tự thú trước là phải dùng tiếp mấy điếu thuốc lá cho thật bình tâm.
Tôi tiễn cháu vào phòng, và ngay lập tức kêu bác sĩ.
- Thưa bác sĩ, cháu em đã về. Bây giờ làm tiếp thế nào ạ? Đã tiêm được chưa ạ?
- Được, chị vào giải thích cho cháu đi rồi đưa nó ra đây.
Tôi đi rất nhanh vào phòng.
- Phong ơi, bây giờ cháu tỉnh táo rồi. Cháu thấy trong người dễ chịu đấy chứ? Bây giờ, cháu ra phòng bác sĩ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc giúp cháu cai nghiện, cháu gắng chịu nhé. Cháu đã vào đây thì phải nghe lời bác sĩ. Cháu phải thương bố mẹ, thương vợ con, thương các bác, thương cô, ai cũng lo cho cháu…|
- (Im lặng)…
- Cô sẽ ở bên cháu, hãy cho cô giữ tay cháu và đừng phản đối. Cháu đã lớn từ lâu rồi mà. Ngày xưa, có một lần cô bị chọc tủy trong bệnh viện vì bị nghi viêm màng não, cháu biết không, đau lắm không thể nào tả được. Cô đã nghiến răng, tay nắm chặt thành giường, trời lạnh mà mồ hôi vã ra, và để yên cho người ta làm đấy. Có hai bà béo ị giữ chặt cô mà sau phải thả ra và khen cô sao lại dũng cảm thế. Cô có dũng cảm gì đâu, cô sợ bị gẫy kim mà cháu. Bây giờ, tại đây, bác sĩ sẽ tiêm cho cháu bình thường thôi, cô dám chắc là không thể đau như chọc tủy được, cháu cố gắng nhé.
Phong đi chầm chậm ra.
- Thưa bác sĩ, gia đình và cháu đã sẵn sàng ạ-Tôi nói với bác sĩ.
- (Bác sĩ yêu cầu mấy cô nhân viên chuẩn bị). Tốt rồi,nào ngồi lên ghế này. Cháu không được cựa mạnh vùng vẫy gì kẻo gẫy kim thì phức tạp lắm, nghe không? (may quá, bác sĩ nói đúng những điều tôi vừa nói).
Phong. mắt mở to, lại thoáng chút gì dữ tợn, nhưng có vẻ suy nghĩ ghê lắm. Hai cô nhân viên một cô chuẩn bị thuốc và dụng cụ, một cô lại gần giữ cháu. Phong bất chợt văng đẩy cô nhân viên ra, lơ láo. Tôi nhìn thẳng vào cháu: “Thôi được, cô sẽ giữ cháu. Hãy cố gắng lên Phong!. Cô thương và cô tin cháu, hoàn toàn tin ở cháu. Cháu ngoan và nghe cô nào!”
Bác sĩ liếc nhìn tôi ra hiệu phải giữ tay cháu. Chẳng biết cháu có kháng cự hay không, tôi cứ dùng hết sức bình sinh để giữ tay cháu thật chặt. Nhưng rồi cháu ngã khuỵu xuống, bác sĩ bảo để cháu ngồi phệt dưới đất và dựa vào tường vậy. Tôi ngồi bên xoa xoa an ủi và giữ tay cháu, một phần có cái ghế nhỏ tì lên. Tôi cũng chả nhớ là tiêm ven hay tiêm bắp nữa, và mấy mũi tiêm khác nhau thế nào, thuốc gì,quả thực là đầu óc tôi căng lên. Thật may mắn, mọi chuyện qua một cách êm thấm. Thật ra, với người bình thường thì việc ngồi im cho y tá bác sĩ tiêm đâu có gì khó khăn, nhưng cháu đang ở tình trạng phê phê, dở tỉnh dở mê, tâm thần chưa hẳn ổn định, nửa muốn chữa trị nửa muốn đừng ai động đến nên mới thế. Bác sĩ cho cháu uống thuốc tiếp rồi bảo đưa cháu về phòng ngủ  Trời cũng sắp sáng rồi. Tôi và chị tôi ngồi trò chuyện khe khẽ. Tôi dặn dò chị tôi ở lại với cháu chờ vợ cháu mang đồ ăn, dặn những gì cần quan tâm đến cháu trong thời gian tới. Trời sáng hẳn, bác sĩ và ca trực đã trở dậy sau một giấc ngủ thật ngắn, tôi chắc vậy. Tôi bảo chị, tôi phải đi gặp bác sĩ tiếp về vụ cảm ơn ông và mấy cô nhân viên của ông. Thực sự lúc đó, trong tôi trào dâng một lòng biết ơn, biết ơn bác sĩ vô hạn. Tôi lại lấy ra phong bì, lăm lăm cầm trong tay, rồi rụt rè gõ cửa:
- Thưa bác sĩ, bây giờ em xin phép về để thu xếp việc nhà và cơ quan rồi em quay lại sau. Vậy là bác sĩ và các cô đã vất vả suốt đêm vì cháu. Hôm qua lúc mới vào bác sĩ đã từ chối, nhưng hôm nay, mong bác sĩ nhận dùm em một chút quà rất nhỏ, gọi là bồi dưỡng ca trực.
- Chị đừng làm thế, tôi đã nói rồi mà, không nhỏ lớn gì cả.
- Thưa bác sĩ, mấy đồng bạc trong phong bì đây, thực chẳng có giá trị gì, chỉ là ít bát phở, ít cốc nước, gọi là để các bác các cô bồi dưỡng bớt mệt một tẹo thôi, không thể nào dám  nói là để cảm ơn sự tận tâm và công lao của các bác các cô được. Nhưng em xin bác sĩ bác sĩ hãy nhận ở gia đình em lòng cảm kích và biết ơn mà em không biết nói sao bây giờ, và đừng nỡ từ chối một lần nữa chút quà nhỏ này, thưa bác sĩ!
Ông nhất định lắc đầu, và trước sau như một, vẫn một lời giải thích rằng “Chúng tôi làm mọi việc là vì trách nhiệm, nhiệm vụ thôi, và dĩ nhiên ở  trường hợp của cháu, chúng tôi không có trách nhiệm gì trong đêm qua, chỉ là giúp cháu trong phạm vi có thể của chuyên môn. Chị về đi, vậy là tạm ổn. Khó khăn nhất đã vượt qua rồi. Thật cũng may là cháu nghiện đã hơn 10 năm (gia đình cho tôi biết thế, đúng không?)  mà còn diễn biến không đến nỗi nào. Lát nữa chúng tôi làm thủ tục cho cháu, nhớ chắc mẹ cháu khai tên, tuổi địa chỉ tình trạng…cho rõ ràng. Cháu sẽ ở đây chừng năm ngày, rồi sau đó còn là một chặng đường dài mà cháu và gia đình phải tiếp tục đi không được nản chí. Tôi nhắc chị này, kể cả đến lúc cháu xuất viện, chị và gia đình không được đề cập lại gì về chuyện quà cáp cảm ơn cả, tôi không muốn giải thích quá nhiều, chị hiểu chứ? Hãy tập trung mọi cố gắng để vì cháu và cứu cháu.”
Tôi vâng dạ và cảm động đến phát khóc, không dám nhìn lại bác sĩ, tôi cố gắng kiềm chế, chào qua quit mọi người rồi lật đật ra về.
Mấy ngày sau, việc chữa trị có vẻ đơn giản. Cháu được tiêm, được uống thuốc đều đặn và không có phản kháng gì. Hàng ngày, vợ và mẹ cháu chăm cho cháu cơm nước, giữ sinh hoạt điều độ theo nền nếp của trung tâm. Bố cháu cũng có đến thăm cháu. Tôi không băn khoăn gì về cháu trong thời gian ngắn ngủi này mà chỉ lo cho những ngày tiếp theo khi cháu ra khỏi trạm cai nghiện. Rồi đến ngày phải ra. Bác sĩ cũng khuyên gia đình cần tìm việc làm cho cháu, và cho biết thêm trong Nam có những trung tâm cai nghiện lâu dài và có thể xin ở lại làm việc một thời gian.
Tôi tìm gặp bố cháu và chia xẻ. Tôi đưa ra một đề nghị là tạm thời bố cháu xin nghỉ phép và nghỉ thêm một thời gian nữa đưa cháu về quê nội (quê anh ở gần Hà Nội). Tôi bảo anh:
- Anh gắng đưa cháu về và ở cùng với cháu tại một nhà họ hàng nào đó anh thấy phù hợp nhất. Mục đích là cho cháu lao động chân tay. Em không biết cụ thể có những việc gì nhưng đại loại  có thể xin cho cháu cuốc đất, đập đất, trồng rau, trồng hoa màu…hoặc là đi gặt, giúp việc cho gia đình. Hoặc kết hợp tập làm những nghề phụ. Tóm lại, anh cần trình bày rõ để bà con giúp đỡ cho cháu lao động chân tay liên tục, và làm cật lực. Nếu là người gần gũi thân thiết, thậm chí anh nói thật hẳn tình trạng của cháu, đừng có sĩ diện làm gì anh ạ, tất cả là vì cháu, thế thôi. Vả lại, nhân dịp này, bố con cũng sẽ gần nhau nhiều hơn, anh sẽ tâm sự động viên cháu. Cháu cần biết đến một cuộc sống vất vả nhưng lành mạnh, biết người nông dân đang làm những gì họ sống ra sao, biết chịu đựng ít nhiều trong những hoàn cảnh khó khăn hơn . Rồi buổi chiều, hai bố con ra sông bơi, tắm mát, không khí ở quê trong lành sẽ tốt cho cháu hơn, và anh cũng đừng quên là phải cắt đứt hoàn toàn liên lạc của cháu với bạn bè.
- Ừ, ừ, anh sẽ thu xếp-Bố cháu khẳng định.
Tôi cứ tuôn ra một chặp như vậy, cũng chả kịp cân nhắc xem, thế có hợp lí hay vô lí ở chỗ nào. May mà ông anh cũng hiền lành, chịu khó, và nghe theo cô em xui! Tất nhiên, tôi cũng phải bàn với chị tôi và nói với cháu kế hoạch này để có sự thống nhất. Trong khi đó, tôi tiếp tục để ý tìm việc làm cho cháu khi ở quê ra. Cũng thuận lợi là chuyện về quê cháu hiểu và tự nguyện làm theo. Hai bố con đi được hơn 3 tuần gì đó thì về. Nắng gió đã làm nước da cháu đen một chút, nhưng người thì vẫn còn gày gò xơ xác.

                  ( Còn nữa )
                  Hồ Minh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét