Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Dịch thơ Nguyễn Du 54



Bài 53

Y nguyện vận ký Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên
依元韻寄青威
     呉四元
Y nguyên vận ký Thanh Oai
          Ngô Tứ Nguyên
一夜西風到海湄
Nhất dạ tây phong đáo hải mi
同年交誼尚依依
Đồng niên giao nghị thượng y y
代耕有舌生常足
Đại canh hữu thiệt sinh thường túc
去國何心老不歸
Khứ quốc hà tâm lão bất quy
消渴日增司馬病
Tiêu khát nhật tăng tư mã bệnh
夢魂夜入少陵詩
Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng Thi
臨江未敢題鸚鵡
Lâm giang vị cảm đề anh vũ
還有中原一大兒
Hoàn hữu Trung Nguyên nhất đại nhi
Dịch nghĩa: Gửi Ngô Tứ Nguyên ở Thanh Oai theo nguyên vận

Một đêm gió từ phía tây đến bờ biển.
Tình cảm bạn bè qua lại từ những ngày còn ấu thơ vẫn còn như xưa.
Anh lấy lưỡi thay cho việc cày bừa, đời sống vẫn thường no đủ.
Còn tôi tấm lòng đã già đi xa quê hương sao không quay về?
Bệnh “tiêu khát, cần nước” như chàng Tư Mã Tương Như ngày càng tăng thêm.
Đêm đêm hồn mộng (của tôi) vẫn nhập vào những vần thơ của Thiếu Lăng.
Đến bên sông chưa thể đề bài thơ “Anh vũ”
vì rằng nơi Trung nguyên đã có anh là nhà thơ lớn rồi!

Dịch thơ: Gửi Ngô Tứ Nguyên ở Thanh oai theo nguyên vận

Bờ biển gió tây đến một khuya
Như xưa bầu bạn vẫn thân kề
Anh cày bằng lưỡi thường sung túc
Tôi sống xa quê mãi chẳng về
Khát nước tôi mang Tư Mã bệnh
Mộng hồn đêm đọc Thiếu Lăng Thi
Đến sông không dám lưu thơ lại
Thi sĩ trung nguyên đã sẵn đề.
                        Đỗ Đình Tuân
                           (dịch thơ)
Chú thích:
 
Thanh Oai:
là tên huyện Hà Đông gần thành Thăng Long. Còn Ngô Tứ Nguyên chưa rõ là nhân vật như thế nào. Có lẽ đây là một nhân vật rất có tài về thơ phú khiến Tố Như khâm phục.
 
hải mi:
bờ biển có cỏ mọc ven bờ.
交誼 
giao nghị:
mối giao hảo với nhau.
依依  
y y:
vẫn như cũ, vẫn như xưa, dáng mềm mại.
 
 đại:
thay thế, thay đổi.
去國 
khứ quốc:
 đi xa, xa quê hương.
 
tiêu khát:
rất cần đến nước; bệnh của những người thường đổ mồ hôi và khát nước.
司馬 
Tư Mã:
 tức Tư Mã Thương Như người Thành Đô đời nhà Hán (T.H) có bệnh “cần nước” (tiêu khát). Tương Như nổi tiếng với bài “Phượng cầu hoàng” làm Trúc Văn Quân mê mẩn bỏ nhà đi theo…
 
Thiếu Lăng:
tức Đổ Phủ, nhà thơ lớn của Trung Hoa đời Đường.
鸚鵡 
Anh Vũ:
bãi cát bồi giữa sông Trường Giang bên Trung Hoa thành Vũ Xương được nổi tiếng nhờ bài thơ của Thôi Hiệu với câu: “Phương thảo thê thê Anh Vũ châu” (Cỏ thơm vẫn tốt tươi trên bãi cát bồi Anh Vũ…). Lý Bạch là một nhà thơ phóng khoáng được xem là một “Thi tiên” (ông tiên trong làng thơ) khi đọc bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (đời Đường Huyền Tông) quá tuyệt vời nên không đề thơ lên vách lần nữa.
中原 
Trung nguyên:
các cụ xưa thường bắt chước bên Trung Hoa gọi vùng châu thổ sông Hồng ngoài Bắc là Trung Nguyên giống như người Hoa gọi vùng châu thổ của sông Dương Tử.
13/6/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét