Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

GIỚI THIỆU TẬP THƠ "NGẨN NGƠ CHIỀU" CỦA NGUYỄN XUÂN TRÃI (HỘI VIÊN HỘI VHNT TỈNH HẢI DƯƠNG)

NGẨN NGƠ CHIỀU
Hay là ngẩn ngơ nỗi NGƯỜI,ngẩn ngơ nỗi ĐỜI
                                           Tạ Anh Ngôi


   Cách nay chưa lâu, đọc giả đã trân trọng một “Ru tình trong mây” của Nguyễn Xuân Trãi, để rồi dư ba của 61 bài thơ trong tập vẫn đang còn âm vang trong lòng mọi người:
                                           “Em một đời mùa gió
                                            Dâng ngọn sóng trong anh
                                             Mùa xuân trôi qua cửa
                                            Hoa tím chìm trong tay…”
   Với phong cách khá độc đáo không thể trộn lẫn, Nguyễn Xuân Trãi đã làm bạn thơ “ngẩn ngơ” lạc bước trong vườn thơ tưởng như quen mà lạ của anh. Là cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường bộ của tổng công ty cầu Thăng Long, anh đã có dịp đi nhiều nơi, chính “những điều trông thấy…” này đã tích tụ thành vốn sống, thành những chiêm nghiệm cuộc đời để anh cần mẫn say mê, chắt chiu tích cóp từ những cảm giác NGƯỜI, cảm giác ĐỜI và làm nên một ”Ngẩn ngơ chiều”, tập thơ thứ 3 sau tập ”Thu xanh” - NXB Lao Động năm 2005 và “Ru tình trong mây” - NXB Hội nhà văn năm 2007.
     “Ngẩn ngơ chiều” là tập thơ tương đối dày dặn, bìa cứng, trình bày khá trang trọng, tập thơ do NXB Hội Nhà Văn cấp phép xuất bản năm 2010. Với 125 bài thơ các thể loại và một bài thơ phổ nhạc, đã tạo được từ lực hấp dẫn bạn đọc ngay từ những giây phút đầu tiên khi tiếp xúc với tập thơ. Người đọc không yêu thơ anh bởi sự cầu kỳ diêm dúa, mà yêu bởi một chất thơ dung dị thuần phác, nhưng lại đằm sâu và đầy ám ảnh: “Sông núi rộng dài chưa hẳn là to/Diện tích hẹp chắc đâu đã bé/Mỗi trong ta mỗi nguyên tử nhỏ/công phá hết mình như một trái bom to…”(bài Vơi đầy). Chính những suy luận vừa logich vừa phi logich như vậy đã làm nên một phong cách khu biệt nơi anh. Chắc rằng những biến cố con người, những biến cố cuộc đời mà anh đã kinh qua hoặc chứng kiến đã ”nhiễm” vào thơ anh, để rồi 125 bài thơ trong tập là 125 dấu lặng tròn trên khuông nhạc đa âm, đa sắc và đa tình của anh. Đấy là ngững khoảng lặng để thấu thị cuộc sống, để cảm thương cho những số phận thiệt thòi hay sẻ chia những nỗi đắng đót buồn vui của cuộc đời: ”Phố phường ngọt cánh đồng chua/Con cua con ốc đung đưa đỉnh lầu/Vườn em mơn mởn trái cau/Ngày xuân hơn hớn nát nhàu chợ trưa…” (Bài Sóng xô). Người đọc chẳng có gì phải ngạc nhiên trước hình ảnh ”xuân hơn hớn” lại phải ”nát nhàu chợ trưa” khi mà xã hội đang trên đà phát triển, đang đô thị hóa với tốc độ phi mã thật chóng mặt. Có người bạn nói với tôi: ”Thơ Nguyễn Xuân Trãi đã nhuộm màu xanh công nhân với màu nâu của đất làng…”. Tôi đồng ý với nhận xét này. Nguyễn Xuân Trãi được sinh ra và lớn lên từ một miền quê chiêm trũng của huyện lúa Nam Sách, nên tâm thức nông thôn còn nguyên sơ, trong trẻo luôn thường trực trong anh. Những nét thân thuộc của chợ quê và của người quê đều khiến anh nôn nao, quyến luyến và lay thức tâm tư, để rồi thẩm thấu và phản chiếu vào thơ anh: ”Ta đi trên cánh đồng/Nghe phập phồng đất thở/Ta ngập vào sóng lúa/Biển cuộn vàng chân mây/Gió đồng hương hây hẩy/Ru hồn ta ngất ngây…” (Đi trên cánh đồng).
   Những câu chữ thuần phác đậm chất dân dã Việt Nam như vậy đã làm người đọc rưng rưng hoài niệm về một chốn xưa, về một bến cũ, về một tình quê đằm thắm: ”Mồ hôi cha thấm rãnh cày/Lòng mẹ chưng cất tháng ngày nên tôi/Phải chăng có hạt mưa rơi/Có tia nắng sớm chân trời tôi sinh…”(Hồn quê)
   Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở nông thôn, nhưng Nguyễn Xuân Trãi lại là một công nhân đã sinh sống nhiều năm trên một thành phố vùng mỏ than Quảng Ninh, có lẽ vì thế mà anh viết về tam nông (Nông thôn,nông nghiệp,nông dân) cũng như viết về công nghiệp về công nhân. Thơ anh thân thiết và quyến luyến tới mức ”mộc mạc,chân thành” thật đáng yêu, đáng nhớ và đáng trân trọng: ”Người thợ cầu đêm nay không ngủ/Truyền cho nhau từng sọt đá đêm khuya/Tay nâng niu ánh mắt thầm thì/Như ôm con từ trong lòng mẹ…(Người thợ cầu)
   Thơ Nguyễn Xuân Trãi thường viết về những đề tài rất đời thường nhưng lại gần gũi, thân quen với bạn đọc. Có lẽ vì thế mà thơ anh rung động, và có sức lôi cuốn, lan tỏa: ”Nỗi đau sao nói hết/Một Cẩm Phả tiêu điều/Đâu còn là ta nữa/Thân xác hồn tiêu diêu…” (Cẩm Phả). Câu thơ đầm đìa nỗi xa xót, nhớ tiếc đến quặn thắt về một thành phố than bên bờ biển Đông xưa cũ. Tuy nhiên, vẫn thành phố ấy nay đã đổi khác thì thơ anh cũng mang một giọng điệu và âm hưởng khác: ”Đi rộng dài Cẩm Phả/những con đường như thơ/Trang thời gian mở cửa/Vùng than đẹp vô bờ…” (Cẩm Phả). Thơ anh như reo vui với niềm vui sinh nở của quê hương mới, nơi có vợ con anh đang hàng ngày sinh sống và làm việc - Bến đậu của tâm hồn anh.
   Đọc “Ngân ngơ chiều” người đọc sẽ bắt gặp những nỗi buồn vu vơ đến mức tưởng như “ngơ ngẩn”, khi mơ hồ như một cơn gió thoảng qua, khi lại phảng phất như hương trầm bay đâu đó: ”Giật mình cơn gió thoảng/Hương trầm như hồn say…” (Mơ Say). Nỗi buồn ấy, nỗi”ngẩn ngơ” ấy nhiều khi thoát ra ngoài câu chữ, xoáy vào tâm thức người đọc một dấu hỏi tưởng như là ”ngơ ngẩn” mà chẳng ”ngẩn ngơ” chút nào: ”Cuộc đời ơi chớp nhoáng mây trôi/Vàng son mấy mai rồi sỏi đá…”(Ngẩn ngơ chiều). Cho tới cái đêm: ”Hội xuân dan díu chốn nào/Để câu Quan Họ ướt vào hồn tôi…” (Hội xuân) thì người đọc chợt nhận ra đây là một nỗi buồn vu vơ nhưng se thắt, nghiệp chướng của người thơ. Những gì người thơ đã trải nghiệm, đã “thực mục sở thị” đã lay thức trái tim thơ - Trái tim nhạy cảm của người thơ?
   Mang trong lồng ngực một trái tim đa sầu, đa cảm và một bầu nhiệt huyết nên thơ của Nguyễn Xuân Trãi lắm lúc cũng chông chênh, chông chênh tới mức vô lý, tới mức” ngẩn ngơ” thì cũng là điều dễ hiểu. Những đắng cay vất vả từ thơ bé dường như đã chưng cất nên thơ anh: ”Bìm bìm canh ngọt lá lang/Áo dăm mụn vá xênh xang đến trường/Mùa về nước ngập đường trơn/Dậm khua trên bãi tan cơn mưa rào…” (Tuổi thơ tôi). Cái cảm giác đăng đắng ấy đã khiến cho Nguyễn Xuân Trãi cảm nhận những gì người đời có được, tưởng như đã tròn đầy viên mãn kia cũng chỉ là ảo ảnh của ảo giác - Là giấc mộng ”Nam Kha” mà thôi: “Bầu trời lóe sáng đằng đông/Một ngôi sao vỡ rơi hồng chân mây/Giật mình ảo giác vơi đầy…” (Ảo giác) .
   Một khi người thơ đã lặn ngụp trong nỗi buồn tê đắng đến như vậy, chắc phải là một cảm giác mất mát nào đấy đã tạo cho người thơ một nỗi xúc động mạnh mẽ. Tuy nhiên, người đọc cũng nhận thấy nỗi buồn trong thơ Nguyễn Xuân Trãi không phải là nỗi buồn làm tan rữa, mục ruỗng tâm hồn mà là sự cảm thông và chia sẻ. Chính vì vậy mà thơ Nguyễn Xuân Trãi tuy đầm đìa thương cảm nhưng lại là sự rung động rất NGƯỜI, rất nhân văn: ”Đời người như trận bão khan/Lá rơi xao xác mà tan nát chiều/Tay cầm lên ngọn gió heo/Lòng tôi nắng khuyết mưa xiêu phố làng…” (Phố làng). Câu thơ tuy đắng đót, buồn đau về một nỗi quê xưa nhưng lại là một nỗi đau buồn dịu dàng: ”Linh thiêng sương khói nhạt nhòa /Tiếng chuông âm lạnh bay qua đường trần…” (Thăm đền Cửa Ông)
   Thơ vốn thuộc về tâm hồn, về trái tim. Logich của thơ không giống như Logich của toán học. Vì thế mà thơ có cái vô lý của thơ. "Chính sự vô lý nhiều khi tới mức khó chấp nhận, mà thơ đã buộc người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cho đến khi thăng hoa cùng thơ thì mới nhận ra một điều giống như là chân lý", được che ẩn dưới sự ”ngẩn ngơ”. Đấy chính là”NGẨN NGƠ NỖI NGƯỜI,NGẨN NGƠ NỖI ĐƠI”của người thơ. Để có được sự ”ngẩn ngơ” như thế, nhiều khi nhà thơ đã phải đánh đổi cả một đời gió mưa chiêm nghiệm mới làm nên đươc.
                                                                               Nhân Hưng, 24h ngày 15-3-2012
                                                                                              Tạ Anh Ngôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét