Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 12

                       PHẠM ĐÌNH HỔ VÀ NGUYỄN ÁN




1. Phạm Đình Hổ (范廷琥,1768-1839)

        Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Tên chữ là Tùng Niên (松年), Bỉnh Trực (秉直), hiệu là Đông Dã Tiều (東野樵), tục gọi là Chiêu Hổ. Ông vốn có ham thích văn chương từ nhỏ lại sinh ra trong một gia đình khoa bảng nên sớm được tiếp xúc với văn hóa đọc. Cha ông là Phạm Đình Dư, đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, thăng Tuần phủ Sơn Tây rồi cáo quan về ở phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm Hà Nội ngày nay) vào năm Giáp Ngọ (1774). Năm ấy Phạm Đình Hổ cũng mới có 6 tuổi. Tuy học sớm và đọc nhiều nhưng ông chỉ đỗ Sinh đồ (tức Tú tài) vào cuối đời Lê Chiêu Thống. Suốt trong thời biến loạn (cuối Lê - Trịnh và nhà Tây Sơn), ông sống trong cảnh đời hàn nho dạy học ở quê nhà. Mãi đến thời Gia Long lên ngôi, cho khôi phục việc học hành thi cử, ông mới lại đi thi Hương ba lần nhưng không đỗ. Hồi ấy ông dậy học ở phường Thái Cực huyện Thọ Xương, hàng ngày ngoài việc dạy học trò ông còn dày công nghiên cứu và biên soạn sách. Đây cũng là thời kỳ ông kết bạn với nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Năm Canh Thìn (1820), ông và Phan Huy Chú được triệu vào Huế  để đợi mệnh cất dùng nhưng vì ốm ông lại không đi được. Năm sau (Tân Tỵ-1821), Minh Mạng ra Bắc, Phạm Đình Hổ đã vào tuổi 53, được vời đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Nhà vua lại khuyên: hễ có sách tiên triều, sách trước thuật…nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách mà ông đã biên soạn. Sau đó ông được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông vào cho làm Thừa chỉ Viện Hàn lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám rồi sau thăng Thị giảng học sĩ. Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về nghỉ và đến năm Kỷ Hợi (1839) ông mất, thọ 71 tuổi.
        Trước tác của ông để lại khá nhiều và toàn viết bằng chữ Hán : An Nam chí (Ghi chép về An Nam), Ô châu lục (Ghi chép về châu Ô), Kiền khôn nhất lãm (Nhìn chung về trời đất), Lê triều hội điển (Điển chương pháp luật triều Lê), Đạt man quốc địa đồ( Địa đồ nước Chân Lạp), Ai Lao sứ trình (Hành trình đi sứ Ai Lao), Bang giao điển lệ (Phép tắc luật bang giao), Nhật dụng thường đàm(Từ điển từ ngữ và tri thức thông dụng), Hy kinh lãi trắc (Giải thích ngắn gọn về bộ kinh của Phục Hy)… Về sáng tác văn học có Vũ Trung tùy bút (Tùy bút viết trong thời mưa gió) và Tang thương ngẫu lục (Ghi chép ngẫu nhiên trong thời biến loạn) cùng soạn với Nguyễn Án.

Khải thư trong "Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ



2. Nguyễn Án (阮案, 1370-1815)
       
Nguyễn Án, tự Kính Phủ (敬甫), hiệu Ngu Hồ (愚胡); một danh sĩ thời Lê mạt - Nguyễn sơ. Ông quê làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Cũng như Phạm Đình Hổ, ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng sa sút. Ông nội là tiến sĩ Nguyễn Bá, (sau đổi là Nguyễn Thưởng). Do sinh trong thời loạn nên ông học hành lỡ dở, phải sống bằng nghề dạy học. Mãi đến năm Gia Long thứ 4 (1805), ông mới được vời ra làm quan Tri huyện huyện Phù Dung tỉnh Hưng Yên (tức Phủ Cừ, Hưng Yên ngày nay). Nhưng chẳng bao lâu, ông lại từ quan về ở ẩn tại quê nhà. Năm Gia Long thứ 6 (1807), nhà vua cho mở khoa thi Hương đầu tiên ở trấn Kinh Bắc. Nguyễn Án đi thi và đỗ Cống sinh (cử nhân). Năm Gia Long thứ 7 (1808), ông được bổ làm Tri huyện Tiên Minh (nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Năm 1815, ông mất khi mới làm quan được 7 năm và đang ở tuổi 45. Tác phẩm của ông có: Phong lâm minh lại thi tập (tập thơ  “Tiếng kêu của gió thổi qua rừng”) và Tang thương ngẫu lục, một tập ghi chép soạn chung với Phạm Đình Hổ. Văn của Nguyễn Án đậm màu sắc hoang đường, gây nhiều hứng thú cho người đọc.
        Dưới đây chúng tôi xin trích giới thiệu bản dịch một số bài ghi chép về các nhân vật lịch sử ở Chí Linh.





                          ÔNG CHU VĂN TRINH

                                         Kính Phủ





        Ông Chu Văn Trinh đời nhà Trần, húy là Văn An, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn. Ông người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đời vua Dụ Tông, 1 dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần2 rồi treo mũ từ quan, về ở ẩn ở núi huyện Chí Linh, dạy học trò. Sĩ phu đều kính ngưỡng như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu. quan Tư đồ Chương túc hầu Trần Nguyên Đán có tặng bài thơ rằng:
        Phủ miện hoàn khuê tâm dĩ hôi
        Phong sương an cảm khốn hoàng mai
        Bạch vân vạn điệp sơn phi yểm
        Tử mạch đa kỳ ngã mã đồi
        Huệ trướng vật kinh cô hạc oán
        Bồ  luân hảo vị hạ dân hồi
        Hy triều xã tắc thiên phương tộ
        Khẳng sử tiên sinh ngã bích ôi.
      Nghĩa là: cái lòng mũ đai trâm hốt (tức là lòng công danh) của tiên sinh đã nguội rồi, thân như một cây mai lạnh, không gió sương nào làm khốn được. Mây trắng muôn đời cài cánh cửa núi, chỗ tiên sinh ở ẩn; đường trần lắm lối làm cho ngựa tiên sinh chồn mỏi mà không muốn đi. Nằm trong màn huệ, đừng giật mình vì tiếng con hạc lẻ bay kêu, (ý nói cái cái cảnh thanh cao của sự ẩn dật), nhưng xe bồ êm ái, tưởng cũng nên vì bọn hạ dân trông cậy vào mình mà quay trở lại. Xã tắc của Hoàng triều đương được nhà trời giúp, lẽ nào lại để cho tiên sinh già đời ở chốn non xanh.
        - Ấy, ông được đời kính trọng như vậy.
Tương truyền khi ông dạy học ở thôn Cung Hoàng, trong bọn học trò có hai người thiếu niên, dung mạo kỳ vĩ, không bao giờ ngồi cùng chiếu với các học trò khác. Có người trông thấy họ đi từ nước lên; ông biết họ là thủy thần. Gặp năm nắng to, ông sai đi làm mưa. Hai ông từ chối:
        - Thượng đế phong khóa cả sông hồ, không có giọt nào mà làm mưa được.
        Ông bảo lấy nước ở cái ao rửa nghiên. Hai người nói:
        - Lời thày dạy không dám trái, nhưng trái ý thượng đế sẽ phải nghiêm phạt.
        Hai thiếu niên đi được một lúc thì mưa xuống như trút. Bỗng có hai thần thuồng luồng rơi xuống. Ông thu nhặt lại rồi đem chôn. Nay mả ở ngoài lũy làng, tục gọi mả thung luồng.
        Sau khi ông mất, người làng dựng đền thờ ở chỗ nền cũ nhà học, lấy những bậc thân sĩ trong làng phối hưởng. Trong năm Cảnh Hưng, ông Bùi Huy Bích chấp chính, dò hỏi dòng dõi, còn được mười sáu người, thấy đã đổi sang họ Nguyễn, đều ngu dốt không biết gì, và ở vào hàng cùng dân cả. Ông bắt trở lại họ cũ, chọn một người trẻ tuổi dạy học, muốn sẽ tiến dần lên triều đình, bàn việc phong ấm, như người Tàu đối với dòng dõi Tống nho là ông Trình, ông Chu. Nhưng bỗng gặp biến, việc ấy lại không làm được. 

(Theo bản dịch "Tang thương ngẫu lục" của Trúc Khê-Ngô Văn Triện)                                                         
Ghi chú:
1. Dụ Tông: tức vua Trần Dụ Tông (1341-1369)
2. Bảy tên nịnh thần: Theo một tài liệu mới giới thiệu trên baó Tiền Phong của tác giả Xuân Ba thì 7 tên đó là: Mai Thọ Đức, Trâu Canh, Bùi Khâm, Văn Hiến, Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu, Đoàn Nhữ Cẩu.
                                                  (Còn nữa)

19/10/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét