Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 104


                                            Tề Hàn Công 9 lần hội quân



Bài 104
Quản Trọng Tam Quy đài
管仲三歸臺
Quản Trọng Tam Quy đài
舊臺湮沒草離離
Cựu đài nhân một thảo li li
曾以桓公霸一時
Tằng dĩ Hoàn Công 1 2 nhất thì
郡縣城中空九合
Quận huyện thành trung không cửu hợp 3
莓苔石上記三歸
Môi đài thạch thượng kí Tam Quy
在朝巧與君心合
Tại Triều xảo dữ quân tâm hợp
沒世終憐相業卑
Một thế chung liên tướng nghiệp ti 4
喜值聖朝公覆燾
Hỉ trị thánh triêu công phúc đảo
往來臺下雜華夷
Vãng lai đài hạ tạp Hoa, Di 5
Dịch nghĩa: Đài Tam quy của Quản Trọng
Đài cũ chìm lấp, cỏ mọc tua tủa
Từng giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá một thời
Trong thành đã chín lần hợp các quận huyện
Trên đá rêu phủ còn ghi chữ "Tam Quy"
Ở triều đình khéo hợp lòng vua
Rốt cuộc chết, bị chê là tể tướng công nghiệp nhỏ mọn
Mừng gặp thánh triều che chở khắp
Dưới đài qua lại lẫn lộn người Hoa, người Di
Dịch thơ: Đài Tam Quy của Quản Trọng


Đài xưa vùi lấp cỏ xanh rì

Nghiệp bá Hoàn Công giúp một thì

Hội họp huyện quân từng chín lượt

Đài còn ghi rõ chữ “Tam Quy”

Được lòng vua chúa khi còn sống

Mang tiếng nhỏ nhen lúc chết đi

Mừng gặp thánh triều che chở khắp

Dưới đài qua lại đủ Hoa, Di.

                         Đỗ Đình Tuân

                           (dịch thơ)
Chú thích:
*Quản Trọng: tên là Di Ngô 夷吾, người đất Dĩnh Thượng 潁上 nước Tề (vùng Sơn Đông). Công nghiệp của Tề Hoàn Công 齊桓公đều nhờ Quản Trọng giúp đỡ mà thành.
Tam Quy đài: đài cao ba tầng, ngụ ý rằng ba hạng người quy phục mình: dân quy phục, chư hầu quy phục, các rợ quy phục. Quản Trọng đã xa xỉ lại kiêu: chỉ bậc thiên tử mới đáng lập đài đó. Vì vậy Khổng Tử chê Quản Trọng là khí tượng nhỏ mọn, không biết điều lễ (Luận ngữ - chương Bát dật). Mạnh Tử chê "sự nghiệp tầm thường". (Sử ký Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, Lá Bối xuất bản, Sài gòn, Việt nam, 1972, trang 339).
1. Tức Tề Hoàn Công 齊桓公
2. Thời Xuân Thu có năm vua chư hầu làm nên nghiệp bá, Hoàn Công nước Tề là một.
3. Chín lần họp. Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công trước sau họp chư hầu chín lần.
4. Mạnh Tử có câu chê: "Quản Trọng được vua tin dùng như thế, mà sự nghiệp chỉ tầm thường có thế".
5. Hoa, văn minh chỉ người Trung Quốc, Di, mọi rợ, chỉ các dân tộc ở ngoài biên giới Trung Quốc. Quản Trọng làm tướng, dùng chính sách tôn nhà Chu,đàn áp các dân tộc ngoại biên giới. Khổng Tử có câu nói: "Nếu không có Quản Trọng thì ta đã phải gióc tóc, khép vạt áo sang bên trái rồi", nghĩa là đã hóa ra mọi rợ rồi. Ở đây nhà thơ có ý nói: "Ngày nay Trung Quốc đã thống nhất, không còn phân biệt Hoa với Di như thời Quản Trọng nữa".
27/7/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét