Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Chí Linh phong vật chí (tiếp theo)

LÀNG CHÍ LINH…

Dịch âm:
Thi lễ tương truyền Phan Nguyễn Gia
Trường An xuân mã tiếp khan hoa
Chí linh hảo cộng Ling Giang đối
Hòe quê hương phiêu cẩm thủy ba
Quốc lão kỷ tri đồng Nguyễn giả
Lộc vinh phúc thọ tịnh kiêm đa
Tu Linh hảo cáp giai Hà Liễu
Tùng bách xuân thâm ấm lưỡng hà.
Dịch nghĩa:
Thi lễ dõi truyền có nhà họ Phan và họ Nguyễn
Ở kinh đô cưỡi ngựa xem hoa (1)
Làng Chí Linh tương đối với làng Linh Giang
Hòe quế hương bay sóng gợ sông Cẩm Thủy
Lão thần trong nước mấy người biết họ Đồng và họ Nguyễn
Lộc vinh phúc thọ đều gồm đủ cả
Làng Tu Linh cũng giống như làng Hà Liễu
Cây tùng cây bách xanh tươi rợp hai bên bờ sông.
Tạm dịch thơ:
Phan Nguyễn thi thư nối nghiệp nhà
Kinh đô cưỡi ngựa dạo xem hoa
Chí Linh cùng với Linh Giàng đối
Sông Cẩm quế hòe hương ngát xa
Lão thần Đồng Nguyễn cả hai ông
Phúc thọ vinh hoa cũng thỏa lòng
Hai xã Tu Linh, Hà Liễu đó
          Đôi bờ rợp bóng trắc cùng thông.
Phan Tập
Ông là người làng Chí Linh, tổng Cổ Châu, đậu đệ nhị giáp tiến sĩ, khoa Mậu Thìn năm thứ 4 niên hiệu Đoan Khánh triều Lê, làm quan đến chức Tả bộ lang, về hưu trí.
Phan Khải
Ông là con Phan Tập, đậu tiến sĩ khoa Bính Thìn, năm thứ 2 niên hiệu Quang Bảo đời Mạc, làm quan đến chức Tham chính.
Nguyễn Ký
Ông là người làng Linh Giàng, đậu tiến sĩ khoa Quý Mùi, năm thứ 4 niên hiệu Quang Thuận, làm quan đến chức Lại bộ thượng thư.
Nguyễn Nghiễm
Ông là cháu 4 đời của Nguyễn Ký, đậu đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Mậu Thìn, năm thứ 7 niên hiệu Thuần Phúc, làm quan đễn chức giám sát ngự sử, qua chức thượng thư
Đồng Hưng Tạo
Ông là người xã Tu Linh, đậu đệ tam giáp tiến sĩ khoa Bính Thìn, năm thứ 2 niên hiệu Phúc Thái , làm quan đến chức Giám sát ngự sử, thọ 99 tuổi.
Nguyễn Hồng
Ông là người làng Hà Liễu, tổng An Hộ, đậu đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Nhâm Dần, năm thứ 3 niên hiệu Hoằng Định, đời Lê Trung Hưng, làm quan đến chức Thừa chính sứ, phong tước bá.

(1)- Cưỡi ngựa xem hoa: khi xưa những người thi đỗ tiến sĩ được cưỡi ngựa dạo chơi ở vườn hoa của nhà vua

27/1/2013
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét