HỒI THỨ TÁM
Mèo Vạc vừa đến đã xa
Khau Vai chợ tình chưa họp
Nhà nghỉ Hoàng Anh nằm ở ngay trung tâm thị trấn. Ông bà chủ người béo tốt, rất có dáng dấp Ba Tàu. Có vẻ như nhà nghỉ cũng đang vắng khách nên đón chúng tôi niềm nở lắm. Mặc dù là thị trấn miền sơn cước song nhà nghỉ cũng có đủ các tiện nghi như: máy lạnh, ti- vi sử dụng đầu thu KTS, bình nóng lạnh và cả wifi nữa. Không rõ TT này nằm ở độ cao bao nhiêu song thấy rất mát mẻ. Chúng tôi đóng kín các cửa mà không phải bật điều hòa nhiệt độ, chỉ để cái quạt phe phẩy cho thoáng. Tôi đem chai rượu dở với ít bánh đa Kế ra uống với cậu lái xe mấy ly vì trên đường nó chưa được uống giọt nào. Thằng này cũng loại bợm rượu, cái ly rõ to mà nó tợp một nhát là gọn tênh!
Đêm phố núi thật là tĩnh lặng, có khi còn tĩnh hơn cả lõi rừng Cúc Phương vì ở rừng còn nghe chim kêu, vượn hú. Vừa đặt mình lão Thảo và cậu lái xe đã khởi động xưởng cưa, chỉ mình tôi là thao thức mãi. Không biết là do uống rượu chưa bõ hay do những cảm xúc đang xáo trộn trong lòng. Áy vậy nhưng buổi sáng tôi vẫn dậy sớm nhất. Khi hai tên kia vẫn đang tiếp tục xẻ gỗ tôi đã nhỏm dậy và trèo lên sân thượng.
Từ trên sân thượng, tôi có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn bởi xung quanh không có nhiều nhà cao tầng chắn tầm nhìn. Thì ra thị trấn này nằm tại một thung lũng nhỏ nằm giữa bốn bề núi non bao bọc. Nhìn về phía nào cũng là núi trong tôi tự nhiên bật ra một ý nghĩ ngồ ngộ: “Phải chăng nơi đây vốn toàn là đá. Người Mèo đến đây vạc đi một khoảng để ở nên nó có tên là Mèo Vạc?”. Ngắm nghía thỏa thuê xuống rồi mà bọn hắn vẫn chưa dậy, tôi phải đi thúc giục bởi biết rằng quỹ thời gian còn lại rất ngắn mà nơi muốn đến lại nhiều.
Trong lúc chờ mọi người xuống tôi tranh thủ ra ngắm phố phường. Đã hơn 6h sáng mà đường phố vẫn vắng tanh. Sướng thật! Chả bù cho những con phố Hà Nội lúc nào cũng như dòng sông người. Ngay giữa trung tâm TT nổi lên một khu vực cây cỏ xanh tốt. Tôi lại gần thì thấy đó như một hòn giả sơn tự nhiên, rất nhiều khối đá chồng chất lên nhau, cây cối xanh um- hay là chỗ còn sót lại của công cuộc vạc đá chăng?. Tự nhiên lại nghĩ đến cái hòn núi giữa TT Si- ma- cai. Có lẽ đồng bào Mèo và cả dân ở đây cũng như ở Si- ma- cai vẫn rất tôn trọng những “khu rừng cấm” nên nó mới được giữ gìn thế này. Ở bên cạnh hòn giả sơn thật này là tượng đài “Cụ Hồ với đồng bào các dân tộc HG” vàng chóe- chắc mới được tô lại.
Phở ở Mèo vạc cũng hơi khác với mọi nơi- nghĩa là nếu gọi phở gà thì sẽ có cả phần nội tạng của nó thái ra cho vào làm nhân cùng với thịt. Thấy hai chị em TH, MH đều kêu “hết trứng” nên ba tay đàn ông vớt hết trứng trong bát mình sang ủng hộ.
Gần 7 giờ chúng tôi lên đường vào Khau Vai. Từ TT Mèo vạc vào Khau Vai chừng 27- 28 km. Khoảng cách tuy không xa lắm song đường rất xấu nên chúng tôi không đi được nhanh. Tuy nhiên cũng có cái hay là được thảnh thơi ngắm cảnh. Mặc dù chưa phải là trung tâm của cao nguyên đá song đá ở đây cũng nhiều lắm rồi. Dọc hai bên đường, thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài ngôi nhà của đồng bào Mèo với đặc trưng rất dễ nhận là những bức tường đá vây xung quanh nhà. Phải công nhận họ xếp đá rất tài. Những viên đá hình dáng, kích cỡ khác nhau được xếp chồng lên nhau thành những bức tường thẳng thớm và rất chắc chắn dù không có bất kỳ một chất kết dính nào. Phải hơn 1 giờ chúng tôi mới vào đến Khau Vai.
Khau Vai- cái tên đã quá quen cùng với những câu chuyện truyền kỳ cùng những câu chuyện của dân “phượt”. Tuy nhiên, cũng nên nhắc lại một chút về sự tích của cái chợ tình này. Về sự tích chợ tình Khau Vai có một số truyền thuyết khác nhau. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay thì thiên về truyền thuyết chàng Ba và nàng Út. Hai người yêu nhau bất chấp sự cấm cản của hai dòng họ dẫn đến mâu thuẫn kịch liệt, có thể đổ máu. Vì vậy, họ đành nói lời chia tay để tránh cho cuộc chiến đó một kết cục đẫm máu. Chuyện tình của hai người còn để lại di tích là Miếu Ông và Miếu Bà ở ngay suối Khau Vai. Tuy nhiên, điểm yếu và thiếu thuyết phục của truyền thuyết này là: chàng Ba thì người Nùng, nàng Út là người Giấy. Song ở vùng Khau vai lại không có hai dân tộc ấy mà chỉ có người Mèo.
Còn theo chuyên gia “phượt học” MT (một người anh em của tôi) thì chợ tình Khau Vai có sự tích như sau: “Ngày xửa, ngày xưa trong bản có một đôi trai gái rất đẹp. Họ cũng yêu nhau tha thiết và đã hẹn thề sẽ cùng sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long. Tuy nhiên, trong rừng sâu có một “ông khái” (khái là con cọp, con này đã thành tinh nên dân gọi là ông) rất hung dữ và cô gái xinh đẹp đó đã lọt vào mắt nó. Nó ra điều kiện với dân bản: nếu muốn sống yên ổn phải để cho cô gái đó về làm vợ nó. Thương dân bản, cô gái tình nguyện về làm vợ khái với điều kiện: “Mỗi năm được về thăm người yêu cũ một lần”. Ông khái đồng ý và từ đó tập tục ấy được duy trì”. Không biết mọi người nghĩ thế nào, còn tôi thiên về truyền thuyết thứ hai này hơn.
Và cũng vì nghe quá nhiều nên tôi đã mường tượng ra một Khau Vai thế này: đó là một quả đồi; trên sườn đồi (hoặc dưới chân đồi cũng được) là một cái chợ với những lều lán giản đơn như mọi cái chợ vùng cao khác; điểm khác biệt ở đây là ngọn đồi đó phải còn giữ được nguyên vẹn vẻ hoang sơ; trên đó có rất nhiều cây cối rậm rạp và những tảng đá, lùm cây thảm cỏ… để các cặp tình nhân “trốn” ra đó mà tình tự. Trong cái khung cảnh ấy con người sẽ thăng hoa và ngay cả chính chúng tôi đây cũng rất háo hức khi nghĩ về phút giây mình được đặt chân đến đó.
Ấy thế nhưng thực tình là khi đến đây tôi thất vọng thật sự. Ở trung tâm chợ là mấy gian quán nằm chỏng chơ những bộ bàn ghế- chắc là để bán hàng ăn; ngọn đồi mà tôi đã tưởng tượng ra thì đúng là nó có thật nhưng đã được dùng vào việc khác- đó là nơi xây dựng UBNX xã và trường học của xã. Cái sườn đồi cạnh chợ và con đường vào chợ đã được bê tông hóa hoàn toàn; chỉ còn mỗi phía chân đồi dưới chợ là còn cây cối nhưng dốc lắm. Tôi thầm nghĩ: “Từ nay, các cặp tình nhân biết tìm đâu ra chỗ để mà tình tự đây?”. Nếu cứ đà bê- tong hóa thế này thì chẳng mấy mà “Chợ tình Khau Vai” chỉ còn trong ký ức. Chả thế mà VNN từng phải lên tiếng: “Chợ tình Khau Vai đang chết!”.
Thực ra, cái sự thất vọng ấy nó cũng chỉ thoáng qua thôi và thay vào đó là một niềm xúc động khó tả. Bởi vì tôi biết, cái hồn cốt của Chợ tình Khau Vai nó không phải chỉ ở khung cảnh mà nó ở trong chính cái tập tục khác biệt song rất lãng mạn, rất nhân văn kia. Chắc chỉ có tôi đa sự hay nghĩ vớ vẩn thế thôi chứ hai cô em thì vui lắm, cứ líu la líu lô như thể mình đang được đi dự Chợ tình thật. TH thì khoe: “Cũng từng hẹn một người đi Khau Vai”. Thế là tôi gợi ý cho một tứ thơ: “”Đã hẹn anh về với Khau Vai. Nhưng hôm nay em lại đi cùng người khác…”. Có khi hôm nay đã hoàn thành bài thơ mới rồi cũng nên. Thế rồi thi nhau chụp ảnh và các cô ra công tìm một cái gì đó làm kỷ niệm Khau Vai. Riêng lão chủ quán Thảo Dê lại khác. Loanh quanh ngắm cảnh một lát khi thấy có nhà cạnh chợ thịt con lợn chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai hắn sà vào ngay. Máu chủ quán nổi lên, hắn bảo chủ nhà cắt cho một tảng thịt ngon nhất và luộc luôn báo hại chúng tôi phải chờ đến gần 20 phút. Tranh thủ lúc đó, hai cô em xán lại nói chuyện với mấy cháu bé. Tuy nhiên, không biết do e thẹn hay do không sõi tiếng Kinh mà chúng cứ im thin thít.
Mặc dù không vào đúng phiên chợ, mặc dù không được hưởng cái không khí đích thực của chợ tình, mặc dù cũng còn những điều chưa vừa ý song chúng tôi đều đã thỏa nguyện ước của mình- đã một lần đặt chân đến Khau Vai.
Nhưng thôi, dù quyến luyến song cũng phải lên đường. Hẹn gặp lại nhé, Khau Vai!
Đêm phố núi thật là tĩnh lặng, có khi còn tĩnh hơn cả lõi rừng Cúc Phương vì ở rừng còn nghe chim kêu, vượn hú. Vừa đặt mình lão Thảo và cậu lái xe đã khởi động xưởng cưa, chỉ mình tôi là thao thức mãi. Không biết là do uống rượu chưa bõ hay do những cảm xúc đang xáo trộn trong lòng. Áy vậy nhưng buổi sáng tôi vẫn dậy sớm nhất. Khi hai tên kia vẫn đang tiếp tục xẻ gỗ tôi đã nhỏm dậy và trèo lên sân thượng.
Từ trên sân thượng, tôi có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn bởi xung quanh không có nhiều nhà cao tầng chắn tầm nhìn. Thì ra thị trấn này nằm tại một thung lũng nhỏ nằm giữa bốn bề núi non bao bọc. Nhìn về phía nào cũng là núi trong tôi tự nhiên bật ra một ý nghĩ ngồ ngộ: “Phải chăng nơi đây vốn toàn là đá. Người Mèo đến đây vạc đi một khoảng để ở nên nó có tên là Mèo Vạc?”. Ngắm nghía thỏa thuê xuống rồi mà bọn hắn vẫn chưa dậy, tôi phải đi thúc giục bởi biết rằng quỹ thời gian còn lại rất ngắn mà nơi muốn đến lại nhiều.
Trong lúc chờ mọi người xuống tôi tranh thủ ra ngắm phố phường. Đã hơn 6h sáng mà đường phố vẫn vắng tanh. Sướng thật! Chả bù cho những con phố Hà Nội lúc nào cũng như dòng sông người. Ngay giữa trung tâm TT nổi lên một khu vực cây cỏ xanh tốt. Tôi lại gần thì thấy đó như một hòn giả sơn tự nhiên, rất nhiều khối đá chồng chất lên nhau, cây cối xanh um- hay là chỗ còn sót lại của công cuộc vạc đá chăng?. Tự nhiên lại nghĩ đến cái hòn núi giữa TT Si- ma- cai. Có lẽ đồng bào Mèo và cả dân ở đây cũng như ở Si- ma- cai vẫn rất tôn trọng những “khu rừng cấm” nên nó mới được giữ gìn thế này. Ở bên cạnh hòn giả sơn thật này là tượng đài “Cụ Hồ với đồng bào các dân tộc HG” vàng chóe- chắc mới được tô lại.
Phở ở Mèo vạc cũng hơi khác với mọi nơi- nghĩa là nếu gọi phở gà thì sẽ có cả phần nội tạng của nó thái ra cho vào làm nhân cùng với thịt. Thấy hai chị em TH, MH đều kêu “hết trứng” nên ba tay đàn ông vớt hết trứng trong bát mình sang ủng hộ.
Gần 7 giờ chúng tôi lên đường vào Khau Vai. Từ TT Mèo vạc vào Khau Vai chừng 27- 28 km. Khoảng cách tuy không xa lắm song đường rất xấu nên chúng tôi không đi được nhanh. Tuy nhiên cũng có cái hay là được thảnh thơi ngắm cảnh. Mặc dù chưa phải là trung tâm của cao nguyên đá song đá ở đây cũng nhiều lắm rồi. Dọc hai bên đường, thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài ngôi nhà của đồng bào Mèo với đặc trưng rất dễ nhận là những bức tường đá vây xung quanh nhà. Phải công nhận họ xếp đá rất tài. Những viên đá hình dáng, kích cỡ khác nhau được xếp chồng lên nhau thành những bức tường thẳng thớm và rất chắc chắn dù không có bất kỳ một chất kết dính nào. Phải hơn 1 giờ chúng tôi mới vào đến Khau Vai.
Khau Vai- cái tên đã quá quen cùng với những câu chuyện truyền kỳ cùng những câu chuyện của dân “phượt”. Tuy nhiên, cũng nên nhắc lại một chút về sự tích của cái chợ tình này. Về sự tích chợ tình Khau Vai có một số truyền thuyết khác nhau. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay thì thiên về truyền thuyết chàng Ba và nàng Út. Hai người yêu nhau bất chấp sự cấm cản của hai dòng họ dẫn đến mâu thuẫn kịch liệt, có thể đổ máu. Vì vậy, họ đành nói lời chia tay để tránh cho cuộc chiến đó một kết cục đẫm máu. Chuyện tình của hai người còn để lại di tích là Miếu Ông và Miếu Bà ở ngay suối Khau Vai. Tuy nhiên, điểm yếu và thiếu thuyết phục của truyền thuyết này là: chàng Ba thì người Nùng, nàng Út là người Giấy. Song ở vùng Khau vai lại không có hai dân tộc ấy mà chỉ có người Mèo.
Còn theo chuyên gia “phượt học” MT (một người anh em của tôi) thì chợ tình Khau Vai có sự tích như sau: “Ngày xửa, ngày xưa trong bản có một đôi trai gái rất đẹp. Họ cũng yêu nhau tha thiết và đã hẹn thề sẽ cùng sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long. Tuy nhiên, trong rừng sâu có một “ông khái” (khái là con cọp, con này đã thành tinh nên dân gọi là ông) rất hung dữ và cô gái xinh đẹp đó đã lọt vào mắt nó. Nó ra điều kiện với dân bản: nếu muốn sống yên ổn phải để cho cô gái đó về làm vợ nó. Thương dân bản, cô gái tình nguyện về làm vợ khái với điều kiện: “Mỗi năm được về thăm người yêu cũ một lần”. Ông khái đồng ý và từ đó tập tục ấy được duy trì”. Không biết mọi người nghĩ thế nào, còn tôi thiên về truyền thuyết thứ hai này hơn.
Và cũng vì nghe quá nhiều nên tôi đã mường tượng ra một Khau Vai thế này: đó là một quả đồi; trên sườn đồi (hoặc dưới chân đồi cũng được) là một cái chợ với những lều lán giản đơn như mọi cái chợ vùng cao khác; điểm khác biệt ở đây là ngọn đồi đó phải còn giữ được nguyên vẹn vẻ hoang sơ; trên đó có rất nhiều cây cối rậm rạp và những tảng đá, lùm cây thảm cỏ… để các cặp tình nhân “trốn” ra đó mà tình tự. Trong cái khung cảnh ấy con người sẽ thăng hoa và ngay cả chính chúng tôi đây cũng rất háo hức khi nghĩ về phút giây mình được đặt chân đến đó.
Ấy thế nhưng thực tình là khi đến đây tôi thất vọng thật sự. Ở trung tâm chợ là mấy gian quán nằm chỏng chơ những bộ bàn ghế- chắc là để bán hàng ăn; ngọn đồi mà tôi đã tưởng tượng ra thì đúng là nó có thật nhưng đã được dùng vào việc khác- đó là nơi xây dựng UBNX xã và trường học của xã. Cái sườn đồi cạnh chợ và con đường vào chợ đã được bê tông hóa hoàn toàn; chỉ còn mỗi phía chân đồi dưới chợ là còn cây cối nhưng dốc lắm. Tôi thầm nghĩ: “Từ nay, các cặp tình nhân biết tìm đâu ra chỗ để mà tình tự đây?”. Nếu cứ đà bê- tong hóa thế này thì chẳng mấy mà “Chợ tình Khau Vai” chỉ còn trong ký ức. Chả thế mà VNN từng phải lên tiếng: “Chợ tình Khau Vai đang chết!”.
Thực ra, cái sự thất vọng ấy nó cũng chỉ thoáng qua thôi và thay vào đó là một niềm xúc động khó tả. Bởi vì tôi biết, cái hồn cốt của Chợ tình Khau Vai nó không phải chỉ ở khung cảnh mà nó ở trong chính cái tập tục khác biệt song rất lãng mạn, rất nhân văn kia. Chắc chỉ có tôi đa sự hay nghĩ vớ vẩn thế thôi chứ hai cô em thì vui lắm, cứ líu la líu lô như thể mình đang được đi dự Chợ tình thật. TH thì khoe: “Cũng từng hẹn một người đi Khau Vai”. Thế là tôi gợi ý cho một tứ thơ: “”Đã hẹn anh về với Khau Vai. Nhưng hôm nay em lại đi cùng người khác…”. Có khi hôm nay đã hoàn thành bài thơ mới rồi cũng nên. Thế rồi thi nhau chụp ảnh và các cô ra công tìm một cái gì đó làm kỷ niệm Khau Vai. Riêng lão chủ quán Thảo Dê lại khác. Loanh quanh ngắm cảnh một lát khi thấy có nhà cạnh chợ thịt con lợn chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai hắn sà vào ngay. Máu chủ quán nổi lên, hắn bảo chủ nhà cắt cho một tảng thịt ngon nhất và luộc luôn báo hại chúng tôi phải chờ đến gần 20 phút. Tranh thủ lúc đó, hai cô em xán lại nói chuyện với mấy cháu bé. Tuy nhiên, không biết do e thẹn hay do không sõi tiếng Kinh mà chúng cứ im thin thít.
Mặc dù không vào đúng phiên chợ, mặc dù không được hưởng cái không khí đích thực của chợ tình, mặc dù cũng còn những điều chưa vừa ý song chúng tôi đều đã thỏa nguyện ước của mình- đã một lần đặt chân đến Khau Vai.
Nhưng thôi, dù quyến luyến song cũng phải lên đường. Hẹn gặp lại nhé, Khau Vai!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét