Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Hồi ký NMNC - CHƯƠNG 19: VỀ HƯU

Hãy làm chủ cuộc đời nhé con trai!
               Sau sáu năm học đại học Y khoa Hà Nội, Tuấn thi đậu làm bác sĩ nội trú tiếp ba năm nữa, rồi mới đi làm. Mấy năm đầu Tuấn ở lại trường giảng dạy, sau rồi một Viện ở trung ương chủ trương lấy bác sĩ nội trú về, nên con tôi được chuyển đổi môi trường. Ra trường xin việc, con tôi tự làm, không phiền gì đến mẹ. Tuấn bảo “Con được đào tạo hẳn hoi, có bằng cấp tử tế, nơi nào sử dụng thấy phù hợp thì con về, chứ con không muốn phải đi cầu cạnh gì, mẹ cứ yên tâm!”. Thấy con nói phải, và từ từ công việc cũng ổn định suôn sẻ, nên tôi không phải lo lắng gì nữa. Tôi chỉ dặn con, “đã chọn lấy nghề Y thì phải chấp nhận hi sinh, hết lòng vì người bệnh, nhất là ở nơi con bệnh nhân các tỉnh về đông, họ rất nghèo và khó khăn, con nhớ không được gây phiền hà gì cho họ”.
                Đi làm được ba năm, con tôi lập gia đình. Con dâu tôi là Song Hương, bạn học của Tuấn. Tôi vui lắm, vì nhớ ngày xưa tôi và bố MQ của cháu cũng yêu nhau từ môi trường học đường. Ngày cưới của con tôi, hai anh của bố cháu (bác Thơ, bác Hồng) và bác Lý (vợ bác Quảng) ra dự đông đủ. Sang nhà gái làm thủ tục ăn hỏi, và đón dâu, tôi đều hứng chí làm “thơ con cóc” tặng hai họ, vừa đọc vừa muốn khóc. Cứ mỗi lần làm đám cưới cho con, tôi lại tủi thân lắm, cứ một mình lọ mọ chạy xe máy đầu tỉnh cuối tỉnh để mời, mà cũng chỉ tới được các đấng bề trên già yếu, là để báo cáo chứ không phải để bắt các cụ đi dự. Còn bạn bè thì chỉ a lô và nhờ người gửi đi theo từng nhóm là cùng. Tất bật khi chuẩn bị thế thôi, chứ ra lễ thành hôn là tôi “phong độ” ngay, những giọt nước mắt lúc nào cũng rình rập tuôn trào, nhưng tôi luôn nén kìm lại để mọi người chỉ thấy nụ cười tươi rói mà thôi.
              Tôi có con dâu. Tôi hạnh phúc thật chứ. Lên cơ quan làm, đi đâu tôi cũng khoe với mọi người, bây giờ trong nhà có thêm con thêm đông vui, từng bữa ăn chuẩn bị hay dọn dẹp có con dâu chia sẻ đỡ đần, rồi nay mai có cháu chắc còn hạnh phúc hơn, chỉ tiếc là MQ không còn nữa. Con dâu tôi chăm chỉ, căn cơ, nhưng ít nói. Tôi cũng mừng thầm cho con trai mình tuyềnh toàng sẽ nhận được sự bù trừ cẩn thận từ vợ nó, và ngược lại, cậu luôn vui vẻ chuyện trò âu cũng là “gánh” thay cho vợ một ít nụ cười. Tuy mới gần nhau, chưa hiểu về con dâu, nhưng tôi luôn nghĩ nó như con gái mình thôi, lấy chồng lạ nước lạ cái, về nhà chồng làm sao thoải mái như với bố mẹ đẻ được, nên cố gắng chủ động thân thiện, chứ không câu nệ đòi hỏi gì ở con cả. Tôi không nói trực tiếp với con trai nhưng tôi luôn thầm nhắn nhủ nó:”Hãy làm chủ cuộc đời nhé con trai! Mẹ cầu mong hai con mãi hạnh phúc…”


Yên tâm
            Tôi về nghỉ hưu cuối năm 2003. Tôi không buồn không hẫng hụt gì, vì tôi mong muốn nghỉ. Tôi đã quá ngán cái cảnh đầu tắt mặt tối cho công việc rồi. Giám đốc Trung tâm gợi ý tôi có thể đi làm tiếp, theo chế độ hợp đồng kí sáu tháng hoặc một năm, nhưng tôi từ chối. Nghỉ hưu là qui luật thường tình, thiếu mình thì có nhiều người khác làm, còn tốt hơn mình nữa. Mấy tháng trước khi về hưu, tôi làm việc càng bận rộn vất vả hơn vì muốn hoàn thành những việc dang dở. Tôi không có giờ rảnh rỗi để du ngoạn thăm thú chào tạm biệt ai, từ các địa phương đến các Vụ trong cơ quan. Tôi làm đến giờ chót. May có buổi họp giao ban lệ thường đủ thành phần lãnh đạo cơ quan và lãnh đạo các đơn vị, nên tôi xin phép thủ trưởng có mấy lời tâm sự chào chia tay, thế thôi. Với trung tâm, tôi thuê một chiếc xe lớn 45 chỗ mời mọi người về thăm quê tôi, về thăm ngôi nhà kỉ niệm tôi đã mua lại của hai gia đình được chia trong cải cách ruộng đất. Tôi nhờ bà chị họ chuẩn bị sẵn cho tôi rượu "quốc lủi", gà ta “xịn” luộc lên, tôi đặt từ Hà Nội một thúng xôi đậu đen mang về, đồng thời hái rau lang trong vườn đem luộc để thết mọi người. Tôi giải thích về ba thức ăn này: Một là xôi đậu đen, bố mẹ tôi rất chuộng. Hai là gà luộc me tôi rất mê. Ba là rau khoai lang luộc tôi say từ thời chiến tranh sơ tán đói khát trên rừng Thái Nguyên. Tôi mời bạn bè về nhà tôi, kỉ niệm của bố mẹ và me tôi còn đó sừng sững với thời gian, tôi thì đang ở bên các bạn bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Các bạn hãy thưởng thức để có được những cảm nhận và tưởng tượng chia vui với các đấng sinh thành của tôi và người con gái út bé bỏng của họ nay đang về già nhé. Hôm ấy, mọi người vui vẻ lắm. Ai cũng bảo ăn rất ngon miệng. Mấy cô gái còn thi nhau hái những chùm khế lúc lỉu quả trên cây khế tôi mang từ Hà Nội về trồng. Vì mang từ Hà Nội nên nó không cho ra những chùm khế ngọt (mà là chua ngọt) để tôi có thể tự hào với bạn bè rằng, mình đã đang và còn lớn nổi thành người đây. Nhưng đùa cho vui thế thôi, quê hương đang gần lại với tôi hơn kể từ khi tôi mua lại được ngôi nhà và mảnh vườn mà đồng nghiệp của tôi đang an tọa chiêm ngưỡng trong chốc lát đấy!
              Ở Trung tâm, trong lúc làm nốt mọi việc, tôi tranh thủ chụp hình với cán bộ nhân viên của tất cả các phòng, dán hình chụp lại trong một quyển album lớn làm lưu niệm. Tôi xuất khẩu thành “thơ cóc” gắn theo mỗi hình chụp là mấy câu tâm tình vui vui chú giải, để lỡ ra sau này già quá bị lẫn lộn quên mất thì những câu thơ đó sẽ có tác dụng trợ giúp đôi phần. Tất cả các bức hình, đa phần tôi cười rất tươi. Nước mắt không có chỗ hiển hiện trong cuốn album đó. Rồi Trung tâm, ban giám đốc, các phòng liên hoan chia tay, tặng tôi những món quà tình cảm, mà giờ này tôi vẫn đang sử dụng hoặc nâng niu chúng. Này là chiếc áo dài truyền thống may từ tấm vải mềm mại tạo duyên, kìa là chiếc khăn quàng màu lòng tôm dính chặt trên cổ tôi mỗi khi đông về, nọ là tấm vải lớn đủ để may bộ comple với sắc màu tôn da thật tuyệt mà vì quí nó, tôi chưa may cứ giở ra nhìn ngắm hoài, và nhiều nhiều nữa.
           Về nghỉ hưu, nói của đáng tội, tôi thấy hơi chống chếnh đúng một tuần đầu mới nghỉ. Trong tuần này, tôi dọn dẹp lại sách vở, ngâm nga vui thú với cuốn album chụp hình kỉ niệm ở trung tâm. Rồi tôi đi chơi mấy nơi quanh nội thành Hà Nội, theo tour hẳn hoi, mà cứ thấy thế nào ấy. Nhưng rất nhanh thôi, từ tuần thứ hai, tôi ổn hẳn. Ngày ngày tôi đi chợ, nấu ăn, chiều tối có con gái, vợ chồng con trai con dâu về, lại đông đúc. Một cậu bạn, mời tôi làm việc ở công ty của cậu, tôi nhận lời và chỉ làm ngày một buổi. Bây giờ, công nghệ đổi thay nhiều rồi. Một nhóm kĩ sư trẻ tìm hiểu, cài đặt một phần mềm của nước ngoài với mã nguồn mở, tôi chỉ giúp họ hàng ngày Chat với chuyên gia Đức (nhóm tác giả), về những thắc mắc, phát sinh và nhận lời giải đáp. Tôi cũng tham gia viết tài liệu hướng dẫn sử dụng.Tôi chỉ làm cho vui, chứ không nhận lương bạn trả vì công ty còn đang gặp nhiều khó khăn. Về sau, bạn vẫn chuyển lương của tôi thành cổ phần của công ty, coi như “của để dành” mặc dù không có gì đáng kể.


Cháu nội

              Tới khi con dâu tôi sinh con thì tôi nghỉ hẳn, không làm gì nữa và chỉ ở nhà trông cháu nội là Hồ Diệu Ngân. Ai cũng bảo cháu nội tôi giống cô Ngân Hương hồi nhỏ, tất nhiên cháu không bé còm yếu ớt như cô. Mẹ cháu ít sữa, nên chủ yếu nuôi bộ. Bao nhiêu năm rồi không nuôi con nhỏ nữa, nay mới lại bế nựng cháu trên tay, lo từng chai sữa cháu mút có ợ lên giữa chừng để khỏi chớ (nôn) không, nhiều lúc tôi thấy là lạ nhưng rất thích. Tôi có cảm giác như chăm cháu còn cẩn thận và kĩ lưỡng hơn ngày xưa chăm con.
                Khi ru cháu ngủ, tôi hay hát ru à ơi, rồi bỗng nhiên còn “sáng tác” cả bài hát về cháu nữa. Tôi không biết nhạc, nhưng cứ ư ử thành một giai điệu nào đó, rồi sau mới mò mẫm đồ rê mi fa son la si …chưa tới mức vỡ lòng trên cái đàn Organ cũ đi mượn rồi bấm mổ cò, và ghi lại: ”Diệu Ngân cháu ơi hãy ngủ ngon, Diệu Ngân cháu ơi hãy ngủ ngoan. Mai sau cháu lớn lên nhớ không quên kỉ niệm xưa, bà ôm cháu ôm trong tay ru tiếng ru dịu hiền bà ôm cháu ôm trong tay ru lời ru triền miên. Thời gian chẳng ngừng trôi, ngày tháng cứ đi qua đi qua đi qua đi qua. Bà nội cháu hát ngàn lời ca, bà nội cháu mơ màng vần thơ, trái tim rung nốt nhạc à ơi ơi à. Cuộc đời cháu sắc thắm ngàn hoa, cuộc đời cháu mãi mãi đẹp tươi, vì cháu lớn lên trong tiếng ru của bà, vì cháu lớn lên, ông nội cháu vẫn về, ông nội cháu mỉm cười trong tiếng ru à ơi. Diệu Ngân cháu ơi hãy ngủ ngon. Diệu Ngân cháu ơi hãy ngủ ngoan….”
               Cháu lớn lên một chút, biết sợ sấm chớp, ôm chặt lấy bà nội mỗi khi trời nổi cơn giông mưa to gió lớn, tôi phải vừa xoa lưng vừa nựng cháu. Nhưng cũng có lần, tôi bị cảm lạnh, người rét run lên từ bên trong mặc dù trời không lạnh, thì tôi lại ôm chặt cháu không chỉ để cháu đỡ sợ mà chính tôi, lại cần cái hơi ấm của cháu, mà chỉ có tôi mới biết. Bất giác, tôi càng thương bé hơn. Tôi lại nghĩ lung tung phải chi ông nội cháu còn sống nhỉ, chắc ông không để cho tôi lạnh đến thế này.

Lâm bệnh
                Một ngày chủ nhật năm 2005, tôi bị trận cảm nặng khi đang ở hồ bơi với gia đình Hoa. Về nhà, tôi đánh gió uống thuốc cẩn thận nhưng hai cánh tay, hai ống chân bị lạnh run, tê dại bên trong, đồng thời mồ hôi vã ra hai cánh tay, vuốt lau đi lại ra đợt mới. Tôi nhờ một bác sĩ đông tây y giỏi, khám bệnh cắt thuốc và tiêm. Khi uống thuốc, tôi luôn gọi điện báo cáo tình hình. Bác sĩ điều chỉnh mãi, mà tôi càng bệnh nặng, nên một hôm, ông gọi điện bảo:”Trong đời, tôi chưa cho ai uống tăng vị nóng như bà, mà bà không thuyên giảm thì tôi chịu rồi, thế nên bà không cần uống thuốc của tôi nữa”. Tôi thầm cảm phục bác sĩ đã rất thẳng thắn, nhưng tôi thất vọng vì chẳng biết chữa sao đây. Rồi bạn tôi dẫn tôi đến chỗ khác thật nổi tiếng, thầy khám và cười khẩy, bệnh tôi chữa dễ ợt, chắc chắn uống mấy hộp thuốc tễ là khỏi chứ chả cần cắt riêng theo đặc thù bệnh nhân. Tôi hi vọng, làm theo chỉ dẫn, nhưng rồi lạnh vẫn hoàn lạnh, mồ hôi cứ túa ra. Tới khám lại, ông thầy nổi cáu, bảo vô lí không đỡ, rồi cho thêm liều củng cố, và khẳng định như đinh đóng cột, lần này là phải ổn. Mặc cho thầy cáu kỉnh, bệnh tôi vẫn trơ ra như thế nếu không nói là nặng hơn. Tôi chán quá chẳng buồn quay lại, đành chịu đựng tiếp. Trời nóng 38, 39 độ mà tôi cứ lạnh run, phải đi găng tay dài, đi tất chân, không thể chịu đựng được quạt máy dù quạt thật nhỏ. Không chỉ có lạnh, ra mồ hôi, đang thiu thiu chợp mắt thì nhoằng một cái, có cái gì như quả đấm chĩa huỵch vào bờ vai rồi xông thẳng vào tim, khiến người hốt hoảng sợ hãi. Đã thế, chóng mặt thường xuyên hoành hành khiến tôi rất khó chịu, và cũng lo lắng nữa. Vậy nên, tôi quyết định vào Viện y học cổ truyền điều trị trái tuyến, hi vọng bệnh tình thuyên giảm hơn, sau khi nghe lời khuyên của một cháu gái đã có thâm niên chữa trị ở đây. May mắn hơn nữa, các con tôi có bạn làm bác sĩ nên gửi gấm, tôi càng yên tâm. Tuy nhiên, chữa ba tuần liền, tôi không thấy có gì khả quan, lại còn thêm chứng cao huyết áp bột phát nữa, nên tôi chán nản lắm. Tôi đã gắng đi bộ, chủ động hát cho bệnh nhân nghe những bài hát vui mà động viên họ quên bớt bệnh tật, lúc lại đánh gió giúp chị em qua những trận cảm lạnh đột ngột, nhưng không quên được bệnh của mình. Bác sĩ điều trị hơi khó chịu vì tôi có vẻ không tin bệnh viện, nhưng có biết đâu tôi quá mệt mỏi khi tuân thủ mọi chỉ định mà cơn thần kinh thực vật vẫn hoành hành, đột nhiên đến đột nhiên đi cứ như ma làm, luôn phải cấp cứu khiến tôi sợ hãi kinh hồn. May mà con gái Ngân Hương cùng người yêu của nó đến thăm tôi thường xuyên, vào buổi tối, cả khi trời mưa gió động viên tôi nhiều. Cháu Thanh Ngân con chị Hiền Trang bao giờ cũng có mặt trong lúc cơn bệnh tôi lên cao trào, kịp chăm sóc thật tận tình và chia sẻ những nỗi đau của tôi. Thật ra, điều trị ở đây, tôi chỉ hi vọng thuyên giảm chứ không nghĩ chữa hẳn bệnh. Năm 2001, tôi đi Bắc Kinh trong một lần phiên dịch cho đoàn lãnh đạo cấp Vụ; và trước khi nghỉ hưu mấy tháng, tôi đi du lịch cùng nhiều chị em trung tâm sang Quế Lâm, Côn Minh, Nam Ninh. Tại những chuyến đi này, tôi đã bỏ bao nhiêu tiền vì những loại thuốc đông y quí được giới thiệu mùi mẫn, nhưng bệnh tật của tôi vẫn như cũ. Tôi còn giữ đây, tờ giấy bảo đảm kí nhận đóng dấu đỏ đàng hoàng của một cơ sở chữa bệnh ghi rằng, nếu tôi không khỏi thì họ đền 40.000 nhân dân tệ!!! Đúng là chuyện đùa như thật. Thế có nghĩa là chưa tới ngày “thượng đế” cho tôi khỏi bệnh, chữa ở đâu bác sĩ cũng đầu hàng.
             Bây giờ, tôi lại mắc thêm chứng bệnh mới, khó chịu đáng sợ hơn nhiều so với những gì tôi mắc phải trong cả cuộc đời khi chưa về hưu, mà chỉ có tôi mới hiểu, còn người ngoài cuộc đôi khi nghĩ tôi giả vờ, tôi quan trọng hóa lên, hay là thần kinh tôi có vấn đề. Nhiều lúc, tôi nghĩ ác cho họ, lạy trời, chỉ khi nào trong đời, họ bị lâm bệnh như thế dù chỉ vài ba ngày thôi, họ sẽ biết. Thế nên, vô vọng thì phải xin ra viện, chứ nằm mãi để nướng tiền trái tuyến hay sao?
             Về trong một tình trạng tim luôn đập loạn xị, người bừng bừng và huyết áp tăng cao, tôi phải uống thuốc đều, nhưng chỉ ổn trong từng lúc. Đêm tôi đặc biệt khó ngủ, uống mãi Seduxen, rồi Stilnox chỉ chợp một tí là dậy ngay. Con trai tôi đi công tác vắng, con dâu và cháu nội về tạm bên ngoại, nên Hoa đón tôi về nhà, ở bờ đê sông Hồng. Không khí ở đây thoáng mát dễ chịu, hàng ngày cô giúp việc nấu dùm tôi món ăn giảm mỡ máu, đó là mộc nhĩ đen, táo tầu và thịt nạc, một chút gừng. Chiều đi làm về, con gái chăm cho ăn uống đủ thứ. Hoa bảo tôi, “mẹ đừng có kiêng khem gì, phải ăn đủ chất thì người mới khỏe và chống lại bệnh được mẹ ạ”. Rồi Hoa trò chuyện với tôi cho đỡ buồn. Nhưng đêm đến thì thật gay go, tôi ngày càng mất ngủ tệ hơn. Chân tay tê cứng lại. Phải nằm chờ trời sáng trong một tình cảnh bức bối như vậy thì thật khó chịu, điều hòa không dùng được, quạt cũng không dùng được. vì chân tay lạnh buốt, và người luôn ở trạng thái giật mình, cứ hơi chợp mắt một vài phút là lại choàng dậy hốt hoảng. Quang Anh con rể tôi nhiều lần nhắc đưa tôi đi bệnh viện tây y điều trị, nhưng tôi không chịu. Cháu lại nhiệt tình bảo đưa mẹ đi chữa tư, có ông bác sĩ Đông y giỏi lắm, là bố của cậu bạn, tôi cũng từ chối. Nhà có máy đo huyết áp, tôi đo luôn ngày ít nhất ba lần, thấy cao nhất là 175/100 nhưng mặc kệ.
            Một đêm, vẫn là không ngủ được, tôi bị liệt tạm thời cả nửa người luôn. Tôi cố vùng vẫy lâu mới dần cử động được. Không phải bóng đè, vì tôi đang thức và nhận biết rõ quá trình liệt từ từ. Sáng ra hơi hoảng, tuy không kể với các con, nhưng tôi thấy không thể chủ quan được, nên bảo Quang Anh đưa đến bác sĩ Đông y khám. Hôm ấy là chủ nhật. Tôi đo huyết áp 172/98. Nhưng khi dậy, tôi hơi loạng choạng, lảo đảo, không hẳn là chóng mặt. Ăn uống xong, vợ chồng Hoa đưa tôi đi bằng xe máy. Lâu rồi, ra đường, gió mát dễ chịu, tôi quên cả bệnh tật. Phòng khám khá đông. Nhưng đa phần là bệnh nhân cũ, chờ vật lí trị liệu, nên tôi được khám ngay. Bác sĩ chưa hỏi han gì, chỉ đo huyết áp. Ông đo, chỉ số kết quả hướng về phía ông nhưng tôi kịp liếc nhìn, 220/110! Quái lạ, làm gì mà cao thế? Máy đo này hết hơi rồi, tôi nghĩ. Rồi bác sĩ hỏi, tôi kể bệnh, ông giải thích chút ít rồi cho tôi vào phòng vật lí trị liệu để được bấm huyệt, xoa bóp gáy cổ.
          Xong việc, tôi ra. Ông đã kê đơn. Tôi dè dặt nói:”thưa bác sĩ, phiền bác sĩ đo lại dùm huyết áp để em tiện đối chiếu trước khi đi và sau khi về đến nhà ạ”. Ông thoáng một chút ngần ngừ, rồi đo lại ngay. Tôi vẫn liếc trộm như lần trước 220/110! Bác sĩ không bảo cao thấp gì, chỉ đứng lên vỗ vai tôi, cười vui vẻ:
- Xong rồi đấy, bà cứ yên tâm về uống thuốc nhé, cách sắc thuốc, cách uống thuốc có trong tờ giấy hướng dẫn đấy, à mà tôi quên không hỏi, bà có biết chữ không nhỉ? - Bác sĩ cười.
- Có ạ, em học hết lớp bốn rồi ạ - Tôi cũng đùa theo.
- Thế tốt rồi. Bà nghỉ ngơi, thi thoảng chơi với cháu chứ đừng trông cháu! Hai việc chơi và trông là khác hẳn nhau, bà hiểu chứ? Bà có thể nghe nhạc thì tốt. Nếu thích vật lí trị liệu sẽ đến đây sau nhé.
- (con rể tôi chạy đến) thưa bác, mẹ cháu có sao không ạ?
- Chả sao cả…Anh bảo vợ anh chở bà về đi kẻo nắng, rồi anh ở lại đây chờ thuốc mang về!
               Tôi ra về, cảm ơn và chào bác sĩ. Tôi không nỡ nghi ngờ máy đo của bác sĩ nữa, tôi phân vân, nhưng phải về đã. Dọc đường, tôi khoe con gái, mới trị liệu một lần mà mấy ngón tay tê cứng của tôi có vẻ giãn hẳn, co duỗi dễ hơn. Hai mẹ con vừa về một lát thì Quang Anh mang thuốc về luôn, đem theo cả loại hạ áp đặc biệt. Các con cho tôi uống thuốc, nhưng huyết áp không xuống là bao. Chị bạn tôi ở gần đó chạy sang thăm, mang theo cả máy đo. Vì có nó, tôi mới biết máy đo của mình bị sai, chênh quá nhiều. Thảo nào, đo ở nhà 172/98 mà ra bác sĩ vọt lên 220/110! Tôi cảm thấy trong người cực kì bức bối. Thuốc đông y mới sắc xong, tôi uống theo chỉ dẫn, và cố gắng tự bình ổn tinh thần. Các con khuyên tôi nghỉ ngơi, ăn uống, dùng thuốc, và trước sau rồi cũng nên đi bệnh viện Hữu Nghị. Tôi không thích nhưng đã nhận ra, bệnh của mình không đơn giản và không chủ quan được. Về sau con rể tôi kể lại, khi tôi và Hoa về rồi, bác sĩ mới mắng nó: “Cậu thật là buồn cười, ai đời mẹ cậu - bệnh nhân còn ở đó mà cậu hỏi tôi, mẹ cậu có làm sao không làm thế nào tôi trả lời được? Mẹ cậu huyết áp tăng cao quá, chứ còn sao nữa. Lẽ ra phải đi cấp cứu ngay tới bệnh viện, nhưng sợ rằng bà ấy sẽ hoảng sợ, và đi taxi có khi…đứt luôn nên tôi đành bảo cậu, cứ để vợ cậu chở về cho bình thường, và bây giờ thì cậu mang thuốc về ngay đi, mua Adalat cho bà ngậm để huyết áp xuống đã, rồi bắt buộc phải vào nằm bệnh viện đấy, không để ở nhà ấm ớ thế này được đâu. Còn rối loạn thần kinh thực vật thì thong thả làm vật lí trị liệu sau. Thuốc của tôi sắc để bà uống, chỉ là uống cho yên tâm thôi, chứ không phải chữa bây giờ”.
               Loanh quanh mãi, tôi uống thuốc huyết áp, rồi thở sâu, đi lại nhẹ nhàng. Bà thông gia từ Sài Gòn gọi điện ra, nhắc Quang Anh mở hết cửa sổ cho thông thoáng, vợ chồng Hoa vẫn chăm lo đủ kiểu, nhưng tôi không cầm cự được nữa, khó chịu quá mới đành để con gọi xe cấp cứu 115 giữa đêm khuya. Chả là sau đợt điều trị ở bệnh viện trước, tôi không hi vọng gì, nên mới trì hoãn vô lí thế này, cũng thật oan cả cho bệnh viện Hữu nghị nơi tôi đóng bảo hiểm. Khi tới bệnh viện, tiếp đón ca cấp cứu tình cờ lại là bạn của con trai tôi. Ôi thật mừng không sao kể xiết. Tôi được đưa vào phòng cấp cứu, nằm trên một chiếc bàn đẩy. Người ta cho tôi uống thuốc hạ áp tiếp, rồi uống liền mấy loại thuốc ngủ, nhưng đêm đó tôi không chợp mắt được tí nào. Máy đo huyết áp, nhịp tim chạy liên hồi. Quả bóng báo hiệu huyết áp cao liên tục phồng lên, đe dọa. Biết là lo lắng sẽ càng tăng áp, và không hề sợ chết, nhưng tôi không thể nào yên lòng, tôi nghĩ lan man và thầm gọi con trai: ”Hôm qua, mẹ nói chuyện qua điện thoại với con, chỉ dám nói một câu, mẹ mệt Tuấn ạ, mà đã sợ như làm phiền con, như không để cho con yên tâm mà học rồi. Còn hôm nay, Tuấn ơi, con đang ở xa quá, lẽ nào mẹ ra đi mà không được gặp con hay sao?”. Ngoài vợ chồng Hoa, Quang Anh, con gái út Ngân Hương và người yêu của nó - Việt Phương, rồi các anh, chị tôi lần lần đều đến, nhưng chỉ ở bên ngoài nhìn vào chả biết làm gì.
             Tới sáng, huyết áp bắt đầu giảm dần. Bác sĩ chuyển tôi về khoa điều trị. Điện tâm đồ cho thấy tôi thiếu máu tim vùng trước vách, lại bị đau xuyên ở phần ngực từ trước ra sau, mỡ máu và cholesterol cao, nên bị ngờ là thiểu năng mạch vành. Siêu âm thì phát hiện thêm polip túi mật nhưng vì lành tính nên tôi không xin mổ. Tôi được uống thuốc giãn mạch, huyết áp, hạ nhịp tim, thuốc ngủ và thuốc bổ. Da mặt tôi xanh lét, dáng vẻ tiều tụy, nhưng tôi đi lại bình thường. Bệnh viện đông bệnh nhân, nên tôi phải nằm nhờ tại khoa khác, không đúng chuyên môn tim mạch huyết áp. Sau vài tuần, tôi ra viện, vẫn nghỉ ở nhà con gái. Hàng ngày, tôi chịu khó đi bộ nhiều lần bên bờ sông, và giở thuốc của ông bác sĩ đông y nhẩn nha uống thử, rồi tới đó làm vật lí trị liệu vài tuần. Tôi luôn gắng tự tạo những niềm vui cho mình khi có thể. Nằm nghỉ trong phòng, nhìn lên trần nhà thấy Quang Anh gắn bao nhiêu vì sao cho các con nó chơi, tôi chợt nhớ một kỉ niệm vui mà cảm động. Đó là tôi đưa cháu ngoại (con của vợ chồng Hoa), tên là Chip theo cách gọi thân mật, về quê, thăm ngôi nhà của mình. Cháu nằm bên bà. Tôi hỏi:
- Con có thích ngôi nhà này không?
- Con có thích bà ạ. Nhưng bà không phải cho con đâu vì con đã có nhà cạnh sông Hồng rồi! - Cháu đáp rất hồn nhiên nhưng pha chút “ông cụ non” ngồ ngộ.
- Bà ngoại ơi! Cô giáo cho chúng con đọc truyện, con biết rồi, ai mà ác độc thì về sau chết phải xuống địa ngục, còn người tốt thì chết sẽ được hóa thành một ngôi sao trên trời, có phải thế không hả bà? - Cháu tiếp tục hỏi tôi.
- Đúng rồi con ạ - Tôi mỉm cười.
- Thế thì về sau khi nào chết bà cũng được hóa thành ngôi sao đấy tại vì bà cũng là người tốt mà - Thằng bé nói hồ hởi vô tư.
- Vậy hả, thế thì thích nhỉ - Mắt tôi chợt sáng lên, hi vọng…
- Nhưng cháu chẳng biết bà là ngôi sao nào đâu, vì xa quá nhiều sao quá mà - Giọng cháu tôi hơi chùng xuống.

Ngắm sao trên trần lúc này, nhớ cuộc chuyện trò của hai bà cháu, tôi thoáng nghĩ về cái chết của mình trong tương lai, nhưng không sợ, bỗng nhiên lẩm nhẩm khi trầm khi bổng một hồi thành bài hát luôn, và về sau có dịp nào hát cho bạn bè nghe thì mọi người thích lắm: ”Trần nhà Chip có lắm vì sao, bố Chip làm giống ngôi sao trên trời. Bà ngoại ơi Chip đọc truyện rồi, rằng kiếp sau, người xấu xuống địa ngục, còn người tốt biến thành ngôi sao. Rất lâu lâu mãi về sau, Chip tin bà ngoại sẽ hóa thành một ngôi sao giữa trời. Nhưng vì xa quá xa vời, Chip không thể chỉ rõ bà ngoại là ngôi sao nào. Cho nên Chip chỉ ước ao rằng bố Chip sẽ đặt được ngôi sao bà ngoại ở ngay trên trần, để cho Chip ngắm thật gần, mà tưởng tượng ra bà ngoại ở một chùm sao xa. Để thấy rằng bà ngoại vẫn ở quanh ta, để thấy rằng ngôi sao bà ngoại chẳng ở xa tí nào…
              Tới kì hẹn khám lại, con rể đưa tôi đi. Lúc nó chạy ra ngoài, tôi vào khám thì bị bác sĩ tóm cổ bắt vào bệnh viện điều trị ngay, cũng vì mức huyết áp và kết quả điện tâm đồ gì ấy. Tôi phát khóc, một mình nhập viện và một lúc sau các con đến thì sự đã rồi. Lần này, tôi được nằm ở khoa tim mạch. Vẫn thế thôi, vẫn những toa thuốc kiểu như lần trước. Các con tôi, con dâu con trai, con gái con rể thay nhau đến chăm sóc tận tình, tôi không có gì phải lo lắng, bệnh túa ra mồ hôi lạnh buốt chân tay không còn nặng nề, nhưng uống xong một thứ thuốc hạ nhịp tim thì tôi bị hạ quá mức, nên lại cấp cứu. Tôi nản chí bắt đầu nghĩ đến một CÁCH CHỮA KHÁC. Vì thế, sau lần điều trị này, mỗi lần khám bệnh thường kì, cứ thấy bác sĩ bảo cho vào viện là tôi cáo lui, tôi trình bày hoàn cảnh nhà ở xa quá, con cái bận rộn vất vả phải vào thăm nom, nên tôi đề nghị được chữa ngoại trú.
            Thời gian dần trôi, bệnh tôi khi tăng khi giảm theo mùa. Cho tới một lần, cao trào lắng xuống cao trào lại lên. Tôi bị tăng huyết áp thì đã đành phải uống thuốc thường xuyên, nhưng trời nóng mà không dùng được quạt, và cơn thần kinh thực vật tái phát thì tôi không biết tả thế nào về sự kinh sợ và cực khổ của mình. Đầu buốt ran ran từng mảng, chóng mặt quay cuồng không thể làm chủ được, nằm nghiêng nằm thẳng gì cũng bị liệt tạm thời từng bộ phận và luôn hốt hoảng không yên, mạch máu sau lưng giật đùng đùng, tai ù với đủ loại âm thanh. Tôi gần như không còn thiết gì sống nữa. Tôi lấy ra hai vỉ seduxen định uống luôn để may ra có đi vào cõi tiên được không. Đấy CÁCH CHỮA KHÁC là như thế! Nhưng rồi tỉnh ra, không phải sợ chết mà tôi nghĩ lại thấy thương các con, chúng đối với tôi có đến nỗi nào mà tôi lại ra đi kiểu như vậy tiếng sẽ để đời. Nên tôi kịp dừng lại. Tôi vẫn khẩn cầu MQ đấy thôi, anh ở ngay bên cạnh tôi chứng kiến những vật vã của tôi, mà sao anh im lặng? Tôi không mấy khi thể hiện chia sẻ với các con về tình trạng của mình, tôi cứ ngầm chịu đựng và chịu đựng. Tôi không phải là người ốm đau bênh tật một tí là kêu um lên. Điều đó có mặt tốt cũng có mặt nguy hiểm, nhưng đại thể, tôi là tôi, một con người được hình thành bởi số phận rồi, và từ cả những đắng cay thầm kín mà quyển sách tôi đang viết dù dài dòng lê thê vẫn chưa bày tỏ được tất cả. Có điều, tôi hiểu và tin ở mình, tin ở cuộc đời vẫn đáng yêu vô cùng, tôi chưa thể chết.
             Hồi ấy, cứ mỗi lần ốm nặng, tôi lại đến với vợ chồng Hoa, vì các cháu ngoại lớn rồi, vì môi trường sống trong lành tiện cho đi bộ hay tập thể dục, và các con có nhiều thời gian chăm lo cho tôi hơn các em đang bận rộn vất vả nuôi con nhỏ. Ở đây tôi có thể thoải mái dặn dò Hoa những gì mình muốn. Tôi tâm sự với con gái, nếu như đến một ngày nào đó, tôi lâm bệnh nặng, mà lại ở tình trạng vật vờ, không biết gì cả, thì con chủ động bàn với các em để tìm cách cho tôi được hưởng quyền lựa chọn cái chết. Tôi nhấn mạnh:”Như thế đỡ khổ cho mẹ và cho con cháu. Mẹ phải nói từ bây giờ khi hoàn toàn tỉnh táo và hi vọng mẹ lại khỏe lên thôi, để con hiểu chứ lúc lâm bệnh rồi, nặng rồi, biết gì nữa mà yêu cầu, mà có yêu cầu các con lại tưởng mẹ bi quan, mẹ không còn sáng suốt”.

 
Trích hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI 
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét