Suốt hành trình thơ của mình, Trần Nhuận Minh luôn đau đáu, luôn trăn trở với những :
“Câu thơ như mảnh hồn người
Chắt chiu mưa nắng một thời cho nhau...”
Và cũng dám phơi trải :
“Câu thơ như gan ruột
Phơi ra giữa trời mây...”
Với bạn bè và với cõi người. Khát vọng sống và khát vọng thi ca của ông thật lớn lao và cũng thật khiêm nhường. Sống thì muốn nép mình, chết lại muốn hóa thân:
“Sống tôi gửi tiếng ho khuya khoắt
Chết gửi hồn
Xốp nhẹ như bọt biển
Sóng dềnh lên táp vào mỗi lòng người
Những câu thơ như MUỐI
Chảy xót xa trong máu tôi
Những câu thơ như TRỐNG
Đánh liên hồi trong tim tôi
Những câu thơ như LỬA
Cháy không nguôi trong xương tôi...”.
Khám phá vĩ đại nhất và cũng đau đớn nhất của đời thơ Trần Nhuận Minh là quỹ tích ham muốn, nói văn hoa là quỹ tích hy vọng của cõi người không phải là tuyến tính, là đường thẳng mà là một đường cong khép kín. Điểm khởi đầu cũng chính là điểm kết thúc:
“Trái đất quay trong hy vọng khôn cùng...”
Ham muốn - hy vọng của cõi người bị cuốn hút vào chính vòng quay của trái đất. Chính vì lẽ đó mà Trần Nhuận Minh lấy tên bài thơ “Bốn mùa” đặt tên cho tuyển tập thơ của mình – Một quyết định tài hoa và sáng suốt, nó lay thức và đồng cảm với trái tim cõi người. Trần Nhuận Minh luôn muốn vươn lên, vượt lên chính mình không bao giờ tự bằng lòng, thỏa mãn với thơ của mình:
“Có thơ vui năm trước
Giờ đọc lại thêm buồn
Không viết được hay hơn
Uống rượu gì cũng nhạt”
Đó cũng chính là một lý do để Trần Nhuận Minh gửi lại dọc đường những tập thơ của một thời – những đứa con tinh thần mà ông đã mang nặng đẻ đau.
Hành trình của thơ Trần Nhuận Minh là hành trình đi tìm cái thiện, đến với cái thiện và truyền bá cái thiện, là hành trình đi đến tận cùng bản ngã của cõi người. Tần số rung cảm con tim của Trần Nhuận Minh đã giao thoa được với tần số rung cảm con tim của cõi người. Nói khác đi thiện và hướng thiện là bản chất thơ của Trần Nhuận Minh. Bản chất đó đã bao trùm lên cõi người:
“Mỗi người mỗi số phận
Ngang qua thế kỷ này”
Những số phận đó không chỉ đi ngang qua thế kỷ mà đã hội tụ đủ đầy trong thơ Trần Nhuận Minh.
Vẫn biết thiện là chức năng tối thượng của văn học nghệ thuật, nhưng nó chỉ là khát vọng. Trong đời không phải ai cũng có thể đem thơ mình làm công cụ vận chuyển được điều thiện đến với cõi người. Đã bao người đang muốn lột xác, đang muốn hóa thân và rất nhiều trong đó đang giãy giụa trong bế tắc, họ bỏ đi bản chất mỹ của thơ để đến với sự rối rắm khó hiểu. Trong khi đó Trần Nhuận Minh vẫn giữ cho mình những câu thơ như MUỐI, những câu thơ như TRỐNG, những câu thơ như LỬA đốt lên ngọn lửa của yêu thương và khát vọng sưởi ấm cho cõi người. Cổ nhân đã dạy “Thuyết thi nhất thủ thỉ hàn tuyền” nghĩa là bàn về một bài thơ hay một suối sách vẫn không đủ.
Để nắm bắt được cái hồn cốt, cái rộng dài đến vô biên, cái sâu thẳm đến khôn cùng của tuyển tập thơ “Bốn mùa” – một tuyển tập có độ dày 500 trang bằng một bài viết có dung lượng dăm bảy trang là điều không thể. Không còn cách nào khác, tôi cứ dọc hành trình của “Bốn mùa” ghi lại những cảm nhận, nghĩ suy, trăn trở và để nắm bắt được phần nào những thông điệp mà Trần Nhuận Minh muốn gửi gắm vào cõi người qua thơ mình.
Tôi không chú trọng khai thác đặc điểm nghệ thuật của thơ Trần Nhuận Minh, vì nó thuộc vào một phạm trù quá rộng lớn. Tôi đồng cảm với ý thơ của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: “Chủ nghĩa nọ, trường phái kia cãi nhau hàng thế kỷ. Chẳng làm cho hạt thóc vì thế mà nảy mầm”. Tôi chỉ quan tâm đến tính tư tưởng trong thơ Trần Nhuận Minh.
Tôi xin bắt đầu bằng cuộc hành trình xuyên suốt chiều dài của tuyển thơ “Bốn mùa”.
“NHÀ THƠ VÀ HOA CỎ” - VĂN CHIÊU HỒN CỦA THỜI HIỆN ĐẠI.
Tôi coi “Nhà thơ và hoa cỏ” là văn chiêu hồn của thời hiện đại. Thay vì Nguyễn Du khóc thương những cô hồn bơ vơ lưu lạc trong cõi thâm u nơi địa ngục, Trần Nhuận Minh khóc thương những kiếp người, những thân phận hiện hữu trong cõi nhân gian. Những thân phận, những kiếp người chỉ ngang qua thế kỷ đã hội tụ đủ đầy trong “Nhà thơ và hoa cỏ”.
“CHIỀU YÊN TỬ”
Tôi được đọc “Chiều Yên Tử” trên trang thơ hay báo Văn nghệ Hạ Long. Bài thơ đã tạo cho tôi cảm xúc để viết bài “Đến với thơ Trần Nhuận Minh” đăng trên Văn nghệ Hạ Long. Trần Nhuận Minh đã gửi cho tôi một bức thư ngắn, mở đầu có câu: “Thế là từ nay tôi lại có thêm một người bạn nữa trong đời”. Tôi tin đó là lời nói chân thành vì thế tôi rất cảm động. Trần Nhuận Minh coi ai đã đến với thơ mình, hiểu một phần nào thơ mình là bạn. Năm 2012 tôi có dịp xuống Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh để giới thiệu tập thơ cho Nhà thơ nữ trẻ Lại Tuấn Hiền, tôi được gặp Trần Nhuận Minh tại Hội trường tầng 4 của Tòa nhà Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Lần đó ông nói với tôi một câu “Tôi chỉ quan tâm viết cho cuộc đời và viết vì cuộc đời” rồi từ tầng 4 ông đi về nhà lấy tuyển tập thơ “Bốn mùa” để tặng tôi. Tôi rất xúc động nhưng chẳng biết phải cảm ơn ông như thế nào. Sau đó ít lâu tôi được gặp ông lần thứ hai trong buổi ra mắt tập thơ “Cánh đồng và ngọn lửa” của Nhà thơ Dương Phượng Toại cũng đồng thời để dự lễ khánh thành ngôi Từ đường họ Dương do Nhà thơ Dương Phượng Toại xây dựng ở Cẩm La – Quảng Yên. Trần Nhuận Minh có mấy lời tâm sự khi giới thiệu tập thơ “Cánh đồng và ngọn lửa”. Mở đầu bằng câu “Ngôi từ đường khang trang to đẹp này nhiều người có thể làm được, có được. Nhưng ngôi nhà thi ca của Dương Phượng Toại trong đời không phải ai cũng có được. Tôi thành tâm chúc mừng sự ra đời của “Cánh đồng và ngọn lửa””. Cũng từ đó đến nay tuyển tập “Bốn mùa” luôn luôn có mặt trên bàn làm việc của tôi. Nó cứ lay thức, cứ day dứt, cứ trăn trở trong tôi. Tôi muốn viết một đôi điều gì đó về Trần Nhuận Minh và về tuyển tập “Bốn mùa”. Nhưng tôi cảm thấy lực bất tòng tâm, vốn ngôn ngữ thì hạn hẹp và nghèo nàn còn thơ Trần Nhuận Minh thì quá lớn lao. Nhưng rồi những thân phận, những kiếp người trong thơ ông cứ giục giã tôi phải viết, phải phơi trải những hiểu biết tuy rất hạn chế về “Bốn mùa”. Tôi bắt đầu cuộc hành trình đầy gian lao vất vả đó.
“Chiều Yên Tử” là một bài thơ lớn của Trần Nhuận Minh. Ông đặt nó lên đầu tuyển tập bởi những gì ông muốn gửi gắm qua “Chiều Yên Tử” đã bao trùm lên cả cuộc đời ông, cả thơ ông. Mai này sau “Bốn mùa”, Trần Nhuận Minh có cho ra đời bao nhiêu tác phẩm nữa thì khởi thủy cũng từ đây, từ tâm thế trên non cao Yên Tử mà tĩnh tâm, mà soi rọi cõi người. Điều đó ta chưa thể biết vì hiện nay ông đang chuyển mạch viết của mình qua một mảng đề tài khác về văn học sử Việt Nam mà ông đặt cho nó một tiêu đề “Thời gian lên tiếng”.
Chính nơi đây, nơi non thiêng Yên Tử Trần Nhuận Minh đã theo dấu người xưa về với cõi thiền để tĩnh tâm, để tẩy rửa tâm hồn và lắng đọng trí tuệ:
“Tôi nằm trên vệ cỏ
Đối mặt với trời cao
Một nỗi niềm trinh bạch
Giữa bốn bề gian lao”
Trần Nhuận Minh đã hoàn toàn tĩnh tâm và điều kỳ diệu đã đến với ông, ông đã hoàn toàn nhập thế được vào cõi người để nhận biết những thăng trầm dâu bể của cõi người. Ở đó ông đã gặp:
“Mỗi người một số phận
Ngang qua thế kỷ này”.
Suy cho cùng đời người so với cái vô cùng vô tận của thời gian chỉ là khoảnh khắc, chỉ là ngang qua và tất cả những số phận đó đều mang theo một nỗi niềm trăn trở và những nỗi đau đời:
“Mỗi người một câu hỏi
Đi mang mang trong đời...”
Đã hội tụ đủ đầy trong tâm hồn ông, bắt ông phải thay mặt họ giãi bày ra với cõi người những nguồn cơn dâu bể, những oan nghiệt đắng cay, những ngang trái lọc lừa. Ở đây ông đã lắng nghe được “Tiếng chuông như hồn người” đang vang vọng trong tâm hồn ông. Ông trở thành sứ giả của những số phận ấy, sứ giả của mọi kiếp người nhưng ông vẫn chưa thể giải đáp những câu hỏi muôn đời cho cõi người:
“Cuộc đời đến đâu ư ?
Con người là gì vậy ?
Họa phúc có hay không ?
Kiếp sau ai đã thấy”
Trong quá trình đi tìm cái tôi, đi tìm bản ngã của cõi người Trần Nhuận Minh đã hoàn toàn lột xác và giờ đây – chính từ non thiêng Yên Tử này đã thôi thúc ông viết cho cuộc đời, viết vì cuộc đời và cũng từ tâm thế trên non cao Yên Tử đó Trần Nhuận Minh đã có một cái nhìn dị biệt với cái nhìn trước đây.
“CHƠI THUYỀN TRÊN VỊNH HẠ LONG”
Mặc dù Trần Nhuận Minh đã viết trong câu kết
“Ta rong chơi thôi mà, có tư tưởng gì đâu”Nhưng tư tưởng của bài thơ đã quá lớn lao, đã bao trùm lên tất cả. Ông đã bỏ qua quy luật của kiến tạo vỏ qủa đất và coi Vịnh Hạ Long là sản phẩm từ trò đùa của tạo hóa nhưng không chỉ:
“Đùa một tí mà thành muôn vẻ đẹp”.
Và không chỉ có:
“Tiên nữ tắm giữa trời xanh mây bạc
Hồn nhiên như chưa hề thấy bóng người”
Vì bóng người ở đây giờ nhỏ nhoi mỏng manh lắm lắm. Ở đây còn có những nỗi đau đang đọng lại trong đá, trong mây, trong nước, trong trời.
“Cứ tự nhiên mà vượt hết mọi thời
Dửng dưng với đói rét, đau thương, vương triều đổ nát
Dửng dưng với cõi người quẩn quanh nhợt nhạt
Dửng dưng với trăng sao giả dối tầm thường”
Cuộc rong chơi của Trần Nhuận Minh đã mang đến cho ta bao điều suy ngẫm về sự quẩn quanh của kiếp người. Chính con người dửng dưng chứ không phải đảo đá dửng dưng. Chính cái vòng tròn của hy vọng đã biến con người trở nên quẩn quanh và nhợt nhạt.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét