Chí Linh phong vật chí (23)
ĐỒNG HÃNG
Thơ vịnh phiên âm:
Lục kiến Triều Dương khoa phiệt thế
Thả khan đồng thị song huynh đệ
Ấu công văn bút hoán thần đồng
Giám xuất nhân thành văn điệp thể
Kích cổ yêu ngân đởm cánh hào
Sát ngưu tạo quyển tâm hà nhuệ?
Tranh khôi Ưởng nhĩ áp ngân thu
Thiết tư nhất phiến trùng khích lệ
Tứ lực tam niên nhiệm hiểm đề
Thu khoa ứng thí đăng cao đệ
Đồng ca trạng bảng hận nan phù
Lão độc thi thư ngôn bất kế
Nội thích thị danh đệ diệc kỳ
Nhất môn thư ấm thùy miêu duệ.
Dịch nghĩa:
Trong sáu người Triều Dương nối dòng khoa cử
Hãy xem hai anh em họ Đồng
Lúc bé đi học được tiếng là thần đồng
Lúc đi thi, khác với mọi người, làm văn hai thể
Đánh trống xin tiền gan cũng to
Giết bò nộp quyển lòng hăng hái ra sao ?
Tranh khôi cùng ông Ưởng , áp đảo cả vi thu
Trộm văn chối phắt, càng thêm khích lệ
Gắng sức ba năm chấp mọi đầu đề hiểm hóc
Khoa sau vào thi được đậu cao
Lời ca Trạng bảng của trẻ con là hận khó tin
Về già đọc sách nói không xiết được
Bị vợ nói khích mà thành danh, người em cũng lạ
Một nhà vinh hiển rạng rỡ cho dòng dõi đời sau.
Tạm dịch thơ:
Trong sáu đại khoa xã Triều Dương
Anh em họ Đồng chuyện hãy kể
Nhỏ học đã nổi tiếng thần đồng
Đi thi khác người văn hai thể
Đánh trống xin tiền gan góc thay
Giết bò nộp quyển hăng hái thế
Tranh ngôi cùng Ưởng đầu vi thu
Trộm văn chối phắt thêm khích lệ
Ba năm ra sức chấp hiểm đề
Khoa sau vào thi chiếm cao đệ (1)
Trả ca trạng bảng hận khó tin
Già đọc thi thư nói không xuể
Vợ khích thành danh em cũng kỳ
Dòng dõi thi thư lâu rạng vẻ.
Đồng Hãng là người làng Triều Dương, khi còn bé được gọi là thần đồng, nhưng phóng khoáng không chịu câu thúc. Năm 14 tuổi trong kỳ thi Thái học, đầu đề ra là: “Trùng tu Quốc tử giám” (Bài phú về việc sửa lại nhà Quốc tử giám). Hơn cả mọi thí sinh, ông làm hai bài phú, quan trường hỏi tại sao, thì ông trả lời là đầu đề có chữ “Trùng” ( nghĩa là hai lần). Tính phóng khoáng của ông đại để như vậy.
Về thời trước, có dinh quan Thừa ty đóng tại Phao Sơn, gần xã Triều Dương. Một hôm, ông đến trước dinh đánh ba hồi trống, quan nha trong ty nghĩ có việc công, khăn áo chỉnh tề kéo cả ra, thấy chỉ có một người học trò, liền hỏi tại sao lại đánh trống. Ông đáp:
-Kẻ hàn sĩ muốn xin bữa cơm, sợ khó nói được đến nơi, nên đánh trống để quan nha đều ra công đường, xin ăn cho tiện.
Quan Thừa ty nói:
-Anh đã là học trò, ta ra một đầu đề, làm được ta sẽ cho tiền cho gạo.
Ông đáp:
-Trăm đầu đề thì làm chứ một đầu đề thì không làm.
Quan Thừa ty cùng nhân viên bèn ra đầu đề, ông ngoáy bút thành văn, ra đầu đề không kịp. Trong chốc lát, trăm bài đã làm xong, lời thơ khiêm tốn đẹp đẽ, quan nha đều tấm tắc khen, bèn tặng cho 5 quan tiền và một thúng gạo. Than ôi! Ông đúng là bậc kỳ tài, gần đây, trăm bài thơ hãy còn, nhưng sau thời loạn thì thất lạc mất cả. Tiếc thay!
Tục truyền nhà ông nghèo, trong làng có một phú ông gả con gái cho, vì thế ông có thể ra công học tập. Ông thường cậy tài, có ý đỗ đầu thiên hạ. Người thời bấy giờ có câu: “Chí Linh Trạng bảng phi Hãng tắc Ưởng”. nghĩa là: “Trạng nguyên ở Chí Linh, không ông Hãng thì ông Ưởng”. Nhưng về sau ông không đậu khôi nguyên mà ông Ưởng lại đứng đầu bảng, đó chẳng phải là sàm ngữ hay sao ?
Người ta lại kể rằng: khoa trước đi thi, ông khoe là thế nào cũng đậu. Lúc đóng quyển thi, ông xin bố vợ giết một con bò, người trong làng chuẩn bị chặt tre làm cán cờ, đón buổi vinh quy. Đến kỳ đệ nhất, ông làm đủ 5 bài kinh nghĩa, trong đầu đề về kinh thi có câu: “Doanh doanh thanh dăng, chỉ vu kinh cúc” nghĩa là “Nhặng kêu ve ve đậu trên gai góc”. Ông chưa rõ lời ra sao, không làm bài bỏ ra ngoài. Bên cạnh có một vị lão nho thấy thế lấy làm lạ, hỏi tại làm sao? Ông nói thật là chưa rõ nghĩa thì ông cụ đáp:
-Ông mà bỏ ra thì còn ai thi nữa. Lão tuy già nhưng câu này còn nhớ, xin nán lại lão đọc cho nghe.
Ông nói phắt ngay rằng:
-Há lại có người đầu thiên hạ mà theo người khác ăn cắp chữ hay sao?
Nói rồi ra thẳng. Ra ngoài rồi ông tuyên bố
-Biết đâu được họ lại ra đầu đề hiểm hóc như vậy. Đợi tôi đọc sách ba năm nữa, rồi muốn hỏi thế nào cứ việc.
Khoa sau, khi nộp quyển ông lại đòi giết bò như lần trước, ông bố vợ nói:
-Đối với anh ta không tiếc gì cả, nhưng khoa trước đã thế mà không đậu, nay lại làm như vậy e thiên hạ cười cho.
Ông bỏ sang làng Lôi Động, vào một nhà ghẹo vợ người khác, bị người ta bắt được. Ông bố vợ hiểu ý, bèn đem 60 quan tiền đến chuộc về, bất đắc dĩ phải ngả bò ra mổ thịt ông mới chịu đi thi.
Vào kỳ đệ nhất, ông lại oang oang nói:
-khoa này ai mà ra được đầu đề hiểm hóc đến nỗi ông Đồng Hãng này không nhớ được mới thật là người giỏi.
Khoa này là khoa Kỷ Mùi, mở vào năm Quang bảo thư 5 triều Mạc. Ông cậy tài kiêu ngạo, thời ấy ai cũng ghét. Vào thi đình, văn đáng đậu đệ nhất giáp cập đệ, nhưng bị đánh xuống đệ nhị giáp. Ông rất lấy làm phẫn uất, ngày về vinh quy, ông đi bộ đến xã Triều Dương rồi vùng vẫy vượt sông, lấy việc đó làm cái hận suốt đời. Dưới triều Mạc, ông làm quan đến chức Công bộ thượng thư., hữu thị lang, thừa chánh sứ. Đời Lê trung hưng, ông quy thuận vua Lê, được lưu dụng theo tước cũ.
Đồng Đắc, em trai ông, tài không bằng ông, học lực cũng lỗ mãng. Có lần vợ Đồng Đắc cùng ngồi ngang hàng với vợ ông. Bố chồng trông thấy khuyên rằng:
-Chồng nó là ông nghè, chồng mày chỉ là anh tú tài sao lại cùng ngồi như vậy? Từ nay về sau không được làm như thế nữa nhé.
Vợ Đồng Đắc phẫn uất về nói với chồng:
-Anh không học đến đậu tiến sĩ, tôi sẽ không làm vợ anh nữa.
Nhân lúc nhàn rỗi, Đắc hỏi anh:
-Như em liệu có học được không?
Ông đáp:
-Tiến sĩ như anh có ít, ở trong triều thảy đều như chú mà thôi, có mấy người gọi là có học.
Đồng Đắc bèn theo học nữa. Đến khoa Mậu Thìn năm Hồng Phúc thứ 7, cũng đậu tiến sĩ, được liệt vào hàng phú quý hiển đạt, làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, Đô cấp sự trung. Đó là do vợ khích mà thành danh vậy.
Xét ra Đồng Hãng là người tài học có thừa, nhưng đọc sách không mỏi. Người thời bấy giờ đã có câu “Ông Triều, ông Dọc, còn học làm chi” (Triều chỉ ông Đồng Hãng, Dọc chỉ ông Nguyễn Phong). Văn ông viết rất nhiều. Nay bài phú trùng tu Quốc tử giám và hai bài phú lúc thi đậu của ông đều không còn nữa.
Các vị khoa mục cùng làng với ông có những ai, xin tường lục ở sau, để chứng minh câu: “Lục kiến Triều Dương khoa phiệt thế” trong bài thơ vịnh ông đã nói ở trên:
-Đồng Văn Giáo, ông nội ông Đồng Tôn Trạch, năm 50 tuổi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Đinh Sửu, năm Sùng Khang thứ 10, nhà Mạc, làm quan đến chức Thừa chánh sứ.
-Đồng Tôn Trạch, năm 33 tuổi, đậu tam giáp tiến sĩ, khoa Bính Tuất, năm Phúc Thái thứ 4, đời Lê trung hưng, làm quan đến chức thượng thư phong tước hầu, sau thăng Thiếu bảo quận công.
-Trần Tiến Giám, năm 37 tuổi, đậu tam giáp tiến sĩ, khoa Quý Hợi, năm Chính Hòa thứ 4, làm quan đến chức Hữu thị lang, phong tước tử, tăng Thượng thư, phong tước hầu.
-Đồng Bỉnh Do, năm 45 tuổi, đậu tam giáp khoa Tân Mùi, năm Chính Hòa thứ 12, làm quan đến chức Tham chính.
(1) Cao đệ: đậu cao (ND)
21/1/2014
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét