Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (6)


Em chào thày! Thày có khỏe không ạ? Một tuần không được gặp thày, em thấy nhớ nhiều, giá mà thày trò mình được ở gần nhau, em sẽ thường xuyên mời thày và cô đi uống cafe để cùng chuyện trò. Giữa cuộc đời nhộn nhịp, xuôi ngược này, có được người đồng cảm thật là hiếm. Một tuần qua, không chỉ nhớ thày, mong được gặp thày để trò chuyện, nhưng quan trọng hơn là cứ nơm nớp lo thày nhắc trả nợ, hihihi.
Thưa thày, một loạt những truyện ngắn em viết hầu như là để giải thoát cho mình. Đầu tiên là một mẩu chuyện LẴNG HOA NGÀYSINH NHẬT ( vì em nghĩ chưa phải là truyện ngắn) .Đó là chuyện tình của một đôi trai gái cùng thời với lứa tuổi chúng em, bây giờ đều đã 55-60 tuổi hết rồi. Họ tìm được nhau sau gần 20 năm mải mưu sinh, đi tìm hạnh phúc, chối bỏ tình yêu thực sự, mối tình đầu của mình. Tìm lại được nhau nhưng không gặp lại, dù họ chỉ đứng cách nhau có một cánh cửa... Sau đó là một loạt các truyện: Sóng ngầm, Phượng hồng, Tình lặng, rồi Vườn mai, Hồng Nhung, Chiều mưa... mỗi truyện đều có một cách diễn riêng, nhưng đều chung một chủ đề là Tình yêu, gia đình. Đó là những nét rất rất đời thường và phổ biến trong đời sống xã hội. Trong đó có cả những tâm sự của chính cuộc đời em. Tình yêu là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Gia đình là nền móng của xã hội. Để có những gia đình hạnh phúc, bao nhiêu đau thương, mất mát, bao nhiêu nước mắt... nhưng không phải tất cả đều hiện hữu, phơi bày mà nhiều lắm những tâm sự thầm lặng, ẩn chìm trong vòng quay của cuộc sống. Bởi vậy, những truyện ngắn của em không có tham vọng đưa ra các cốt truyện điển hình, gột tả đột phá vào những điều lớn lao. không có ý định phê phán một chế độ, không mang tính chính trị, mà thật nhỏ nhoi, len lỏi vào cuộc sống. Đó là những tâm tư, tình cảm diễn ra thường nhật, gần gũi với nhiều người và có thể chia sẻ được với những người dân dã, bình thường nhất... Đó chính là chủ ý của em. Ngay cả chuyện Cha và dì cũng vậy... Chuyện Hồng Nhung là một chuyện không có gì to tát, không có xung đột lớn, và cái kết chỉ đơn giản là: Gia đình luôn là niềm khao khát, là điểm đến cuối cùng của một đời người. Ông già tốt bụng nhưng rất lơ ngơ, mơ hồ trong cuộc sống, đã để tuột khỏi tay mình hạnh phúc gia đình...  Hồng Nhung thông minh, nhân hậu, với tính cách mạnh mẽ, hồn nhiên và rất thực tế (bằng chính bi kịch của gia đình mình) đã níu giữ được hạnh phúc cho gia đình ông già hiền như đất đó... Nếu có thể còn "thai nghén" được, thì em sẽ cố gắng sinh ra những "đứa con" xinh đẹp hơn, để có thể phần nào đáp lại công thày dạy dỗ và mọng đợi, nhưng em sợ mình đã hết "trứng" rồi thôi. hu hu hu. Truyện ngắn theo mẫu của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố..., em không bao giờ đạt đến được đâu ạ, không phải em tự ti, khiêm tốn, mà đó là sự nhìn nhận rất trung thực về chính bản thân mình. Lần này em gửi thày truyện PHƯỢNG HỒNG. Đây là truyện ngắn thứ hai, sau truyện ngắn đầu tay SÓNG NGẦM (thư sau em sẽ gửi).  Thày sửa nhà sắp xong chưa ạ? Em rất mong cuối tháng 7 này, thày trò mình được gặp nhau tại Nha Trang.
Em chào thày, Chúc thày vui, khỏe ạ


Truyện Phượng Hồng này giàu chất thơ quá. Đúng là những chuyện tình ở tuổi học trò.
Nếu em có chủ trương muốn viết một loại truyện "tâm tình" và "đời thường" thì emcứ viết kiểu như Phượng Hồng, Cha và dì hay Vườn mai ấy. Tạng bút của em chắc thích hợp với những truyện kiểu này hơn. Em ưa nói nhẹ nhàng, tinh tế, thấm thía nhưng dù sao vẫn phải để người đọc nhận ra một định hướng hoặc một chùm định hướng nào đó của truyện.Ở truyện Hồng Nhung sự miêu tả của em chưa đủ độ để người đọc nhận ra cái "bất hạnh" của người "đánh rơi" mất hạnh phúc gia đình. Những lý do để Hồng Nhung thành con nuôi "ông già" mà thày gọi là "gắn" và để thằng con trai Phúc của ông già "Lìa" bỏ ông già vào thành phố HCM lập nghiệp ở riêng. Rồi ngay đến cả việc Hồng Nhung tự dưng cũng "bỏ" ông già đi nhưng thực chất là đi tìm thắng Phúc về cho Ông già...nó cứ ngon ngót hẫng hụt thế nào ấy. Có thể trong đời thực nó chỉ giản đơn như vậy thôi. Nhưng vào truyện nó cần được soi chiếu, hay đặc tả cho "nét căng" lên thì người đọc mới dễ cảm nhận. Còn vì thiếu "con gái", thèm con gái mà em thích Hồng Nhung thì kệ em. Thày bắt vạ làm sao được. Còn em kêu "hết trứng" thì ở cái thời buổi khoa học kỹ thuật "siêu hạng" như bây giờ, em vẫn có thể đi xin, đi vay hoặc đi mua trứng của người khác hay của một ngân hàng nào đó chứ sao. Miễn là em thích "đẻ"!
Em viết truyện còn do một nhu cầu chia sẻ, nhu cầu tự giải toả những tâm tư tình cảm của mình nữa. Chính cái nhu cầu này đã dẫn em đôi khi can thiệp vào logíc của đời sống. Nghĩa là trong đời thực câu truyện nó diễn ra theo một kiểu khác, nhưng khi vào truyện của em nó phải diễn ra theo một kiểu khác cho phù hợp vơi cái tư tưởng " văn chương không chỉ phản ánh mà còn phải cải tạo cuộc sống", và phù hợp với cái "lòng tốt" của em: Những khổ đau chịu đựng phải được an ủi, những bất công phi lý phải được san bằng...? Nếu nhận thức như vậy thì dễ làm hỏng truyện đi lắm. Không có một tác phẩm nghệ thuật nào dù "siêu hạng" đến đâu, thậm chí không có một nền nghệ thuật nào dù "tiến bộ" đến đâu làm được việc cải tạo được đơì sống, cải tạo được con người cả. Nó chỉ xáo xới lòng người lên, đánh thức lòng người dậy, mừng vui và đau khổ, tủi hổ và cảm thông, ăn lăn và hối lỗi...để chính con người tự "ngộ" ra cái hay và cái dở, cái nên và không nên; rồi chính con người lại tự cải tạo mình và cải tạo hoàn cảnh sống của mình. Cho nên chức năng chính của văn chương theo thầy vẫn là "khám phá": khám phá ra một mảng sống mới của đời mà ở cái mảng ấy chưa có ai miêu tả. Còn nếu ở cái mảng sống quen thuộc nhiều người đã "thò bút" vào rồi thì lại phải tìm ra, nêu ra được một vấn đề mới có ý nghĩa nhân sinh nhất định. Còn nếu như " mảng sống không mới", "vấn đề không mới" thì lại phải sáng tạo ra " một cách thể hiện mới" mà cái này thì khó lắm. Phải thiên tài mới làm được. Còn nếu ai không tự biết mình cứ xông xông đi vào coi mình là một "nhà cách tân" nhưng không được cuộc đời thừa nhận thì thực chất "chỉ là một thằng ngộ, một con mẹ ngộ...làm trò cười cho thiên hạ" mà thôi. Nhưng cũng rất có thể phải sau một thế hệ những "thằng ngộ", "mẹ ngộ" như thế qua đời "thiên tài" mới xuất hiện thì sao? Biết làm sao được. Thày trót đam mê văn chương thì thày cứ đọc cứ viết cho vui và để chơi chơi thế thôi. Không cầu bất cứ một danh vị hay một lợi lộc gì cả. Với lại ở cái tuổi chiều tà như thày cũng không còn nhưng nhu cầu ấy nữa. Còn em, đã có một quá trình viết lâu lâu rồi thì phải khác. Phải lớn hơn một chút, cao hơn một chút. Để "Trò hơn thày là trường có phúc " đấy, nghe chưa!
Về chuyên đi du lịch miền Trung thì thày đã được "Bá Hà" của em thông báo rồi. Thày sẽ cố gắng thu xếp cho gòn gọn công trình nâng cấp nhà cửa để tham gia cho vui.
4/9/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét