Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

ĐỌC LẠI MÌNH (2)


Bài thơ NGỠ LÀ XUÂN tôi viết từ cuối năm 2009 và in chơi dịp đầu  xuân năm Canh Dần (2010). Cũng như nhiều bài thơ khác, cứ nghe tôi đọc xong là các bạn thơ lại hào hứng cười rúc rích. Nguyên văn bài thơ ấy như sau :
Tuân-xuân chung một cái đuôi “uân”
Mà khác biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Xuân chừng “cốc vũ”1 đà “nên nhạc”
Tuân mãi “sang thu” 2mới “ghép vần”
Từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân !
                                                     1/11/2009

Ngày ấy tôi còn gầy còm lắm. Muốn có một nụ cười xuân, tự nhiên tôi lại nảy ra cái ý đem so sánh mình với mùa xuân để tự cười mình. Mà tự cười mình là vô thưởng vô phạt nhất. Cái ý tự cười mình được viết khá hài ở bốn câu tiền giải :
Tuân-xuân chung một cái đuôi “uân”
Mà khác biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Không ngờ đến bốn câu hậu giải thì lối chơi chữ không chỉ dừng ở chữ TUÂN (tôi) và chữ XUÂN (mùa xuân) nữa, mà mở rộng thêm ra giữa chữ TUÂN (tôi) với chữ THU (vừa là mùa thu vừa là tên vợ tôi) :
Xuân chừng “cốc vũ”1 đà “nên nhạc”
Tuân mãi “sang thu” 2mới “ghép vần”
Từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân !
(1.Côc vũ: tức là tiết mưa rào, sau tiết thanh minh và trước tiết lập hạ, trời bắt đầu ầm ì sấm chớp: “đà nên nhạc” là muốn nói đến cái thời tiết này.
2.Sang thu: tức tiết lập thu, tiết trời mát dần, các cặp vợ chồng không ngại nằm chung như mùa hè nữa họ bắt đầu hay “ghép vần” vơi nhau)
Nhờ mở rộng lối chơi chữ mà một chủ đề mới xuất hiện. Nhất là ở hai câu kết đã nâng bổng bài thơ lên thành một bài thơ "nịnh vợ " có hạng. Song Thu đọc bài thơ này thì thấy "tỉnh cả người". Nhiều bạn thơ khác hiểu được cái ý hóm này, đều cũng gật cười tán thưởng. Có một điều lạ là cái ý "nịnh vợ", nó ám ảnh nhiều người quá, đến nỗi người ta cứ đinh ninh rằng đó là bài NGỠ LÀ THU. Ngay sáng ngày hôm nay, có một ông bạn thơ mới được nghe lại bài thơ ấy đã họa lại một bài đưa tôi và nói rằng : " Tuy ông không mời họa, nhưng tôi rất thích bài thơ này nên tôi họa lại, tôi tin là ông cũng thích bài thơ này của tôi. Ông nhớ phải đưa lên mạng đấy!". Bài thơ họa lại của ông bạn tôi nó như sau :
               Vẫn săn gân
(Họa bàiNgỡ là Thu” của Đỗ Đình Tuân)
 
Tuân – Xuân cùng mẹ đẻ vần Uân
Chẳng khác nhau đâu giống vạn lần
Xuân vốn phởn phơ và thắm thịt
Tuân dù còm cõi vẫn săn gân
Xuân đâu ngóng hạ chờ tan nắng
Tuân chửa đợi thu đã hợp vần
Thượng đế ban trao đà sắp đặt
Cần chi nên nhạc với nên xuân.
                                             Thu 2014
                                                                Ninh Hà
Cố nhiên là tôi thích rồi, quá thích nữa là đằng khác. Một bài thơ viết chơi chơi, mà tôi vẫn gọi là loại "thơ tươi" làm ra cốt chỉ để "chung vui đôi phút cùng cười vài giây", thế mà bốn, năm năm nay rồi, vẫn còn được các bạn truyền tụng và nhỏ to với nhau, dù là khen hay là chê... thì tôi vẫn cảm thấy hãnh diện. Hãnh diện là ở chỗ người ta vẫn nhớ thơ mình, vẫn nhớ đến mình.
28/9/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét