Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ : “ TRĂNG QUÊ”






          ( Ảnh hai cha con : Nguyễn Văn Chuyền và Nguyễn Thị Thanh Huyền )     


 Tuy cùng công tác với Thanh Huyền trong một cơ quan suốt mười bảy năm trời nhưng do khác phòng, ban nên tôi chỉ biết đại khái rằng nàng khá xinh gái nhưng  lại không hề may mắn trong cả đời tư lẫn sự nghiệp.
Về đời tư, nàng đã yêu và lập gia đình khá sớm với một chàng cùng quê nhưng không may cuộc sống chồng vợ luôn luôn cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, đến độ phải: “ Anh đi đường anh tôi đường tôi”. Một tay nàng nuôi dạy hai con trong  lúc đồng lương ít ỏi và tuổi đời còn khá trẻ. Thế nhưng nàng vẫn tần tảo, chắt chiu xây được nhà cửa đàng hoàng và nuôi các con ăn học nên người. Nhưng tạo hóa vốn trêu ngươi, khi con trai nàng vừa ra trường và có công ăn việc làm hẳn hoi thì cháu lại vĩnh viễn ra đi vì  tai nạn xe máy.
 Về sự nghiệp, nàng đang giảng dạy cho các cháu mầm non (con em của cán bộ, công nhân viên trong trường) thì công việc này bị giải thể. Nàng phải chuyển xuống làm “ anh nuôi” cho bếp tiểu đoàn, một công việc khá vất vả nặng nhọc lại không hề ăn nhập gì với chuyên môn của nàng. Tuy vậy, ở lĩnh vực nào nàng cũng làm việc rất tận tâm tận lực và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nên được mọi người tôn trọng, quý mến. Nàng về hưu với quân hàm thiếu tắ chuyên nghiệp, đó cũng là một sự bù đắp thỏa đáng, một niềm vui nho nhỏ trong bước đường sự nghiệp của nàng   
            Song còn một điều tôi chẳng hề biết rằng nàng rất yêu thích thơ ca và làm khá nhiều thơ từ dạo ấy.Mãi tới khi nàng về hưu và sinh hoạt tại tổ thơ câu lạc bộ hưu trí Côn Sơn của thị xã Chí Linh, tôi mới biết nàng làm nhiều thơ lắm. Thế rồi, một hôm nàng vào nhà tôi chơi và kể lại rằng, từ ngày xuống bếp tiểu đoàn, em đã  làm thơ. Nhiều khi đang nấu cơm, bất chợt bắt gặp tứ thơ em cứ thừ người ra mà theo đuổi. Có người thấy thế hỏi: “ Sao vậy”? Em bảo mình đang làm thơ thì họ lại cười khẩy mà rằng: “ Con lạy bà, tập trung vào chuyên môn cho con nhờ. Thơ với chả thẩn”.Thế có buồn không cơ chứ?
 Đấy cái thời công tác dù bận rộn đến không có thì giờ mà theo đuổi tứ thơ  nhưng em vẫn làm thơ. Bây giờ về hưu, có nhiều thời gian hơn và tâm trạng cũng cô đơn trống trải chông chênh hơn nên em lại làm thơ nhiều hơn chị ạ. Thơ đã giúp em giải tỏa nhiều nỗi niềm và cảm thấy thanh thản. Em biết rằng mình viết chưa hay, nhưng viết ra được những điều chất chứa làm em nhẹ lòng lắm.
Tôi bảo, nếu vậy, em cứ viết đi, viết cho mình là chính mà em. Chứ nàng thơ vốn đỏng đảnh lắm, làm được thơ hay đâu có dễ. Đến các nhà thơ chính hiệu còn phải than rằng:
Để người đọc nhớ một câu
Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành
 Chị em mình, dân nghiệp dư chỉ viết chơi thôi. Cứ có cảm hứng là viết, may ra được câu nào bài nào bạn bè thích đọc là sướng rồi. Bằng không thì cũng cứ viết coi như trả nợ lòng mình. Nàng gật lia lịa, tỏ vẻ tán đồng ý kiến đó lắm.
            Rồi một hôm khác, nàng vào chơi trao cho tôi một tập bản thảo “TRĂNG QUÊ và nói : “ Chị xem giùm tập thơ này, rồi góp ý và biên tập giúp em với. Nếu có cảm hứng chị viết cho em lời giới thiệu nữa thì hay quá” . Tôi chối đây đẩy: “ Chị có giỏi giang về thơ phú chi đâu mà biên với chả tập kia chứ. Em nhờ người khác đi. Còn viết giới thiệu thì chị càng chịu thôi!”. Nàng phân bua.” Năm nay bố em cũng gần tám chục tuổi rồi. Cụ làm thơ đã nhiều, em muốn xuất bản tặng cụ một tập thơ, chẳng phải mong để đời hay nổi tiếng gì đâu mà chỉ để tặng anh em con cháu trong gia tộc và bầu bạn làm chút kỉ niệm thôi. Bố em lại bảo: Thế thì hai cha con tuyển chọn rồi in chung một tập cho dày dặn. Em cũng chiều theo ý cụ. Chứ thực tình nếu riêng em thì em chưa muốn xuất bản vội vì nghĩ mình còn trẻ, cứ viết rồi đến cuối đời mới lựa chọn những bài khá hơn mà ra một tập cho vui. Em tin tưởng chị, chị cố giúp em với”. Quý bạn bởi sự  “tri bỉ, tri kỉ” (biết mình biết người) chứ không tự phụ như một số “ nhà thơ” câu lạc bộ cứ làm được vài chục bài văn vần lục bát hoặc mấy chục bài thất ngôn bát cú luật Đường theo kiểu gò vần, ghép chữ mà đã vỗ ngực cho rằng ta còn hơn cả Nguyễn Khuyến Tú Xương kia đấy. Có người bỏ tiền ra xuất bản dăm bảy tập thơ và thuê người viết lời giới thiệu hoặc phổ nhạc rồi tự phụ nhận mình là danh nhân văn hóa nữa mới khiếp chứ. Gần đây lại nghe nói có người còn sửa cả truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nữa kia? Thật là chẳng biết trời cao đất dầy chi nữa ! Cho nên khi thấy Thanh Huyền nói lý do in sách để làm kỉ niệm cho bạn bè, người thân và làm vui lòng cha, tôi mới nhận tập thơ và giao hẹn trước  : “ Chị chỉ đọc và góp vài ý kiến cá nhân, rà soát những chỗ thiếu nét, thiếu chữ hoặc sửa lỗi chính tả giúp thôi chứ không dám biên tập thơ phú gì đâu. Còn viết lời giới thiệu ư, chị không kham nổi”. Nàng bảo: Em đã đọc nhiều bài bình thơ của chị rồi. Em thích lắm. Với lại từ hồi còn ở trong trường cơ, em đã nghe nhiều học viên ca ngợi chị giảng văn lắm mà. Cố giúp em đi chị”. Tôi phân trần: “ Giảng văn là cần câu cơm của chị nó khác chứ em ơi. Còn viết bình thơ thì  gặp bài nào mình có cảm hứng mới viết, mà chị có viết nhiều đâu. Viết giới thiệu tập thơ thế này, em phải nhờ những người nổi tiếng ( như mọi người trong câu lạc bộ vẫn làm) ấy chứ, nhờ kẻ vô danh tiểu tốt như chị làm chi?”. Nàng vẫn chẳng buông tha mà còn nài nỉ thêm rằng : Em có phải nhà thơ gì đâu mà dám nhờ người nổi tiếng viết. Em biết chị làm được mà. Giúp em đi”. Tôi vẫn nói nước đôi : Chị sẽ đọc còn viết được hay không chị không dám hứa đâu”
             Thế rồi do công việc bộn bề, tập bản thảo đó cứ nằm nguyên ở góc bàn đến hàng tháng trời chứ chẳng ít. Khi công việc đã bơn bớt, tôi mới giở ra đọc. Điều làm tôi thú vị trước hết khi đọc tập thơ này là cả hai cha con Thanh Huyền đều yêu thơ, ham sinh hoạt các câu lạc bộ thơ và rất ham làm thơ nữa. Hầu như bắt gặp một hình ảnh lạ, một cảnh ngộ đặc biệt hay một kỉ niệm nào ùa đến cũng đều được họ viết thành thơ bằng một cảm xúc dào dạt chân thành đầy tin yêu và tha thiết của chính trái tim mình; bằng cách cảm cách nghĩ của riêng mình. Vì thế mà cùng viết về quê hương ( thôn Bích Nham xã Văn Đức của vùng đất Chí Linh) thì mỗi cha con lại lung linh một niềm yêu nhớ, một góc nhìn một cách cảm thật riêng tư. Với người cha, quê hương là hình ảnh ánh trăng quê trong ngần diệu vợi  và lung linh thi hứng:
            Bát ngát mênh mông ánh nguyệt hồng
            Như quyện như hòa với núi sông
            Thiên phú trăng quê nguồn thi hứng
            Ánh vàng vô tận biển văn phong
                              ( Trăng quê)
Là mái trường quê thân thương bình dị  mà trong sáng đến vô ngần như lứa tuổi học trò hồn nhiên, vô tư và trong veo đến lạ:
            Trường em ở dưới chân đồi
            Không dàn hoa lý vẫn ngời sắc xuân
            Mặt tiền hồ bát ngát xanh
            Nước đầy trong mát đọng thành ý thơ
                             ( Trường em ở dưới chân đồi)
Là mái chùa quê hòa quyện với cảnh quê làm nên nét đẹp vừa thiêng liêng vừa gần gũi đậm hồn quê hương:
            Chùa quê ôm giữ cảnh quê
            Lá đa rải chiếu trưa về nghỉ chân
                            ( Chùa quê)
Hay:
            Mái rêu cong tự ngàn xưa
            Còng lưng gánh đỡ gió mưa với đời
                              ( Chùa quê)
Là hình ảnh cái giếng làng ngọt mát như một ám ảnh với mỗi người con xa quê. Và đặc biệt, quê hương với ông còn là hình ảnh những thôn nữ xinh đẹp, dịu dàng, duyên dáng và thuần hậu biết bao nhiêu
            Về quê gặp gió hương đồng
Gặp mây chở nắng mênh mông đầy trời
Gặp em hoa nở nụ cười
Con sông thiên phú muôn đời ngát xanh
Dịu dàng chiếc nón nghiêng vành
Nụ cười xiêu cả mái đình cây đa
               ( Về quê)
Nhưng với Thanh Huyền, vùng quê ấy đã neo vào lòng nàng để thành nỗi nhớ niềm thương khôn tả lại là những mái nhà, những bờ tre, khóm chuối, cánh đồng, những thôn xóm với những thửa ruộng gieo trồng từng loại cây khác nhau rất cụ thể:
Nhớ sao từ những mái nhà
Bờ tre, khóm chuối cây đa sân đình
Bích Nham Văn Đức nghĩa tình
Đây rồi xóm Trại, thôn mình làng trên
Hoặc:
            `Con đường xưa lối đi về
Cây Thông, gieo mạ; Trại Tre, lạc vừng
                         ( Quê tôi)
Và con người nơi quê hương yêu dấu ấy lại là hình ảnh những bà mẹ một nắng hai sương trên ruộng đông nơi : “Đất quê mặn nước chua phèn” hay lần hồi tần tảo chốn chợ quê với những mớ tôm mớ tép nhỏ mọn mà kiếm tiền nuôi con:
            Dọc ngang hàng quán chợ quê
            Cái tôm cái tép mua về nuôi con
             Gom vào thúng đựng vào xoong
            Tảo tần bóng mẹ hai dòng lệ ngân
                                      ( Chợ quê)
Tuy những câu thơ trên chưa thật nuột nà, thậm chí còn ép vần nhưng nó vẫn gợi ra hình ảnh khá sinh động cụ thể về người mẹ nghèo xứ quê với những gom nhặt chắt chiu trong vất vả lặng thầm với biết bao thương cảm làm lay động lòng ta.
                                    ( Còn nữa )
                                    Song Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét