Kỳ 2: Những khúc hát của một thời
Năm 1953 và đầu năm 1954, không khí trong vùng tự do của huyện Chí Linh rất hào hứng sôi nổi. Tin chiến thắng từ mặt trận Điên Biên Phủ và các địa phương trong tỉnh cứ tới tấp truyền về. Không khí ấy như tiếp thêm lửa cho bài hát tập thể của các lớp học sinh. Mở đầu tiết học nào cũng có hát tập thể. Những bài hát thường hát là Kết đoàn, Kết liên lại, Nhạc tuổi xanh, Vì nhân dân quên mình, Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Tuổi hai mươi… Còn trong các “giờ vui sống” ở trong khu tập thể giáo viên chúng tôi thường “hòa nhạc”. Hòa nhạc của chúng tôi ngày ấy còn đơn giản lắm. Không có bè cao bè thấp, không có phối âm phối khí…gì cả. Ngoài chiếc ghi ta phập phình cầm nhịp còn tất cả các thứ đàn cứ lên dây cho bằng độ cao nhau, rồi đánh cùng một bài thế là “hòa nhac”. Cứ đánh được đều nhau thế là buổi hòa nhạc đã thành công. Thực ra nó chỉ là một dạng hát đồng ca bằng đàn.Chúng tôi thường “đồng đàn” những bài hay hát ở trên lớp. Ngoài ra còn “đồng đàn” cả những bài nhạc múa như “Hái chè bắt bướm”, “Vui lên anh dân cày”, “Múa Sạp Mường”, “Xòe Thái”, “Vũ khúc Nga La Tư”…Có hai bản nhạc ngoại, không lời, tôi thấy mọi người gọi nó là bài “Sòn la sí” và bài “Ngựa chạy”. Đa số những bài “đồng đàn” ấy đều mang tính tập thể. Chỉ duy nhất có một bài hò hẹn lứa đôi mà vẫn hay được “đồng đàn” đó là bài “Người tình yêu”. Riêng các thày, đôi khi trong những lúc “độc cầm” tôi cũng thấy các thày đánh mấy câu của “Con thuyền không bến”, của “Ngày về” hoặc “Áo mùa đông”…
Khi thày Trương Quốc Lâm từ Thái Nguyên về trường, thấy tôi đàn được, thày có dạy riêng cho tôi bài “Quân đoàn 61” và hai thày trò thường rất hay “đồng đàn” với nhau bài này. Nhưng tiết mục này lại không biểu diễn bao giờ cả. Nó gần như là một tiết mục của riêng hai thày trò chơi với nhau thôi.
Cũng vào dịp ấy “nghệ sĩ nhí” còn vinh dự được nhà trường cử đi dự một lớp học nhạc ở trên tỉnh, đóng mãi trong Đìa Đô thuộc Lục Nam ngày nay. Vì đang thích được học nhạc nên thằng bé hí hửng lắm. Nhưng đáng buồn là lớp học ấy lại không học nhạc mà chỉ học múa. Cũng không học kiến thức cơ bản gì về múa mà chỉ học mấy điệu múa cụ thể. Kết quả lớn nhất của “nghệ sĩ nhí” trong lớp học ấy là học mót được một bài đàn “Hò thương binh”. Chính tiết mục này, sau trở thành tiết mục tủ của tôi. Hễ có độc tấu là tôi lại “Hò thương binh”. Mãi đến những năm sau hòa bình về học ở Nội, ở Thiên, tôi vẫn còn dùng tiết mục tủ này và luôn được hoan nghênh nhiệt liệt.
Từ 1956 sang Hải Dương học tôi mới không chơi đàn nữa. Sau đó lại giăng mắc với văn thơ và quên hẳn cái thú chơi đàn ngày bé. Vì thế nhiều bạn bè đồng trang lứa học với tôi thời cấp 2, cấp 3 và các thế hệ học sinh của tôi sau này đều tuyệt nhiên không ai biết tôi là người từng chơi đàn. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2006), các con đi học đại học, kinh tế gia đình lại khó khăn, tôi mới phải đi làm thêm cái việc trông coi CLB Côn Sơn. Công việc chỉ là ngồi chơi và xơi nước nhưng gò bó và buồn tẻ. Vì thế tôi mới nghĩ đến việc cầm lại cây đàn để tự giải khuây. Tôi luộc lại những bài cũ và thấy rất nhiều bài chỉ còn là những khúc hát của một thời.
27/11/2013
Đỗ Đình Tuân