Vậy là thày Phạm Mạnh Hùng đã vĩnh biệt chúng ta được gần 1 tháng ở tuổi 71 của cuộc đời. Thày ra đi để lại niềm tiếc thương vô cùng to lớn đối với những người thân - trong đó có thày trò Trường cấp 3 Chí Linh đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Nói cho công bằng, thày Hùng ở Chí Linh không lâu - chỉ chưa đày 2 năm song dấu ấn và tình cảm thày để lại ở miền đất đó thì vô cùng sâu đậm. Vĩnh biệt thày, xin nhắc lại vài kỷ niệm sâu sắc nhất với thày.
1- Ấn tượng đầu tiên
Nếu tôi nhớ không lầm thì thày Hùng về công tác ở Chí Linh từ khoảng đầu năm 1970, khi khóa 1968-1971 của chúng tôi bước vào học kỳ 2 năm lớp 9. Sở dĩ tôi nhớ như vậy vì sau này, khi gặp nhau ở Hà Nội và trở nên thân thiết rồi thì thày Hùng hay nói đùa với thày An: “Chỉ vì ông đào nhiệm mà tôi phải về Chí Linh. Nhưng cũng may mà ông đào nhiệm”. Thế mà học kỳ 1 năm lớp 9 thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy thày An lên lớp thay mỗi khi thày Tư vắng bận vì một lý do nào đó.
Lúc đó, Trường cấp 3 Chí Linh vẫn còn sơ tán ở thôn Đồi Thông, xã Chí Minh với cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn và phân tán. Khu hiệu bộ chỉ là một dãy nhà tranh tre tạm bợ để các thày vừa ở, vừa làm việc. Một số thày phải vào ở nhờ nhà dân. Còn các lớp học thì cũng tranh tre nứa lá, lại phải đào âm xuống mặt đất cỡ 1 - 1,2 m và mỗi lớp nằm một nơi, cách xa nhau đến hàng cây số. Chính vì điều kiện như vậy nên sự giao lưu, quen biết giữa thày trò cũng như học sinh các lớp với nhau hết sức hạn chế và cánh lớp A chúng tôi hầu như không biết đến sự hiện diện của thày Hùng. Chúng tôi chỉ biết đến thày Hùng khi trường đã chuyển về Sao Đỏ và chúng tôi đã bước vào học kỳ 1 của năm lớp 10. Và thật không ngờ, cái lần đầu gặp gỡ ấy đã trở thành một ấn tượng không thể nào quê trong ký ức của lũ chúng tôi. Đó chính là buổi “Ngoại khóa Toán học” trước học sinh toàn trường về nhà toán học tre tuổi và tài năng Ê- vơ- rít Ga- loa do thày chuẩn bị và thuyết trình.
Với học trò nhà quê những năm đó thì hoạt động ngoại khóa nói riêng và đọc sách chuyên đề về các môn khoa học là hết sức hạn chế. Không phải vì chúng tôi không thích mà vì không có điều kiện mà thôi. Đến trường ngoài học ra thì chỉ có lao động. Mà lao động nhiều thứ lắm. Khi còn ở Đồi Thông thì đào hầm hào, sửa nhà, làm sân vận động… Khi về Sao Đỏ thì còn vất vả hơn. Thày trò chúng tôi gần như phải tự tay làm lại toàn bộ cơ ngơi của cả nhà trường - cả khu lớp học cũng như khu hiệu bộ và nhà ở giáo viên. Ngoài ra còn phải xây dựng cho tương lai - đó là xe đá, lấy cát… để xây nên ngôi nhà hai tầng đầu tiên của nhà trường. Còn sách thì hiếm lắm. Đến sách giáo khoa cũng không đủ, một bộ phải chia cho mấy người thì lấy đâu ra sách tham khảo, sách chuyên đề… mà đọc. Vì vậy, khi nghe đến buổi “Ngoại khóa toán học” tất cả đều cảm thấy rất xa lạ và chúng tôi đến chủ yếu vì tò mò chứ chưa có một khái niệm gì.
Tôi còn nhớ đó là một buổi tối mùa thu yên tĩnh và mát mẻ. Khu rừng bạch đàn ở sân trường hàng đêm im ả, vắng lặng bỗng như được đánh thức bởi đống lửa trại và những ngọn đuốc bập bùng cùng tiếng cười, tiếng nói rộn ràng của mấy trăm học sinh. Buổi ngoại khóa thật giản dị, không sân khấu, không phông màn, pa- nô, khẩu hiệu, không diễn đàn cũng chẳng ghế ngồi… Tất cả thày trò đều kê dép ngồi dưới đất. Vật trang trí duy nhất cho buổi ngoại khóa là một bức vẽ bằng than chì phác họa chân dung một chàng trai trông hết sức thông minh và có nét gì đó kiêu bạc được đính lên thân cây bạch đàn bằng một cái đinh. Có thể nói bức vẽ hết sức giản dị, lại nhỏ nữa - tương đương khổ giấy A4 bây giờ song đã lột tả được cái thần của nhân vật và có sức thu hút mãnh liệt đối với đám học trò nhà quê lúc đó nên chúng xúm lại xem, thi nhau đưa ra những câu hỏi mà chẳng đứa nào trả lời được.
Chân dung Ê- Va- rít Ga- loa |
Rồi thì nhân vật chính cũng xuất hiện. Một người mảnh khảnh với khuôn mặt gày gò và không được đẹp trai cho lắm xuất hiện - đó chính là thày Phạm Mạnh Hùng. Đứng bên cạnh cây bạch đàn gắn bức chân dung, thày bắt đầu câu chuyện về nhà toán học thiên tài Ê- vơ- rít Ga- loa. Lũ học sinh lúc đầu còn nói chuyện riêng nhưng chỉ một lát sau đã im thin thít và căng tai nuốt lấy từng lời của người thày giáo trẻ. Cuộc đời đầy bi kịch và tài năng thiên bẩm cùng cái chết bất ngờ của nhà toán học trẻ tuổi Ga- loa qua lời kể của người thày trẻ tuổi đã đi thẳng vào những trái tim đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của mấy trăm học sinh Chí Linh hôm ấy. Họ thán phục, yêu mến Ga- loa. Họ cũng yêu thêm môn Toán và yêu quý thêm người thày trẻ tuổi của mình.
Đã 44 năm trôi qua song tôi, và có lẽ không phải chỉ một mình tôi vẫn nhớ như in những gì diễn ra đêm đó cùng những cảm xúc của chính mình. Ký ức về buổi tối mùa thu đó thật là sâu đậm. Và từ hôm đó chúng tôi đã có một ấn tượng lạ đối với thày Phạm Mạnh Hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét