Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Chí Linh phong vật chí (tiếp theo)

 LÀNG MẶC ĐỘNG…
Dịch âm:
Mặc Động Lương Giang văn phái báo
Hương trung điệp kiến nguy khao trạc
Cổ Châu mạch tiếp Đáp Khê hương
Phan Quế thời dương mao tinh tác
Đột Lĩnh Phao Sơn thủ nhị hương
Thiên hoằng phá liễu xưng văn học
Đan ngôn Đột Lĩnh thiếu đăng khoa
Trách thổ du ngư hà lỗi lạc.
Dịch nghĩa:
Làng Mặc Động có sông Lương Giang nguồn văn sâu rộng
Trong làng thường thấy có người đỗ đại khoa (1)
Làng Cổ Châu mạch nối với làng Đáp Khê
Bẻ quế thường cùng nêu danh với nhau
Hai làng này là Đột Lĩnh với Phao Sơn
Có người bắt đầu thi đậu khen là làng văn học
Nói riêng làng Đột Lĩnh ít người thi đậu đại khoa
Đất sỏi có chạch sao giỏi giang như vậy.
Dịch thơ:
Mặc Động sông Lương mạch thấm sâu
Làng này thường thấy đậu khoa cao
Cung trăng bẻ quế (2) danh lừng lẫy
Làng Đáp Khê kia với Cổ Châu
Phao Sơn Đột Lĩnh cả hai làng
Văn học xem chừng mới vỡ hoang
Đột Lĩnh đại khoa âu cũng hiếm
Chạc trong lòng sỏi tiếng đồn vang.
Nguyễn Uyên
Ông là người làng Mặc Động, đậu tam giáp tiến sĩ khoa Bính Thìn, năm thứ 2 niên hiệu Quang Bảo, triều Mạc, làm quan đến chức thượng thư, phong Sắc Nham Lang hầu.
Nguyễn Thế Tiêu
Ông là người làng Mặc Động, đậu nhị giáp tiến sĩ khoa Giáp Thìn, năm Hoằng Định đời Lê Trung Hưng, làm quan đến chức Tự khanh, phong tước tử.
Nguyễn bá Huyên
Ông là người làng Cổ Châu, đậu đệ tam giáp tiến sĩ khoa Mậu Thìn, năm thư 4 niên hiệu Đoan Khánh triều Lê, làm quan đến chức Tham chính.
Lại Đức Du
Ông là người làng Đáp Khê, năm 34 tuổi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Quý Sửu, năm thứ 24 niên hiệu Hồng Đức, làm quan đến chức Đề hình giám sát ngự sử.
Nguyễn Bỉnh Di
Ông là người làng Đáp Khê, đậu hội nguyên, đậu tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Bính Thìn năm thứ 2 niên hiệu Quang Bảo, làm quan đến chức Đô đài ngự sử, phong tước Đông Khê hầu
Nguyễn Xuân Quang
Ông người làng Đột Lĩnh, đậu tam giáp tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, năm thứ 5 niên hiệu Quang Bảo, làm quan đến chức Thâm chính kiêm Đông các đại học sĩ.
Trương Hữu Bùi
Ông là người làng Phao Sơn, đậu đệ tam giáp tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, năm thứ 5 niên hiệu Quang Bảo, làm quan đến chức Thừa Hiến sát sứ.
Tương truyền Nguyễn Xuân Quang thiên tư rất dốt nhưng rất chăm học, thích đọc sách, suốt đời không quên học, suốt đêm không ngừng tiếng. Tiếng ông ồ ồ, người làng nghe rất ngán, họ thường bịt tai. Nhà ông có vườn cau, thường ngồi dưới gốc cau, vừa học vừa gõ. Nhưng gốc cau ông ngồi thường bị chết khô. Người chị thấy ông  học cần khổ như vậy, cũng động lòng thương bảo ông rằng: : đất sỏi đá liệu có chạch ư, sao em khổ thân như thế?”. Vì làng này từ trước không có ai đỗ đạt, cho nên lấy lời đó chê ông. Ông cũng không thôi, lại càng chăm học. Lâu lâu khí chất thay đổi, thành học trò giỏi. Đậu tiến sĩ, lại trúng làm chức Đông các. Ngày vinh quy làm cỗ đãi chị, đặt một con chạch to ở trên mâm cỗ. Chị hỏi tại sao? Ông nói: “Đất sỏi vốn không có chạch, nếu có thì to như vậy”. Chị bèn cười to mà rằng: “Ôi, có chí việc hẳn thành”.
Lại truyền rằng: một thiên “Thư trung tiền túc” là sách của ông viết, ngoài ra không còn truyền lại gì cả.
Sau có Trần Huy Liễn là người làng Đột Lĩnh đậu đệ tam giáp tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, năm thứ 41 niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê, làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thừa chính sứ tư, phong tước Đẩu Sơn bá (nguyên quán làng Phú Thị huyện Gia Lâm)
(1)-Đại khoa: khoa thi hội đậu tiến sĩ (ND)
(2)-Cung trăng bẻ quế: ý nói người đậu tiến sĩ cũng như bẻ quế trên cung trăng (ND)


25/1/2014

Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét