Đây là tâm trạng đầy hoài niệm của ông về buổi lên đường, khi đi qua những cánh đồng quê:
Qua Hà Tây những luống cày mới vỡ
Nghe mênh mông nóng hổi hương đồng
Ôi! Những cô gái chăn tằm Đan Phượng
Cái nhìn xanh ngát nương dâu
( Lên đường)
“ Cái nhìn xanh ngát nương dâu” là một câu thơ thật đẹp, thật lạ, rất gợi và vô cùng ám ảnh. Chẳng biết với mọi người thì thế nào chứ với tôi, đây quả là một câu thơ tạc nên hình tượng người thôn nữ trong công việc tầm tang có vẻ đẹp tươi giòn mà đằm thắm, có cái nhìn mênh mang mà trong lành, lúng liếng mà đoan trang tha thiết khiến ta gặp một lần là không thể nào quên . Có thể nói, trong thơ ca ít có câu thơ nào viết về thôn nữ lao động đẹp đến thế, thơ đến thế!
Nhìn chiếc ba lô con cóc, ông bỗng rưng rưng bao kỉ niệm về một thời chiến tranh đã qua: “ Gặp lại em- chiếc ba lô/ Một thời oanh liệt bây giờ là đây? Bao nhiêu năm bụng lép gầy? Chung lưng đấu cật cái ngày chiến tranh” Rồi cũng từ chiếc ba lô con cóc ấy, ông lại liên tưởng đến tình yêu thương giữa chàng lính trẻ với người con gái chốn quê nhà:
Ba lô con cóc anh đi em khóc
Gửi hai túi cóc căng phồng nhớ thương
( Ba lô cóc)
Cuộc sống thời chiến với biết bao gian khổ, thiếu thốn nhưng ông vẫn nhớ về nó như những kỉ niệm đẹp của tình người với biết bao cần mẫn toan lo và nhường nhịn yêu thương:
Vẫn còn nhớ mãi một thời
Chiến tranh cứu nước tình người tình quê
Bom rơi đạn nổ bốn bề
Đường xa gánh nặng đêm khuya không đèn
Cấy cày đợi ánh trăng lên
Liền vai khẩu súng ngày đêm canh trời
Bên nhau rộn rã tiếng cười
Bát cơm sẻ nửa chia nơi chiến trường
Khó khăn thiếu thốn đủ đường
Xếp hàng tem phiếu mà nhường nhịn nhau
Nửa chai mắm một phao dầu
Thịt đường vài lạng chia nhau lần hồi
( Một thời để nhớ).
Đặc biệt với ông, hình ảnh những người lính không chỉ đẹp trong một thời chinh chiến “ Áo bông trấn thủ một thời gian nan” đã “ Làm nên chiến thắng” mà về với cuộc sống thời bình, họ vẫn vẹn nguyên tinh thần tình cảm cao đẹp đó. Bởi tấm lòng yêu thương nhau, sự cần mẫn trong công việc và ý chí vượt lên gian khó bằng tình cảm lạc quan trong sáng rất chiễn sĩ, rất con Người:
“Đêm đông ngọn lửa sưởi chung
Rét ôm nhau ngủ giữa rừng Tuyên Quang”
…” Đi làm chỉ có cuốc cày
Con dao cái xẻng mà say nông trường
Anh em từ khắp muôn phương
Chia nhau củ sắn còn thương đến giờ”
Hay:
Về đây làm thợ tài hoa
Mồ hôi đẫm áo thế mà vẫn vui
Miếng cơm đổi bát mồ hôi
Nghe con chim hót tưởng trời sang xuân”
( Nhớ về Tuyên Quang)
Vốn trải đời, nên ông hay ngẫm nghĩ trước mọi hình ảnh thiên nhiên , cuộc đời hoặc con người mà viết thành thơ. Vì vậy, thơ ông mang một đặc điểm khác biệt với thơ của Thanh Huyền (con gái ông) là thường có những triết lý, những khái quát khá ấn tượng và khá sâu sắc mà vẫn giữ được cách nhìn hồn nhiên trong trẻo của người thơ. Ví như, nói về sự kì diệu của nước, ông có những câu:
Khi vui đi khắp bốn bề
Khi vui đi khắp bốn bề
Lúc buồn rơi lệ lại về mắt xanh
Hóa thân giữ lá cho cành
Thổi hồn vào đất ngát xanh vô bờ
( Tình yêu của nước)
Trong bài: “ Có mà không”, khi chứng kiến một cơn giông vần vũ giống như một “trận cuồng phong” của đất trời với tiếng ếch nhái kêu ran khắp nơi, với những “Sao đất, sao trời khua tất cả” và đến cả “ Chị Hằng chú cuội cũng chạy rông” thì ai cũng nghĩ rằng trời sẽ mưa như trút xuống trần gian. Nhưng không, cơn giông vụt qua, cơn đau đẻ nước của Trời bỗng tắt lịm và trần gian chẳng có giọt nước nào, ông hạ bút:
Cơn đau sinh nước là như thế
Sấm vang chớp giật lửa đỏ hồng
Thiên cung cho cả rồi lấy hết
Tưởng mình được nước hóa ra không
( Có mà không)
Đọc những câu thơ trên tôi như thấy cả cái kì vĩ trong trường ca“ Đẻ đất đẻ nước” của người Mường xưa và cái triết lý sâu sắc của cuộc đời nay được kết tinh trong thơ Văn Chuyền vậy.
Một điều thú vị nữa khi đọc thơ Văn Chuyền là ta cảm nhận được con người thơ trong ông rất giàu ý thức trách nhiệm trước cuộc đời. Vì thế mà, dẫu đã đi qua thời chinh chiến, về công tác tại đoàn ca múa nhạc Tổng cục chính trị, trực thuộc Bộ quốc phòng Hà Nội, rồi lại chuyển ngành về công tác tại đài truyền thanh tỉnh Hải Dương, đến lúc về hưu ông vẫn cùng vợ con lao động như một người nông dân thực thụ nơi đồng đất quê minh và tham gia rất nhiều câu lạc bộ thơ. Hiện nay, tuy đã xấp xỉ vào tuổi tám mươi, ông vẫn gắn bó với công việc ruộng đồng, vẫn tham gia các hoạt động xã hội rất tích cực, ông ở trong Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Cựu giáo chức thị xã Chí Linh. Thế mà ông lại luôn có cảm giác mình mắc nợ với cuộc đời: “ Nợ đời như núi như sông / Nợ trời như biển vô cùng bao la”; mắc nợ với con người: “ Nợ cô gái trẻ tiếng cười / Nợ em ngày ấy nói lời yêu thương” ; mắc nợ với cả cảnh trí bình thường nơi thôn dã: “Nợ bông hoa súng ven đường” và nhất là mắc nợ với mảnh đất quê hương:
Nợ quê hương đất mẹ sinh
Nào ai trả được nghĩa tình đất quê
Nợ người vất vả sớm khuya
Cho ta cuộc sống say mê ở đời
Một mai về đất, lên trời
Tôi xin khất nợ với người cho vay
( Nợ)
Ngoài những điều đã đề cập trên đây, đọc thơ Văn Chuyền ta còn tìm thấy tình cảm của ông với cha, mẹ, vợ, con… cũng thật là đằm thắm. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể giới thiệu hết được mà để các bạn đọc thơ ông sẽ tự khám phá , tìm hiểu thêm.
Song Thu
( Còn nữa )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét