Quan hệ quốc tế
Cơ quan nói chung và Trung tâm tôi nói riêng tiếp tục được phát triển trên cơ sở hiện đại hóa ngành với sự trợ giúp dài hạn của dự án Sida Thụy điển. Bởi vậy chuyên gia Thụy điển sang nhiều, trong đó có hai chuyên gia làm việc luôn tại Trung tâm và một số chuyên gia sang công tác ngắn hạn. Làm việc với họ, chúng tôi học được rất nhiều, từ phương pháp làm việc, cách xây dựng dư án, viết dự án, trình bày thuyết phục, kiểm tra giám sát triển khai công việc theo mục tiêu ngắn và dài hạn. Chuyên gia phải đi một số địa phương khảo sát, và Sếp cử tôi dẫn họ đi. Vì vậy tôi lại rong ruổi đường trường, và có những kỉ niệm vui buồn khó quên.
Một lần tôi đi Thái Nguyên cùng hai chuyên gia. Một ông để quên hộ chiếu nên vào khách sạn (nhà nước), họ không chịu. Ông ấy biết là mình thiếu sót rồi, nhưng quay lại Hà Nội để lấy giấy tờ thì mất công quá, nên tôi trình bày với khách sạn rằng chúng tôi thuộc một đoàn công tác ở cơ quan trung ương, tôi đã gọi điện về cơ quan địa phương nhờ bảo lãnh, nhưng mãi vẫn chưa dàn xếp xong. Thế là chuyên gia nổi cáu, họ cự tôi sao không thuê khách sạn tư nhân, mà cứ nhất định phải vào khách sạn nhà nước? Chả là vào tư nhân thì chủ dễ thông cảm hơn, chỉ cần để giấy tờ của một người đại diện là đủ. Tôi ú ớ chỉ giải thích chung chung là ở đây an toàn hơn, nhưng thôi họ đã quyết chí thì tôi cũng đưa sang khách sạn tư nhân vậy. Tất nhiên là chả có chuyện gì, nhiều khi chỉ là thói quen thôi. Có điều là, nếu xảy ra chuyện gì bất thường, thì ở một nơi kiểm tra gắt gao chắc cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng, và tôi đỡ trách nhiệm hơn, bởi vì tôi phải lo nhiệm vụ bảo vệ chuyên gia nữa chứ. Cũng không phải vô cớ mà ông chuyên gia nọ khó chịu khi vào khách sạn nhà nước, ông ấy rất ác cảm vì đã đi nơi khác nhiều rồi, ở khách sạn tư thì cần gọi gì, ăn sáng điểm tâm thế nào, loáng một cái là xong, còn khách sạn nhà nước thì thật to, người phục vụ rõ nhiều, cứ đi qua đi lại mà đợi được một bát phở buổi sáng còn là mệt lắm, lâu lắm.
Làm việc buổi sáng xong, lãnh đạo và tổ chức đãi tiệc đoàn, các món đặc sản chế biến từ con cầy hương. Nhưng chỉ có một chuyên gia sài, vừa nhâm nhi vừa suy nghĩ, còn một ông thì từ chối hẳn, nên phải gọi cho ông ấy vài món thịt gà, dưa chuột, khoai tây rán gì đấy. Ông ta nhẩn nha kể chuyện: “Ngày xưa hồi bố tôi còn sống, ông dễ tính lắm chứ không khó khăn gì. Tuy nhiên, bố tôi chỉ ăn những thứ biết rõ nguồn gốc của nó, và cách chế biến. Ví dụ, quả dưa chuột thái ra ăn sống, khoai tây thái miếng ra rán, đùi gà mua ở siêu thị mang về luộc hoặc chiên…chứ tự nhiên có những món là lạ thì chịu không dám ăn…” Rồi ông ta kết luận “mà tôi thì giống tính bố tôi!!!”. Thảo nào mặc cho chủ nhà ra sức ca ngợi món đặc sản, rằng con cầy hương là loài quí hiếm lắm (không phải là chó đâu!), không phải lúc nào nhà hàng cũng có sẵn…nhưng chuyên gia thì dửng dưng nghe, cười tủm tỉm và cứ việc say sưa chén thịt gà khoai tây thêm chút cơm trắng!
Lần khác, chúng tôi vào Nghệ An. Chuyên gia nhận phòng xong, kiểm tra ngay mọi thứ, phát hiện thấy vòi nước hỏng và toilet tắc ở một phòng. Họ kéo ra lễ tân và kêu um lên, yêu cầu đổi phòng ngay. Không may các nhân viên chưa giải quyết được kịp thời, thế là ba ông đỏ mặt tía tai giận dữ. Thấy tôi chỉ ôn tồn nói với mấy cô bé và nhắc các em khẩn trương hơn, thái độ có vẻ hòa bình, mấy ông cáu luôn với tôi “Này madam Thư, bạn không được hiền thế đâu nhé. Bọn này bậy quá, phải cho chúng nó một trận, ấm ớ là đi ngay khách sạn khác chứ!”. Tôi cũng sợ luôn, vì tuy đã làm việc với họ lâu lắm rồi, mà tôi chưa bao giờ chứng kiến sự nổi nóng điên cuồng của họ đến thế. Nhất là ông cố vấn trưởng, phải nói là mọi khi ông ấy hiền đến mức không thể hiền hơn, cực kì tình cảm, điềm đạm, mà nay ông ấy thành một người khác hẳn. Thì ra, họ quen với mọi sự nghiêm túc, có trách nhiệm và không thể tắc trách, đại khái, còn “quân ta” thì cứ phải từ từ, rồi thì cũng đổi phòng khác mà.
Cho tới một lần sau đó chừng nửa năm, chúng tôi tới một khách sạn khác, cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lần này, chưa cần để chuyên gia nổi nóng, tôi đã đỏ mặt tức giận và gay gắt yêu cầu khách sạn cho người đi sửa rồi. Và mặc dù không biết tiếng Việt, mấy ông chuyên gia vẫn hiểu tôi đang nói gì, rồi các ông ấy cười vừa hiền lành vừa dí dỏm bảo tôi “Hôm nay mới đúng là Madam Thư đây. Bạn đã thay đổi, theo chiều hướng đúng đó. Không thể hiền mãi được đâu!!!” Nghe vậy tôi hơi ngượng và buồn cười, chứ không lạ, vì tôi vẫn biết rất rõ cái mệnh “TÍCH LỊCH HỎA” của mình, có điều mọi khi thì tự kiềm chế, còn bây giờ “lây” tính mấy ông, nên tôi bùng phát tự nhiên, thế thôi.
Mỗi lần đi công tác ở đâu, chuyên gia quen yêu cầu tôi đi với họ rồi và Sếp cũng quen cử tôi đi. Một số lớp đào tạo chuyên gia giảng, hoặc hội thảo tôi cũng được yêu cầu đi dịch trực tiếp. Ở lớp đào tạo thì không có vấn đề gì, đã là chuyên môn sâu thì tha hồ yêu cầu chuyên gia trình bày lại, giảng giải kĩ, học viên thầy giáo thoải mái tranh luận nhau cho ra nhẽ. Nhưng ở hội thảo, có khi tới hàng trăm người, thì tôi không bao giờ bị vấp váp khi dịch từ Việt sang Anh. Các lãnh đạo, các chuyên gia trong nước, cán bộ chuyên viên muốn nói trời nói đất gì (ý tôi muốn nói trong phạm vi chuyên môn của hội thảo thôi, chứ lanh tanh bành sang lĩnh vực khác, là tôi ngọng ngay!) tôi cũng dịch đuổi theo thoải mái, và không bao giờ cảm thấy lúng túng trục trặc. Nhưng khi nghe chuyên gia trình bày, tôi dịch Anh sang Việt, thì có lúc tôi bí, tai ù cả lên, không hiểu thật rõ ông ta nói gì. Với mạch đang bốc, và để khỏi mất thời gian, tôi cứ dịch ào đi để bắt đầu từ câu sau quay lại tự tin và làm chủ hơn. Nhớ lại, tôi thấy thông cảm với ai gặp sự cố trong khi dịch, chứ không phải bào chữa cho mình. Dịch ào thế là không đúng rồi, là sai rồi, nhưng thực sự tôi không bao giờ có ý coi thường người nghe cả. Và may là chuyên gia luôn hài lòng, nên tôi đỡ áy náy. Chỉ những bản báo cáo viết bằng tiếng Anh, tôi biết là mình viết còn kém lắm, nên tôi luôn đưa sản phẩm của mình nhờ chuyên gia sửa lỗi hộ rồi mới nộp đi. Qua đó, tôi học được nhiều hơn. Nhưng nhiều cũng chẳng ăn thua gì, bản chất là tôi viết kém, thế thôi. Ở Trung tâm, các em các cháu trẻ dần dần cũng tiến bộ nhiều về tiếng Anh vì có điều kiện làm việc trực tiếp với chuyên gia trong chuyên môn. Tuy nhiên, có những kĩ sư chương trình rất giỏi mà ngoại ngữ yếu thì thiệt thòi, vì muốn đi nước ngoài phải thi kiểm tra tiếng Anh. Tôi luôn khích lệ họ tránh mặc cảm, và phải mạnh dạn. Một lần tôi được các Sếp cử đi Úc. Tôi chưa tới Úc bao giờ, nhưng đã đề nghị cho một cậu đi thay. Nói bằng lời trực tiếp chưa ổn, tôi phải viết giấy chính thức, và động viên cậu tích cực lên. Kết quả là sau chuyến đi này, cậu thay đổi nhiều, sau được đi nữa không khó khăn gì. Dịp ra nước ngoài làm việc với bạn, tôi giao cho nhân viên tập dịch những đoạn nào đó để họ mạnh dạn tự tin hơn. Hoặc trong các hội thảo phần thảo luận, tôi khuyến khích các bạn trẻ đảm nhận một phần, cho quen. Tôi biết, tôi sẽ già đi, không ôm đồm, “đại tiện” mãi được.
Năm 1998, anh Tự giám đốc, Lý - trưởng phòng kĩ thuật và tôi đi công tác tại Thụy điển và Pháp mười ngày theo dự án. Tôi làm phiên dịch. Thời gian ở Thụy Điển là chính. Nhớ lại ngày đầu tiên gặp gỡ, Sếp Thụy điển tiếp chúng tôi và ông cắm hai lá cờ nhỏ hai phía, quốc kì Thụy điển và Việt Nam. Ông nói ngậm miệng như người Anh vậy, nét mặt lạnh lùng khiến tôi cũng hoảng, sau dần dần thấy ông ấy rất khôi hài, nên bớt lo và thoải mái hơn.
Ngày nào chúng tôi cũng làm việc hai buổi, luân phiên qua một số đơn vị nghiệp vụ rồi làm kĩ với các đơn vị công nghệ thông tin. Giờ nghỉ giải lao, chúng tôi có thể vào phòng căng tin ở ngay cùng tầng, để uống sữa, cà phê, chè đủ loại, để ăn chút bánh ngọt hoàn toàn miễn phí. Ở đây họ tổ chức thế thật là tiện lợi, tiện cho bạn bè có thể ngồi với nhau chuyện trò vui vẻ, kể cả nhắn nhủ tâm tình trong chốc lát những việc cần và gấp gáp.
Chỗ ở bạn bố trí cho chúng tôi thật dễ chịu, gần cơ quan. Chúng tôi có thể đi bộ thong thả trên những con đường ngập tràn lá vàng lá đỏ rơi bay xào xạc, trong một cảm giác yên bình. Đi đường, tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ, người đi bộ bao giờ cũng được ưu tiên nhất. Nếu bạn đang phải dừng vì đèn đỏ mà lại muốn qua đường ngay, thì bạn nhấn nút ra hiệu, đèn đổi sang xanh ngay và bạn được như ý. Đi ở đâu, không có đèn hiệu giao thông thì bạn luôn được các loại xe dừng lại nhường đường để bạn đi trước. Thủ đô Stockholm đã ít người thì chớ, lại có tàu điện ngầm, nên mọi người như chui hết xuống đất, bỏ lại những con đường lớn vắng vẻ, sạch sẽ và yên tĩnh. Buổi tối, chúng tôi hay dạo chơi trên những con đường nhỏ lát đá lớn, dãy nhà hai bên xây thẳng tắp, những ngôi nhà có tới hơn trăm năm tuổi mà vẫn kiên cố, không bị thay đổi kể từ những con ốc vít ở cánh cửa tiếp xúc với mặt đường. Người Thụy điển mặc quần áo không đẹp, trông giản dị và thô, nhưng trang phục ấy lại khiến họ trông càng hiền từ hơn.
Kì này sang đây, chúng tôi được hai chuyên gia (vốn cùng làm việc dài hạn ở trung tâm) dẫn về thăm gia đình của họ. Một ông có bố mẹ già sống với nhau tại một ngôi nhà rộng rãi và khuất nẻo thuộc thành phố Orebro. Hai ông bà già tình cảm lắm và thật mến khách. Bà vợ tự tay nấu ăn và làm bánh ga to rất ngon thết đãi chúng tôi. Mới gặp nhau chút ít mà bà đã nước mắt lưng tròng khi chia tay làm chúng tôi vô cùng cảm động. Một ông ở ngay tại thủ đô, căn hộ sạch sẽ ấm áp. Trong khi vợ ông đang ngồi hút thuốc lá và đọc báo thì ông tay dao tay thớt nấu ăn. Ông khoe với chúng tôi mọi việc nội trợ dọn dẹp nhà cửa nấu ăn đi chợ…ông làm hết, còn vợ thì được giải phóng. Ông cười nháy mắt nhìn vợ rồi lại nghiêm chỉnh nét mặt: “Tôi biết mà. Vợ tôi tạm được an nhàn thế, nhưng nay mai có con cái là khổ ngay, phải mang thai đẻ con nuôi con vất vả lắm. Ở nước tôi, các bạn biết đấy, bình đẳng giới đã ăn sâu vào tiềm thức của cánh đàn ông chúng tôi rồi”. Nghe vậy, tôi cũng lại nháy mắt nhìn hai ông bạn Tự và Lý của mình, nhắc họ về Việt Nam nhớ mà học tập chuyên gia liệu bề cư xử với các phu nhân của họ.
Một lần, họ dẫn chúng tôi dạo quanh siêu thị lớn. Tôi loay hoay tra tìm giá định mua một cái máy hút bụi nho nhỏ. Tôi sáng mắt lên khi thấy nó quá rẻ. Chuyên gia tiến lại gần, xem tôi định mua gì, ông ấy nhìn một lát rồi cười và bảo, máy của Trung Quốc đấy, không phải của Thụy điển đâu. Mắt tôi liền cụp xuống, không dấu được nỗi thất vọng. Tôi hỏi bạn sao biết vậy trong khi tôi chưa tìm ra chữ nước nào sản xuất. Ông ta cười và bảo: “Chỉ nhìn giá là biết thôi!” Sau rồi, chúng tôi cũng chỉ ngắm nhìn cho biết chứ không mua được gì cả. Nhưng trước khi ra khỏi cửa hàng, tôi gắng tìm một thứ gì đó của Thụy điển để mang về làm kỉ niệm. Tìm lâu lắm, tôi mới nhặt một cái móc treo nhỏ gắn tường, vậy mà tốn tới hơn chục đô la. Khi tôi ra quầy trả tiền, ông bạn mới đi theo và cầm cái móc lên xem, xong ông ta tiếp tục cười và bảo tôi: “Cái móc này đúng là hàng Thụy Điển sản xuất, nhìn giá là tôi biết mà!!!” Tôi không dám kể là ở nhà tôi có hàng đống móc rồi, tôi cố chọn móc này để ghi dấu ấn tôi đã sang Thụy Điển, vì sợ ông ta lại vặn sao không tìm thứ gì khác làm kỉ niệm, chả lẽ lại bảo vì tốn tiền quá dù họ thừa hiểu mình là khó khăn và đời sống thấp rồi.
Không mấy khi có dịp sang Châu Âu, Giám đốc Tự nảy ý xong việc sẽ gọi điện hoặc Fax về báo cáo thủ trưởng cơ quan xin ở lại mấy ngày để du ngoạn Hà Lan, Ý…cho biết. Nhưng tôi cản lại, và nói với Sếp: “Nếu chúng ta là nhân viên thì còn có thể. Dù sao xin ở lại là “tiền trảm hậu tấu” rồi, tôi và anh ở trong ban giám đốc cùng với cậu Lý trưởng phòng mà rủ nhau ở lại thì thế nào ấy. Đó là chưa kể ở nhà bao nhiêu việc bận dồn vào mình anh Hòa. Giá như ý nghĩ này của anh có từ hồi chưa đi thì hay biết mấy, chúng ta sẽ báo cáo xin phép trước, may ra mọi người thông cảm mà duyệt thì có phải OK không. Tôi cũng hiểu đây là dịp hiếm có trong đời nhưng không khác được Sếp ạ”. Bây giờ nghĩ lại, đôi lúc tôi thấy ân hận vì không nghe theo sáng kiến của Sếp.
Ở Thụy Điển là chính, chúng tôi chỉ sang Pháp làm việc một ngày liên tục với 7 nhóm chuyên môn từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối và ngủ một đêm tại Paris. Mệt phờ người nhưng tôi rất vui vì cũng biết qua thành phố diễm lệ này, nhưng chỉ nhìn cái bên ngoài của nó chứ không biết cái bên trong. Chúng tôi được dạo qua tháp Eiffen, chụp hình dưới chân chứ không dám đi lên đỉnh, vì tôi đang mệt choáng mà cậu Lý thì lại khuyên,”chị ơi thôi đừng lên cao em sợ chóng mặt lắm” nên thôi luôn. Chỉ khổ thân anh Tự, Sếp của chúng tôi thích lên quá cho biết, mà hai thằng cùng đoàn cứ ngang phè cản lại. Rồi đi qua nhà thờ Đức Bà, dạo bên bờ sông Seine thơ mộng, lòng vòng về khách sạn bụng đói meo, tôi phải chạy ra đường phố tìm mua ít cơm nóng, đùi gà quay cho mấy người dùng tạm.
Chúng tôi thuê hai phòng khách sạn, tôi một phòng và hai ông tướng chung một phòng. Dạo ấy đúng vào dịp hội nghị gì nên khách đến Paris rất đông. Khách sạn trở nên khan hiếm. Chúng tôi nhờ cả chuyên gia bạn tìm hộ mà cũng khó khăn mãi mới ra được chỗ này còn sót lại. Phòng tôi là phòng quái quỉ gì mà là hình hộp tam giác bé tí chứ không phải hình hộp chữ nhật. Cái phòng hai ông bạn ở là phòng kho người ta mới dọn dẹp lại cho thuê tạm, chứ không còn phòng nào khác. Tất nhiên là với loại phòng giá tiền hình như thấp nhất 60 $ một đêm vào thời điểm đó, chứ nếu thả tiền ra hào phóng thì chắc cố tìm cũng có thể khá hơn. Chúng tôi chặc lưỡi thôi thì ngủ qua một đêm sáng mai đã về nước ấy mà. Đêm ấy, tôi ngủ chập chờn. Tôi quá mệt mỏi nên đầu đau như búa bổ, lại nơm nớp không dám ngủ sợ quên rồi ra sân bay bị trễ. Sáng sớm tinh mơ tôi đã dậy, không nằm nữa, xuống lễ tân báo họ cho ăn sáng trước giờ qui định, và chuẩn bị check out. Xong tôi lên tít tầng thượng, gõ cửa gọi hai anh em Tự và Lý. Mở cửa ra, tôi thấy cảnh tượng thật lạ lùng, cậu em Lý thì đang đi đi lại lại, mặt mũi bơ phờ, nói với tôi,”chị ơi muỗi đốt em ghê quá chị ạ”, rồi cậu ta chỉ vào hai ống chân (mặc quần soóc) với những nốt chấm đỏ dày đặc kinh hồn. Còn Tự, giám đốc của chúng tôi thì ngồi xổm trên giường, nét mặt hầm hố, tôi vào phòng mắt ông chẳng buồn đổi hướng nhìn sang tôi. Dưới sàn từ giường kéo ra vào cả trong toilet là lằng nhằng đám ga trải giường và chăn hoa bẩn bẩn cũ cũ. Tôi hỏi thì Lý trả lời thay là mấy cái đám ga chăn này hôi quá nên anh Tự bực mình ném xuống. Ha ha thì ra là vậy, tôi buồn cười quá nhưng không dám phá lên cười, vì bỗng nhiên thấy thương thương hai anh em. Tôi chỉ nói vui vui nhẹ nhàng, “ai bảo các ông không chịu khó mắc màn lên mà ngủ đại đi? (tôi trêu họ thế, chứ chỉ có tôi mới thủ từ nhà sang một cái màn đơn kè kè trong va li nên tôi thoát nạn đấy, tôi vốn không thể ngủ mà không có màn trong mọi trường hợp). Thôi thì đêm qua rồi, các ông đánh răng rửa mặt thu xếp hành lí và xuống ăn sáng đi kẻo trễ bây giờ. Mọi thứ đều thành kỉ niệm mà, bất luận vui buồn thú vị giận dỗi gì cũng đến thế thôi. Chúng ta đã có một đêm ở Paris tuyệt vời, theo cách rất riêng của mình. Đã chắc gì có ngày nào chúng ta trở lại nơi đây phải không?”
Trong lúc hai anh em lục tục chuẩn bị, tôi xuống ăn sáng trước để còn giờ mà lo thanh toán, gọi xe rồi hai anh em xuống ăn sau. Trông thế thôi chứ vội ra phết, chúng tôi tất tả ra sân bay trở về với đất nước, gia đình mình, tuy còn nghèo nhưng hẳn là nơi thân thương hơn chốn phồn hoa diễm lệ không phải của mình này.
Trở về, theo kế hoạch của dự án, chúng tôi phải chuẩn bị cho một đấu thầu quốc tế để chọn đơn vị cung ứng phần cứng phần mềm cho mạng máy tính toàn ngành. Khâu chuẩn bị tài liệu làm rất công phu. Phần tiếng Anh, tôi đưa chuyên gia tài liệu 25 trang qui định về hồ sơ thầu thì chuyên gia gửi đi bộ phận có trách nhiệm duyệt phản hồi về tới 7 trang góp ý tỉ mỉ, yêu cầu giải thích từng điểm li ti để họ thật hiểu nhất là những điều khoản phù hợp với điều kiện của nước mình. Chỉ sau khi trao đi đổi lại thật kĩ lưỡng giữa hai bên, sửa đi sửa lại cẩn thận, tài liệu mới trở thành chính thức phát hành. Mọi khâu chuẩn bị, mời thầu, mở thầu, chấm thầu,…đều được làm dưới sự giám sát và tham gia trực tiếp của chuyên gia kĩ thuật. Nhớ lại khi chấm thầu, hai công ty được chọn vào ngang tầm nhau rồi về tất cả các mặt, thì khâu cuối cùng là chuyên gia yêu cầu tháo máy mẫu, xem từng bộ phận bên trong, lập bảng kê đánh dấu, bộ phận ấy do nước nào sản xuất, đánh dấu cộng trừ , để cuối cùng chọn ra người thắng thầu. Chúng tôi rất cảm phục sự làm việc khách quan, vô tư và chặt chẽ nghiêm túc của họ. Vẫn chưa hết, đó là chuyên gia ở đây nhất trí, còn khi qua cơ quan kiểm toán, thì các biên bản phân tích chấm điểm được người có trách nhiệm gọi trao đổi hàng giờ qua điện thoại để chất vấn, và chúng tôi phải phối hợp với chuyên gia sở tại trả lời giải thích trực tiếp.
Đến khi trúng thầu, công ty nọ có nhã ý bố trí một chuyến đi Singapore cho các lãnh đạo, sáu người. Thủ trưởng cơ quan và ban lãnh đạo chúng tôi thống nhất không đi mà đề nghị họ cho phép thay thế bằng một đoàn sáu trưởng phó phòng Trung tâm chưa được đi nước ngoài lần nào. Rất may công ty đã đồng ý, nhưng rồi họ lại tự thêm một xuất nữa “bắt” tôi phải đi cùng, mặc dầu người của họ đi kèm đã thạo tiếng Anh rồi. Thế là tôi lại được lên đường với anh chị em, và buổi tối trước khi đi, tôi chở con gái út trên đường về nhà bằng xe máy đỏ DD thì từ từ lao xuống ruộng vì quả dưa hấu mua nặng quá con ôm bị lệch. Hai mẹ con ngập chân xuống bùn lầy mãi mới kéo được xe lên, may cả hai không sao và hôm sau có chuyện vui mà phét lác với anh chị em. Chuyến đi rất vui vẻ, chỉ có ít tiền tiêu vặt nhưng mọi người được tham quan hãng máy tính, xem qui trình lắp ráp kiểm tra thiết bị, biết những đường phố sạch như li như lau với các hàng cây ngay ngắn tỉa tót y chang nhau từng chủng loại, biết Sentosa với những tiết mục biểu diễn trên sân khấu laser đặc sắc, những khu vực bảo tàng sống động lịch sử. Và chị em được một phen cười suýt vỡ bụng vì một đấng mày râu trong đoàn đêm ngủ ở khách sạn cứ ngang nhiên nằm lên trên tất cả bộ chăn ga gối đệm của họ rồi kêu lạnh quá trơ trọi quá không ngủ được!!!
Ra về, tôi cứ bị ấn tượng mãi về môi trường sạch sẽ vệ sinh tuyệt vời của nước bạn, một “Thụy điển ở Châu Á” (có ai nói như vậy với tôi). Tôi lại ngậm ngùi đau sót nghĩ đến cảnh tượng cứ sau mỗi ngày lễ, ngày hội ở mình, to thì là Quốc khánh, bé thì là Trung thu, thôi thì các cháu học sinh sinh viên (lớp người có văn hóa hẳn hoi) ngồi bừa lên các bãi cỏ ven đại lộ hoặc công viên, ăn uống tùm lum rồi vứt đầy túi nilon, vỏ trái cây, vỏ hộp bánh kẹo…tanh bành không hề dọn dẹp, để các cô các chị nhân viên môi trường phải dọn hót đẩy đến vẹo người những xe rác cao ngất ngày đêm sau đó, để Hà Nội được hồi sinh phần nào trong ánh mắt của những ai còn đôi chút lòng tự trọng khi nhìn ngắm đất trời Thủ đô.
Công tác đoàn thể
Ngoài công tác chuyên môn và tham gia công tác công đoàn ở trung tâm, tôi tham gia Thường vụ ban chấp hành công đoàn cơ quan, có thời gian làm trưởng ban nữ công cơ quan, rồi về sau lại là Phó ban vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành nữa. Nhưng làm những công việc này, nhất là khi làm báo cáo, tôi phải làm giấu giếm cứ như việc riêng không bằng. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, hoặc nhất là trong giờ làm việc, bất chợt giám đốc mà sang phòng là tôi phải tắt phụt bản soạn thảo dở dang trên máy tính. Thực ra cũng chẳng phải Sếp ngăn cản gì, nhưng tôi cứ có cảm giác như Sếp không khoái tôi mất thì giờ về những việc này. Nhưng tôi mặc kệ, tôi chăm chú say sưa tổng kết từ những báo cáo của địa phương, có bao nhiêu chị em được vay vốn làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo, được đi học nâng cao trình độ, được đề bạt, được tăng lương và cảm thấy niềm vui tràn ngập. Nhưng lại chợt băn khoăn, cả địa phương cả chúng tôi ở trung ương, chả ai tổng kết xem có bao nhiêu chị em đi làm về cứ quần quật lăn lộn với đàn con với công việc không tên một mình mà ông chồng yêu quí chả bao giờ chia sẻ, vì nghiễm nhiên coi đó là việc của đàn bà! Có bao nhiêu chị em đau khổ âm thầm khi tuổi sang xế chiều, đức lang quân quên mất người vợ đã một đời hi sinh tất cả vì mình vì con, mải mê bỏ chạy theo những bóng hồng của thời hiện đại và tự vấn rằng đó là chạy theo tiếng gọi của trái tim(!) Là cứ nghĩ thế thôi, chứ tôi chả làm gì được, ngoài việc song sóc nhắc con trai, rằng vợ con cũng làm như con, con phải động tay động chân mà cùng chia sẻ việc nhà và quan tâm đến nó đấy nhé.
Tôi đã tìm được nguồn động viên lớn chính là từ tập thể đoàn viên công đoàn nơi đang công tác, từ tập thể anh chị em trong ban chấp hành công đoàn và chị em trong ban nữ công cơ quan. Họ đã tiếp sức cho tôi và giúp tôi hiểu ra rằng những hoạt động công đoàn, có khi chỉ là ngồi với nhau tập văn nghệ, chuẩn bị cho một buổi biểu diễn hay sinh hoạt nội bộ cơ quan, nhưng chính nó lại là sợi dây vô hình gắn kết mọi người, khiến cho ai nấy đều dễ cởi mở cộng tác hợp tác với nhau làm chuyên môn cho tốt hơn, chứ không dè chừng, lạnh lùng, xa cách, cục bộ. Có khi chỉ một cái nhìn thương cảm, một cái nắm tay bạn trên giường bệnh, cũng đủ để người ta vượt qua được cơn đau, và ngồi dậy để ngày mai đứng lên đi tiếp.
Nhưng làm công đoàn thì hay phải đi “xin”, xin đủ thứ. Có những cái xin được rất vui, có cái xin được thấy buồn. Tôi đã xin cơ quan cho chị em được đi du ngoạn một năm một lần vào ngày 8/3, tới di tích lịch sử, thắng cảnh nào đó, hoặc chùa chiền. Ban nữ công và ban vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp tổ chức, kinh phí xe cộ đi lại…cơ quan và công đoàn chịu, giờ làm việc vàng ngọc bị xâm phạm thì thủ trưởng lơ cho không khiển trách. Về sau, trở thành tiền lệ, cứ 8/3 là chị em lại nô nức lên đường, bỏ lại đằng sau tất cả những muộn phiền của cuộc đời thường nhật, và quên tạm chồng con! Đấy là niềm vui.
Còn ở trung tâm, ngày 8/3 nào thì cũng thành lệ, công đoàn phải đi xin giám đốc chút ít, phát cho mỗi người dăm ba chục ngàn gì đó, gọi là để chị em từng phòng từng tổ rủ nhau đi “bù khú” ở đâu, hoặc để tự do thì chị em có người còn phải dùng tiền ấy mà tự mua hoa về nhà cắm cho đỡ tủi thân vì không may đức ông chồng thân yêu của mình mải việc, vô tâm, hoặc bận đi chúc mừng 8/3 cho các cô gái khác! Tôi vẫn hay làm công việc đi xin này. Nhưng có một lần, vào dịp 8 tháng 3, bỗng dưng tôi nổi cơn tự ái, tôi thầm nghĩ và nói với mấy chị em “cùng hội cùng thuyền”, tôi không xin nữa, tôi án binh bất động, xem thử các đấng nam nhi làm công tác quản lí có ý kiến gì không, có chủ động quan tâm gì không nào. Tôi hơi bốc đồng, và liều, bởi phải chi mấy đấng mày râu ấy lại quên luôn thì tôi thật mang tội với chị em. Nhưng thật may, giám đốc không thấy chị em lên tiếng gì, không lèo nhèo đệ trình bẩm báo gì, bèn thắc mắc hỏi tôi: “sắp đến 8/3 rồi sao không thấy các bà ý kiến gì nhỉ?”. Tôi cười đậm mà cố tỏ ra nhạt: “Cảm ơn ông. Là chúng tôi đang đợi các ông đây, chỉ khác là đợi trong im lặng thôi để nhường cho sự quan tâm của các ông động đậy…” Rõ là văn nghệ văn gừng quá. Kết quả là từ năm ấy, tôi viết giấy xin tiền thì xin ráo, cho cả đàn ông đàn bà mấy chục nghìn như nhau, để cho các ông có cái mà mua hoa về tặng vợ mình ở nhà nữa!!! Đấy là bất chợt manh nha một chút buồn, cái buồn rất phức tạp và “tạch tạch sè” của tôi chứ bản chất vẫn là niềm vui thôi, niềm vui thật giản dị. Và nói sao thì nói, chúng tôi - những đàn bà hiền dịu mà cũng rất ghê gớm này - vẫn phải cảm ơn các ông một cách thật lòng. Và để thể hiện tình đoàn kết gắn bó không chỉ trong công việc, tôi đã “lôi kéo”, luyện tập để TOÀN BỘ TRUNG TÂM đàn ông thì sơ mi trắng cổ thắt cà vạt (cả giám đốc nữa không trốn được), đàn bà áo dài quần trắng xuất hiện trên sân khấu lớn ở tổng hành dinh cơ quan, hai hàng từ dưới hội trường đi lên ào ào như thác đổ trước sự kinh ngạc và phấn khích của mọi người, cất cao lời ca tiếng hát rõ thật hoành tráng.
Cơ quan nói chung và Trung tâm tôi nói riêng tiếp tục được phát triển trên cơ sở hiện đại hóa ngành với sự trợ giúp dài hạn của dự án Sida Thụy điển. Bởi vậy chuyên gia Thụy điển sang nhiều, trong đó có hai chuyên gia làm việc luôn tại Trung tâm và một số chuyên gia sang công tác ngắn hạn. Làm việc với họ, chúng tôi học được rất nhiều, từ phương pháp làm việc, cách xây dựng dư án, viết dự án, trình bày thuyết phục, kiểm tra giám sát triển khai công việc theo mục tiêu ngắn và dài hạn. Chuyên gia phải đi một số địa phương khảo sát, và Sếp cử tôi dẫn họ đi. Vì vậy tôi lại rong ruổi đường trường, và có những kỉ niệm vui buồn khó quên.
Một lần tôi đi Thái Nguyên cùng hai chuyên gia. Một ông để quên hộ chiếu nên vào khách sạn (nhà nước), họ không chịu. Ông ấy biết là mình thiếu sót rồi, nhưng quay lại Hà Nội để lấy giấy tờ thì mất công quá, nên tôi trình bày với khách sạn rằng chúng tôi thuộc một đoàn công tác ở cơ quan trung ương, tôi đã gọi điện về cơ quan địa phương nhờ bảo lãnh, nhưng mãi vẫn chưa dàn xếp xong. Thế là chuyên gia nổi cáu, họ cự tôi sao không thuê khách sạn tư nhân, mà cứ nhất định phải vào khách sạn nhà nước? Chả là vào tư nhân thì chủ dễ thông cảm hơn, chỉ cần để giấy tờ của một người đại diện là đủ. Tôi ú ớ chỉ giải thích chung chung là ở đây an toàn hơn, nhưng thôi họ đã quyết chí thì tôi cũng đưa sang khách sạn tư nhân vậy. Tất nhiên là chả có chuyện gì, nhiều khi chỉ là thói quen thôi. Có điều là, nếu xảy ra chuyện gì bất thường, thì ở một nơi kiểm tra gắt gao chắc cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng, và tôi đỡ trách nhiệm hơn, bởi vì tôi phải lo nhiệm vụ bảo vệ chuyên gia nữa chứ. Cũng không phải vô cớ mà ông chuyên gia nọ khó chịu khi vào khách sạn nhà nước, ông ấy rất ác cảm vì đã đi nơi khác nhiều rồi, ở khách sạn tư thì cần gọi gì, ăn sáng điểm tâm thế nào, loáng một cái là xong, còn khách sạn nhà nước thì thật to, người phục vụ rõ nhiều, cứ đi qua đi lại mà đợi được một bát phở buổi sáng còn là mệt lắm, lâu lắm.
Làm việc buổi sáng xong, lãnh đạo và tổ chức đãi tiệc đoàn, các món đặc sản chế biến từ con cầy hương. Nhưng chỉ có một chuyên gia sài, vừa nhâm nhi vừa suy nghĩ, còn một ông thì từ chối hẳn, nên phải gọi cho ông ấy vài món thịt gà, dưa chuột, khoai tây rán gì đấy. Ông ta nhẩn nha kể chuyện: “Ngày xưa hồi bố tôi còn sống, ông dễ tính lắm chứ không khó khăn gì. Tuy nhiên, bố tôi chỉ ăn những thứ biết rõ nguồn gốc của nó, và cách chế biến. Ví dụ, quả dưa chuột thái ra ăn sống, khoai tây thái miếng ra rán, đùi gà mua ở siêu thị mang về luộc hoặc chiên…chứ tự nhiên có những món là lạ thì chịu không dám ăn…” Rồi ông ta kết luận “mà tôi thì giống tính bố tôi!!!”. Thảo nào mặc cho chủ nhà ra sức ca ngợi món đặc sản, rằng con cầy hương là loài quí hiếm lắm (không phải là chó đâu!), không phải lúc nào nhà hàng cũng có sẵn…nhưng chuyên gia thì dửng dưng nghe, cười tủm tỉm và cứ việc say sưa chén thịt gà khoai tây thêm chút cơm trắng!
Lần khác, chúng tôi vào Nghệ An. Chuyên gia nhận phòng xong, kiểm tra ngay mọi thứ, phát hiện thấy vòi nước hỏng và toilet tắc ở một phòng. Họ kéo ra lễ tân và kêu um lên, yêu cầu đổi phòng ngay. Không may các nhân viên chưa giải quyết được kịp thời, thế là ba ông đỏ mặt tía tai giận dữ. Thấy tôi chỉ ôn tồn nói với mấy cô bé và nhắc các em khẩn trương hơn, thái độ có vẻ hòa bình, mấy ông cáu luôn với tôi “Này madam Thư, bạn không được hiền thế đâu nhé. Bọn này bậy quá, phải cho chúng nó một trận, ấm ớ là đi ngay khách sạn khác chứ!”. Tôi cũng sợ luôn, vì tuy đã làm việc với họ lâu lắm rồi, mà tôi chưa bao giờ chứng kiến sự nổi nóng điên cuồng của họ đến thế. Nhất là ông cố vấn trưởng, phải nói là mọi khi ông ấy hiền đến mức không thể hiền hơn, cực kì tình cảm, điềm đạm, mà nay ông ấy thành một người khác hẳn. Thì ra, họ quen với mọi sự nghiêm túc, có trách nhiệm và không thể tắc trách, đại khái, còn “quân ta” thì cứ phải từ từ, rồi thì cũng đổi phòng khác mà.
Cho tới một lần sau đó chừng nửa năm, chúng tôi tới một khách sạn khác, cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lần này, chưa cần để chuyên gia nổi nóng, tôi đã đỏ mặt tức giận và gay gắt yêu cầu khách sạn cho người đi sửa rồi. Và mặc dù không biết tiếng Việt, mấy ông chuyên gia vẫn hiểu tôi đang nói gì, rồi các ông ấy cười vừa hiền lành vừa dí dỏm bảo tôi “Hôm nay mới đúng là Madam Thư đây. Bạn đã thay đổi, theo chiều hướng đúng đó. Không thể hiền mãi được đâu!!!” Nghe vậy tôi hơi ngượng và buồn cười, chứ không lạ, vì tôi vẫn biết rất rõ cái mệnh “TÍCH LỊCH HỎA” của mình, có điều mọi khi thì tự kiềm chế, còn bây giờ “lây” tính mấy ông, nên tôi bùng phát tự nhiên, thế thôi.
Mỗi lần đi công tác ở đâu, chuyên gia quen yêu cầu tôi đi với họ rồi và Sếp cũng quen cử tôi đi. Một số lớp đào tạo chuyên gia giảng, hoặc hội thảo tôi cũng được yêu cầu đi dịch trực tiếp. Ở lớp đào tạo thì không có vấn đề gì, đã là chuyên môn sâu thì tha hồ yêu cầu chuyên gia trình bày lại, giảng giải kĩ, học viên thầy giáo thoải mái tranh luận nhau cho ra nhẽ. Nhưng ở hội thảo, có khi tới hàng trăm người, thì tôi không bao giờ bị vấp váp khi dịch từ Việt sang Anh. Các lãnh đạo, các chuyên gia trong nước, cán bộ chuyên viên muốn nói trời nói đất gì (ý tôi muốn nói trong phạm vi chuyên môn của hội thảo thôi, chứ lanh tanh bành sang lĩnh vực khác, là tôi ngọng ngay!) tôi cũng dịch đuổi theo thoải mái, và không bao giờ cảm thấy lúng túng trục trặc. Nhưng khi nghe chuyên gia trình bày, tôi dịch Anh sang Việt, thì có lúc tôi bí, tai ù cả lên, không hiểu thật rõ ông ta nói gì. Với mạch đang bốc, và để khỏi mất thời gian, tôi cứ dịch ào đi để bắt đầu từ câu sau quay lại tự tin và làm chủ hơn. Nhớ lại, tôi thấy thông cảm với ai gặp sự cố trong khi dịch, chứ không phải bào chữa cho mình. Dịch ào thế là không đúng rồi, là sai rồi, nhưng thực sự tôi không bao giờ có ý coi thường người nghe cả. Và may là chuyên gia luôn hài lòng, nên tôi đỡ áy náy. Chỉ những bản báo cáo viết bằng tiếng Anh, tôi biết là mình viết còn kém lắm, nên tôi luôn đưa sản phẩm của mình nhờ chuyên gia sửa lỗi hộ rồi mới nộp đi. Qua đó, tôi học được nhiều hơn. Nhưng nhiều cũng chẳng ăn thua gì, bản chất là tôi viết kém, thế thôi. Ở Trung tâm, các em các cháu trẻ dần dần cũng tiến bộ nhiều về tiếng Anh vì có điều kiện làm việc trực tiếp với chuyên gia trong chuyên môn. Tuy nhiên, có những kĩ sư chương trình rất giỏi mà ngoại ngữ yếu thì thiệt thòi, vì muốn đi nước ngoài phải thi kiểm tra tiếng Anh. Tôi luôn khích lệ họ tránh mặc cảm, và phải mạnh dạn. Một lần tôi được các Sếp cử đi Úc. Tôi chưa tới Úc bao giờ, nhưng đã đề nghị cho một cậu đi thay. Nói bằng lời trực tiếp chưa ổn, tôi phải viết giấy chính thức, và động viên cậu tích cực lên. Kết quả là sau chuyến đi này, cậu thay đổi nhiều, sau được đi nữa không khó khăn gì. Dịp ra nước ngoài làm việc với bạn, tôi giao cho nhân viên tập dịch những đoạn nào đó để họ mạnh dạn tự tin hơn. Hoặc trong các hội thảo phần thảo luận, tôi khuyến khích các bạn trẻ đảm nhận một phần, cho quen. Tôi biết, tôi sẽ già đi, không ôm đồm, “đại tiện” mãi được.
Năm 1998, anh Tự giám đốc, Lý - trưởng phòng kĩ thuật và tôi đi công tác tại Thụy điển và Pháp mười ngày theo dự án. Tôi làm phiên dịch. Thời gian ở Thụy Điển là chính. Nhớ lại ngày đầu tiên gặp gỡ, Sếp Thụy điển tiếp chúng tôi và ông cắm hai lá cờ nhỏ hai phía, quốc kì Thụy điển và Việt Nam. Ông nói ngậm miệng như người Anh vậy, nét mặt lạnh lùng khiến tôi cũng hoảng, sau dần dần thấy ông ấy rất khôi hài, nên bớt lo và thoải mái hơn.
Ngày nào chúng tôi cũng làm việc hai buổi, luân phiên qua một số đơn vị nghiệp vụ rồi làm kĩ với các đơn vị công nghệ thông tin. Giờ nghỉ giải lao, chúng tôi có thể vào phòng căng tin ở ngay cùng tầng, để uống sữa, cà phê, chè đủ loại, để ăn chút bánh ngọt hoàn toàn miễn phí. Ở đây họ tổ chức thế thật là tiện lợi, tiện cho bạn bè có thể ngồi với nhau chuyện trò vui vẻ, kể cả nhắn nhủ tâm tình trong chốc lát những việc cần và gấp gáp.
Chỗ ở bạn bố trí cho chúng tôi thật dễ chịu, gần cơ quan. Chúng tôi có thể đi bộ thong thả trên những con đường ngập tràn lá vàng lá đỏ rơi bay xào xạc, trong một cảm giác yên bình. Đi đường, tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ, người đi bộ bao giờ cũng được ưu tiên nhất. Nếu bạn đang phải dừng vì đèn đỏ mà lại muốn qua đường ngay, thì bạn nhấn nút ra hiệu, đèn đổi sang xanh ngay và bạn được như ý. Đi ở đâu, không có đèn hiệu giao thông thì bạn luôn được các loại xe dừng lại nhường đường để bạn đi trước. Thủ đô Stockholm đã ít người thì chớ, lại có tàu điện ngầm, nên mọi người như chui hết xuống đất, bỏ lại những con đường lớn vắng vẻ, sạch sẽ và yên tĩnh. Buổi tối, chúng tôi hay dạo chơi trên những con đường nhỏ lát đá lớn, dãy nhà hai bên xây thẳng tắp, những ngôi nhà có tới hơn trăm năm tuổi mà vẫn kiên cố, không bị thay đổi kể từ những con ốc vít ở cánh cửa tiếp xúc với mặt đường. Người Thụy điển mặc quần áo không đẹp, trông giản dị và thô, nhưng trang phục ấy lại khiến họ trông càng hiền từ hơn.
Kì này sang đây, chúng tôi được hai chuyên gia (vốn cùng làm việc dài hạn ở trung tâm) dẫn về thăm gia đình của họ. Một ông có bố mẹ già sống với nhau tại một ngôi nhà rộng rãi và khuất nẻo thuộc thành phố Orebro. Hai ông bà già tình cảm lắm và thật mến khách. Bà vợ tự tay nấu ăn và làm bánh ga to rất ngon thết đãi chúng tôi. Mới gặp nhau chút ít mà bà đã nước mắt lưng tròng khi chia tay làm chúng tôi vô cùng cảm động. Một ông ở ngay tại thủ đô, căn hộ sạch sẽ ấm áp. Trong khi vợ ông đang ngồi hút thuốc lá và đọc báo thì ông tay dao tay thớt nấu ăn. Ông khoe với chúng tôi mọi việc nội trợ dọn dẹp nhà cửa nấu ăn đi chợ…ông làm hết, còn vợ thì được giải phóng. Ông cười nháy mắt nhìn vợ rồi lại nghiêm chỉnh nét mặt: “Tôi biết mà. Vợ tôi tạm được an nhàn thế, nhưng nay mai có con cái là khổ ngay, phải mang thai đẻ con nuôi con vất vả lắm. Ở nước tôi, các bạn biết đấy, bình đẳng giới đã ăn sâu vào tiềm thức của cánh đàn ông chúng tôi rồi”. Nghe vậy, tôi cũng lại nháy mắt nhìn hai ông bạn Tự và Lý của mình, nhắc họ về Việt Nam nhớ mà học tập chuyên gia liệu bề cư xử với các phu nhân của họ.
Một lần, họ dẫn chúng tôi dạo quanh siêu thị lớn. Tôi loay hoay tra tìm giá định mua một cái máy hút bụi nho nhỏ. Tôi sáng mắt lên khi thấy nó quá rẻ. Chuyên gia tiến lại gần, xem tôi định mua gì, ông ấy nhìn một lát rồi cười và bảo, máy của Trung Quốc đấy, không phải của Thụy điển đâu. Mắt tôi liền cụp xuống, không dấu được nỗi thất vọng. Tôi hỏi bạn sao biết vậy trong khi tôi chưa tìm ra chữ nước nào sản xuất. Ông ta cười và bảo: “Chỉ nhìn giá là biết thôi!” Sau rồi, chúng tôi cũng chỉ ngắm nhìn cho biết chứ không mua được gì cả. Nhưng trước khi ra khỏi cửa hàng, tôi gắng tìm một thứ gì đó của Thụy điển để mang về làm kỉ niệm. Tìm lâu lắm, tôi mới nhặt một cái móc treo nhỏ gắn tường, vậy mà tốn tới hơn chục đô la. Khi tôi ra quầy trả tiền, ông bạn mới đi theo và cầm cái móc lên xem, xong ông ta tiếp tục cười và bảo tôi: “Cái móc này đúng là hàng Thụy Điển sản xuất, nhìn giá là tôi biết mà!!!” Tôi không dám kể là ở nhà tôi có hàng đống móc rồi, tôi cố chọn móc này để ghi dấu ấn tôi đã sang Thụy Điển, vì sợ ông ta lại vặn sao không tìm thứ gì khác làm kỉ niệm, chả lẽ lại bảo vì tốn tiền quá dù họ thừa hiểu mình là khó khăn và đời sống thấp rồi.
Không mấy khi có dịp sang Châu Âu, Giám đốc Tự nảy ý xong việc sẽ gọi điện hoặc Fax về báo cáo thủ trưởng cơ quan xin ở lại mấy ngày để du ngoạn Hà Lan, Ý…cho biết. Nhưng tôi cản lại, và nói với Sếp: “Nếu chúng ta là nhân viên thì còn có thể. Dù sao xin ở lại là “tiền trảm hậu tấu” rồi, tôi và anh ở trong ban giám đốc cùng với cậu Lý trưởng phòng mà rủ nhau ở lại thì thế nào ấy. Đó là chưa kể ở nhà bao nhiêu việc bận dồn vào mình anh Hòa. Giá như ý nghĩ này của anh có từ hồi chưa đi thì hay biết mấy, chúng ta sẽ báo cáo xin phép trước, may ra mọi người thông cảm mà duyệt thì có phải OK không. Tôi cũng hiểu đây là dịp hiếm có trong đời nhưng không khác được Sếp ạ”. Bây giờ nghĩ lại, đôi lúc tôi thấy ân hận vì không nghe theo sáng kiến của Sếp.
Ở Thụy Điển là chính, chúng tôi chỉ sang Pháp làm việc một ngày liên tục với 7 nhóm chuyên môn từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối và ngủ một đêm tại Paris. Mệt phờ người nhưng tôi rất vui vì cũng biết qua thành phố diễm lệ này, nhưng chỉ nhìn cái bên ngoài của nó chứ không biết cái bên trong. Chúng tôi được dạo qua tháp Eiffen, chụp hình dưới chân chứ không dám đi lên đỉnh, vì tôi đang mệt choáng mà cậu Lý thì lại khuyên,”chị ơi thôi đừng lên cao em sợ chóng mặt lắm” nên thôi luôn. Chỉ khổ thân anh Tự, Sếp của chúng tôi thích lên quá cho biết, mà hai thằng cùng đoàn cứ ngang phè cản lại. Rồi đi qua nhà thờ Đức Bà, dạo bên bờ sông Seine thơ mộng, lòng vòng về khách sạn bụng đói meo, tôi phải chạy ra đường phố tìm mua ít cơm nóng, đùi gà quay cho mấy người dùng tạm.
Chúng tôi thuê hai phòng khách sạn, tôi một phòng và hai ông tướng chung một phòng. Dạo ấy đúng vào dịp hội nghị gì nên khách đến Paris rất đông. Khách sạn trở nên khan hiếm. Chúng tôi nhờ cả chuyên gia bạn tìm hộ mà cũng khó khăn mãi mới ra được chỗ này còn sót lại. Phòng tôi là phòng quái quỉ gì mà là hình hộp tam giác bé tí chứ không phải hình hộp chữ nhật. Cái phòng hai ông bạn ở là phòng kho người ta mới dọn dẹp lại cho thuê tạm, chứ không còn phòng nào khác. Tất nhiên là với loại phòng giá tiền hình như thấp nhất 60 $ một đêm vào thời điểm đó, chứ nếu thả tiền ra hào phóng thì chắc cố tìm cũng có thể khá hơn. Chúng tôi chặc lưỡi thôi thì ngủ qua một đêm sáng mai đã về nước ấy mà. Đêm ấy, tôi ngủ chập chờn. Tôi quá mệt mỏi nên đầu đau như búa bổ, lại nơm nớp không dám ngủ sợ quên rồi ra sân bay bị trễ. Sáng sớm tinh mơ tôi đã dậy, không nằm nữa, xuống lễ tân báo họ cho ăn sáng trước giờ qui định, và chuẩn bị check out. Xong tôi lên tít tầng thượng, gõ cửa gọi hai anh em Tự và Lý. Mở cửa ra, tôi thấy cảnh tượng thật lạ lùng, cậu em Lý thì đang đi đi lại lại, mặt mũi bơ phờ, nói với tôi,”chị ơi muỗi đốt em ghê quá chị ạ”, rồi cậu ta chỉ vào hai ống chân (mặc quần soóc) với những nốt chấm đỏ dày đặc kinh hồn. Còn Tự, giám đốc của chúng tôi thì ngồi xổm trên giường, nét mặt hầm hố, tôi vào phòng mắt ông chẳng buồn đổi hướng nhìn sang tôi. Dưới sàn từ giường kéo ra vào cả trong toilet là lằng nhằng đám ga trải giường và chăn hoa bẩn bẩn cũ cũ. Tôi hỏi thì Lý trả lời thay là mấy cái đám ga chăn này hôi quá nên anh Tự bực mình ném xuống. Ha ha thì ra là vậy, tôi buồn cười quá nhưng không dám phá lên cười, vì bỗng nhiên thấy thương thương hai anh em. Tôi chỉ nói vui vui nhẹ nhàng, “ai bảo các ông không chịu khó mắc màn lên mà ngủ đại đi? (tôi trêu họ thế, chứ chỉ có tôi mới thủ từ nhà sang một cái màn đơn kè kè trong va li nên tôi thoát nạn đấy, tôi vốn không thể ngủ mà không có màn trong mọi trường hợp). Thôi thì đêm qua rồi, các ông đánh răng rửa mặt thu xếp hành lí và xuống ăn sáng đi kẻo trễ bây giờ. Mọi thứ đều thành kỉ niệm mà, bất luận vui buồn thú vị giận dỗi gì cũng đến thế thôi. Chúng ta đã có một đêm ở Paris tuyệt vời, theo cách rất riêng của mình. Đã chắc gì có ngày nào chúng ta trở lại nơi đây phải không?”
Trong lúc hai anh em lục tục chuẩn bị, tôi xuống ăn sáng trước để còn giờ mà lo thanh toán, gọi xe rồi hai anh em xuống ăn sau. Trông thế thôi chứ vội ra phết, chúng tôi tất tả ra sân bay trở về với đất nước, gia đình mình, tuy còn nghèo nhưng hẳn là nơi thân thương hơn chốn phồn hoa diễm lệ không phải của mình này.
Trở về, theo kế hoạch của dự án, chúng tôi phải chuẩn bị cho một đấu thầu quốc tế để chọn đơn vị cung ứng phần cứng phần mềm cho mạng máy tính toàn ngành. Khâu chuẩn bị tài liệu làm rất công phu. Phần tiếng Anh, tôi đưa chuyên gia tài liệu 25 trang qui định về hồ sơ thầu thì chuyên gia gửi đi bộ phận có trách nhiệm duyệt phản hồi về tới 7 trang góp ý tỉ mỉ, yêu cầu giải thích từng điểm li ti để họ thật hiểu nhất là những điều khoản phù hợp với điều kiện của nước mình. Chỉ sau khi trao đi đổi lại thật kĩ lưỡng giữa hai bên, sửa đi sửa lại cẩn thận, tài liệu mới trở thành chính thức phát hành. Mọi khâu chuẩn bị, mời thầu, mở thầu, chấm thầu,…đều được làm dưới sự giám sát và tham gia trực tiếp của chuyên gia kĩ thuật. Nhớ lại khi chấm thầu, hai công ty được chọn vào ngang tầm nhau rồi về tất cả các mặt, thì khâu cuối cùng là chuyên gia yêu cầu tháo máy mẫu, xem từng bộ phận bên trong, lập bảng kê đánh dấu, bộ phận ấy do nước nào sản xuất, đánh dấu cộng trừ , để cuối cùng chọn ra người thắng thầu. Chúng tôi rất cảm phục sự làm việc khách quan, vô tư và chặt chẽ nghiêm túc của họ. Vẫn chưa hết, đó là chuyên gia ở đây nhất trí, còn khi qua cơ quan kiểm toán, thì các biên bản phân tích chấm điểm được người có trách nhiệm gọi trao đổi hàng giờ qua điện thoại để chất vấn, và chúng tôi phải phối hợp với chuyên gia sở tại trả lời giải thích trực tiếp.
Đến khi trúng thầu, công ty nọ có nhã ý bố trí một chuyến đi Singapore cho các lãnh đạo, sáu người. Thủ trưởng cơ quan và ban lãnh đạo chúng tôi thống nhất không đi mà đề nghị họ cho phép thay thế bằng một đoàn sáu trưởng phó phòng Trung tâm chưa được đi nước ngoài lần nào. Rất may công ty đã đồng ý, nhưng rồi họ lại tự thêm một xuất nữa “bắt” tôi phải đi cùng, mặc dầu người của họ đi kèm đã thạo tiếng Anh rồi. Thế là tôi lại được lên đường với anh chị em, và buổi tối trước khi đi, tôi chở con gái út trên đường về nhà bằng xe máy đỏ DD thì từ từ lao xuống ruộng vì quả dưa hấu mua nặng quá con ôm bị lệch. Hai mẹ con ngập chân xuống bùn lầy mãi mới kéo được xe lên, may cả hai không sao và hôm sau có chuyện vui mà phét lác với anh chị em. Chuyến đi rất vui vẻ, chỉ có ít tiền tiêu vặt nhưng mọi người được tham quan hãng máy tính, xem qui trình lắp ráp kiểm tra thiết bị, biết những đường phố sạch như li như lau với các hàng cây ngay ngắn tỉa tót y chang nhau từng chủng loại, biết Sentosa với những tiết mục biểu diễn trên sân khấu laser đặc sắc, những khu vực bảo tàng sống động lịch sử. Và chị em được một phen cười suýt vỡ bụng vì một đấng mày râu trong đoàn đêm ngủ ở khách sạn cứ ngang nhiên nằm lên trên tất cả bộ chăn ga gối đệm của họ rồi kêu lạnh quá trơ trọi quá không ngủ được!!!
Ra về, tôi cứ bị ấn tượng mãi về môi trường sạch sẽ vệ sinh tuyệt vời của nước bạn, một “Thụy điển ở Châu Á” (có ai nói như vậy với tôi). Tôi lại ngậm ngùi đau sót nghĩ đến cảnh tượng cứ sau mỗi ngày lễ, ngày hội ở mình, to thì là Quốc khánh, bé thì là Trung thu, thôi thì các cháu học sinh sinh viên (lớp người có văn hóa hẳn hoi) ngồi bừa lên các bãi cỏ ven đại lộ hoặc công viên, ăn uống tùm lum rồi vứt đầy túi nilon, vỏ trái cây, vỏ hộp bánh kẹo…tanh bành không hề dọn dẹp, để các cô các chị nhân viên môi trường phải dọn hót đẩy đến vẹo người những xe rác cao ngất ngày đêm sau đó, để Hà Nội được hồi sinh phần nào trong ánh mắt của những ai còn đôi chút lòng tự trọng khi nhìn ngắm đất trời Thủ đô.
Công tác đoàn thể
Ngoài công tác chuyên môn và tham gia công tác công đoàn ở trung tâm, tôi tham gia Thường vụ ban chấp hành công đoàn cơ quan, có thời gian làm trưởng ban nữ công cơ quan, rồi về sau lại là Phó ban vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành nữa. Nhưng làm những công việc này, nhất là khi làm báo cáo, tôi phải làm giấu giếm cứ như việc riêng không bằng. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, hoặc nhất là trong giờ làm việc, bất chợt giám đốc mà sang phòng là tôi phải tắt phụt bản soạn thảo dở dang trên máy tính. Thực ra cũng chẳng phải Sếp ngăn cản gì, nhưng tôi cứ có cảm giác như Sếp không khoái tôi mất thì giờ về những việc này. Nhưng tôi mặc kệ, tôi chăm chú say sưa tổng kết từ những báo cáo của địa phương, có bao nhiêu chị em được vay vốn làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo, được đi học nâng cao trình độ, được đề bạt, được tăng lương và cảm thấy niềm vui tràn ngập. Nhưng lại chợt băn khoăn, cả địa phương cả chúng tôi ở trung ương, chả ai tổng kết xem có bao nhiêu chị em đi làm về cứ quần quật lăn lộn với đàn con với công việc không tên một mình mà ông chồng yêu quí chả bao giờ chia sẻ, vì nghiễm nhiên coi đó là việc của đàn bà! Có bao nhiêu chị em đau khổ âm thầm khi tuổi sang xế chiều, đức lang quân quên mất người vợ đã một đời hi sinh tất cả vì mình vì con, mải mê bỏ chạy theo những bóng hồng của thời hiện đại và tự vấn rằng đó là chạy theo tiếng gọi của trái tim(!) Là cứ nghĩ thế thôi, chứ tôi chả làm gì được, ngoài việc song sóc nhắc con trai, rằng vợ con cũng làm như con, con phải động tay động chân mà cùng chia sẻ việc nhà và quan tâm đến nó đấy nhé.
Tôi đã tìm được nguồn động viên lớn chính là từ tập thể đoàn viên công đoàn nơi đang công tác, từ tập thể anh chị em trong ban chấp hành công đoàn và chị em trong ban nữ công cơ quan. Họ đã tiếp sức cho tôi và giúp tôi hiểu ra rằng những hoạt động công đoàn, có khi chỉ là ngồi với nhau tập văn nghệ, chuẩn bị cho một buổi biểu diễn hay sinh hoạt nội bộ cơ quan, nhưng chính nó lại là sợi dây vô hình gắn kết mọi người, khiến cho ai nấy đều dễ cởi mở cộng tác hợp tác với nhau làm chuyên môn cho tốt hơn, chứ không dè chừng, lạnh lùng, xa cách, cục bộ. Có khi chỉ một cái nhìn thương cảm, một cái nắm tay bạn trên giường bệnh, cũng đủ để người ta vượt qua được cơn đau, và ngồi dậy để ngày mai đứng lên đi tiếp.
Nhưng làm công đoàn thì hay phải đi “xin”, xin đủ thứ. Có những cái xin được rất vui, có cái xin được thấy buồn. Tôi đã xin cơ quan cho chị em được đi du ngoạn một năm một lần vào ngày 8/3, tới di tích lịch sử, thắng cảnh nào đó, hoặc chùa chiền. Ban nữ công và ban vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp tổ chức, kinh phí xe cộ đi lại…cơ quan và công đoàn chịu, giờ làm việc vàng ngọc bị xâm phạm thì thủ trưởng lơ cho không khiển trách. Về sau, trở thành tiền lệ, cứ 8/3 là chị em lại nô nức lên đường, bỏ lại đằng sau tất cả những muộn phiền của cuộc đời thường nhật, và quên tạm chồng con! Đấy là niềm vui.
Còn ở trung tâm, ngày 8/3 nào thì cũng thành lệ, công đoàn phải đi xin giám đốc chút ít, phát cho mỗi người dăm ba chục ngàn gì đó, gọi là để chị em từng phòng từng tổ rủ nhau đi “bù khú” ở đâu, hoặc để tự do thì chị em có người còn phải dùng tiền ấy mà tự mua hoa về nhà cắm cho đỡ tủi thân vì không may đức ông chồng thân yêu của mình mải việc, vô tâm, hoặc bận đi chúc mừng 8/3 cho các cô gái khác! Tôi vẫn hay làm công việc đi xin này. Nhưng có một lần, vào dịp 8 tháng 3, bỗng dưng tôi nổi cơn tự ái, tôi thầm nghĩ và nói với mấy chị em “cùng hội cùng thuyền”, tôi không xin nữa, tôi án binh bất động, xem thử các đấng nam nhi làm công tác quản lí có ý kiến gì không, có chủ động quan tâm gì không nào. Tôi hơi bốc đồng, và liều, bởi phải chi mấy đấng mày râu ấy lại quên luôn thì tôi thật mang tội với chị em. Nhưng thật may, giám đốc không thấy chị em lên tiếng gì, không lèo nhèo đệ trình bẩm báo gì, bèn thắc mắc hỏi tôi: “sắp đến 8/3 rồi sao không thấy các bà ý kiến gì nhỉ?”. Tôi cười đậm mà cố tỏ ra nhạt: “Cảm ơn ông. Là chúng tôi đang đợi các ông đây, chỉ khác là đợi trong im lặng thôi để nhường cho sự quan tâm của các ông động đậy…” Rõ là văn nghệ văn gừng quá. Kết quả là từ năm ấy, tôi viết giấy xin tiền thì xin ráo, cho cả đàn ông đàn bà mấy chục nghìn như nhau, để cho các ông có cái mà mua hoa về tặng vợ mình ở nhà nữa!!! Đấy là bất chợt manh nha một chút buồn, cái buồn rất phức tạp và “tạch tạch sè” của tôi chứ bản chất vẫn là niềm vui thôi, niềm vui thật giản dị. Và nói sao thì nói, chúng tôi - những đàn bà hiền dịu mà cũng rất ghê gớm này - vẫn phải cảm ơn các ông một cách thật lòng. Và để thể hiện tình đoàn kết gắn bó không chỉ trong công việc, tôi đã “lôi kéo”, luyện tập để TOÀN BỘ TRUNG TÂM đàn ông thì sơ mi trắng cổ thắt cà vạt (cả giám đốc nữa không trốn được), đàn bà áo dài quần trắng xuất hiện trên sân khấu lớn ở tổng hành dinh cơ quan, hai hàng từ dưới hội trường đi lên ào ào như thác đổ trước sự kinh ngạc và phấn khích của mọi người, cất cao lời ca tiếng hát rõ thật hoành tráng.
Trích hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét