NGUYỄN MINH TRIẾT
(kỳ 2)
(kỳ 2)
Vì văn chương ông vào trong triều rất được ưa chuộng. Tục truyền rắng: ông có tính hiếu sắc không rời phụ nữ được. Được cử làm khảo quan trường Nghệ An, ông cho hai người hầu gái, hóa trang làm trai cùng vào trong trường. Việc tiết lộ, vị phụ trách nội trường làm sớ tâu vua. Vua giận phán:
-Việc của người người phải làm sao lại vu buộc cho người khác? Người phụ nữ đó lập tức bắt đưa về quê.
Theo ý nhà vua, ông có lỗi thật đấy, khoan thứ thì pháp luật không cho làm, bắt tội thì tình cũng đáng thương, cho nên ngơ đi.
Năm Vĩnh Thọ thứ 2, chúa Trịnh sắp được tấn phong, muốn có một vị bầy tôi cũ có tuổi để mang sắc phong của nhà vua. Hỏi tể tướng Phạm Công Trứ thì ông này đáp:
-Chỉ có ông thám hoa Lạc Sơn, nhưng ông này chưa được lĩnh chức thượng thư.
Lập tức Nguyễn Minh Triết được phong Công bộ thượng thư, tước Dĩnh Xuyên hầu, và được chúa sai bê kim sách.
Ông viện lệ 70 tuổi xin nghỉ, nhưng không được chuẩn y nên mặc dầu đã 70 tuổi rồi vẫn còn ở lại trong triều. Học trò của ông lúc ấy có người làm quan trong triều, đem việc này ra bàn với ông. Ông nói:
-Họ đậu lâu rồi thì nên vin cớ đến tuổi như thường lệ, còn ta mới đậu sao lại ví với họ được?
Đó là vì ông mới được trọng dụng, vội vã xin về không phải là dễ, nên bày vẽ ra thế để trả lời cho qua đấy thôi. Mãi đến năm ngoài 80 tuổi, ông mới về hưu với chức Công bộ thượng thư, Thiếu Bảo Cẩm quận công.
Ông tuy tuổi già, tinh thần vẫn mạnh, đến những ngày đại lễ như tết Nguyên Đán hay lễ Diên Thọ, ông thường vào chầu. Đến đâu ông cũng được nhà vua hay các nhà quyền quý tặng thưởng, biếu xén, quà cáp rất nhiều.
Năm ông 92 tuổi, con gái ông là vợ Dương tướng công xã Triều Dương, bưng cơm cho ông, ông không chịu ăn. Hiểu ý cha, bà này sai tỳ nữ thay mình ông mới ngồi vào mâm. Năm ấy, ông còn sinh thêm con gái nữa, cộng tất cả là 27 con, cho nên mỗi khi ông vào chầu, nhà vua thương gọi ông là “Bố đỏ”.
Một hôm trong phiên chợ Lạc Sơn, có người bán một con cá lớn. Con gái cùng học trò ông mua mỗi người một miếng đem biếu. Ông sai chắp các miếng lại, lại thành con cá, bèn ra vẻ buồn rầu nói:
-Lộc của ta quá hậu, không biết con cháu sau này thì ra sao?
Ông mất năm 96 tuổi, được tặng chức Hộ bộ thượng thư, nhà vua ban cho tên hèm là Văn Đẩu.
Tục truyền rằng: lúc ít tuổi ông rất gian khổ. Ngoài 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ. Một đêm ngồi đọc sách, ngủ thiếp đi nằm mộng thấy thần nhân bảo rằng: “Vợ anh vừa mới sinh”. Sau khi tỉnh giấc, ông hỏi dò thấy người hàng xóm sinh con gái. Ông đợi đến năm người này 14 tuổi mới làm lễ cưới. Hôm nghênh hôn vợ ông bị tên thổ hào xã Lạc Đạo cùng huyện là Cai huyện Đậu đến cướp đem đi, sau đẻ với nó một người con gái. Đến lúc tên Đậu chết, bà kia lại về với ông. Ông không bao giờ tỏ ý oán giận, lại nuôi người con gái riêng của bà làm con nuôi, xây dựng gia đình cho cẩn thận. Hoàn cảnh ông khó khăn như vậy.
Văn chương sáng tác của ông rất nhiều, đến nay còn truyền lại rất ít. Không sách nào ông không đọc, không thể văn nào ông không làm, khí lực hùng hồn, ngòi bút rộng rãi. Thể văn thời ấy thấp kém hẹp hòi, riêng ông vượt ra ngoài lề lối, tạo nên một lối văn chương riêng biệt. Bài chế văn khoa Tân Mùi của ông, khắp trong triều ai cũng biết. Bài tạ văn của ông lúc về hưu, nội dung cũng như sự tích không trùng điệp chỗ nào, hiện nay còn thấy trong tập Kỳ anh, rất là phong phú tươi đẹp.
Tục lại truyền rằng: ông có người bạn, ốm mãi không khỏi, ông đến hỏi thăm, viết lên vách đôi câu đối sau này:
Phùng khứ tật, Hoắc khứ bệnh, tật bệnh khứ trừ
Gàn Duyên Thọ, Đỗ Duyên Niên, thọ niên duyên vĩnh.
Tạm dịch:
Phùng khứ tật, Hoắc khứ bệnh, tật bệnh trừ đi
Hàn Duyên thọ, Đỗ Duyên niên, tuổi thọ dài mãi (1)
Ông bạn khỏi bệnh đến già mới mất, có thể nói, đó là bút thần vậy.
Vịnh đàn gà mẹ con, ông ứng khẩu đọc câu thơ nôm:
Nửa hạt gọi con kêu cúc cúc
Một đàn theo mẹ đứng nhao nhao.
Bài thơ Tiết kiệm bằng quốc âm của ông như sau:
Giầu thời ba bữa khó ta hai
Lần lữa cho qua tháng tiểu đài (2)
Nón đổi lá trên quần đổi ống
Dép thay lần dưới túi thay quai
Dặn vợ có cà đừng gắp mắm
Bảo con bớt gạo cạo thêm khoai
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện
Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.
Ông xuất khẩu thành chương đại để như vậy.
PHỤ LỤC
Thời bấy giờ, có thượng thư Ký tiên sinh, khién người phong nhã, phần nhiều người trong huyện làm quan đều là học trò, lúc bé cùng làm bạn với Minh Triết. Minh Triết văn chương hơn người, thiên hạ trọng vọng, nhưng tiên sinh thường vẫn không phục. Năm tiên sinh thọ 70 tuổi, môn sinh nhờ Minh Triết viết hộ bài văn hạ thọ, Minh Triết nhận lời. Nguyên tiên sinh tuổi già, mắt kém, nhưng hễ thấy thiếu nữ là ngấp nghé vời tay. Minh Triết nhân thể muốn đùa chơi, trong bài văn Hạ thọ đã viết một câu rằng :
Thượng nhất thế dĩ tiêu dao
Hạ nhị nghi nhi bễ nghễ
Nghĩa là :
Vượt trên thời đại để tiêu dao
Cúi xuống âm dương mà ngấp nghé.
Tiên sinh thấy bài văn, khen và than rằng :
-Học lực của thám hoa Lạc Sơn tiến bộ hơn trước rất nhiều
Tục lại truyền rằng : tiên sinh tài cao, nhưng đắm đuối trong nghề số học, bỏ nghiệp khoa cử, vì thế nên không đỗ đạt gì. Thường đem thuật xem bói nói với học trò rằng
-Ta không đợi thám hoa Lạc Sơn là bởi thuật này đây.
Học hơn kém tuy là thói thường, nhưng tiên sinh tài học hơn người mà không có chút gì truyền lại, thật là đáng tiếc. Dù sao cũng phụ lục sự tích của tiên sinh vào chương này.
Người cùng làng với Minh Triết còn có ông mai Thụy, năm 24 tuổi, đậu tam giáp tiến sĩ khoa Tân Mùi, năm Chính Hòa thứ 12, làm quan đến chức Tham chính sứ.
(1)Phùng Khứ Tật, Hoắc Khứ Bệnh, Hàn Duyên Thọ, Đỗ Duyên Niên, là những nhân vật nổi tiếng Trung Hoa cổ đại. Đại ý của đôi câu đối này là : Cứ kiên quyết như Phùng Khứ Tật, Hoắc Khứ Bênh là bệnh sẽ khỏi ; Cứ kiên trì như Hàn Duyên Thọ và Đỗ Duyên Niên là tuổi thọ còn dài.Ta nên nhận thấy rằng Nguyễn Minh Triết khi viết đôi câu đối này đã khéo mượn tên người có chữ « Khứ tật » « Khứ bệnh » nghĩa là « trừ bênh » và chữ « Duyên Thọ », « Duyên niên » nghĩa là « dài tuổi thọ » để ngụ ý ước mong cầu chúc của mình. Đây là một lối chơi chữ mà các nhà nho ta ngày xưa rất lấy làm ưa thích. (ND)
(2) Tiểu đài là hai chữ tiểu đại (nghĩa là thiếu đủ) đọc chệch đi để đúng với âm luật thơ Đường (ND)
23/1/2014
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét