Cao Bá Quát
(1809-1854)
Cao Bá Quát, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường và Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông nổi tiếng là một người thông minh học giỏi. Có giai thoại kể rằng ông thường nói cả thiên hạ có 4 bồ chữ thì mình ông chiếm 2 bồ; Ông Cao Bá Đạt (anh ruột sinh đôi với ông) và ông Nguyễn Văn Siêu chiếm 1 bồ; Còn 1 bồ chữ nữa thì chia cho mọi người trong thiên hạ.
Cao Bá Quát là người ngang tàng phóng túng, vì thế mà con đường khoa hoạn của ông khá trắc trở. Năm 1831 thi hương ông đậu á nguyên(thứ nhì), nhưng khi bộ duyệt lại không hiểu do lỗi gì, lại đánh tụt xuống Cử nhân đội bảng. Năm sau thi hội ông lại bỏ quên tờ chứng thực của lý trưởng ở trong tráp, bị quan trường ghép vào tội “hoài hiệp văn thư” (mang sách và giấy có chữ vào trường thi) và bị đuổi khỏi trường thi.
Năm 1841(Thiệu Trị năm đầu) được cử làm quan Hành tẩu bộ Lễ. Tháng 8 năm ấy được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số quyển khá mà vô ý phạm húy, ông bèn cùng bạn là Phan Nhạ lấy bút son hòa với muội đèn chữa hộ.Việc bại lộ, ông bị bắt giam, rồi sử phạt án chém, sau vua Thiệu Trị giảm xuống án tù giam. Phải mất gần 3 năm ngồi tù ông mới được tạm tha và cho đi “dương trình hiệu lực” (phục vụ phái bộ của triều Nguyễn do Đào Trí Phú làm trưởng đoàn đi công cán sang Indonesia). Cuối năm 1843 về nước được phục chức cũ nhưng chỉ ít lâu sau lại bị thải hồi.
Năm 1847 ông được vua Tự Đức vời vào kinh làm ở Viện hàn lâm, được giao việc sưu tầm sắp xếp thơ văn cho Tự Đức dùng. Văn chương ông nổi tiếng đương thời. Chính vua Tự Đức đã có lần phải khen ngợi:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường *
(Văn như Siêu, như Quát thì xem như không còn có văn thời tiền Hán nữa
Thơ đến Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì át cả thơ thời thịnh Đường)
Năm 1851, ông lại bị đẩy khỏi kinh đô đi nhận chức giáo thụ ở phủ Quốc Oai, nay thuộc Hà Tây. Năm 1853 ông thôi chức giáo thụ và sau đó tham gia cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do Lê Duy Cự làm minh chủ, ông làm Quốc sư. Trong một trận chiến ở vùng Yên Sơn thuộc phủ Quốc Oai, Cao Bá Quát bị bắn chết tại trận. Vua Tự Đức hạ lệnh chặt đầu Cao Bá Quát bêu khắp các tỉnh Bắc Hà rồi bổ ra ném xuống sông. Lại hạ lệnh tru di cả nhà ông. Các con trai ông là Bá Thông, Bá Phùng đều bị giết. Anh ruột ông là Bá Đạt đang làm chức Tri phủ ở Nông Cống (Thanh Hóa), bị bắt giải về kinh, giũa đường uống thuốc độc tự tử.
Nguyễn Văn Siêu đã ngầm viếng hai anh em ông một đôi câu đối như sau:
-Tai tai quán cổ tài danh, nan đệ cánh nan huynh, bất thế ngẫu sinh hoàn ngẫu tử ;
-Dĩ hĩ đáo đầu sự thế, thử nhân nhi thử ngộ, hỗn trần ưu xú diệc lưu phương.
(-Thương thay tài danh hơn đời, khôn làm em lại khôn làm anh, sinh đôi chết đôi đời hiếm có;
-Thôi vậy sự thế đến như thế, người ấy cảnh ngộ ấy, tiếng thơm tiếng xấu để trên đời.)
Sáng tác của Cao Bá Quát khá phong phú. Hiện nay đã sưu tầm được 1353 bài thơ, 23 bài văn xuôi, tập hợp trong khoảng 12 cuốn sách Hán Nôm còn lại. Dưới đây là một số bài Cao Bá Quát viết về con người và mảnh đất Chí Linh.
Ghi chú
* Thật ra câu này chỉ là câu truyền tụng của dân gian suy tôn và đánh giá cao 4 người thơ văn xuất chúng thời bấy giờ trong “Trường An tứ kiệt”. Dân gian chỉ mượn mồm vua Tự Đức phát ngôn để tăng thêm sự chính danh mà thôi.
1-詠興道王
普出仙元蓋世豪
奮身殉國不辭勞
撐扶日轂襟懷銳
摈掃邊塵手段高
功滿南天垂竹白
威餘東海帖波濤
羒羊慶演渾餘事
長史胡兒識俊髦
高伯适
Phiên âm:
Vịnh Hưng Đạo Vương
Phổ xuất tiên nguyên cái thế hào,
Phấn thân tuẫn quốc bất từ lao.
Xanh phù nhật cốc khâm hoài nhuệ,
Tấn tảo biên trần thủ đoạn cao.
Công mãn Nam thiên thùy trúc bạch,
Uy dư Đông hải thiếp ba đào.
Phần dương khánh diễn hồn dư sự,
Trường sử Hồ nhi thức tuấn mao.
Dịch nghĩa:
Vịnh Hưng Đạo Vương
Là một đấng anh hào bậc nhất trong đời sinh từ dòng dõi nhà tiên, 1
Dấn mình theo nước không từ khó nhọc.
Nâng đỡ xe mặt trời 2 lòng dạ hăng hái,
Quét sạch bụi ngoài cõi mưu lược cao siêu.
Công lao đầy khoảng trời Nam sử xanh ghi chép,
Uy linh khắp miền Đông hải sóng cả lặng yên.
Phúc trạch sánh với Phần dương 3 chỉ là việc phụ
Việc đáng kể là khiến cho quân Hồ mãi mãi phải biết tay tài tuấn.
Dịch thơ:
Nguồn gốc nhà tiên khác thói phàm
Dấn thân vì nước chẳng từ nan
Xe trời nâng đỡ lòng hăng hái
Mưu lược cao siêu biên bụi tàn
Công lớn đầy trời Nam sử chép
Uy linh khắp cõi biển bình an
Phần Dương đem sánh âu là phụ
Sáng mặt anh hùng đất nước Nam.
Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú:
1-Dòng dõi nhà tiên: chỉ dòng dõi nhà vua.
2-Xe mặt trời: dịch chữ “nhật cốc”, nghĩa bóng chỉ ngôi vua.
3-Phần Dương: tức Phần Dương quận vương, tước phong của Quách Tử Nghi đời Đường. Ông có công dẹp loạn yên dân, được hưởng lộc suốt đời và được nhà vua trọng đãi. Con chấu ông cũng đều có tước lộc cả.
2-詠朱安
鏡节清修氣魄當
欲將摘手挽颓暘
雷霆不鎖孤忠忿
鬼魅猶驚七斬章
晧氣以憑天地白
高風猶對水山長
林泉舊隱今何在
文廟維予姓祀香
高伯适
Phiên âm:
Vịnh Chu An
Kính tiết thanh tu khí phách đương,
Dục tương chích thủ vãn đồi dương.
Lôi đình bất tỏa cô trung phẫn,
Quỷ mị do kinh thất trảm chương.
Hạo khí dĩ bằng thiên địa bạch,
Cao phong do đối thủy sơn trường.
Lâm toàn cựu ẩn kim hà tại?
Văn miếu duy dư tính tự hương.
Dịch nghĩa:
Vịnh Chu An
Tiết tháo cứng rắn giữ mình trong sạch khí phách đúng mực,
Những toan một tay kéo mặt trời trở lại. 1
Oai sấm sét chẳng làm sờn được dạ cô trung,
Bọn ma quỷ phải kinh hồn về bài sớ “thất trảm”. 2
Khí hạo nhiên 3 đã tựa vào trời đất mà sáng tỏ,
Phong cách cao thượng còn lâu dài mãi với núi sông.
Nơi ẩn cũ suối rừng nay biết ở đâu?
Chỉ để lại tên họ thơm tho nơi Văn miếu.4
Dịch thơ:
Tiết cứng lòng trong khí phách ngời
Một tay muốn kéo mặt trời rơi
Lôi đình chưa hả lòng trung phẫn
Thất trảm khiếp kinh lũ hại nòi
Khí sáng luôn soi cùng đất nước
Thanh cao còn mãi với sông ngòi
Suối rừng nơi ẩn nay đâu tá
Văn Miếu danh thơm mãi để đời.
Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú:
1-Kéo mặt trời trở lại: nghĩa ẩn dụ chỉ muốn cứu vãn cơ nghiệp nhà Trần đang suy vi dười thời Trần Dụ Tông.
2-Sớ “thất trảm”: sớ xin nhà vua chém đầu 7 tên gian thần khét tiếng đương thời.
3-Khí hạo nhiên: khí lớn lộng lẫy.Mạnh Tử nói: “Khí hạo nhiên rất cứng rắn, rất lớn lao, cứ lấy điều thẳng mà nuôi nó, thì nó sẽ đầy tràn khắp trời đất".
4-Văn Miếu còn tên… chỉ việc Chu Văn An được đưa vào thờ theo với các tên tuổi lớn của Nho giáo trong Văn Miếu
3-遊南曹山寺
樓上記望題壁程叔明
廾年風景却重過
如此江山奈我何
世外遊知今日好
坐中客似故人多
劫江春入名王廟
鳳嶺烟藏舊隱家
莫向古拋城下望
英雄往事涹倉波
高伯适
Phiên âm:
Du Nam Tào sơn tự 1
lâu thượng ký vọng đề bích trình Thúc Minh
Trấp niên phong cảnh khước trùng qua,
Như thử giang sơn nại ngã hà!
Thế ngoại du tri kim nhật hảo,
Tọa trung khách tự cố nhân đa.
Kiếp giang 2 xuân nhập danh vương miếu,
Phượng lĩnh 3 yên tàng cựu ẩn gia.
Mạc hướng Cổ Phao 4 thành hạ vọng,
Anh hùng vãng sự 5 ủy thương ba.
Dịch nghĩa:
Chơi chùa núi Nam Tào 1
đứng trên lầu trông xa, đề vào vách đưa trình ông Thúc Minh
Phong cảnh hai mươi năm trước nay lại đi qua,
Non sông như thế còn mình thì sao đây?
Cuộc đi chơi ở ngoài cõi tục biết nay là sung sướng,
Khách ngồi trong cuộc hình như có nhiều người quen biết từ xưa.
Xuân trên sông Kiếp Bạc dồn cả vào miếu của vị vương lừng tiếng,
Mây trên núi Phượng Hoàng phủ kín ngôi nhà của bậc ẩn dật thuở xưa.
Đừng hướng về đền Cổ Phao mà nhìn ngắm nữa,
Chuyện cũ của khách anh hùng đã gửi cả cho làn sóng biếc.
Dịch thơ:
Hai chục năm rồi nay lại lên
Non sông như cũ hỏi mình xem ?
Chơi ngoài cõi tục nhiều vui lạ
Ngồi ở trong phòng lắm khách quen
Sông Kiếp đem xuân vào miếu thánh
Phượng Hoàng phủ khói bậc danh hiền
Cổ Phao không hướng về trông ngắm
Chuyện cũ anh hùng lặn sóng yên.
Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú:
1-Núi Nam Tào: ngọn núi ở phía nam đền Kiếp Bạc, còn có tên gọi là Dược Sơn, vì trước đây núi này là vườn thuốc của Trần Hưng Đạo. Hiện nay tên làng vẫn lấy tên núi gọi là làng Dược Sơn, nhưng tên chùa lại gọi chùa Nam Tào.
2-Sông Kiếp: dịch từ “Kiếp Giang”, cách gọi riêng của tác giả chỉ sông Lục Đầu, đoạn chảy qua đền Kiếp Bạc.Cũng như “vị vương lừng tiếng” ở đây là chỉ Trần Quốc Tuấn.
3-Núi Phượng: dịch từ “Phượng lĩnh” tức núi Phượng Hoàng. Chu Văn An, trong thơ gọi là “Linh sơn”, còn có tác giả sau này gọi là “Kiệt Sơn”.
4-Thành Cổ Phao: tòa thành chân núi Phao Sơn, tương truyền là một thành cổ, nhà Mạc sửa sang và xây dựng thêm.
5-Chuyện cũ của khách anh hùng: muốn chỉ những sự kiện lịch sử lớn lao trong quá khứ xẩy ra trên mảnh đất này.
(Còn nữa)
12/10/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét