(Tiếp theo)
Nhưng đời vốn phù thịnh chứ chẳng ai phù suy. Ngày còn giầu có thì ai cũng thích đến làm thuê rồi còn nói nếu không được cụ giúp thì gia đình con chết vì khốn khó. Ơn này sống để dạ, chết mang đi... Thế mà đến khi cải cách thì tố cáo đủ diều xấu xa. Mà họ cứ ăn đứng dựng ngược lên cơ chứ. Như cái nhà chú Thụ (mẹ chú ấy là em họ với bà nội cái Thu), mắt lòa, chồng mất sớm, mẹ góa con côi, ruộng nương không có, chả làm gì nên ăn, bố con Thu thương tình đón cả hai mẹ con về nuôi. Đến khi bà cụ mất còn làm ma chay tử tế lắm. Ấy thế mà đến khi cải cách chính người con tố cáo: ”Mày bóc lột mẹ con tao, bắt mẹ tao làm việc nặng nhọc đến chết...” Khốn khổ bà cụ bị lòa đến đi còn phải dắt thì làm được việc gì. Thỉnh thoảng bà cụ có sờ lần bện cái chổi mà bố con Thu về nhìn thấy là lại mắng mọi người sao lại để thím làm thế. Ông ấy nhân đức lắm cơ. Tiếng là quan đấy nhưng mà lại rất thương con quý cháu chứ chẳng quan cách hách dịch gì đâu. Thế mà cái số hiếm hoi, mẹ già con Thu bị bệnh báng không sinh con được. Thương chồng, bà ấy mới đến nói với chú ruột mình, tức là ông cụ sinh ra tôi cho tôi về làm thứ. Ông cụ vốn là nhà nho, lại có mỗi mình tôi nên cũng mong gả vào nhà khá giả , nhân đức để con được nương nhờ. Thấy cháu mình nói, gia đình chồng nhân từ tử tế, quý người chứ không hơm của, thì cụ bằng lòng ngay. Tôi lấy bố con Thu từ khi mười tám, đến năm hăm sáu tuổi mới sinh con Nhung .Nhưng chỉ được hơn một tuổi thì con bé lên sài bỏ mất. Năm hăm tám tuổi mới sinh con Thu, ở nhà thương Phướn. Bố con Thu cứ ôm con vào nói với cô hộ sinh là có thuốc tiêm chủng gì thì tiêm cho cháu, tôi hiếm hoi lắm. Bấy giờ chẳng như bây giờ đâu, đàn ông ít bế con lúc vợ mới sinh lắm huống hồ là ông ấy vốn trước đây từng làm quan.
Khi lấy tôi về, ông ấy cho đón luôn cả ông cụ, bà cụ thân sinh ra tôi về phụng dưỡng chu đáo lắm. Ông cụ nhà tôi râu trắng như cước, da dẻ hồng hào dáng người nho nhã thư thái , nhưng phải cái tội ăn hay bị nghẹn. Mỗi lần như vậy, cụ lại xách cái ghế ra ngồi ở sảnh, một lúc, hết nghẹn lại vào ăn tiếp, Những khi bố con Thu có nhà đều đỡ cụ và vuốt ngực cho cụ. Hôm ấy, cụ cũng bị nghẹn như mọi khi. Nhưng lâu quá không thấy vào, tôi ra vuốt ngực thì cứ thế cụ ngả người ra rồi đi. Bố con Thu lo ma chay rất chu tất. Dù sau cách mạng, gia đình chẳng còn được bề thế như xưa nhưng vẫn mời khách hàng huyện và đãi đọa họ mạc đâu ra đấy. Thế mà, đến khi cải cách, các ông đội, mời tôi đi học tập đấu tố cứ bảo rằng, mẹ con tôi là vợ lẽ con thêm, nếu đấu tố thì sẽ được chia nhà cửa ruộng đất. Nếu không thì bị đuổi ra đồng. Tôi bảo nhưng ông ấy có tội gì với tôi mà tôi đấu tố? Họ bảo: “ thì ông ấy chẳng đấm chết ông cụ nhà chị là gì”. Tôi phân trần, không có chuyện đó đâu, bố tôi mất là do bị nghẹn thôi. Họ lại bảo: “ thì vợ chồng ông ấy bạc đâĩ mẹ con chị”. Nhưng tôi nghĩ ông ấy nào có bạc đãi gì tôi. Nên tôi nhất định không chịu đấu tố. Thế là, bố con Thu thì bị xử, nhà cửa, của nả bị tịch thu hết. Còn tôi cùng với bà cụ thân sinh ra tôi rồi mẹ già con Thu và con Thu lúc đó mới hơn hai tuổi đầu bị đuổi ra khỏi nhà. Ở giữa cánh đồng không mông quạnh bác ạ. Tôi nhờ vả mấy người cùng cảnh ngộ dựng cho túp lều bán mái lợp rạ, hở huếch hở hoác, đêm thì trông thấy cả trăng sao ấy mà. Đúng là một cái nhà trên không nóc dưới không giường đấy.
Một nách, mẹ già con thơ lại còn mẹ già con Thu bị xốc mạnh vì gia cảnh nên ốm lắm chẳng làm gì được,tôi đi buôn thúng bán bưng kiếm chả đủ ăn. Con Thu đội bát đi xin, nhiều người thương tình cũng cho. Được bát cơm đầy, nó lại đội về. Mẹ con Thu không chịu ăn . Chị ấy cứ nhường cụ già rồi lại bảo tôi : “Đẻ em ăn đi rồi còn phải làm nuôi con, tôi yếu đau chả thiết ăn, với lại không làm gì nên không đói “ (hồi đó con Thu gọi tôi bằng đẻ và gọi chị cả bằng mẹ bác ạ). Đói khát rồi bệnh tật và đau đớn vì thời thế, mấy tháng sau ngày bố con Thu bị xử thì chị ấy cũng ra đi. Tối hôm đó chỉ có tôi và mấy người cùng cảnh bó chị ấy vào chiếc chiếu rồi bác binh Khài mượn được một chiếc thuyền chở chị ấy đi an táng, thật cám cảnh! Chẳng ai dám khóc to, chỉ lặng lẽ mà đưa đi. Con Thu thì kêu toáng lên không cho bó mẹ nó vào, không cho chở mẹ nó đi. Khổ thế cơ chứ!
Chỉ còn lại ba mẹ con bà cháu lần hồi nuôi nhau. Bà ngoại ở nhà trông cháu. Tôi vẫn chạy chợ và đã kiếm được đủ ăn. Thương con bé mồ côi mồ cút, cơ cực nên tôi thường mua bánh giò và giò về cho. Nó thích lắm. Cho nên cứ thấy tôi về, bà lại gọi cháu: Con đẻ mày đã về rồi Thu kìa. Thế là nó lẫm chẫm chạy ra đón và hỏi: “ Đẻ ơi có giò không, có bánh giò không?” Hôm ấy, về đến sân rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì, tôi linh cảm có điều chẳng lành, hốt hoảng gọi: Mẹ ơi, cháu đâu? Con bé chạy ra khóc òa lên nhểu nhảo nói: Đẻ ơi bà chết rồi! Tôi nhủn người ra, bỏ quang gánh chạy vào. Bà cụ mặc quần áo sạch sẽ tinh tươm nằm như đi ngủ. Con Thu kể :” Bà tắm xong , bảo con ngồi đây rồi bà ngủ. Con gọi bà không thưa. Bà chết rồi”. Khổ thế đấy. Con bé đã biết bố chết, mẹ chết nên giờ gọi bà không thưa nó cũng biết là bà chết, Thế là trong vòng chưa đầy một năm giời (từ tháng bảy 1955 đến tháng hai 1956) tôi phải tự tay chôn cất ba người thân yêu nhất ( chồng, chị cả rồi mẹ đẻ). Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu ai đã mang cho tôi nghị lực để tôi vượt qua cái thời kinh khủng ấy bác ạ. Bà cụ mất thì không phải giấu giếm như chị cả, vì cụ không thuộc diện thành phần. Cụ được mấy người bà con họ hàng đi đưa, lại được bác biểu Ngũ mang cho cỗ ván cũ nên đám tang cũng không đến nỗi nào.
Chỉ còn lại hai mẹ con, chú ruột con Thu, cũng thuộc diện gia đình địa chủ mới cho con gái chú ấy sang ở với bác để trông chị. Một hôm, tôi đi chợ về thấy mấy thằng bé con chạy từ trong nhà ra, hai chị em nó bế nhau ngủ trên võng, một con gà chết đã bốc mùi để ngay trên mặt con Thu. Tôi tức quá mới chửi: Tiên sư chúng bay, chúng bay độc ác thế, con tao có tội tình gì mà chúng bay vứt gà chết lên mặt con tao! Thế là bọn cốt cán xông vào nhà trói tôi điệu ra đình.Đến tối thì mời dân làng tới hỏi tội và kiểm thảo tôi vì tội dám thóa mạ con em nông dân đấy. Rõ thật là thời buổi nhiễu nhương chẳng còn phải trái đúng sai gì nữa. Chỉ còn những “ ông bà nông dân” tha hồ diễu võ dương oai và “ bọn quan lại cường hào”, những người vốn trước đây tạo công ăn việc làm, thậm chí là phát chẩn thóc gạo cho dân giúp họ vượt qua nạn đói ( 1945); Quyên góp vàng bạc cho kháng chiến, kiến quốc thì bây giờ bị gọi là thằng nọ con kia, bị đấu tố, tước đoạt tài sản, bị giết chóc thảm thương.
Tệ hơn nữa là bọn trẻ con, chúng nhiễm thói xấu của người lớn nên cũng như phát cuồng. Cứ thấy con cái gia đình thành phần đâu là đả đảo, là hoạnh họe bắt phải chào chúng là ông bà nông dân. Nhớ khi, bố con Thu còn ở trong tù, tôi cho nó vào thăm, nó bi bô kể với bố: Bố ơi thằng Hoằng đả đảo con, bắt con gọi ông nông dân. Bảo đổ mực vào mặt con. Con sợ lắm. Bố về đánh nó đi. Ông ấy chỉ ôm con vào lòng và nói trong nước mắt:”Tội nghiệp con tôi” ( Chả là ông nội thằng Hoằng là anh ruột bố con Thu, ông ấy mất lâu rồi, gia đình nhà Huy con trai ông ấy không thuộc diện thành phần, nhà tôi vẫn cưu mang và trước đó thì bọn con cháu vẫn nể phục bố con Thu lắm). Đấy đến con cháu ruột thịt nhà mình còn thế nói chi người ngoài. Ngày ấy những người thành phần đi đâu cũng len lén cúi mặt chứ chẳng dám ngẩng đầu nhìn ai. Khổ lắm !
Tôi cắt ngang câu chuyện: “ Mẹ ơi, mẹ cứ ôn nghèo kể khổ thế biết khi nào cho hết được ? Mà mẹ cũng chỉ khổ mỗi cái đận ấy thôi chứ trước và sau đó mẹ đâu có khổ gì”?
- Ừ có thế thật. Thuở còn trẻ mẹ chả phải làm gì sất, lại còn được học hành nữa chứ. Đi học thì diện bít tất phin, giày cườm ô đầm chứ chẳng lúi sùi đâu. Đi đâu ông cũng đưa mẹ đi cùng. Bạn của ông là những ông đồ nho thích thơ phú lắm. Có lần đi chơi trên bờ đê sông Luộc, gặp một cô gái mặc tân thời đi ngược chiều, gió thổi mạnh làm tà áo bay tung lên. Thế là các cụ đố nhau làm thơ vịnh. Ông muốn khoe con nên bảo mẹ làm một bài thơ.
- Thế mẹ có làm được không?
- Mẹ làm được. Đọc xong các cụ khen lắm .
- Mẹ còn nhớ không, đọc cho chúng con nghe đi mẹ
- Nhớ chứ. Có bốn câu thôi mà. Rồi mẹ đọc:
"Triền đê thiếu nữ bước chênh vênh
"Triền đê thiếu nữ bước chênh vênh
Gặp lúc phong trần hóa hớ hênh
Đã tưởng hoa đào phong kín nhụy
Nào ngờ ngọn gió cũng đa tình"
- Khiếp sao mẹ còn trẻ mà làm thơ già thế?
- Thì ngày trước học làm thơ tứ tuyệt mà lại. Hơn nữa mẹ đi hầu chuyện với bạn của ông con nhiều nên mới thế
- Mẹ xinh đẹp, lại được đi học nữa, sao lại bằng lòng lấy bố con. Bố đã hơn mẹ trên hai chục tuổi mà mẹ lại còn phải làm thứ nữa?
- Vừa nãy mẹ chả kể rồi còn gì. Tại mẹ già con mai mối và ông bà đã đồng ý rồi. Thời trước, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy chứ có ai dám trái lời. Với lại bố con giàu có và tài giỏi, lấy đâu chả được vợ trẻ đẹp.
- Có khi ông bà ngoại ham của cũng nên ấy mẹ nhỉ?
- Mẹ xua tay và nói vội vã; Không đâu! Ông là nhà nho trọng khí tiết chứ tuyệt nhiên không ham của. Tôi lại chớt nhả : “ Thế mẹ yêu bố con hơn hay yêu dượng hơn”?
Mẹ ngó lơ chỗ khác và quay qua quay lại như tìm một vật gì. Hình như mẹ muốn né tránh câu hỏi của tôi. Thấy vậy, tôi cũng không nỡ làm khó mẹ thêm nữa. Không khí buổi trò chuyện có vẻ chùng xuống. Lúc sau mẹ mới quay ra phía tôi và nhỏ nhẹ: “ Dượng tuy không tài giỏi giàu có như bố con nhưng cũng là người đức độ, thương vợ quý con lắm. Ông ấy coi con như con đẻ và nuôi dưỡng con chu đáo, suốt bao nhiêu năm có đánh đập, mắng mỏ con bao giờ đâu”.
Tôi ngắt lời mẹ: “Con hiểu điều đó mẹ ạ. Con chỉ muốn biết mẹ yêu ai hơn thôi mà?”
- Thời của mẹ chưa biết yêu là thế nào. Nhưng đến bây giờ mẹ vẫn cứ thương bố con. Tài giỏi, giàu có, đức độ thế mà hiếm hoi. Mẹ già con mắc bệnh không sinh được đã đành, hơn chục năm trời làm bạn với bố con, mẹ cũng không thể sinh cho ông ấy một người con trai để nối dõi tông đường. Mẹ thấy có lỗi với ông ấy lắm.
Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng rưng rưng. Phần thương bố, phần tủi phận mình. Giá tôi là con trai thì linh hồn bố cũng được an ủi đôi chút.
Hình như thấy hai mẹ con tôi đều lặng lẽ buồn thương nên ông xã tôi mới lên tiếng để an ủi mẹ vợ: “ Không phải lỗi của mẹ đâu. Tại số trời thôi mẹ ạ”.
Mẹ nhẩn nha từng tiếng một : “Có lẽ tại cái số thật bác ạ”. Ngừng một lát rồi mẹ lại tiếp: “ Hồi đó tôi mà có con trai thì sung sướng quá. Chị cả cũng mong có con nối dõi nên cứ giục tôi đi với chồng. Lúc đó, ông ấy nhậm ở tận Kiến An cơ. Tôi ra ngoài đó luôn, chỉ chơi thôi lại còn được hưởng mọi thứ của ngon vật lạ, được mọi người ra thưa vào bẩm thế mà có sinh được con đâu. Hơn chục năm trời chỉ sinh được hai mụn con gái thì lại bỏ mất một. Sau này đi bước nữa đã nghèo khó thiếu thốn lại vất vả nữa thì cứ đẻ sòn sòn một mạch ba trai ba gái và nuôi được cả.
- Thế là tiền vận và hậu vận mẹ đều sướng, chỉ khổ mất một chút trung vận thôi mẹ nhỉ? ( Ông xã tôi nói với mẹ)
- Vâng, nhờ giời, tuy mấy loại con nhưng được cái anh chị em chúng nó thương yêu đoàn kết với nhau lắm. Cả làng cả xóm chẳng ai thấy chúng cãi nhau bao giờ. Mọi người thường lấy chị em chúng ra làm gương để giáo dục con cái nhà họ nữa ấy chứ. Đến bây giờ thì đứa nào cũng khá giả cũng đông vợ đủ chồng, đông con đủ cháu cả.
- Tầm tuổi mẹ, chắc mẹ sướng nhất làng rồi mẹ nhỉ?
- Mẹ vui vẻ bộc bạch: “ Tầm tuổi tôi bây giờ ở làng còn có vài người thôi. Nhưng họ đều yếu đau chẳng đi lại chơi bời đây đó như tôi được đâu bác ạ. Tuy giời bắt tội tôi phải đi hai lần đò. Nhưng lại cho tôi gặp được hai người chồng tốt . Rồi trời cũng thương mà cho tôi tám người con, gái trai đủ cả. Hiện thời là tôi có 26 cháu nội ngoại(chưa kể dâu dể), 27 chắt và mới có một chút nữa. Ngưng một lát, mẹ lại nhấn nhá: “ Nhà người ta đông con cháu thế thì thể nào cũng có đứa không chứng nọ thì tật kia. Nhưng, tạ ơn Trời Phật, con cháu nhà thì đứa nào cũng khỏe mạnh, lành lặn, no đủ và ngoan nết cả. Bây giờ có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng thanh thản lắm rồi”.
Nhìn gương mặt rạng ngời của mẹ, tôi hiểu là mẹ đang rất hạnh phúc rất tự hào khi nói về con cháu của mình. Chao ôi, thế mà đã có lúc vì thương mẹ vất vả hay vì tính ích kỉ của mình tôi đã nghĩ;” Giá mà mẹ đừng đi bước nữa... Giá chỉ có hai mẹ con thôi thì cuộc sống sẽ đẹp đẽ, vui vẻ và yên hàn biết bao”. May mà tôi không nói cái ý nghĩ đó ra với bất kì ai, kể cả mẹ.
20-8-2014
Song Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét