Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 66




Bài 66

Hán Dương vãn diểu
漢陽晚眺
Hán Dương vãn diểu
霸王陳跡屬悠悠,
Bá vương 1 trần tích thuộc du du,
漢水滔滔晝夜流。
Hán thuỷ thao thao trú dạ lưu.
龜鶴兩山相對岸,
Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn,
神仙一去只空樓。
Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu 2.
詩成草樹皆千古,
Thi thành thảo thụ giai thiên cổ 3,
日暮鄉關共一愁。
Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu 4.
想像當年吹笛夜,
Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ 5,
白蘋紅柳滿汀洲
Bạch tần hồng liễu mãn đinh châu.
Dịch nghĩa: Ngắm cảnh chiều ở Hán Dương
Vua xưa dấu cũ đã xa rồi
Triền miên sông Hán ngày đêm trôi
Hai bờ Quy Hạc nhìn nhau mãi
Tiên đã đi rồi lầu bỏ không
Cây cỏ tiếng truyền nhờ thơ cũ
Chiều tà nhớ nước mối sầu chung
Nghe như tiếng sáo trong đêm vọng
Trắng tần đỏ liễu đầy bên sông

Dịch thơ: Ngắm cảnh chiều ở Hán Dương


Vua xưa dấu cũ mất từ lâu
Hán Thủy ngày đêm chảy trước lầu
Núi Hạc, núi rùa thì vẫn đó
Thần tiên, cánh hạc chẳng còn đâu
Thơ nên cây cỏ thành muôn thuở
Chiều xuống xa quê mãi tủi sầu
Tưởng tượng trong đêm ai thổi sáo
Liễu hồng tần trắng bãi sông sâu.
                                                      Đỗ Đình Tuân
                                                                                   (dịch thơ)


Chú thích:
*Hán Dương: một huyện thuộc tỉnh Hồ bắc, cách Võ Xương một con sông. Võ Xương là nơi có lầu Hoàng Hạc. Trong bài thơ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu có câu: "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, Phương thảo thê thê Anh Vũ châu" (Tản Đà dịch: Hán Dương sông tạnh cây bày, Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non).
1. Hán Dương cũng là nơi tranh bá đồ vương ngày trước.
2. Chỉ lầu Hoàng Hạc ở bên kia sông
3. Ý Nguyễn Du muốn nói nhờ bài thơ "Hoàng Hạc lâu" ấy mà cây Hán Dương, cỏ bãi Anh Vũ truyền lại đến ngày nay, cây cỏ nhờ có thơ của Thôi Hiệu mà bất hủ. Cây đây là cây ở Hán Dương, cỏ đây là cỏ ở Anh Vũ trong bài "Hoàng Hạc lâu" của họ Thôi. Mà cây đây cỏ đây cũng là cây cỏ trước mắt và trong thơ của tác giả Nguyễn Du. Trong bài "Hoàng Hạc lâu" của Nguyễn Du có câu: "Nhãn trung thảo thụ thượng y y", ý nói "cây cỏ trước mắt vẫn còn y như cây cỏ nghìn xưa tả trong thơ Thôi Hiệu". Nhờ thơ Thôi Hiệu mà Nguyễn Du còn thấy được cây cỏ nghìn xưa trên cây cỏ ngày nay. Và cây cỏ ngày nay sẽ nhờ thơ Nguyễn Du mà còn trong mắt người hậu thế.
4. Trong thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu có câu: "Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Tản Đà dịch: Quê nhà khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng thêm buồn lòng ai). Nguyễn Du mượn chữ trong câu đó, ý nói đối với quê hương người xưa cũng như người nay, người Hoa cũng như người Việt, đều tha thiết như nhau, đều cộng nhất sầu.
5. Ý này lấy trong câu thơ của Lý Bạch: "Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch" (Trong lầu Hoàng Hạc có tiếng sáo ngọc thổi).
17/7/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét