Có dễ đến hơn một năm rồi tôi mới về thăm quê. Sau nửa ngày đường với bao nhiêu vất vả mệt nhọc tôi và thằng cháu con cậu em út cũng đến nhà.
Cả nhà ùa ra đón . Ai cũng tranh nhau ôm lấy tôi với thật nhiều yêu thương âu yếm. Người thì xót xa: “ Vất vả quá, có lạnh lắm không em”? Người thì than vãn: “ Trời ơi chị tôi lấm lem vì bùn đất quê nhà rồi nè”... Tất cả cứ tíu tít lên, tôi chẳng biết đáp lời ai cho kịp nữa. Riêng cô em dâu út thì vừa ôm chị vừa nói: “Gớm mẹ cứ ngóng chị từ sáng đến giờ đấy!” Tôi như bừng tỉnh, vùng khỏi vòng tay em dâu, chạy ùa vào trong nhà ôm lấy mẹ “Con về đây rồi mẹ ơi”! Mẹ chẳng nói năng gì,mắt hình như ngân ngấn nước, đưa tay vỗ vỗ khắp người tôi, lúc sau mới nói: “Chẳng béo lên được chút nào. Thôi vào rửa ráy rồi còn ăn uống. Từ sáng tới giờ đói lả rồi còn gì?”. Tôi hiểu là mẹ tủi thân vì con gái không hỏi han mẹ trước nên ôm mẹ chặt hơn và ghé sát vào tai mẹ:” Con không đói đâu. Về đến nhà mình là thấy no nê rồi nè”. Mẹ chửi yêu:” Bố cô!”
Tôi lấy gói quà biếu mẹ và bánh kẹo đưa mọi người chia cho các cháu. Mẹ đỡ gói quà rồi lại mắng : “ Mua làm gì nhiều thứ thế này, mẹ có ăn được đâu. Với lại các em cô nó cũng mua cho tôi chả thiếu thứ gì. Tôi chỉ mong vợ chồng cô và các cháu duới đó về thăm thôi. Thế hôm nay cô về có một mình thôi à?” Tôi lại phải ghé sát tai mẹ và nói rất to: “ Con biết mẹ chẳng thiếu thứ gì nhưng đây là quà của vợ chồng con. Mẹ dùng dần được mà. Hôm nay con về có một mình thôi vì nhà con có việc bận. Mai cháu Lượng sẽ ở Hà Nội về thẳng đây luôn vì hôm nay cháu vẫn phải làm việc mẹ ạ”. Chẳng biết mẹ có nghe được hết không, vì mẹ nặng tai mà. Chỉ thấy mẹ gật gật ra chiều thông cảm thì phải.
Tôi vào nhà tắm, rửa chân tay mặt mũi. Nước ấm từ vòi hoa sen làm tôi thấy tỉnh táo, quang quẻ hẳn. Tôi cứ thầm nghĩ. Có khi mình là người con bất hiếu thật ấy chứ. Này nhé, từ khi không phải tham gia công việc đồng áng nữa, năm nào mẹ cũng bảo các em tôi đưa xuống thăm vợ chồng con cái tôi và ở chơi khoảng một tuần đến mươi ngày. Thế mà từ khi lập gia đình đến nay, tôi chưa bao giờ ở nhà với mẹ quá ba đêm . Như lần này cũng vậy, vì có đám cưới thằng cháu đích tôn tôi mới về thăm mẹ mà cũng chỉ dự định ở nhà vài ba hôm là cùng. Thế đấy, toàn vì những lý do chẳng to tát gì nhưng hình như tôi vẫn không thể xa rời cái tổ ấm bé mọn của mình mà ở chơi với mẹ lâu hơn. Biết tính tôi nên chả lần nào mẹ cố giữ làm gì. Chỉ nhắc rằng thỉnh thoảng nhớ về thăm mẹ và các anh chị em. Tôi cứ vâng dạ nhưng vì say xe nên thường để ông xã và các con về thăm nhiều hơn . Khi nào tôi về thì cũng đều phải có người đưa đón bằng xe máy khá phiền hà. Mặc dù nếu tôi nói muốn về thăm thì các em, các cháu ai cũng vui vẻ ra đón ngay. Nhưng tôi vẫn ngại ngùng khi làm phiền mọi người.
Rửa ráy xong, đang định vào ngồi chơi với mẹ chút nữa thì đã thấy em dâu dọn ra bàn ăn một mâm cơm thịnh soạn với cả thịt gà, thịt bò, rồi chân giò hun khói... đĩa nào đĩa ấy cứ đầy tú ụ cả lên. Vừa sắp xếp lại bàn ăn, cô em vừa nhắc: “ chị vào mời mẹ ra xơi cơm thôi”. Tôi vào mời mẹ. Đang ngồi ở sa lon, Mẹ vịn thành ghế đứng dậy. Tôi chạy lại đỡ, mẹ gạt đi. “ Mẹ đi được, cô cứ vào dọn mâm với em đi”. “Em nó dọn xong rồi mẹ ạ”, vừa trả lời mẹ tôi vừa dắt mẹ ra bàn ăn . Mẹ chỉ ăn một lưng cơm với chút thức ăn rồi uống ít canh là thôi. Thấy vậy tôi nhắc, “ Mẹ ơi, mới một lưng thôi mà”. Chả là từ vài năm nay, bữa nào mẹ cũng ăn hai lưng. Mới hồi tháng tám năm ngoái, xuống nhà tôi chơi, mẹ vẫn giữ thói quen ăn uống đó .
Em dâu thanh minh: “ Mấy tháng nay rồi mẹ chỉ ăn một lưng thôi chị ạ. Em hỏi hay tại con nấu không ngon, thì mẹ bảo: không phải, mẹ không ăn thêm được. Ăn quá khó chịu lắm”. Nghe vậy, tôi năn nỉ, “hôm nay thức ăn ngon mẹ cố ăn chút nữa đi”! “ Mẹ không cố được cô ạ. Hôm nào em cô nó cũng nấu đồ ăn ngon chứ cứ gì hôm nay”. Mẹ vẫn hay ca ngợi con dâu kiểu đó. Tôi cười và nháy mắt với em dâu, hắn cũng cười. Mẹ tôi vốn hiền lành và hiểu biết nên xưa nay ăn ở chẳng mất lòng ai bao giờ. Có tám người con, ba trai, năm gái; cả dâu , rể vào nữa là mười sáu ( trong đó gồm đủ ba loại con: con em, con anh, con chúng ta) mà ai mẹ cũng quý cũng thương như nhau. Vì thế, mọi người đều kính trọng mẹ, không ai có thái độ hay lời nói không phải với mẹ bao giờ. Như bà chị gái, con riêng của dượng, vốn bằng tuổi tôi nên từ nhỏ bao giờ mẹ cũng may sắm cho hai chị em như nhau. Đi đâu cũng cho đi cùng. Đến khi chị tôi lập gia đình, lúc sinh nở, mẹ chăm sóc rất chu đáo. Vì thế khi mẹ yếu đau, chị còn chăm mẹ hơn tôi. Vì chị ở gần lại khỏe mạnh nhanh nhẹn chứ không yếu ớt và chậm chạp như tôi. Quý trọng mẹ nên chị cũng thương yêu tôi lắm. Từ nhỏ chị đã luôn nhận việc nặng về mình, nhường việc nhẹ cho tôi. Ngay cả bây giờ hai chị em đều đã ngoài sáu chục tuổi rồi, nhưng khi đi cùng nhau nếu qua chỗ lội chị vẫn ghé lưng đòi cõng tôi. Chị bảo: “dì đi dép cao lại không quen chân lấm tay bùn để chị cõng, chị còn khỏe lắm. Mấy đứa con dâu nhà chị chẳng đứa nào khỏe bằng chị đâu. Mẹ hay xuống đây chơi mẹ biết đấy. Buổi trưa chị còn đi lôi được mấy bó củi từ trên rừng về ấy chứ. Chị chả yếu đau bao giờ dì ạ”.
Nhưng có lẽ, mẹ tôi hợp nhất với nàng dâu út, nên dù đến nhà con nào chơi, cũng chỉ vài bữa là mẹ đòi về ngay. Chỉ có tôi lấy chồng xa nhất nên mẹ ở chơi lâu hơn. Có lần mẹ đòi về, tôi nửa nạc nửa mỡ: “ Bây giờ mẹ làm gì có nhà riêng mà đòi về. Đấy là nhà cậu Lập chứ, mẹ ở đó thì cũng như ở nhà con hay nhà bất kì một con nào của mẹ thôi sao phải đòi về nhà”? Mẹ chẳng giận đâu chỉ phân trần. “ Tôi ở với em cô nó quen đi rồi” Đấy mẹ cứ hài hòa như thế thì ai mà giận được kia chứ.
Nhớ ngày còn hợp tác xã, khi chia điểm bao giờ mẹ tôi cũng xin rút điểm trước thế mà đến lúc chia nếu thiếu một vài điểm nữa mới chia đều được là mẹ lại xin rút nữa.Tôi vốn thẳng tính, nhiều khi thấy mẹ nhún nhường quá tôi bực lắm. Lúc về nhà tôi nói điều bực bội đó ra, mẹ lại bảo: “ Một điều nhịn chín điều lành con ạ”. Không chịu , tôi cãi lại: “mẹ cứ thế để người ta lấn tới à”?. Mẹ lại thủng thẳng: “Ai nhất thì tôi thứ nhì. Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”. Càng bực hơn tôi nặng lời: “ Mẹ cứ nhũn như con chi chi thế , để họ vừa được hơn rồi còn khinh thường cho ấy chứ nhất với chả nhì nỗi gì?”. Lúc này mẹ mới nghiêm giọng lại và nói: “ Đời mẹ quan sang đã trải bị mang đã từng rồi. Mẹ biết cư xử thế nào là hợp lẽ. Con không phải dạy mẹ”. Tôi không dám cãi gì thêm nữa nhưng trong bụng thì vẫn còn hậm hụi lắm.
Công bằng mà nói vì mẹ tôi vốn con nhà nho lại là con một nên ngoại tôi chiều mẹ lắm. Thuở nhỏ mẹ được đi học, chả phải làm ruộng bao giờ, khi lấy chồng thì bố tôi giàu có nên mẹ cũng chỉ phải trông nom người làm thôi chứ có phải làm đâu. Rồi thời thế thay đổi, gia đình tan nát . Mẹ đi bước nữa, lúc này mới phải tập làm ruộng. Mẹ làm chậm hơn mọi người nhưng cẩn thận và khéo lắm. Hàng lúa mẹ cấy cứ thẳng băng đều tăm tắp; những lượm lúa mẹ gặt cũng bằng chằn chặn, luống đỗ, luống lạc, mẹ làm cũng phẳng phiu lại hơi có chút roi lòng riếc chứ không mấp mô hay trũng giữa bao giờ, trông đẹp mắt mà dễ thoát nước nữa. Nhưng ở cái thời làm ăn hợp tác ấy người ta chỉ cần nhanh thôi chứ không cần đẹp, nên mẹ rút điểm là hợp lẽ. Thế mà lúc đó tôi vẫn thấy tức tối và không thể nào chấp nhận được trước sự biết điều và nhún nhường của mẹ. Giờ hiểu đời và hiểu mẹ hơn thì mẹ lại già mất rồi không thể tâm tình thủ thỉ cùng mẹ như xưa được nữa. Mỗi lần nói chuyện riêng với mẹ thì cứ phải nói to cho cả xóm nghe mà mẹ cũng chỉ nghe lỗ mỗ, câu được câu mất.
Nhìn mẹ loay hoay đứng dậy rồi lại vịn vào bất cứ chỗ nào có thể vịn được để đi từ nhà trong ra nhà ngoài; lại nghe tiếng thở có vẻ nặng nhọc của mẹ tôi thấy người già thay đổi thật nhanh. Mới cách đây khoảng tám, chín tháng gì đó, xuống nhà tôi chơi, mẹ vẫn ngồi đọc sách hàng buổi chẳng cần kính . Khi tôi làm bữa, mẹ thường nhặt rau dưa giúp , khá nhẹ nhàng nhanh nhẹn. Tôi đưa mẹ đi chơi thăm những người già quanh xóm . Ai cũng khen cụ khỏe, trẻ hơn cái tuổi ngót chín mươi nhiều. Nhiều người khen da cụ trắng trẻo hồng hào và nét nào ra nét ấy, con gái cụ còn lâu mới được bằng cụ. Điều này thì đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi . Mẹ vốn là hoa khôi thời xưa còn tôi thì giống hệt bố làm sao bì với mẹ được.
Những khi mẹ xuống nhà tôi chơi, ông xã tôi thường nhắc, “ mẹ già rồi ăn chẳng được bao nhiêu, chỉ cần tình cảm thôi. Vì vậy em hãy thường xuyên trò chuyện với mẹ”. Tôi cãi, “ nói mẹ có nghe được gì đâu. Nói chuyện với mẹ cứ phải gào to như cãi nhau, rát cả cổ họng”. Ông xã lại bảo: “ em rõ thật là, mẹ không nghe được thì mình ngồi nghe mẹ nói. Người già cần tâm sự, sẻ chia lắm”. Tôi lại cười cợt, “ tại anh cũng già rồi nên anh hiểu rõ chứ gì” ? Nói vậy để thử lòng chồng thôi chứ thấy chồng biết quan tâm đến mẹ tôi thích lắm và càng thêm vì nể chồng hơn. Do vậy, chúng tôi thường dành thời gian ngồi trò chuyện cùng mẹ. Có khi tôi mở đầu cho buổi trò chuyện bằng một câu hỏi khá ngô nghê: “ Mẹ ơi, sao mẹ chẳng truyền cho con những điều tốt đẹp của mẹ mà lại dành trọn vẹn cái nết chậm chạp cho con thế?”. Mẹ mỉm cười rồi thủng thẳng : “ Con gái giống cha giàu ba đụn” Mẹ chưa dứt lời, tôi đã cãi lại ngay như sợ ai nói mất phần vậy : “ Thế nhưng con có giàu đâu?”. Mẹ bảo “ Vợ chồng cô nghèo nhưng nghèo sướng”
- Gớm lại còn có thứ nghèo sướng nữa hay sao hả mẹ?
- Ừ, mẹ vừa nói vừa mủm mỉm cười, vợ chồng cô cứ đến tháng lại lĩnh lương. Gọi là đi làm thì còn diện váy vớ và son phấn nữa chứ .Các em cô ấy à tuy có nhiều tiền thật đấy nhưng đầu tắt mặt tối chưa buông dầm đã cầm chèo rồi ấy chứ. Chậm chạp như cô ở quê có mà chết đói!
- Mẹ cũng chậm đấy thôi mà có chết đói đâu? (tôi cãi lại)
Ông xã tôi lừ mắt và sẵng giọng:” Nói năng với mẹ như thế à?” Rồi quay sang mẹ tôi, chàng dịu giọng: “ Mẹ cứ chiều nhà con, sinh hư đấy mẹ ạ”
Mẹ bảo: “ Cứ thương nó mồ côi cha từ tấm bé nên tôi cũng nuông chiều nó thật. Nhưng nếu nó hỗn với bác và các cụ bên nhà thì bác cứ đánh, tôi chả bênh đâu”. Dừng một lát mẹ lại tiếp : “ Nhưng mà nó nói cũng đúng bác ạ. Tôi làm ăn chậm chạp lắm nhưng có bị đói bao giờ” (chỉ trừ hồi cải cách thì bị đói là do họ tịch thu hết chứ cũng chẳng phải tại mình chậm nên không có cái ăn). Rồi mẹ chép miệng và nhẩn nha như vừa nói vừa nhìn lại cái thời xa xưa ấy : “ Đúng là thời thế, thế thời. Bây giờ thì ca ngợi người biết làm giầu còn thời xưa thì khổ vì giầu có bác ạ. Như bố cái Thu đấy chết oan uổng vì giầu có mà là giầu có do bàn tay làm ra chứ có ăn không ăn hỏng hay cướp bóc của ai cho cam. Tiếng rằng có thuê người làm nhưng trả công xá đầy đủ lại còn nuôi cơm tử tế chứ có bạc đãi ai bao giờ. Mẹ già con Thu bà ấy làm ăn giỏi giang và khéo léo lắm. Từ thuở con gái bà ấy đã có gánh hàng tấm ( hàng vải vóc ấy). Lấy chồng bà ấy vẫn giữ nghề buôn bán góp phần mở mang thêm điền địa, sản nghiệp cho gia đình nhà chồng. Rồi một tay bà ấy cai quản kẻ ăn người làm và thu vén, định liệu mọi việc trong nhà . Chứ bố con Thu thì làm quan tận mãi Kiến An cơ, thỉnh thoảng mới về. Công việc nội trợ bà ấy cũng khéo léo lắm. Muối dưa thì nước dưa cứ vàng ong, thơm ngon. Làm tương cứ ngọt như chè, làm mắm cua, mắm cáy thì đỏ như son ấy và thơm lựng . Quả cà bà ấy muối cũng trắng phau, giòn tan. Tôi học được ở bà ấy nhiều lắm. Còn người làm và kẻ ăn người ở thì nể bà ấy lắm. Họ cứ bảo nhau trộn cơm với nước dưa hay nước tương, nước cáy bà lớn làm đều ngon. Ăn mãi không chán. Mà họ ăn khỏe lắm cơ chứ không như bây giờ. Dưa lấy ra bát ô tô thế nhưng mỗi bữa cũng phải lấy hai ba lần ấy chứ. Có người đông con khi về , mẹ già con Thu còn sai người gói thêm dưa hoặc múc nước cáy và chút đồ ăn để họ đem về . Ai cũng : tạ ơn bà lớn rối rít.
(còn nữa)
Song Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét