Những giọt nước mắt đầu tiên
Rồi cái gì đến sẽ đến. Thi thoảng tôi đáo qua Hà Nội để xem phân công đến đâu. Cuối cùng thì người ta phân tôi về một cơ quan trung ương, tại Hà Nội. Về sau tôi mới biết anh Quy ngày đó là kỹ sư mới học ở Liên xô về, làm trưởng phòng đào tạo máy tính và kỹ thuật tính toán, cần người nên sang Bộ Đại học thấy hồ sơ của tôi là anh xin luôn. Anh còn bảo đảm với Vụ Tổ chức của cơ quan là anh chịu trách nhiệm, anh cam đoan rằng tôi không làm sao cả, học bạ của tôi rất tốt, còn chuyện lý lịch gia đình chẳng có liên quan gì. Vậy là tôi đã có việc làm.Tôi không có lựa chọn nào nữa, ngày đó tôi còn không biết cơ quan của tôi được sinh ra để làm gì, nhưng mặc kệ rồi sẽ biết. Anh Quy là thủ trưởng của tôi trong nhiều năm sau này.
Những năm đầu về cơ quan, lẽ ra người ta nhằm định đưa tôi về dạy Toán và làm chủ nhiệm một lớp ở trường Trung cấp, cách Hà Nội 30 km. Tôi mất công soạn xong giáo trình thì được biết trường không nhận tôi vì tôi chỉ có thể dạy Toán mà không thể làm chủ nhiệm lớp được vì tôi không phải là Đảng viên, vậy nên phải thay người khác (Trời cao Đất dày ơi sao cứ lặp đi lặp lại cái chuyện ấy với một con bé ngây thơ vô tội như thế?). Chẳng sao cả, ngày ấy không có từ OK, chứ như bây giờ chắc phải OK mạnh. Tôi trao cho người ta giáo trình đã soạn và không bực tức, không vui mừng, không mảy may xúc động.
Tôi thì như thế, còn MQ dĩ nhiên là yên ổn. Bạn ở lại trường dạy tại khoa Toán, mà khoa Toán thì tiếp tục sơ tán ở Đông Anh. Vậy là chúng tôi cách nhau chừng 20 km. Bạn có một xe đạp nam, bạn bảo tôi dùng để đi làm vì từ nhà đến cơ quan tôi phải xa 7, 8 km. Nhưng tôi nhất định không mượn. Tôi thà đi bộ chứ không chịu “lợi dụng” bạn như thế. Bạn mới là người yêu đã phải là chồng đâu! Thế là ngày ngày tôi đi tàu điện, giũa đường mất điện thì đi bộ.
Năm đầu tiên mới đi làm, tôi vẫn ăn cơm ở nhà và me tôi nấu cho. Sáng ra đi làm thì mang theo cặp lồng cơm, trưa về nghỉ nhờ ở một nhà họ ngoại phố Đặng Dung. Năm sau, chỗ làm chuyển xa hơn nên tôi không ăn ở nhà nữa. Buổi trưa buổi chiều đều ăn cơm nhà ăn tập thể gần chỗ làm việc, rồi tối thì vào luôn thư viện đọc sách, khuya mới về nhà. Chủ nhật thi thoảng tôi sang Đông Anh thăm MQ, còn nếu bạn về Hà Nội thăm tôi thì đón ở nhà ăn, không đến nhà tôi chơi nhiều được vì me tôi phản đối dữ lắm. Có lần, MQ đến thì me bảo tôi đi vắng trong khi tôi đang ở nhà. Mỗi lần MQ đón, MQ chở tôi ngồi trên thanh ngang của xe nam, chứ không chịu để tôi ngồi phía sau, để MQ có thể gần như ôm tôi được. Chúng tôi nghênh ngang đi như thế trên các đại lộ khu Ba đình, đôi lúc tôi ngượng lắm nhưng MQ bảo mặc kệ mọi người nhìn, họ có biết mình là ai đâu. Nếu tôi ngồi sau thì MQ lại bảo tôi nắm cái “của quí” ấy mới buồn cười chứ. Tôi vui nhưng rất xấu hổ, và mặc dù chưa biết gì mấy, vẫn lờ mờ thông cảm với bạn, và chỉ cầm một tị rồi bỏ ra ngay.
Mãi sau, me tôi thấy không thể cản tôi yêu MQ, nên chấp nhận việc MQ rủ tôi đi chơi. Nhưng chúng tôi chỉ được đi một lúc buổi tối và phải về trước tám giờ!. Me tôi giữ gìn cho con gái và không thích MQ nên cứ khó khăn thế, mà chúng tôi buộc phải tuân theo. Trong năm đầu tiên còn ăn cơm ở nhà, có khi ngày nghỉ tôi mời bạn về nhà mình chơi từ sáng, rồi ở lại ăn cơm trưa luôn. Nhưng mỗi lần như vậy tôi khổ vô cùng, vì nhà chẳng có thức ăn gì. Thường me tôi hay nấu canh mướp tự trồng với ít lạc sống giã nhỏ, với một đĩa dưa tự muối, thế thôi. Me tôi nuôi mấy gà mái đẻ, nhưng có trứng thì đem bán chứ không ăn. Nếu tôi muốn rán thêm một đĩa vài quả trứng gà cho bữa cơm được cải thiện một tị thì tôi phải trả tiền cho quả trứng ấy! mặc dù hàng tháng lĩnh lương 51 đồng tôi đưa me 32 đồng chi tiêu cho việc ăn uống rồi. Tôi gửi bố 10 đồng góp thêm nuôi em Vinh nữa là 42 đồng, tôi còn bao nhiêu đâu trong khi phải tốn tiền tàu xe mua sách vở và đồ lặt vặt nữa. Nói điều này thì ngượng lắm nhưng đó là sự thực. Khi còn nhỏ, tôi không hiểu, nhưng càng lớn lên càng thấy me tôi rất mê tiền và say sưa kiếm tiền, nhiều khi đến mức vô lí, mất cả tình cảm. Khi trông cháu cho chị tôi, hàng tháng chị phải đưa biếu me tiền riêng, mặc dù chị khó khăn lắm, anh rể tôi công tác xa nhà; nếu chậm đưa là me khó chịu ngay, thi thoảng còn dằn hắt nữa. Tôi không biết các chị nghĩ sao, chứ tôi từ bé lớn lên chỉ biết có me, tôi yêu quí me biết chừng nào, dù không được me vỗ về trìu mến. Tôi không thể hiểu được sao me tôi hay tính toán thế. Hay là me quen tính toán trong buôn bán nên cuộc sống thực bị ảnh hưởng. Tôi tự thắc mắc một mình, tôi bé thế mà bao lâu rồi, làm được đồng nào tôi đều đưa me cả, vậy mà bây giờ lớn lên, họa hoằn lắm tôi mới muốn có thêm vài quả trứng gà vì có “khách” là người yêu mình, sao tôi phải đưa tiền thêm? Ôi giá như tôi không có người yêu đến chơi nhà thì tôi chả phải lo nghĩ về bữa ăn mời bạn, tôi không dám kể cho bạn, chỉ tránh né thôi, chả phải tôi tiếc tiền đưa thêm cho me, mà là cứ mỗi lần vậy tôi không sao chịu nổi cái cảm giác đau đớn, tủi hờn, và trong tôi nảy sinh rất tự nhiên sự thèm khát tình cảm đến điên cuồng đồng thời căm ghét đồng tiền một cách dễ sợ.
Rồi cái sự căng thẳng ấy dần được nguôi ngoai bởi càng lớn lên, tôi có một cách nhìn khác, nhận thức khác. Đó là, me tôi do không có con, nên luôn mặc cảm. hay bị người đời dèm pha rằng me không thể trông cậy vào con chồng được, vì vậy me tôi phải chi li chắt bóp vun vén cho mình mà phòng thân sau này khi về già! Tôi thấy thương me quá chừng, và trăn trở hoài rồi giải thoát nỗi đau bằng cách trách thầm bố tôi lấy vợ lần thứ ba để me tôi càng mặc cảm và khổ sở nên mới thế. Nhưng rồi tôi vẫn thương bố, và rất thương me nữa, có điều trong tôi không lúc nào yên. Cứ mỗi lần ở cơ quan, nghe đồng nghiệp kể chuyện về mẹ mình ở quê dành dụm chắt bóp từng tí một cho con cái, cứ mỗi lần 8/3 họ nhắc về thăm mẹ là tôi lại chạy lảng ra ngoài khóc thầm một mình. Không hẳn tôi nhớ mẹ tôi vì bà ra đi quá sớm, mà tôi chỉ tủi thân thôi. Chính bởi vậy, cùng với những khó khăn mà tôi gặp phải khi mới bước vào đời, từ chuyện lí lịch, phân công công tác, chuyện đi làm những năm đầu tiên vất vả mà buồn tẻ, tuổi trẻ và sự ngây thơ trong sáng của tôi không còn bình thường nữa.
Tôi mắc bệnh đau đầu dữ dội từ những ngày này, và chịu đựng căn bệnh đó liền trong hai mươi năm, không có cách gì chữa nổi. Bên ngoài, không ai ở cơ quan biết bởi tôi dấu, tôi luôn tỏ ra là người bình thường, tôi luôn gồng mình lên để làm việc thậm chí còn quá sức. Tôi luôn tâm niệm rằng mình là nữ, nhưng không được thua kém các đồng nghiệp nam trong chuyên môn, không được để cho bất kì ai coi thường và thương hại. Lí lịch gia đình tôi có thể không tốt như các bạn, nhưng sự giác ngộ cách mạng và thái độ lao động cùng hiệu suất công việc thì chưa biết ai sẽ hơn ai.
Tôi sống căng thẳng vậy đó, nhưng may tôi có MQ rất yêu thương, hiểu tôi, và trong cuộc sống vợ chồng sau này, anh đã truyền sang cho tôi lối sống rất lạc quan, suy nghĩ giản đơn hơn. Anh khuyên tôi, đừng mệt mỏi vì chuyện lí lịch, hãy cứ sống và làm việc thật tốt. Trong gia đình, đừng giận me mà phải nhìn vào những gì căn bản và tốt đẹp nơi me, đó là me chăm chỉ và rất yêu lao động, cả đời me nuôi con, rồi nuôi cháu, me có được hưởng hạnh phúc từ cuộc sống vợ chồng đâu, và phải chịu nỗi bất hạnh lớn vô cùng, đó là không sinh nở lần nào. Tôi thầm biết ơn MQ đã chia xẻ, và xác định được mình phải tận tụy hơn với bất kì nhiệm vụ nào cơ quan-tức là cách mạng-giao cho. Trong tình cảm, cần độ lượng, yêu thương me nhiều hơn, và hi vọng qua cuộc sống thực tế me sẽ hiểu tôi và không có khoảng cách nào ngăn trở mẹ con tôi nữa. Tôi không định hình thật rõ ràng mơ ước của mình, nhưng cuộc sống sự nghiệp của tôi, thái độ, cách cư xử và tình cảm của tôi trong cả cuộc đời sau này, nói lên rằng, tôi mơ ước và thực hiện được mơ ước: Me tôi hoàn toàn không còn mặc cảm gì và đã yêu thương tôi tuyệt đối cho tới ngày me về cõi vĩnh hằng, thọ 94 tuổi. Và sau nhiều năm, tổ chức Đảng nơi tôi làm việc đã tìm hiểu lại chi tiết và vẫn kết nạp tôi vào Đảng, không đúng như lời “tiên tri” của ông làm tổ chức nọ. Về những nỗi buồn đối với me, những trang sau này tôi sẽ tránh và ít nhắc đến, bởi tôi không muốn thêm đau lòng, và chỉ muốn nhớ về những điều tốt đẹp mà thôi.
Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
Bùi Thị Kim Thư
( Còn nữa )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét