Tôi đã nhắc đến chuyện làm hầm để phòng địch oanh tạc, nhưng không chỉ có thế, mỗi đứa tụi tôi phải đan một cái mũ rơm đội trên đầu. Tôi không biết làm nên phải nhờ bạn nam Nghệ An khéo tay làm hộ, xong còn đòi đổi mũ nọ mũ kia cho đẹp hơn xinh hơn hi hi. Không những thế, nếu ra đường, lên lớp học mà lại mặc áo trắng thì dứt khoát phải choàng một cái khăn vải dù, hay vải màn nhuộm màu cỏ úa hoặc xanh lá cây. Thành ra, cũng ít bạn diện áo trắng lắm.
Chúng tôi đào giếng ngay gần nhà ở, chỉ sâu chừng một mét là nước đã suốt ngày tràn ra lênh láng trong vắt. Mùa hè nước rất mát, mùa đông nước âm ấm nhưng múc lên mang vào nhà tắm thì khó chịu nổi vì trời lạnh khủng khiếp. Mỗi lần tắm gội đầu, chúng tôi cứ run rên hừ hừ rồi phá lên cười cho nóng ấm người một chút, vậy mà phải quen dần. Hai năm đầu, chúng tôi học cơ bản, chưa phân chuyên ban, vì thế cả lớp vẫn cùng ăn cùng ở cùng học vui lắm.
Cuộc sống nơi sơ tán thật vất vả thiếu thốn nhưng chúng tôi không phải đi học xa, cứ quanh quẩn nhà đây lớp đấy mà sinh hoạt, học tập rồi vui đùa tán chuyện, hầu như không bao giờ buồn. Chúng tôi học, chúng tôi vui, nhưng chúng tôi đói và đói triền miên. MQ sau này luôn nhắc lại với một vẻ rất khôi hài “kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời sinh viên là ĐÓI”. Quả là đói thật, đói ghê gớm. Chúng tôi đang tuổi mới lớn, ngoài giờ học phải đi lấy củi, lấy nứa trong rừng, mà ngày chỉ có hai bữa cơm tập thể mỗi đứa không xới nổi hai lưng cơm gạo mốc, hoặc nắm bột mỳ hôi rình, luộc lên rắn đinh, “ném chó chó chết”. Nhưng nói vậy thôi có ai dám ném chó đâu khi mà cái dạ dày suốt ngày sôi lên đòi ăn. Thức ăn thì hơn 100 người chỉ được một chảo canh gồm năm củ xu hào băm nhỏ và một con vịt đàn không tới một kg chặt ra nấu lõng bõng. Ô mà đó là bữa cải thiện đấy nhé. Còn bình thường thì ăn cơm với một ít dưa muối dăm ba miếng đậu phụ kho “trắng xam xám”. Bát ăn cơm thì còn giữ được, nhưng đũa hay thiếu lắm. Thế là chúng tôi chạy quanh đâu đó có cành trúc bẻ ngay mấy đoạn nhỏ, lá vẫn còn rung rung đầu cành, dùng làm đũa, đứa nào cũng buồn cười nhưng cứ ăn đại đi. Làm như vậy có vẻ luộm thuộm đại tiện, nhưng nếu học theo các thầy, mỗi người tự thủ một cái thìa trong túi quần, thì lại bị trở ngại khác, đấy là thầy đang giảng bài, thế quái nào cái thìa lại rơi cạch xuống đất khiến tất cả đều ngẩn người và thầy tái đỏ cả mặt. (Em nhớ lại tình tiết vui vui này, nếu có bạn đọc nào là thầy ngày ấy thì mong thầy đừng giận ạ). Chúng tôi rất chịu khó cải tiến, bữa nào phải ăn mì thì không ăn bột mì luộc nữa mà dùng bột nở làm bánh bao hấp lên. Nhưng tội nghiệp lắm, bọn nam háu đói giờ nghỉ lúc 10 giờ sáng đã rủ nhau xuống bếp, mỗi cậu làm một xuất bánh bao rồi. Khi tan học 12 giờ trưa, chỉ còn năm cái bánh bao để phần bọn con gái. Các cu cậu đành về với cái bụng đói cồn cào. Vì quá thiếu chất và “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”, nên có một lần, trong phiên nấu cơm, chúng đã kiếm được một ổ chuột bao tử, cho vào làm nhân bánh bao mỗi bánh một chuột. Chúng đánh dấu để chỉ có một mâm được ăn "của quí" đó thôi. Bọn con gái chỉ mới nghe kể đã run bắn lên rồi. Mặc dầu tuổi chuột, nhưng riêng tôi, tôi sợ chuột lắm lắm, thấy chuột là trống ngực tôi cứ đập liên hồi và ngực dường như muốn nổ tung. Trời ơi! sao mà bọn con trai dũng cảm và nghịch ngợm đến vậy?
Học nhiều đói lắm nên tối tối mọi người rủ nhau vào nhà dân mua sắn về luộc. Mấy chậu thau các bạn gái chuyên dùng cả cho rửa mặt cả cho giặt kinh nguyệt được đánh bạo mang ra để rửa sắn. Ôi mấy cái thằng phong kiến dở mùa chuyên tỏ vẻ kinh tởm lũ con gái ở bẩn, nhưng khốn thay cứ phải đùn nhau sang mựợn chậu thau về, thôi thì nhắm mắt bước qua chỗ lội. Thì ra ăn vẫn là muôn năm! Nói vậy thôi, chúng tôi không nỡ ghét các bạn ấy đâu, thấy thương là nhiều. Tôi còn thương bọn con trai hơn khi có một lần, vì đói quá, chúng rủ nhau đào trộm sắn của dân đem về luộc, rồi bị bắt quả tang, bị chi đoàn bắt làm kiểm điểm. MQ thì phản ứng dữ lắm, có lẽ phần vì bản tính thật thà ghét sự gian dối, phần vì làm công tác Đoàn, nên MQ phải làm cho ra chuyện. Tôi thì chỉ im lặng, im lặng và thương các bạn quá chừng.
Con gái dù sao còn chịu khó hơn con trai. Ngoài sắn, lâu lâu chúng tôi mang xảo đi xin hái rau lang của dân. Cứ từng xảo đầy, chúng tôi luộc lên chấm với muối mà sao ngon thế, cái vị hăng hăng của nó khi quen rồi thì thấy rất thích, đến nỗi về sau khi trở lại Hà Nội và đúng ra là trong cả cuộc đời tiếp theo bất cứ lúc nào tôi đều thích ăn vã những đĩa rau khoai lang đầy, ăn say sưa ăn mê mải như chưa bao giờ được ăn vậy. Hơn thế nữa, chúng tôi còn ra suối hái rau má về ăn sống. Rau má lá thật to, to hơn rau má dưới xuôi nhiều, xanh mướt và sạch lắm. Chúng mọc trên bãi đá cuội đâu cần đất nhiều. Sắn phần nhiều dùng để luộc hoặc nướng, nhưng có hôm chúng tôi còn chế biến một món hấp dẫn khác. Ái Thơ là người chị thật đảm đang. Chị gọt rửa sắn cắt thành từng miếng nhỏ nấu canh. Chị lấy tí muối và một chút mì chính từ Hà Nội gửi lên, ra mảnh đất nhỏ cạnh nhà hái một nắm rau mùi do chị tự trồng, đem nấu. Ba gia vị thần tiên ấy bỏ vào làm cho nồi canh sắn đậm đà và dậy mùi thơm phức thật khó tả. Năm cái dạ dầy nhỏ thi nhau tiết dịch cứ việc ngốn ngấu nồi canh cho đã, chủ nhân của chúng chẳng còn nhớ đến bao nhiêu bài tập toán đang chờ.
Một đêm đông lạnh buốt thấu xương, năm đứa đốt lửa bằng cây và cành củi khô lớn, đặt cong queo giữa nhà. Chi nằm một giường, Vân nằm một giường. Tôi và Hiền nằm chung một giường. Hai đứa ghép hai cái chăn chiên cùng đắp, nhưng cứ phải rung nhảy người lên miệng rên hừ hừ vì rét quá. Chị Thơ lụi hụi đi nấu canh sắn. Nồi canh đặt ngay trên đống củi đang đốt. Đúng lúc có thể bắc nó ra thì chị vì mắt kém-cận thị và loạn thị nặng-nên đã làm đổ ụp xuống đống lửa. Không thể cứu vãn được rồi, năm đôi mắt ngơ ngác và buồn thảm nhìn nhau. Tôi và Hiền không nhảy trên giường nữa. Chúng tôi im lặng nằm đến khi trời sáng, tự trách mình vì đói quá và lười, cậy mình nhỏ tuổi, chẳng giúp gì cho chị, chỉ nằm chờ ăn thôi nên Trời mới phạt thế.
Có khi đói ăn, mà phải vào rừng lấy củi lấy nứa, chúng tôi thường đi cùng các bạn nam, để có thể nhờ các bạn giúp chút chút và nhất là ăn ké các thức ăn mà chỉ có con trai mới tìm ra được, như đào sắn trong rừng rồi nướng lên, trèo lên cây dọc hái quả chín xuống. Rừng Thái nguyên chỗ chúng tôi ở có hai loại cây dọc, một là dọc chua, quả dọc thường dùng để đánh dấm canh chua như dưới xuôi vẫn làm; hai là dọc ngọt, quả của nó bé hơn loại chua, chỉ to bằng hoặc hơn một tí so với quả bóng bàn. Nhưng khi chín nó ngọt lự, với chút xíu vị chua không đáng kể. Có một lần, bạn Nguyễn Lưu, trèo lên hái dọc ngọt, nhiều và nhiều lắm. Tôi cứ ăn hoài. Bỗng nhiên, tôi tự nhủ phải đếm xem mình ăn bao nhiêu quả. Tôi đếm đến 50 rồi dừng lại. Thì ra khả năng ăn của tôi thật đáng sợ. Tôi đã ăn hơn 50 quả liền một lúc, không thể nhớ đích xác trước lúc đếm tôi đã ăn bao nhiêu quả rồi. Ngày hôm sau, nói ra thật xấu hổ, tôi đi ngoài ra toàn dọc, không thối, chỉ xực lên mùi chua ngọt của nó thôi!
Chúng tôi sơ tán gần hai năm thì có thể tự trồng sắn trên đồi chứ không phải mua của dân nữa. Đồi thường trọc hoặc chỉ có những cây nhỏ. Chúng tôi phát quang đi, để khô rồi đốt. Sau đó, vào một ngày đẹp trời, chúng tôi đi trồng sắn. Một nhóm chặt các cây sắn thành nhiều đoạn chừng 12-15 cm, gọi là chuẩn bị hom sắn. Hai nhóm khác đứng thành hai hàng ngang, cứ tên đằng trước cuốc một nhát lên thì tên đằng sau bỏ vào đấy vài hom sắn rồi vùi đất. Chỉ có vậy mà sáu tháng sau có thể đi dỡ sắn đem về luộc ăn thơm phức. Củ sắn chỉ nho nhỏ dài dài nhưng ngon lắm, ở Hà Nội không bao giờ được ăn sắn ngon thế. Nếu ăn không hết, để sắn trong lòng đất một hoặc hai năm mới dỡ thì củ rất to nhưng không ngon. Từ khi chúng tôi tự trồng sắn chẳng bao giờ có chuyện bạn nào đào trộm sắn của dân nữa.
Đó là chuyện ăn. Còn mặc thì sao? Ở khu sơ tán những năm ấy tôi trạc tuổi 16, 17 nghĩa là cái tuổi mới lớn của người con gái, vậy mà tôi chỉ có một sơ mi lụa trắng kẻ sọc nhỏ xanh là áo đẹp nhất do chị Hiền Thục tặng vải ngày cưới của chị. Thi thoảng tôi mặc thì cùng lúc phải quàng lên tấm vải dù xanh sẫm tránh máy bay địch tuần tiễu. Tôi thường mặc áo cà tàng xam xám, quần đen cắt kiểu “chân què” do me tôi thải ra chữa lại (kiểu quần can đũng thật rộng, chứ không bó sát mông như thời nay). Mỗi lần lên bảng chữa bài tập, tôi cứ nghênh ngang cái áo cái quần như thế, mà chẳng biết các bạn có cười không. Đã thế, mấy cái quần lót thì to và rách vá chằng vá đụp, cũng là của me tôi cho (!) Ngày ấy tôi gầy lắm vậy mà cứ mặc chúng dài lòng thòng bên trong, nhưng thôi có ai biết đâu mà sợ?
Ăn đói, mặc rách, nhưng chúng tôi lao động thật cừ, có lẽ vì đang tuổi lớn nên sung sức. Chúng tôi thường phải vào rừng đốn củi mang về đóng góp cho khoa để nấu ăn tập thể. Mỗi đứa vào rừng đem theo một con dao khoắm. Đường rừng chỉ có những lối mòn nhỏ, cứ lần bước đi lên rồi đi xuống. Những hôm mưa dầm đường trơn lắm, mấy đầu ngón chân phải bấm chặt kẻo ngã. Rừng bạt ngàn, hoa, chủ yếu màu trắng, chắc là hoa Ban - nở rộ xen trong các lùm cây. Chỉ thi thoảng gặp bụi chuối rừng mới thấy tận mắt cảnh “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi, Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” mà xưa kia chỉ học qua sách vở. Chúng tôi chặt các khúc gỗ nhỏ hoặc cành cây, chẻ dọc ra rồi lấy dây rừng bó lại. Đòn gánh là một đoạn gỗ tròn lẳn. Mỗi gánh củi nặng chừng 45-50 kg, vậy mà chúng tôi, gái như trai đều dẻo dai leo dốc gánh về. Có những đoạn dốc mà chắc chắn con nhà Toán chúng tôi không thể ước lượng nhầm, dốc 45 độ, trèo lên tưởng đứt hơi, vậy mà chúng tôi vừa thở vừa mỉm cười chứ đâu cười to được, để khi hết dốc, lên tới đỉnh đồi thì ai nấy quẳng gánh củi ra nằm lăn trên bãi cỏ, cười vang sung sướng rồi sau đó thi nhau hát với niềm vui ngập tràn hạnh phúc. Chỉ tiếc là những đoạn đi rừng này, tôi không có MQ ở bên vì ngày đó MQ rất yếu, bệnh nhiều và được miễn lao động!
Có một lần, chúng tôi phải đi lấy nứa. Rừng nứa ở sâu lắm không như rừng lấy củi. Từ nhà đến rừng hơn 8 cây số. Mà rừng nứa thì thật nhiều vắt. Những con vắt đói chỉ bé tí, nhưng hút máu người xong chúng thành to mọng lắm. Chúng tôi lên đường vào rừng từ sáng sớm, trời mưa lâm thâm, mỗi đứa chỉ được ăn vài mẩu sắn luộc. Chưa làm gì đã thấy đói rồi. Nhưng mọi người đều lo lấy nứa cho xong. Muốn có nứa to dài thì vào rừng nứa sâu bên trong, nếu chỉ dừng ở bên ngoài mà chặt thì nứa bé lắm ngắn lắm. Ai nấy đều tự giác và tự nhủ rằng mình phải chặt được bó nứa to bằng hoặc hơn của bạn (ôi cái ganh đua mới thật đáng yêu làm sao!) Tôi chặt nứa cùng các bạn nam, Chi, và chị Thơ nữa. Chúng tôi mới chỉ dừng chân bên khóm nứa thì đã nhìn thấy từ bốn phía đàn vắt đánh hơi lao đến, chúng nhỏ nhưng nhiều quá nên thấy khiếp. Tuy vậy, sợ vẫn phải làm, chặt cho nhanh và quên đi, nếu cứ đứng mà nhìn chúng, lo chúng hút máu thì còn làm gì được nữa. Lần đầu tiên trong đời và là lần cuối cùng chăng, chúng tôi chặt và bó mang về những cây nứa to dài kỳ lạ, mỗi bó chừng 40 cây. Xong xuôi, nhìn xuống đôi chân thì toàn vắt bám đầy. Mỗi đứa tự lấy dao gạt xuôi một lượt thế là máu chảy ra từ các nốt vắt, còn vắt thì con nào con nấy mập căng, nghĩ lại mà rùng mình. Quay sang nhìn thành quả thì eo ơi, bó nứa to quá, làm sao mà đôi vai bé nhỏ có thể lăn qua lăn lại vác nó về trên quãng đường dài 8 cây số bây giờ? Tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ tự nhủ phải đi nhanh cho thuộc loạt đầu tiên mới được. Tôi đi, gần như chạy, bám riết bước chân của Kháng, cậu bạn người Nghệ An khéo tay, khỏe mạnh và dẻo dai có tiếng. Kháng không chịu dừng nghỉ tí nào. Tôi bám theo bạn, chỉ nhìn theo bước chân của bạn, không dám cười, mồ hôi chảy ròng, mặt đỏ như gấc. Mưa tạnh rồi lại nắng, nắng gắt. May hôm ấy, tôi không bị chóng mặt. Kết quả là chỉ có tôi và Kháng, hai đứa về chỗ tập kết nứa đầu tiên. Chúng tôi nghỉ ngơi uống nước rồi đợi mãi phải gần hai giờ sau, các bạn mới lác đác bò về. Đương nhiên mấy hôm sau, người tôi đau như dần, nhưng không sao cả. Cho đến tận bây giờ, chính tôi không thể hiểu được, ngày đó sức mạnh nào đã đến kỳ lạ vậy.May chăng chỉ có thể lờ mờ đoán rằng, mình đã được rèn luyện lao động từ bé?
Ở nơi sơ tán, thiếu thốn và nghèo nhưng chúng tôi sống thoải mái. Đứa nào còn tiền thì góp vào mua sắn của dân, thi thoảng mua vịt về mới sang chứ. Vịt không bán theo cân, cứ đến chỉ vào một con trong đàn vịt để chủ bắt ra, mỗi con 1,5 đồng. Có lần chẳng ai còn tiền, đến cả thuốc đánh răng hết mà không mua được. Mọi người phải chui vào gầm giường, lục lọi sách vở may ra xem có rơi đồng hào đồng xu nào không gom lại mua một ống thuốc đánh răng chung. Khổ nhưng vui lắm, bụng đói mà lại thích hát. Lớp học nơi sơ tán do chúng tôi tự làm thật đơn sơ giản dị, có bục giảng bằng đất, có đủ bàn ghế thầy và trò ngồi, khi có máy bay địch thì chạy tản vào hầm trú ẩn ở xung quanh. Cứ đầu buổi sáng, chúng tôi hát đủ bài, đặc biệt nếu thấy thầy Cát Hồ (chúng tôi gọi là “thầy Hồ quay tay” vì lúc nào giảng bí thầy lại quay quay tay để diễn đạt) đi từ xa, Nguyễn Lưu bắt nhịp ngay cho chúng tôi hát trường ca Sông Lô hoặc Du kích Sông Thao, bét ra ba bè, nghĩa là những bài rất dài để thầy phải chờ không vào lớp được. Chả là chúng tôi thích hát hơn là thích nghe thầy giảng (láo thế đấy). Thầy thì nể chúng tôi đang hát say sưa và hát hay nên không vào mặc dù muộn giờ rồi, cứ phải đợi chúng nó hát xong đã.
Đấy là trong lớp. Ngoài lớp, chúng tôi tập nhiều tiết mục để biểu diễn văn nghệ trong khoa. Hợp ca nam nữ, tốp ca nam, tốp ca nữ của lớp Toán chúng tôi nổi tiếng và được khen. Chúng tôi tự thấy mình hát hay hẳn hoi, chứ không phải chỉ hay hát. Nguyễn Lưu rất cao và Thiều rất thấp thường khoác vai nhau vừa đi quanh sườn đồi vừa hát mỗi buổi chiều. Giọng từng người vốn không thật xuất sắc, nhưng hát đúng nhạc và đầy tình cảm, lại hòa hợp nhau nữa nên nghe hay lắm. Bao năm qua rồi mà tôi vẫn tưởng như đang nghe họ hát đâu đây, và nhớ bạn đến nao lòng (Thiều đã mất hơn chục năm nay rồi).Vào năm cuối, trong khi Lưu bận, bạn Vĩnh - học sinh miền Nam, đã thay Lưu luyện cho chúng tôi hát. Xưa nay, Vĩnh không quen bọn con gái, còn ghét nữa là khác chẳng hiểu tại sao. Mỗi lần trông thấy bạn nữ là Vĩnh nhổ nước bọt, và không bao giờ nóí chuyện. Chỉ từ khi cho tập hát, Vĩnh buộc lòng phải nói với tụi tôi. Vĩnh hát hay và hát khỏe, rất nhiệt tình nữa. Sau này qua mấy chục năm gặp lại. tôi nhắc mãi chuyện đó trêu Vĩnh. Bạn đã có vợ, có con, có cháu đàng hoàng và là Giám đốc một Sở Giáo dục ở miền Trung, nay đã nghỉ hưu.
Xa nhà, thi thoảng tôi viết thư về thăm bố tôi. Cái phong bì chả có, tôi dán phong bì bằng giấy vở nháp, rồi dán trùm lên chính giữa một mảnh giấy trắng chữ nhật và đề địa chỉ gửi thư. Chả hiểu sao các bạn lại biết. Họ nhận xét rằng,tôi đã không tôn trọng người thân của mình, nên mới làm phong bì tiết kiệm kiểu đó, và không chịu thông qua kết nạp tôi vào Đoàn (!) Sau này tôi biết, mới ra sức thanh minh cho lòng dạ tình cảm trong sáng của mình, rằng chẳng qua là thiếu thốn nên làm vậy thôi chứ không có ý gì với bố - người đã cùng với mẹ sinh ra mình và cùng với me nuôi dưỡng mình khôn lớn. Cuối cùng, tôi được vào Đoàn, ngày 21 tháng 2 năm 1966.
Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
Bùi Thị Kim Thư
( Còn nữa )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét