Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

TẤM LÒNG NGƯỜI MẸ

                                                                                                                                                                                                                                       
Cũng như bao người khác có được tình yêu thương vô bờ của mẹ. Riêng tôi thì có lẽ hạnh phúc đó được nhân đôi vì có cả tình thương của hai mẹ. Hai mẹ đều sống chung dưới một mái nhà, yêu thương nhau như hai chị em, đó là người mẹ sinh ra tôi và người nuôi dưỡng tôi. Ở đây tôi muốn nói là người mẹ đã ngày đêm cùng nuôi dưỡng mình đó là người mẹ cả.

Mặc dù mẹ là một phụ nữ kém may mắn hơn những người phụ nữ khác, bao nhiêu lần sinh nở đều không thành và mất đi cái thiên chức được sinh con. Bù lại đó là có chúng tôi, những người con của chồng, mẹ đã giành cho chúng tôi tình yêu thương sâu nặng tựa như tình mẫu tử thiêng liêng như chính con mình sinh ra.

Tôi nhớ nhất một kỷ niệm thời còn nhỏ đã in sâu vào tâm trí tôi, đó là lần đùa nghịch không may bị ngã. Mẹ đã nhào ra ôm tôi vào lòng và đưa tôi đến nhà thương, chân tôi bị gãy và đã được bác sĩ bó bột. Suốt đêm, bà vẫn nắm tay tôi có lẽ là thức trắng, mỗi khi tôi mở mắt cũng thấy mẹ khóc thút thít. Lúc bấy giờ tôi còn quá nhỏ, không cảm nhận được những giọt nước mắt của mẹ mang ý nghĩa gì. Nhưng giờ đây theo dòng thời gian mẹ đã hy sinh chăm chút cuộc sống cho tôi trưởng thành được làm vợ, làm mẹ tôi mới hiểu được hết ý nghĩa những giọt nước mắt của mẹ ngày ấy, tình cảm đó làm tôi kính yêu mẹ hơn. Bởi vậy tôi rất kính trọng và yêu thương hai mẹ như nhau không hề phân biệt về người sinh ra hay người nuôi dưỡng, vì hai mẹ đều chăm sóc và nuôi dưỡng tôi trưởng thành, tình thương ấy rất cao cả không gì bù đắp nổi.

Không may mẹ cả tôi ngã bệnh nặng, liệt nửa người không đi lại được nhưng có chúng tôi chăm sóc, an ủi làm cho mẹ vơi đi phần nào do căn bệnh tai biến hành hạ. Mẹ rất vui lòng vì có mẹ đẻ và chúng tôi ở bên cạnh. Mấy năm liền, mẹ đã thường nói với chúng tôi: Mẹ rất mãn nguyện trước tấm lòng của các con đối xử với mẹ như chính mẹ ruột mình.

Cả hai mẹ của tôi đã về cõi vĩnh hằng nhưng tình cảm đó không bao giờ tôi quên được. Đến ngày giỗ mẹ, tôi lại hồi tưởng những hình ảnh rất đỗi gần gũi thân thương của mẹ lại hiện lên như đang nở nụ cười rạng rỡ khi tôi chập chững tập đi. Nếu như có phép màu cho tôi điều ước, thì mẹ ơi con vẫn làm con của mẹ, mẹ nhé.

Đến ngày lễ báo hiếu Vu lan, các anh, các chị còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và các anh, các chị sẽ tự hào được còn mẹ. Còn tôi nhìn lại bông hoa hồng trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân vì không còn được chăm sóc phụng dưỡng mẹ thường ngày nữa. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Vì vậy, khi các anh, các chị đi làm về ngồi bên mẹ, với một nụ cười trên môi và cầm tay mẹ sẽ hỏi một câu: “ Mẹ ơi, mẹ có biết hay không”. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên nhìn các anh, chị vừa cười vừa hỏi “Biết gì”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trên môi, các anh chị nói tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Mẹ và các anh, chị sẽ sung sướng. Và ngày mai mất mẹ, các anh, chị sẽ không hối hận, đau lòng.

Đó là điệp khúc của ca khúc “Bông hồng cài áo” tôi muốn ca lên cho các anh, các chị nghe trong những ngày dành riêng cho Phụ nữ Việt Nam của chúng ta. 

NGỌC TÚ
PCT. LĐLĐ tỉnh Phú Yên

 Minh Hương được gặp Ngọc Tú tại buổi sinh hoạt truyền thống của Nữ bộ đội Trường Sơn Phú Yên nhân ngày 20/10. Không biết là ấn tượng về bài hát "Bông hồng cài áo" do Ngọc Tú trình bày tại buổi gặp mặt, hay vì cảm thấy mến cái vẻ hiền dịu của Ngọc Tú mà MH đã bắt chuyện rất nhanh. có vẻ rất hợp chuyện nên chỉ qua vài câu tâm sự, Ngọc Tú đã thủ thỉ kể rất say sưa về chuyện hai người mẹ của mình. Rồi cuối cùng, Ngọc Tú rút từ trong cặp ra bài viết TẤM LÒNG NGƯỜI MẸ đưa cho MH đọc và nói "Em muốn chị đọc và có gì góp ý cho em". Tôi hỏi bạn định gửi đăng bài viết này ở đâu à? bạn nói: em chỉ viết để cho mình thôi. Tôi xin phép bạn cho tôi được đưa bài này lên Blog TRI ÂN CUỘC ĐỜI và giới thiệu, mời bạn vào thăm BLOG này. Qua câu chuyện Ngọc Tú kể có một số chi tiết (không có trong bài viết trên) mà MH rất ấn tượng, đó là: Mẹ cả tìm và cưới vợ cho chồng, rồi ở nhà nuôi con để chồng và dì đi làm ăn (Ba Ngọc Tú là lái xe tải đường dài, mẹ Ngọc Tú phải đi theo thu tiền và mang về cho mẹ cả giữ, lo quán xuyến gia đình). Ba người họ và năm đứa con (do mẹ Ngọc Tú sinh) cùng sống chung trong một mái nhà hòa thuận, hạnh phúc, yêu thương nhau lắm. Khi Ba Ngọc Tú mất, Mẹ cả nói với Mẹ hai: Ông ấy mất rồi, Dì đừng bỏ tôi... Mẹ hai nói: Chị đừng nói vậy, em sẽ ở với chị đến hết đời... Và cứ đến bữa ăn, Mẹ hai xúc một thìa cơm cho mình, lại xúc một thìa đút cho Mẹ Cả. Khi đó, Mẹ cả đã bị tai biến liệt nửa người. Còn Ngọc Tú thì suốt Từ lúc nhỏ đến lúc đi lấy chồng, không đêm nào rời nách Mẹ cả. 
MH xin được đăng nguyên văn bài viết, dù Ngọc Tú có nhờ "sửa giúp", vì MH thấy không có gì phải sửa. Đó là những dòng viết rất thật và cảm động.  

Nha Trưng - 20/10/2014
            MH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét