Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 101

                                            Kỳ lân một sừng (huyền thoại)

Bài 101

Kỳ lân mộ
騏麟墓
Kỳ lân mộ
河北道中五尺豐碑當大路
Hà Bắc đạo trung ngũ xích phong bi đương đại lộ
中有楷字大書騏麟墓
Trung hữu khải tự đại thư kỳ lân mộ
道傍故老為余言
Đạo bàng cố lão vị dư ngôn
永樂四年貢麟道死喪此土
Vĩnh Lạc 1 tứ niên cống lân 2 đạo tử táng thử thổ
官命立碑用存故
Quan mệnh lập bi dụng tồn cố
此事迄今已經古
Thử sự hất kim dĩ kinh cổ
但見官道蕩蕩無丘陵
Đãn kiến quan đạo đãng đãng vô khâu lăng
其旁不封亦不樹
Kỳ bàng bất phong diệc bất thụ
片石傾欺苔蘚蔓
Phiến thạch khuynh khi đài tiển man
淒風朝吹暮苦雨
Thê phong triêu xuy mộ khổ vũ
吁嗟麟兮何由睹
Hu ta lân hề hà do đổ
吁嗟麟兮天上祥
Hu ta lân hề thiên thượng tường
骨肉委之虫蛾蠹
Cốt nhục ủy chi trùng nghĩ đố
麟兮麟兮爾何苦
Lân hề lân hề nhĩ hà khổ
何況燕棣何如人
Hà huống Yên Đệ  hà như nhân
奪姪自立非仁君
Đoạt điệt tự lập phi nhân quân
暴怒一逞夷十族
Bạo nộ nhất sính di thập tộc
大棒巨鑊烹忠臣
Đại bổng cự hoạch phanh trung thần 3
五年所殺百餘萬
Ngũ niên sở sát bách dư vạn 4
白骨成山地血殷
Bạch cốt thành sơn địa huyết an
麟兮果為此人出
Lân hề quả vị thử nhân xuất
大是妖物何足珍
Đại thị yêu vật hà túc trân
或是爾生不忍見殺戮
Hoặc thị nhĩ sinh bất nhẫn kiến sát lục
先就此地捐其身
Tiên tựu thử địa quyên kỳ thân
吁嗟仁獸兮騏麟
Hu ta nhân thú hề kỳ lân
於世不見以為祥
Ư thế bất kiến dĩ vi tường
見之不過同犬羊
Kiến chi bất quá đồng khuyển dương
若道能為聖人出
Nhược đạo năng vị thánh nhân xuất
當世何不南遊翔
Đương thế hà bất nam du tường 5.
Dịch thơ: Mộ Kỳ lân


Hà Bắc có tấm bia to
Chữ khải ghi rõ là “Mồ kỳ lân”
Bên đường ông lão kể rằng
Tứ niên Vĩnh Lạc cống lân có người
Ngang đường lân chết mất toi
Nên đành mai táng ở nơi đất này
Mệnh quan phải dựng bia ngay
Để ghi lại sự kiện này về sau
Bây giờ không thấy mồ đâu
Tấm bia nghiêng đổ và rêu mọc đầy
Bên mồ không có cỏ cây
Sớm chiều gió thổi mưa bay lạnh lùng
Lân ơi lân có biết không
Điềm lành chưa thấy, thịt xương kiến bò
Lân ơi rõ khổ lân chưa
Cướp ngôi của cháu rõ là phi nhân
Còn tru di bậc trung thần
Năm năm tàn sát hàng trăm vạn người
Máu sông xương núi một thời
Rõ là điềm ác lân ơi lành gì
Người đời chưa rõ nên mê
Thực ra chỉ sánh chó dê cùng loài
Nước Nam thời đó vua tài
Sao không sang đó du chơi cho tường ?

                                   Đỗ Đình Tuân
                                     (dịch thơ)

Chú thích
1. Vĩnh Lạc, Yên Ðệ: Yên Ðệ, con thứ sáu của Minh Thái Tổ 明太祖 (1368-1398), đã cướp ngôi của cháu là Minh Huệ Ðế 明惠帝 (1399-1402), tự lập lên làm vua Minh Thành Tổ 明成祖, niên hiệu Vĩnh Lạc 永樂 (1403-1424). Ðại thần Phương Hiếu Nhụ chống lệnh không chịu thảo chiếu cho Yên Ðệ lên ngôi, bị đánh tan xác, cả mười họ bị tru di.
2. Con kỳ lân đem dâng vua. Kỳ là con đực, Lân là con cái, gọi chung là kỳ lân. Theo sách cổ. kỳ lân là giống linh thú, không giẫm lên vật sống, không bẻ cành cây tươi, nên gọi là giống thú có nhân, chỉ khi nào có thánh nhân thì kỳ lân mới xuất hiện. Do đó kỳ lân là điềm lành báo hiệu thời thịnh trị.
3. Yên Vương Đệ là Chú Minh Huệ Đế (1399-1402) cướp ngôi cháu làm vua, gọi là Minh Thành Tổ. Y sai đại thần là Phương Hiếu Nhụ thảo chiếu lên ngôi. Hiếu Nhụ viết bốn chữ lớn "Yên tặc thoán vị" (giặc Yên cướp ngôi) rồi ném bút nói: "Chết thì chết, chiếu không thảo". Đệ giận bảo: "Không nghĩ đến chín họ sao ?" (chín họ là tổ, cố, ông, cha, bản thân, và con cháu chút chít). Nhụ giận bảo: "Dù giết mười họ ta cũng không sợ". Tức thì Đệ cho đánh tan xác và phanh thây Hiếu Nhụ rồi bắt các học trò ông quy làm một họ, cộng thành mười, đem giết hết.
4. Minh Thành Tổ là một tên vua bạo tàn, thích gây chiến để mở rộng đất đai, như Nguyễn Trãi đã nói nhiều lần trong các bứa thư ở tập Quân trung từ mệnh. Chính Minh THành Tổ đã đã xâm lược nước Việt, vơ vét vàng bạc, giết hại nhân dân, lại bắt hàng vạn đinh tráng, phụ nữ và nhi đồng giải về Trung Quốc, làm nô lệ và xây đắp thành Bắc Kinh để dời kinh đô lên đó.
5. Thời kỳ đó, ở nước ta, Bình Ðịnh Vương Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi khởi nghĩa chiến thắng quân Minh (1418-1427). Nguyễn Du mượn cái chết của con kỳ lân để nói lên lòng căm giận của mình đối với tên bạo chúa ấy. Trước ông trừ Nguyễn Trãi, ít có tác giả Việt Nam nói rõ tội ác của Minh Thành Tổ, thậm chí có người còn theo sử gia phong kiến Trung Quốc cho hắn là vị vua anh hùng.
27/7/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét