Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Dịch thơ Nguyễn Du 33



Bài 32 (008 NTTN)

Tống nhân
送人
Tống nhân
香芹官道柳青青
Hương Cần (1) quan đạo liễu thanh thanh
江北江南無限情
Giang bắc giang nam vô hạn tình
上苑鶯嬌多妒色
Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc (2)
故鄕蓴老尙堪羹
Cố hương thuần lão (3) thượng kham canh
朝庭有道成君孝
Triều đình hữu đạo thành quân hiếu (4)
竹石多慚負爾盟
Trúc thạch (5) đa tàm phụ nhĩ minh
惆悵深宵孤對影
Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh
滿床滯雨不堪聽
Mãn sàng trệ vũ (6) bất kham thinh

Dịch nghĩa: Tiễn người đi

Trên đường cái quan Hương Cần liễu xanh xanh
Kẻ phía bắc sông, người phía nam sông, tình vô hạn
Những con oanh đẹp trong vườn vua ghen nhau vì sắc đẹp
Rau thuần già nơi quê cũ vẫn còn nấu canh được
Triều đình có đạo khiến anh tròn chữ hiếu
Rất thẹn cùng trúc đá vì lỗi lời thề
Bồi hồi ảo não, đêm sâu một mình đối bóng
Tiếng mưa dầm đầy giường nghe không chịu nổi


Dịch thơ: Tiễn bạn

Hương Cần đường cái liễu xanh xanh
Bờ bắc bờ nam lắm cảm tình
Oanh đẹp vườn vua ganh ghét sắc
Rau thuần quê cũ ngọt ngon canh
Triều đinh có đạo anh tròn hiếu
Trúc đá thề xưa tự hổ mình
Ảo não đêm sâu ngồi một bóng
Tiếng mưa sình sịch đến tàn canh.
                            Đỗ Đình Tuân
                              (dịch thơ)
Chú thích:
(1) Hương Cần: Tên một làng cách Huế chừng bốn cây số về phía bắc. Con đường thiên lí chạy ngang qua đó. Làng nổi tiếng về quýt.
(2) Đa đố sắc: Hay ganh ghét nhau vì sắc đẹp. Ám chỉ các quan triều nhà Nguyễn thời bấy giờ, vì ganh tị nhau mà hãm hại nhau. Như vụ Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, vụ Lê Chất, Đặng Trần Thường, v.v.
(3) Thuần lão: Trương Hàn 張翰 đời Tấn làm quan ở Lạc Dương 洛陽, một hôm nhìn gió thu thổi, nhớ rau thuần gỏi cá lô ở quê nhà, liền bỏ quan về.
(4) Quân hiếu: Theo câu này thì người bạn của Nguyễn Du được triều đình cho cáo quan về phụng dưỡng cha mẹ già.
(5) Trúc thạch: Thú ẩn dật. Đã cùng khóm trúc tảng đá hẹn hò chung sống với nhau thế mà đành phụ để ra làm quan.
(6) Trệ vũ: Câu này vừa tả tình biệt li vừa tả nỗi lòng chua xót cho thân phận. Lại vừa tả cảnh đêm tiễn bạn đi, vừa tả cảnh tác giả đương sống ở kinh đô.

23/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét