Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011
CHƯƠNG 3.VÀO ĐỜI
Thế là chúng tôi kết thúc bốn năm trong trường đại học. MQ ở lại trường, làm giảng viên khoa Toán. Tôi được phân về một cơ quan nghiên cứu khoa học cùng sáu bạn nữa. Chỉ mình tôi là nữ mà không hiểu sao người ta lại cử tôi là đại diện nhóm lên khu sơ tán làm một số thủ tục giấy tờ. Tôi đã đi Thái Nguyên hoàn tất nhiệm vụ này, tới khi trở về nộp hồ sơ thì một ông tổ chức ra nhận rồi bảo: “Được rồi, nhưng chị không về cơ quan này nữa, chỉ có sáu người kia thôi”.Tôi ngỡ ngàng hỏi, ông ta thản nhiên trả lời: “Lý lịch của chị chị biết đấy. Chị chỉ có thể làm việc trong hiện tại, còn về tương lai chúng tôi cần cán bộ nghiên cứu vừa hồng vừa chuyên, mà chị thì không thể phát triển và không đáp ứng được yêu cầu, cụ thể là chị sẽ không được vào Đảng, không được đi làm nghiên cứu sinh, chị hiểu chứ? nên chị cứ về gặp lại phòng tổ chức của nhà trường người ta sẽ giải thích kỹ và phân công chị đi nơi khác phù hợp hơn”.Tôi nghe mà không tin ở tai mình, tôi thấy lý sự này làm sao ấy, nhưng tôi chưa đủ bình tĩnh để hỏi lại, chưa đủ trí khôn để “cãi” lại. Tôi mới hơn 19 tuổi thôi mà và thực tình thì tôi còn ngây thơ lắm lắm. Lí lịch tôi có vấn đề gì mà gay cấn thế nhỉ? Tôi về phải hỏi lại bố và me cho rõ mới được. Thảo nào khi mới vào trường, tôi không được đi tập quân sự để trở thành sĩ quan dự bị! Sao người ta khẳng định được tương lai của tôi? Tôi là một đoàn viên, trong đội ngũ cánh tay phải của Đảng, được đào tạo trong nhà trường Xã hội chủ nghĩa, tôi đang sống hừng hực với khí thế “đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên” đấy thôi. Tôi đã từng say mê ngưỡng mộ tấm gương một cô gái Hà Nội lên miền núi trồng bông tại nông trường lao động với năng suất thật cao, và tôi có thể viết những bài văn trôi chảy đầy sức lôi cuốn khi tả về “cuộc sống mới con người mới”. Không chỉ có viết, suýt nữa khi học năm cuối phổ thông, tôi đã định viết đơn xung phong lên miền núi lao động tại nông trường giống như cô gái ấy, nhưng rồi sợ lên không về thăm gia đình được vì say ô tô (!) nên thôi. Tôi đã lo xa hơi trẻ con nhưng tấm lòng ước nguyện cống hiến thì rất thực. Còn bây giờ, tôi đã là cử nhân Toán, tôi thiết tha ghi cả ba nguyện vọng khi ra trường là dạy Toán trong quân đội, nhưng không được thì thôi, thì tôi làm công tác nghiên cứu bên cơ quan dân sự có sao đâu, vì cớ gì họ nhận rồi lại chối từ? Tôi về nhà, không ăn không ngủ gì được chỉ khóc một cách bất lực. Nhưng mà thôi, nghĩ lại, nếu lí lịch gia đình có vấn đề gì thì mình không được như các bạn là phải, mình cần tự xác định và chấp nhận đi, mình cần một việc làm bất cứ là việc gì, làm để góp sức vào sự nghiệp cách mạng bởi mình yêu nước và yêu Chủ nghĩa xã hội, có thế thôi. Mình gặp khó khăn thì càng phải phấn đấu nhiều hơn. Mình đã vào Đoàn, rồi sau này có vào Đảng thì chỉ cần khai lí lịch rõ ràng, chứ có ai yêu cầu lí lịch phải tốt đâu, mình sẽ hỏi các đấng sinh thành cho rõ ngọn nguồn là xong, tôi luôn tự nhủ thầm như vậy. Còn đi nghiên cứu sinh ư, xa vời quá, cứ làm việc bình thường của một anh tốt nghiệp đại học đi đã nào, tôi tự trấn tĩnh. Sau đó tôi gặp phòng tổ chức của trường, tôi chẳng còn lòng dạ nào nghe xem họ nói gì, mà chỉ nhớ nhất lời dặn thi thoảng phải quay lại để xem đã được phân đi nơi nào chưa.
Thế rồi tới cả tám tháng trời đằng đẵng, phân đi hết nơi này nơi khác, không đâu nhận tôi. Tôi không thể ngồi không ở Hà Nội để chờ đợi. Me tôi cực kì sốt ruột sao mãi tôi không đi làm. Tôi luôn có cảm giác tôi đang ăn bám gia đình thật tệ hại. MQ không giúp gì cho tôi thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này. Tôi đành theo anh Nghiệp lên làm tạm tại Trạm Bò giống Ba Vì, và tôi không cho MQ biết, không thư từ gì hết. Nói là Trạm Bò nhưng tôi không phải lao động gì cực nhọc, mà có cực tôi cũng chẳng sợ. Tôi chỉ tính toán theo thuật toán có sẵn để lập các hàm số tương quan từ đám số liệu rời rạc thu được qua điều tra về đàn bò. Ở đây, tôi đã cùng ăn cơm độn ngô vàng ươm, cùng ở nhà tranh đơn sơ, nhưng không cùng làm với các công nhân của trạm. Họ sống vất vả, nghèo nàn nhưng tốt bụng và chân thành, giản dị. Họ thích nghe tôi hát và tôi dạy họ hát, nhất là bài “Những cô gái mở đường”, đến tận bây giờ còn đôi người vẫn nhớ nhắc về tôi, về cái ngày xưa ấy. Tôi sống và làm việc như một cỗ máy, không lo lắng băn khoăn, không suy nghĩ gì nữa, thậm chí chẳng buồn vì phải xa Hà Nội, xa người yêu. Chỉ còn lại niềm xúc động nho nhỏ mỗi ngày đấy là lúc hát cùng họ, những người anh người chị người bạn người em xa lạ mà bỗng chốc trở nên gần gũi. Có những lúc tôi nhớ MQ nhưng tôi gạt đi ngay, MQ không là tôi, MQ không ở hoàn cảnh tôi, mọi thứ đối với MQ thật đơn giản nhẹ nhàng. Tôi ghen tị, tôi mặc cảm và tự ái không cần sự chia xẻ của bạn. Thật tội nghiệp cho bạn, tôi cứ buồn bã lánh mình đi cho yên thế thôi, khiến MQ lo lắng mà chẳng biết liên hệ với tôi bằng cách nào, có lọ mọ tìm đến nhà tôi thì me tôi không buồn tiếp đâu, và me cũng không biêt cụ thể địa chỉ của tôi.
Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
Bùi Thị Kim Thư
( Còn nữa )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét