Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

THƯƠNG *


                
                                   Thân kính mời thi hữu họa cho vui
   
       Một cậu học trò đến tỏ tình với con thày giáo của mình. Anh ta nói: Sau này hai người sẽ thương yêu nhau suốt đời… Cô gái chanh chua trả lời: Người ta thương cha mẹ, thương vợ chồng, thương con cái người ta chứ ai thèm thương anh! Thấy con mình nói hơi quá, thày giáo mắng yêu con và nói với trò rằng: Em nó ra đề thơ cho anh đấy, nếu anh làm được em nó sẽ lấy anh làm chồng.
    Sau ít phút suy nghĩ, anh học trò đọc luôn một lèo bài thơ sau trước sự ngưỡng mộ của hai cha con thày giáo:

          Há dám thương đâu phận má hồng,
          Thương vì một nỗi để phòng không.
          Thương cha, mẹ nhện giăng tơ lưới,
          Thương vợ, chồng Ngâu cách mặt sông.
          Thương con cuốc rũ kêu mùa hạ,
          Thương cái bèo trôi dạt biển đông.
          Học trò có thương là thương thế,
 Há dám thương đâu phận má hồng.
                (Thơ viết bằng chữ Hán Nôm)

                             Huudoandt sưu tầm 1-11-2012

* Mẩu chuyện này Không rõ tác giả là ai!

THỔN THỨC

(Hoạ bài: "Nỗi lòng" của Hướng Dương)
Bao đêm nước mắt đẫm khăn hồng
Thổn thức lòng ai lạnh giá đông
Ngán nỗi tình duyên còn lỡ mộng
Thương thay số phận chẳng chiều lòng
Tình mà tan vỡ hàn chi nữa
Nước đã đổ rồi hót được không?
Lỗi bước sai đường đành nuốt hận
Đêm trường thao thức nhớ lông mông!
                Nhân Hưng ,ngày 22-10-2012
                              Tạ Anh Ngôi

Phụ chép bài: NỖI LÒNG                 

Hoen mi lệ thắm ướt môi hồng
Hiu hắt đêm về lạnh gió đông
Vẫn ngỡ đường đời chung gối mộng
Nào hay duyên nợ đoạn tơ lòng
Keo sơn ngày ấy đành quên hết
Gắn bó hôm nào có nhớ không?
Tàn ngọn đèn khuya bao thổn thức
Nỗi niềm đơn lẻ nhớ mênh mông!
                                         Hướng Dương

Chê thơ Chu mạnh Trinh

(Lượm lặt từ sổ ghi chép cũ) 

        Di ảnh nhà thơ, kiến trúc sư Chu Mạnh Trinh
                     
Trong một buổi họp các nhà nho, ông Nguyễn Đình Văn, người thôn Phượng Đình, xã Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bác bỏ cả hai loại ý kiến bàn về một bài thơ của Chu Mạnh Trinh:

Viếng Đạm Tiên, gặp Kim Trọng


Mầu xuân ai khéo vẽ nên tranh

Nô nức đua nhau hội đạp thanh

Phận bạc ngậm ngùi người chín suối

Duyên may run rủi khách ba sinh

Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng

Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình

Man mác vì đâu thêm ngán nỗi

Đường về chiêng đã gác chênh chênh

Ông Nguyễn Đình Văn phê bình như sau: “Bài thơ ấy đầu đề là Viếng Đạm Tiên, gặp Kim Trọng mà cả tám câu chỉ có hai câu ba và bốn nói được ý gặp hai người thì phép tắc làm văn để ở đâu ? Đây là một bài thơ lạc đề thì dù hoa mỹ đến đâu cũng phải sổ toẹt”.

Các nhà thơ nghe nói đều giật mình. Họ đọc lại bài thơ và quả thấy đúng như lời phê bình nghiêm khắc của ông. Trầm trồ một lúc, họ bảo ông Nguyễn Đình Văn:

Thế bác có thể làm một bài khác cũng theo đầu đề ấy được không ? Nguyễn Đình Văn chần chừ một lúc rồi nhận lời. Ông đọc:

Ngày xuân dạo bước lúc thảnh thơi

Tình nọ duyên kia vướng vít hoài

Thương kẻ dấu giày in mặt đất

Nhớ ai mầu áo nhuộm da trời

Khóc cùng cây cỏ chừng e phận

Cười với non sông muốn ngỏ lời

Hội khách ba sinh người chín suối

Thấu lòng ai chửa hỡi ai ơi.

Cho đến nay không biết đã có bạn nào thẩm định lại xem Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Đình Văn ai làm đúng đề hơn ?

                         (Theo giai thoại văn học Thanh Hóa)


Nhân đọc lại giai thoại văn học này, Đỗ Đình Tuân muốn mời các “nhà thơ xóm Tri ân” cùng tham gia thẩm định giúp. Âu cũng là một dịp để cùng nhau mạn đàm trao đổi  về thơ Đường Luật. Xin trân trọng cám ơn trước.
30/10/2012

Đỗ Đình Tuân

Nhành mai trước mộ

(Họa nguyên vận bài "Gọi tên" của Vancali:
Xem Blog Tạ Anh Ngôi 22/10/2012)


Nghe tin đâu dám ngỏ cùng ai
Thao thức năm canh những thở dài
Câu chuyện năm xưa dường sống dậy
Tấm hình ngày ấy vẫn không phai
Người về Phật quốc an nhiên vậy
Kẻ ở dương gian tiếc nuối hoài
Chuyện cũ từ đây đành khép lại
Trước mồ xin hóa một nhành mai.

29/10/2012
Đỗ Đình Tuân

Nhớ ai

(Họa nguyên vần bài gọi tên của VanCaLi)

Thao thức tàn đêm nỗi nhớ ai
Bâng khuâng trăn trở suốt canh dài
Con đường vạn nẻo đi xa mãi
Ánh nắng chiều hôm vẻ nhạt phai
Ôm nỗi cô đơn lòng quạnh quẽ
Giữ niềm sầu mộng dạ u hoài
Người đi chốn ấy mong thêm khỏe
Đón bạn ngày về thắm trúc mai
VN
 
Phụ chép: Gọi Tên
 
Canh trường trở giấc gọi tên ai
nhớ phút chia ly lệ nhỏ dài
sóng vỗ thuyền xa buồm mất hút
tìm sầu kẻ ở mắt nhòa phai
trời chiều quạnh quẽ con đường vắng
bóng chiếc cô đơn mộng ước hoài
chốn ấy cầu mong người mạnh khỏe
ngày về đón bạn giữa rừng mai
VANCALI

THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG


Đi dọc miền quê Trung Bộ
Nỗi niềm nặng trĩu lòng tôi
Thương củ khoai nghèo chắt được
Từ bao nhiêu giọt mồ hôi.

Ruộng đất khô cằn nứt vỡ
Trâu bò tìm nước chen nhau
Lạc vừng hắt hiu dưới nắng
Nhỏ nhoi lòng lúa quặn đau.

Cây sầu, sầu thêm vì khát
Đọt dừa bạc trắng vì sâu
Ngọn dưa oằn trên cát bỏng
Chắc gì cho quả mai sau.

Bao túp nhà tôn thấp nhỏ
Phơi mình dưới nắng miền Trung
Lam lũ dân về trốn nắng
Mang theo cái nóng về cùng.

Bưng bát cơm lên mỗi bữa
Thương bao người phải nắng nôi
Giá bụt cho ta điều ước
Xin làm một đám mây trôi.

Che mát bao người lam lũ
Tung mưa cho ruộng dưa cằn
Tưới tắm cây vừng cây lúa
Rửa sạch đọt dừa sâu ăn.

Cho hoa trái về sây hạt
Cho cây sầu bớt sầu thêm
Cho nắng miền Trung bớt nóng
Cho lành giấc trẻ đêm đêm.

Thương lắm quê mình Trung Bộ
Nắng mưa chẳng chịu thuận hoà
Nên đất mãi nghèo như đất
Khiến lòng day dứt khách qua.

                         Nguyễn Xuân Hiểu

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Sau bão Sơn Tinh



Cơn bão trước mày trổ
Cơn bão này mày đổ.

                           Đỗ Đình Tuân




Chém cha cơn bão Sơn Tinh
Làm hai buồng chuối nhà mình đổ non

                                                Vũ Thị Song Thu

29/10/2012
Đỗ Đình Tuân

Bài thơ về mẹ đá

          Đền thờ "Thạch mẫu" ở Lê Lợi, Chí Linh


詠石母

千山終秀地多情

石母胞胎啓聖明

附佐陳朝攏國祚

扶持南越保民生

名藍劫泊多占仰

威鎭元朝最顯靈

或曰齊天重出世

斯言的是究窮經

                    缺名

Phiên âm:

Vịnh thạch mẫu

Thiên sơn chung tú địa đa tình

Thạch mẫu bào thai khải thánh minh

Phụ tá Trần triều long quốc tộ

Phù trì Nam Việt bảo dân sinh

Danh lam Kiếp Bạc đa chiêm ngưỡng

Uy trấn Nguyên triều tối hiển linh

Hoặc viết Tề Thiên trùng xuất thế

Tư ngôn đích thị cứu cùng kinh.

                             Khuyết danh

Dịch nghĩa:

Bài thơ về mẹ đá

Nghìn núi chung đúc vẻ đẹp, đất cũng đa tình

Mẹ đá mang thai sinh ra vị thánh sáng suốt

Giúp nhà trần đưa đất nước đến chỗ hưng thịnh

Phù trì nước Nam Việt bảo vệ cuộc sống dân lành

Cảnh đẹp ở Kiếp Bạc nhiều người xem ngắm

Uy chặn giữ giặc Nguyên ở đây rất linh ứng

Có kẻ nói đây là Tề Thiên xuất thế trở lại

Lời nói ấy không thấy có trong sách nào.

Sinh thực khí của Thạch mẫu, tương truyền là nơi sinh ra Đức thánh Phi Bồng


Dịch thơ

Nghìn non đẹp đẽ đất đa tình

Mẹ đá mang thai để thánh sinh

Giúp đỡ nhà Trần đưa nước thịnh

Phù trì Nam Việt giúp dân sinh

Cảnh quan Kiếp Bạc nhiều xem ngắm

Uy chặn triều Nguyên rất hiển linh

Người nói Tề Thiên lại xuất thế

Điều này không thấy có trong kinh.

                       Đỗ Đình Tuân dịch



27/12/2012

Đỗ Đình Tuân

(Sưu tầm và dịch)

Giá của ân tình

Thôi thì cứ bỏ anh đi
Đời anh nào có còn gì nữa đâu
Tóc mây đã phủ trắng đầu
Chút ân tình "sáo" bấy lâu ích gì
Ân tình chẳng đổi được chi
Chẳng đem bán được mỗi khi em cần
Ân tình chẳng thể đem cân
Để xem em được mấy phần anh trao
Ân tình chẳng thể dùng sào
Mà đo để biết nơi nào nông sâu
….
Ân tình chẳng dễ mua đâu
So cùng "chín đụn, mười châu" chửa bằng

Nguyễn Xuân Hiểu

Hẹn

Những mong sức khỏe dồi dào
Đến giờ đánh bóng lại vào gặp nhau
Nào ngờ đột ngột vai đau
Thôi đành phải nghỉ, hẹn sau vài tuần.
10-2012
Công văn Phùng

Bão trái mùa


Trận bão chiều qua mới đổ về
Trái mùa lên cũng lắm nhiêu khê
Suốt ngày lướt khướt mưa đường ngập
Cả tối liên miên gió giật về
Tháng chín mưa rươi đà quá lắm
Mùa đông bão giật mới càng ghê
Lúa còn ngoài ruộng nằm trơ rạ
Đứng ngó lòng càng thêm tái tê
 
VN

NHỚ BẠN

(Họa bài: "Gọi tên"  của Vancali)


Thời gian vó ngựa chẳng chờ ai
Chớp mắt đã qua một chặng dài
Mấy tiết xuân lai lan thắm sắc
Bao mùa thu biệt cúc tàn phai
Đồng môn nghĩa cũ lòng da diết
Tri kỷ tình xưa dạ nhớ hoài
Muốn được về thăm trường lớp cũ
Thỏa lòng nhung nhớ đỏ ban mai

                

Hà Nội :2012
 Cẩm Tú


Phụ chép: GỌI TÊN


Canh trường trở giấc gọi tên ai,
Nhớ phút chia ly lệ nhỏ hoài.
Sóng vỗ thuyền xa buồm mất hút,
Tim sầu kẻ ở mắt nhòe phai.
Trời chiều quạnh quẽ,con đường vắng,
Bóng chiếc cô đơn mộng ước hoài.
Chốn ất cầu mong người mạnh khỏe,
        Ngày về đón bạn giữa rừng mai.
Vancali

CẢNH THU


(Hoạ bài: ”Nỗi Thu” của Cẩm Tú)

Trong vườn xào xạc lá thu rơi

Hơi lạnh se se khắp mọi nơi

Trước cửa rung rinh hoa thắm nở

Ngoài sân ăm ắp thóc vàng phơi

Cây trà trên chậu đơm thêm nụ

Cuốn lịch treo tường bóc đã vơi

Nắng chiếu vàng ươm như rót mật

Diều chao tiếng sáo vút lưng trời
                  Nhân Hưng, ngày 28-10-2012

                                Tạ Anh Ngôi


Phụ chép: NỖI THU

Mỗi độ thu về lá lại rơi,
Heo may se lạnh khắp nơi nơi.
Hồ sen tàn hết bông hoa muộn,
Cúc sớm trong vườn cánh đã phơi.
Dãi nắng ngày qua da xạm lại,
Dầm mưa tháng lại tóc dần vơi.
Thoi đưa thấm thoát thưa đường nhạn.
Xuân hạ thu đông bởi lẽ trời.

 
               Hà Nội : 10/2012
                      Cẩm Tú

MÙA CHIA TAY

Họa bài HỌA CA của Lê Thiên Minh Khoa
 
                     

1.
Nước mắt phượng rơi đỏ cuối đường
Mà lời tâm huyết chửa khơi thương
Thẹn thùng bối rối ngày chung lớp
Bẽn lẽn bâng khuâng buổi mãn trường
Cuối hạ lá cành xanh níu đỏ
Đầu thu hoa nụ tím xen hường
Tay trong tay ấm tình lưu luyến
Mắt tiễn người đi dạ vấn vương
2.
Còn bao mùa phượng nở trên đường
Đưa tiễn là chia nỗi nhớ thương
Kẻ ở trông hoài nơi viễn xứ
Người đi nhớ vọng chốn ân trường
Ôi tình Chức Nữ như trời  thắm
Ôi nghĩa Ngưu Lang tựa đóa hường
Liệu có duyên trời cho tái hợp
Sao lòng giăng mắc nỗi tơ vương
 
Thanh Dạ
            
Bài Xướng:    HẠ CA
 

          I .                    
Chưa biết bờ môi ngọt lịm đường
Học trò đâu dám ngỏ lời thương
Ngại ngần ánh mất hôm tìm lớp
Run rẩy bàn tay buổi bãi trường
Câu chữ nhập nhòa tình với bạn
Phấn son bối rối đỏ hay hường
Chỉ  khe khẽ chạm vào dư ảnh
Lơ lửng một đời mái tóc vương... 
                           
           II .
Còn không em hỡi những con đường
Hai đứa đếm hoài bước bước thương
Xao xuyến phượng hồng chiều xóm nhỏ
Ngẩn ngơ áo trắng buổi tan trường
Thư xanh đã ngả sang màu thẫm
Kỷ niệm còn nguyên vẹn sắc hường
Em có đi về trên phố cũ
Lặng nhìn phượng nở để sầu vương?
       Lê Thiên Minh Khoa
 

Phương thuốc bí truyền trị ung thư

Một bệnh nhân bị ung thư thực quản, hy vọng sống rất mong manh dù chấp nhận tốn kém để xạ trị, chỉ bằng một bài thuốc dân gian đơn giản đã tự chữa với kết quả khả quan.
Bác Hy cuối năm 2002 còn nguyên râu tóc

Đó là bác Trần Văn Hy - biệt danh Hy Râu - nhà ở số 188 đường Nguyễn Công Trứ TP Buôn Ma Thuột, người mấy năm qua đã liên tục lui tới các bệnh viện để điều trị chứng bệnh đã được các kết quả chẩn đoán y học thống nhất là ung thư thực quản.
Tháng 12/2002 bác Hy bắt đầu ho khan, khó thở , lần lượt đến nhiều bệnh viện (BV) ở Đăk Lăk và TP Hồ Chí Minh để khám chữa. Bác đã được các BV này cho uống thuốc đau dạ dày và thuốc chữa tổn thương phổi do lao  nhưng vẫn bị rụng sạch râu tóc lông toàn thân và biến dạng mặt mày.
Sau đó lại có bản xét nghiệm đờm khẳng định bác không lao của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, rồi một BV lại khẳng định bác chẳng bị gì ngoài bệnh rụng tóc. Tháng 1/2004, Thanh tra Bộ y tế chuyển đơn khiếu nại về việc các bác sĩ chỉ định điều trị sai làm sức khỏe bệnh nhân suy sụp của bác Hy về cho Giám đốc BV Đại học Y Dược TP HCM giải quyết.
Sau đó, bác đã được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn, đưa lên bàn nội soi và phát hiện bác bị ung thư thực quản. Những diễn biến bi hài này đã được Báo Tiền Phong số 60 ra ngày 24/3/2004 phản ánh qua bài “Vì sao bác Hy Râu rụng râu tóc ?”, chốt lại ở đoạn lãnh đạo bệnh viện ngồi lại cùng bác Hy bàn bạc xem chọn cách nào điều trị cho hiệu quả …
Ở thời điểm đó thể trạng bác Hy đã rất suy kiệt. Các bức ảnh nội soi cho thấy khối u như một con đỉa lớn bám dài và chẹn gần kín thực quản khiến bác không còn ăn uống bình thường, chỉ có thể nuốt từng giọt sữa một cách khó khăn.
Bác Hy tháng 3/2004: Cơ mặt nhẽo sệ, tóc râu rụng hết

Các giáo sư, bác sĩ lãnh đạo BV Y Dược, Chợ Rẫy đều khẳng định với bác Hy : phương pháp tối ưu và duy nhất trong trường hợp này là đặt ống tiếp nhận thực phẩm để nuôi cơ thể, khi sức khỏe ổn định sẽ bắt đầu xạ trị. Bác Hy hỏi dò thì được biết: Điều trị cách này tốn chừng 150 triệu đồng, nhưng “5 sống 5 chết” nhất là ở tuổi cao như bác.
Bác nằm vắt tay suy nghĩ: Nếu chữa khỏi thì 150 triệu đối với gia đình 1 vợ 13 đứa con đều đã phương trưởng thành đạt của bác không là “vấn đề” gì. Nhưng tới tuổi này mà còn phải nuốt bằng ống, chịu đựng các tia xạ độc hại, thà chết sướng hơn! Gặp trường hợp bệnh nhân nghèo, phải tốn kém vậy họ đành bó tay đầu hàng hết sao?
Bác quyết định không điều trị theo Tây y nữa nhưng cũng chưa tìm được thầy được thuốc… Trong khi sức khỏe bác thì ngày càng suy sụp.
Vậy mà thật bất ngờ, một hôm  đang ngồi làm việc tại cơ quan tôi lại nghe vọng tới tiếng bác nói cười oang oang như lệnh vỡ. Bác tự chạy xe máy, cầm mấy bài thơ tình nhanh nhẹn bước lên cầu thang vào thẳng phòng tôi.
Tôi kinh ngạc nhìn bác hồng hào phương phi, râu và lông mày lẫn lộn đen trắng mọc ra rậm rạp, tóc cũng đang đâm tua tủa muối tiêu khắp quanh đầu. Trời, đúng bác Hy Râu đây rồi nhưng phương thuốc nào kỳ diệu đến thế? Bác không quản ngại phóng xe về, gom góp các loại giấy tờ có liên quan làm bằng chứng cho tôi xem.
Toa chỉ gồm 2 vị: Bán chỉ liên 1 lạng, Bạch hoa xà thiết thảo 2 lạng. Hướng dẫn: ngâm, rửa sạch đất cát, cho vào siêu nấu cho sôi bùng, đảo thuốc rồi vặn lửa riu riu sao cho trong gần 2 tiếng đồng hồ từ 4 chén nước cạn còn 1 chén. 1 thang sắc 2 lần sáng chiều, uống nguội lúc bụng đói.
Thì ra năm ngoái, bác buồn buồn giở lại chồng sáng tác thơ ca lộn xộn ra xem, bất chợt bắt gặp xấp giấy chép mấy bài thuốc chữa nhiều loại bệnh từ 5 năm trước một người bạn (nay đã qua đời) gửi tặng song lúc khỏe bác chẳng để ý.
Giở bài “Thuốc bí truyền chữa bệnh ung thư” thấy quá đơn giản, bác nghĩ: Thôi thì lấy tấm thân này ra làm vật thí nghiệm xem sao. Lời giới thiệu cho biết đây là phương thuốc dược thảo thiên nhiên do một tù nhân Trung Hoa hiến lại cho đời trước khi bị xử tử, tuy đơn sơ nhưng “chữa được mọi chứng bệnh nội thương ngoại cảm mà đặc biệt là các loại ung thư.
Bác Hy tháng 4/2005: Khối u đã tan biến, tóc râu đang mọc

Một mặt nó giúp ta đề phòng bệnh tật, tăng cường sinh lực, kháng độc, miễn nhiễm. Mặt khác nó có thể trị dứt các chứng bệnh ung thư vú, lở loét nơi dạ dày, ruột gan, dạ con, tử cung, não, phổi. Đối với bệnh ung thư nặng có lở loét sau khi uống nếu đại tiểu tiện có ra máu mủ là dấu hiệu tốt…”.
2 vị thuốc này khá dễ tìm, song ở Buôn Ma Thuột bác Hy mua vừa mắc vừa mốc nên phân công cho cậu út tới các quầy thuốc đường Hải Thượng Lãn Ông, chợ Lớn TP Hồ Chí Minh mua mỗi thang có 8.000đ, gửi lên.
Ngày 17/5/2004, bác xuống BV ĐH Y Dược nội soi dạ dày, phiếu ghi : “Đoạn thực quản giữa cách cung răng 28 cm là 1 khối u cứng nham nhở dễ chảy máu làm hẹp lòng thực quản, không luồn máy qua khối u được”. Ngày 18/5/2004 bác bắt đầu sắc thuốc uống. 
Những chén đầu tiên, vì phải nhỏ từng giọt vào cổ, bác uống cả buổi mới hết. Thấy đại tiểu tiện ra máu mủ giống như lời dặn, đến thang thứ 6 đã nuốt nhanh được, bác mừng, tạm ngưng, xuống BV Chợ Rẫy nội soi lại, phiếu ghi : “Cách cung răng từ 28-33cm có 1 khối u sùi to, bở, dễ chảy máu, làm hẹp lòng gần hoàn toàn. Giữa khối sùi có 1 lỗ giống đường dò”.
Bác uống tiếp. Các kết quả nội soi sau đó cho thấy khối u nhanh chóng teo lại, rồi tiêu biến hết vào cuối năm 2004, chỉ để lại vết sẹo trong thực quản sau khi bác uống hết 40 thang thuốc, tổng cộng có 320.000 đồng. Bác Hy khỏe hẳn, lên cân đều đều nay đã 57 ký, da dẻ hồng hào, tóc râu mọc lại. Và bác lại làm thơ, sáng tác nhạc, tới lui chơi với các “thi sĩ” câu lạc bộ Bốn Mùa…
Bác cẩn thận dặn: Phương thuốc bí truyền đó đối với tôi quả là tuyệt vời hiệu nghiệm. Tôi có phổ biến cho vài người, họ uống thấy cũng hiệu quả lắm. Nhưng thuốc có thể hợp với người này mà không hợp với người nọ, vả chăng bài thuốc chưa được giới chuyên môn kiểm chứng, nên để các nhà khoa học chú ý mà nghiên cứu, hồi âm. Bài thuốc mà được công nhận, phổ biến rộng rãi thì đỡ cho bệnh nhân ung thư, nhất là bệnh nhân nghèo biết bao nhiêu. 

Nguồn : TIENPHONG

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

KHI XEM HOA NỞ, KHI CHỜ TRĂNG LÊN


                       Nhỏ bông nhưng sắc tuyệt vời,
Thủy chung màu tím trọn đời mộng mơ.
Bạn bè thi hữu vịnh thơ,
Ngắm nhìn lan nở, ngồi chờ trăng lên.

                      Huudoandt 28-10-2012


Phụ chép: 
Gửi anh Minh Tư 


Nhành lan anh tặng nở rồi
Một bông tím biếc đẹp tươi vô cùng
Như tình bầu bạn thủy chung
Trọn đời mãn kiếp cũng không phai mờ

                             22-10-2012
                             Song Thu 

(TQ xin chọn ảnh giúp cô để minh họa)


Yếm đũi


(Lượm lặt từ sổ ghi chép cũ)


Có cô yếm đũi sang sông
Gió thì cả gió mà không thấy bờ
Vén váy cô lội để cho
Bắp chân lồ lộ sông lờ đờ say
Có cô yếm đũi ngủ ngày
Môi thèn thẹn đỏ má ngây ngây tình
Yếm cô gió lật rập rình
Ngực trăng như sáng một mình gió xem
Có cô yếm đũi thức đêm
Hát ghẹo hát đúm mải quên không về
Yếm cô gió trót mang đi
Cái người phải gió nó mê mẩn rồi
Có cô yếm đũi váy sồi
Sang sông để lại một trời gió say.
                                 2/2003
                       Nguyễn Việt Chiến
                (Tiền Phong, 180-9/9/2003)

EM LÀ

Em là ngọn gió trùng khơi
Căng buồm anh tới chân trời ước mơ
Em là giọt mật lời thơ
Để anh uống chẳng bao giờ thoả thuê
Em là vạt nắng ven đê
Cỏ non xanh mướt đồng quê tháng ngày
Em là men rượu ngất ngây
Để anh càng uống càng say…càng thèm!
Ánh trăng giát bạc bên thềm
Hương cau thoang thoảng đêm đêm trước nhà
Em là bản nhạc lời ca
Là dòng máu đỏ chan hoà tim anh…
                Nhân Hưng, ngày 19-10-2012
                             Tạ Anh Ngôi


TÌM LẠI NGÀY XƯA

TẶNG NGƯỜI TÌM LẠI NGÀY XƯA





(Tặng TÔ HÀ
tác giả bài “Đi tìm hạt dẻ”)
Em đi tìm hạt dẻ
Hay đi tìm ngày xưa
Cái thời là con trẻ
Sau bao thời nắng mưa
Em đi tìm hạt dẻ
Không phải vào rừng sâu
Rừng bây giờ mới mẻ
Đường ô tô, nhà lầu
Em đi tìm hạt dẻ
Để tìm về ngày xưa
Ngày xưa còn hay mất
Biết hỏi ai bây giờ ?!
Làng Hóp   10-2012 T,D