Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 12 (tiếp)


Mộ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ Nguyễn Trãi trên đỉnh núi Báo Đức, Chi Linh, Hải Dương
                                    
                              ÔNG LÊ TRÃI


          Ông Lê Trãi thuở tiên triều, hiệu là Ức Trai, nguyên họ Nguyễn. Cha là ông Phi Khanh làm chức Tự khanh, người huyện Phượng Nhỡn, thích phong thủy, nhân dời mả tổ tiên đến táng ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc rồi làm nhà ở đấy.
          Ông đỗ tiến sĩ đời nhà Hồ, làm quan đến chức Ngự sử đài Chánh trưởng. Nhà Hồ mất, ông theo ông Tự khanh lánh nạn ở Côn Sơn, có câu thơ: Dạ y Ngưu Đẩu vọng trung nguyên (đêm lần theo sao Ngưu, sao Đẩu trông về đất nước). Tấm lòng ưu thời mẫn thế thường lộ ra ở những câu thơ vịnh.
          Bấy giờ người làng Hoắc Sa ở Sơn Tây là Trần Nguyên Hãn làm nghề bán dầu, buổi tối đi qua làng Thụy Hương, vào ngủ ở đền Hy khang đại vương Lý ông Trọng. Đêm hôm ấy, nghe thấy vị thần ở làng bên cạnh đến rủ vương cùng lên chầu đức Thượng đế. Vương từ chối là nhà có vị quốc công nghỉ trọ. Gà gáy vị thần ấy đi chầu về. Vương hỏi hôm nay Thiên đình bàn những việc gì, thần nói:
          -Thượng đế nghĩ nước Nam vô chủ nên có sai Lê Lợi làm vua, Lê Trãi làm tôi.
         Trần tỉnh dậy, bèn đi dò tìm được ông, rồi bảo cho ông biết. Ông đến hỏi lại thì chiêm bao thấy vương bảo rằng:
         -Việc bí mật ở thiên đình, không dám tiết lộ. Chị Tiên Dung biết rõ cả đấy. Vả đàn bà nói thì Thượng đế ngài không quở trách. Nên đem một mâm vàng đến lễ, chị ấy sẽ kể cho mà nghe.
          Ông theo lời, đến cầu bà chúa Tiên Dung, chiêm bao thấy bà gọi bảo rằng:
          -Lê Trãi. Lê Lợi làm vua, Lê Trãi làm tôi, nhà ngươi còn chưa biết ư ?
          Hỏi kỹ thì nói Lê Lợi người Lam Sơn, đất Thanh Hóa.
        Ông bèn cùng ông Trần đi tìm, thấy Thái tổ đang mặc áo nâu ngắn, vác bừa xua bò từ ngoài ruộng về. Vào ở mấy hôm, nhân gặp ngày giỗ, Thái tổ giết lợn làm cỗ. Ông xuống bếp đun nấu. Thấy Thái tổ cầm dao cắt thịt, vừa cắt vừa ăn, ông bảo riêng với ông Trần rằng:
          -Bà Tiên Dung nói dối ta.
          Ông đến đòi vàng lại. Đêm ấy bà Tiên Dung lại bảo:
        -Lê Lợi làm vua, đã có lệnh nhất định rồi; chỉ có sao trên trời chưa giáng đấy thôi, sao không ở đấy mà chờ đợi ?
       Bấy giờ Thái tổ đã được quyển binh thư và thanh kiếm thần, đêm nằm đóng cửa đọc sách. Ông nhòm trộm, rồi cùng ông Trần đẩy cửa bước vào.
      Thái tổ tuốt gươm xông ra, hai người đều phục xuống nói: “Chúng tôi đường xa lận đận tìm đến, chỉ vì Minh công là người có thể làm chủ được thiên hạ đấy thôi”. Thái tổ cười mà lưu lại, mưu việc khởi binh. Ông bảo chưa nên vội. Bèn làm nhà dạy học. Ông chế ra những cái trống con và nấu mật đặc, nặn hình con gà, con chó, cho lũ trẻ làm đồ chơi. Trẻ thấy thế, đua nhau nói với cha đến xin theo học. Ông lại lấy mỡ viết khắp lên lá cây trong rừng “Lê Lợi vi quân, Lê Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Lê Trãi làm tôi). Sâu, kiến ăn mỡ đục thành nét chữ. Kẻ đi kiếm củi thấy thế cho là chuyện thần linh. Người nọ bảo người kia, nhân thế, theo về mối ngày một nhiều.
          Năm Mậu Tuất (1418) dấy quân. Trước sau đánh hơn hai mươi trận. Ông thường tham dự vào quân trướng bàn tính mưu lược. Năm Bính Ngọ (1426), đánh ở Tốt Động, quân ta đại thắng, tiến lên uy hiếp thành Đông Đô. Thành sơn hầu nhà Minh là Vương Thông đóng thành cố giữ.
          Năm Đinh Mùi (1427), vua Minh sai An viễn hầu Liễu Thăng, Kiềm quốc công Mộc Thạnh cùng tiến sang cứu Đông Đô. Thái tổ đánh nhau với giặc ở núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc, hơn ba trăm người. Mộc Thạnh đương đêm phải chạy trốn, Vương Thông thì mở cửa thành ra hàng. Thái tổ tha cho được trở về bắc. Từ đấy hai nước thông hiếu, bao nhiêu giấy tờ đều do ông soạn cả. Khoảng năm Thiệu Bình 1, ông soạn bài biểu tạ thăng quan có những câu:
Viên môn thượng sách, lâm đại tiết nhi bán sinh trung nghĩa tự trì
Hổ khẩu điều thân, quyết hòa nghị nhi lưỡng quốc can qua dĩ tức

Nghĩa là: cửa quân hiến kế, đứng trước tiết lớn mà nửa đời trung nghĩa tỏ hay; miệng cọp dấn mình, quyết hòa nghị mà hai nước can qua yên ổn.
          Đó là những lời đúng sự thực cả. Vì công lao ông được ban theo họ nhà vua, trao chức Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển, Tri tam quán sự.
          Ông Trần Nguyên Hãn sau được phong tước quốc công, khi mất được phong phúc thần. Nay có đền ở làng Hoắc Sa.
          Văn chương của ông có khí lực dồi dào. Khoảng năm Thuận Thiên 2làm những bài văn như Bình Ngô đại cáo, bia thần đạo ở Vĩnh Lăng tại Lạm Kinh, …đều có chép ở sách Thực lục. Không cần phải thuật ra đây cho thừa nữa. Khoảng năm Thiệu Bình nhà vua tặng bà chiêu nghi làm Hoàng thái phi, ông phụng mệnh thảo bài chế rằng:
          (Lược bớt phần phiên âm chữ Hán)
         
Nghĩa là:
          Trẫm nghĩ: Đối với đứng thân, trước nên hiếu kính.
        Giữ cái cơ nghiệp trải mấy gian nan mới dựng nên được của đức Cao Hoàng Đế, tất nhờ công siêng năng giúp đỡ của đức bà trong chốn khuê môn. Vậy phải tôn xưng hiệu lớn ở triều đình, để thỏa hồn linh thiêng ở nơi u tịch. Đức Bà Mỗ…cầm giữ đức tốt, trải thờ tiên triều, gặp buổi trời đất chông chênh , từng cùng đức vua tắm gội mưa gió. Nâng khăn sửa túi, vá áo khâu xiêm, một lòng không sai, mười năm chẳng thiếu. Đức Cao Hoàng từng trải những bước hiểm nghèo như vua Hán Cao, nào mây ráng ở Mang Đường3, nào gió cát ở Tuy Thủy 4; lại từng trải những đói khát như vua Quang Võ, nào cơm chiêm ở Hô Đả 5,  nào cháo đậu ở Lâu Đình 5, đều có Đức Bà chia sẻ và giúp đỡ cả. Rồi đến ngôi lớn được đặt vững, nhiều phần nhờ công Bà săn sóc sớm hôm. Đương khi Đức Mẫu hậu không may về giời, chính trẫm được nhờ đức bà dìu dắt. Nhớ đến công ơn ôm ấp, dám nhãng việc truy sùng.6 Vậy xét theo phép của nhà Thành Chu, tôn phong Bà làm bậc Thái phi, tỏ công phù trì, hợp lễ thương kính. Chao ôi áo xiêm dâng tiến vinh quang, chẳng cứ khi mất còn; nấm đất vun bồi, rực rỡ đến tận nơi vinh mạc7.
          Khi tặng bà Chiêu Nghi làm Trinh Ý nguyên phi, ông phụng soạn bài chế rằng:
          (Lược phần phiên âm chữ Hán)
         
Nghĩa là:
          “Thánh nhân đặt lễ, đạo không gì trọng hơn là thân mến người thân, triều đình ra ân, nghĩa chẳng gì hậu hơn là quý
trọng bậc quý. Vậy ban chế sách để làm sáng rọi cõi tối mờ. Đức Bà Mỗ…người vốn đứng đắn, dịu dàng, đoan trang, chung thủy. Đương khi trời đất còn mờ tối, đã tỏ ra phong cách cần kiệm ở chốn cung vi. Khi ở núi Lam Sơn, lương thực gieo neo, từng nhờ lo chạy. Buổi ở trại Lẫm Lộ, áo xiêm rách rưới, vẫn cậy khâu may. Những nhớ đến công giúp rập Tiên triều, lại không quên đức bù trì tiểu tử. Buổi vừa bình định, người đã qua đời. Vậy tôn Bà lên hàng ba vị Hậu phi để tỏ sự vinh quý đặc biệt. Chao ôi, sinh nuôi dẫu khác, ân khôn cùng cũng vẫn như nhau, vậy dù lúc sống hay lúc thác, xin cũng che chở hộ trì cho mãi mãi”.
          Đó đều là những bài văn nghe rất khoái trá.
        Có lần ông bị lỗi phải hạ ngục, nhưng lại được tha ngay. Dần dần thăng lên đến Tả Gián nghị đại phu, kiêm Hàn lâm
Thừa chỉ học sĩ, tước Tế Văn hầu. Tính ông điềm đạm có chí ẩn dật, thơ tặng bạn có hai câu:
          Thân ngoại phù danh yên các quýnh
          Mộng trung hoa điểu cố sơn tri.
        
Nghĩa là: Gác khói cao th
ẳm để ghi công, đó chỉ là cái phù danh ở bên ngoài, vẫn mộng thấy hoa nở chim kêu, điều ấy có núi xưa biết.
       Ông có biệt thự ở Kinh Bắc gọi là Tiêu Viên (tức Lệ chi viên). Cuối năm Thiệu Bình, ông lên đợi mệnh Bắc triều ở cửa Nam Quan. Bấy giờ Thái Tông đi Bắc tuần, ngự giá đến chơi Tiêu Viên, rồi đêm hôm ấy mất. Người ta bảo vợ ông là nàng Nguyễn Thị Lộ đã làm sự thí nghịch, vì thế ông mắc nạn, cả nhà không kỳ nhớn bé đều bị giết.
          Khi xưa, trong trận đánh quân Minh ở núi Mã Yên, quân ta bắt được thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc. Hoàng giỏi xem phong thủy, khi ở nước ta đi xem khắp các kiểu đất, có biên ghi cả. Đến nay, Hoàng Phúc bị bắt, vì là kẻ tù binh, nên ông không cần kính trọng. Hoàng cười bảo:
          -Mả tổ tôi có xá văn tinh 8, dù gặp nạn cũng chỉ trong trăm ngày mà thôi; không như mả nhà ông, có vận tru diệt.
          Ông không tin. Sau Hoàng được tha về, còn ông vì vợ mà phải tội. Người ta cho là ứng nghiệm.
          Nay xét mả tổ nhà ông ở Nhị Khê, huyệt táng ở ruộng bằng phẳng, người thì cho là kiểu tướng quân mở cờ, người thì cho là kiểu tướng quân cụt đầu. Về phương Mùi có cái gò Rùa, đuôi phản lại. Trong bản kiềm kỳ của Hoàng Phúc nói rằng: “Nhị Khê mạch đoản, họa thảm tru di” chính là chỉ vào đấy.
          Đời truyền khi chửa hiển đạt, ông ở làng Nhị Khê dạy học trò, một hôm chỉ cái gò ngoài đồng bảo học trò rằng:
         -Ngày mai các anh dọn cái gò ấy để làm nhà học nhé!
       Bọn học trò vâng lời. Tảng sáng hôm sau, ông nằm chiêm bao thấy một người đàn bà đến nói:
        -Tôi mình yếu mà con còn nhỏ, xin hãy khoan cho ba ngày để tôi được dời đi nơi khác.
          Tỉnh dậy ông ra đồng xem, thấy học trò đã dọn xong rồi. Họ bắt được hai quả trứng, hỏi thì họ nói:
          -Vừa rồi thấy một con rắn, chúng con đánh nó cụt đuôi.
         Ông cầm hai quả trứng đem về cất. Đêm hôm ấy, giong đèn đọc sách, thấy một con rắn trắng leo lên câu đầu, nhỏ xuống một giọt máu đúng vào chữ đại 9trên trang sách. Vết máu thấm xuống ba tờ giấy. Ông nghĩ ra mà rằng:
          -Nó sẽ oán ta đến ba đời sau.
        Trứng rắn nở được hai con, một dài một ngắn. Ông sai mang thả xuống sông Tô Lịch ở làng bên; Nay những rắn ấy làm thần sông.
      Khi hiển đạt, thường mỗi ngày ở triều đình về, qua phố Hàng Chiếu, ông gặp một người con gái có nhan sắc, hai bên dùng thơ đùa cợt, rồi ông yêu mến, lấy về làm thiếp. Trong năm Thiệu Bình, người ấy thường vào trong cung cấm. Vua Thái Tông cho giữ chức nữ học sĩ. Khi vua thăng hà 10, triều đình đem nàng ra tra hỏi. Nàng nói là ông xui. Vì thế ông phải tội, người con gái ấy hóa thành con rắn, bò xuống nước mất.
      Ông có một người thiếp chạy đến vùng Sơn Nam, ẩn ở nhà người, rồi sinh được một người con trai là Anh Võ. Mãi về sau nhà chủ mới biết người đàn bà ấy là vợ lẽ ông. Khoảng năm Quang Thuận, vua Thánh Tông lên nối ngôi, thương ông oan, truy tặng Thái sư Tuệ quốc công. Dò hỏi dòng sau, mới tìm được công tử đem về. Nhớn lên Anh Võ làm quan ở đài, ở sảnh rồi phụng mệnh đi sứ Trung Quốc11. Khi qua hồ Động Đình, trên mặt nước xuất hiện một con rắn, rồi sóng gió nổi lên dữ dội. Ông khấn xin cho làm xong việc nước, sóng gió mới im. Khi đi chầu vua Trung Hoa về, đến hồ Động Đình, thuyền úp, chết đuối. Sau chết được truy tặng Thái sư Sùng quốc công.
          Trong năm Cảnh Hưng, làm sổ dân chính, triều đình bàn rút bớt ân trạch đối với những công thần khai quốc. Khi xem đến đạo sắc của ông, quan Thị lang bộ Hộ là Bảng nhãn Lê Quý Đôn xé đi mà nói:
          -Kẻ loạn thần tặc tử ấy, lại còn cáo sắc gì nữa!
          Nói chưa dứt lời thì đã nằm xuống ngủ lịm đi, thấy hai người lính bắt đem đến một nơi, chung quanh có đường bao vây, những cây cổ thụ đến hàng người ôm, trên điện có mấy chục cái ghế bành, hành lang phía hữu đặt một cái giường, trên giường ngồi một vị quan văn, đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục (12*), hai bên tả hữu có những người hầu rất nghiêm trang. Lính điệu ông bảng nhãn vào, bắt quỳ xuống dưới thềm. Vị quan văn ngồi trên giường quát lớn:
          -Ta là Tế Văn hầu đây! Nhà ngươi là một gã tiểu sinh sơ học, sao dám càn rỡ xúc phạm đến bậc huân cựu của tiên triều. Tội đáng chết, không thứ được.
          Ông Bảng nhãn nín hơi không dám ngẩng mặt lên. Cạnh đấy có một viên, khăn áo chững chạc, nài xin hộ, lúc lâu, Tế Văn hầu mới nguôi mà nói:
          Công danh sự nghiệp của ta, cố nhiên không thèm so sánh với nhà ngươi. Duy ngày thường ngươi vẫn lấy khoa bảng kiêu căng, vậy thử về đọc bài Bình Ngô đại cáo của ta, nếu văn ngươi có hay hơn thì xé sắc của ta cũng đáng. Tỉnh dậy ông Bảng nhãn vội viết lại đạo sắc như cũ. Các công thần, nhân thế cũng không bị rút bớt ân trạch.
          Ôi! Ông là người có những công to như thế mà không giữ nổi được mình, con cháu lại bị tru di hầu hết. Chó cỏ rồng đất12, vẫn là mối than chung từ xưa đến nay. Đáng buồn vậy thay!
Ghi chú
1. Thiệu bình: tức niên hiệu vua Lê Thái Tông (1433-1442)
2. Thuận Thiên: tức niên hiệu vua Lê Thái Tổ (1428-1433)
3. Mang Đường: tên ngọn núi mà Hán Cao Tổ khi còn hàn vi hay ẩn náu
4. Tuy Thủy: nơi Hán Cao Tổ bị quân Sở vây, nhờ một trận gió bão tung cát mù mịt mới được giải vây và thoát nạn.
5. Hô Đà-Lâu Đình: những nơi vua Quang Võ hết lương thì được Phùng Dị dâng cơm chiêm và cháo đậu.
6. Truy sùng: tôn kính sau khi chết
7. Nơi vinh mạc: chỉ cõi âm phủ
8. Xá văn tinh: sao cứu mạng
9. Đại: đời

10. Thăng hà: chết
11. Theo thế phả họ Nguyễn ở Nhị Khê thì con Anh võ là Nguyễn Tổ Tạc (cháu đích tôn Nguyễn Trãi), đậu tiến sĩ năm Kỷ Mùi (1499) làm quan Thừa chính sứ đạo An Bang, đi sứ Trung Quốc chết đuối ở hồ Động Đình, chứ không phải Anh Võ

12 *Áo bổ phục: Áo có miếng thêu đính vào đằng trước và đằng sau (áo có thêm miếng thêu)
12. Chó cỏ, rồng đất: đời xưa cúng tế thường tết chó cỏ, nặn rồng đất để cúng, cúng xong thì vứt đi. Vì thế người ta thường lấy chó cỏ, rồng đất để ví người hay vật, khi không được người ta cần dùng đến nữa, cũng giống như những công thần bị nhà vua bỏ rẻ khi đã hoàn thành sự nghiệp.
          
(Theo bản dịch "Tang thương ngẫu lục" của Trúc Khê Ngô Văn Triện)
 
21/10/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét