Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

NGẪM THEO

Chưa chìm, chưa đắm cũng chưa bi
Nhưng cứ đà này ắt sẽ nguy
Tướng tá, chức quyền mua được cả
Buộc lòng quan lại chúng thu, chi

Văn bằng chứng chỉ - trên bàn nhậu
Dự án, công trình - chạy, bán, mua
Án xử ngồi tù - thành tại ngoại
Oan khiên chồng chất - vẫn như đùa

Dân nhỏ nghèo hèn - ca oán thán
Quan to nhầy nhụa - quát dương uy
Dân chủ, luận bàn - kiêng giữ miệng
Chẳng riêng vận nước - mạng cũng suy

Kinh tế rõ ràng đang tăng trưởng
Lòng dân có mất cũng bình thường
Đục nước béo cò vơ vét đã
Giầu có tiền nhiều khối kẻ thương .

                       XT   01/9/2014

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (2)

6/6/201
Hương này.
Như thường lệ, cứ nửa đêm thức giấc là thày lại không ngủ được nữa. Vì thế mà thày thường bật máy tính ra đọc. Cố nhiên là đầu tiên phải xem thùng thư có ai gửi cho mình không? Có một thời cái trang web NNYVN... nó rất hay gửi vào. Đầu tiên thày còn thử đọc, nhưng rồi nhiều quá không đọc xuể nên lại phải gửi thư trống trả lời để nó cắt đi cho. Từ đó thùng thư chỉ còn là thư bè bạn văn chương. Gần đây lại thêm Hà và Hương gửi thư ra nữa. Thày rất vui.
Thày cũng mới đọc qua 3/5 truyện ngắn của em gửi ra. Và cũng có một số “thoát kiến”( chợt thấy) . Thày thường rất chú ý đến những “chợt thấy” đầu tiên này. Vì nhiều khi nó mới là thần khí chân thực của tác phẩm. Cố nhiên vì mới là “chợt thấy” thì nó còn mơ hồ chưa rõ nét. Phải có thời gian nghiền ngẫm và thẩm định lại. Thày thấy Hương có tài viết truyện ngắn thật sự đấy. Truyện nào viết cũng có chiều sâu, mang tầm khái quát lớn. “Cây khế vườn xưa” là môt cái bi kịch của tình yêu, nhưng chủ yếu vẫn là bi kịch của chiến tranh. Truyện giầu chất thơ và tiềm ẩn một “chất kịch” lớn đấy. Khúc cuối là một trường đoạn phim khá xúc động. Nhưng vì sự “cài bẫy” chưa khéo để người đọc đoán trước được rồi nên sức hấp dẫn của nó bị giảm đi. Câu cuối cùng của truyện hoàn toàn có thể bỏ đi được. Cứ để mặc cái cây khế trút hết lá trơ trụi đứng đấy thì tự nhiên nó sẽ thành một ẩn dụ。“Vườn mai” là một cái bi kịch của lòng tốt rất phổ biến và khá thường gặp. Con người trong truyện này, ai đối với nhau cũng “tốt bụng” cả mà ai cũng cứ phải sống ấm ức không thanh thản được. Truyện viết thế là giỏi. Nhưng những câu lý sự giải thích thì lại không cần. Lý sự và triết lý trọng truyện cũng cần, nhưng đó phải là những lý sự, những triết lý “ngộ ra” , “mở ra” chứ không nhằm giải thích thêm cho ý nghĩa của truyện. Vì như thế tự nhiên nó sẽ thành thừa。 “Nỗi đau” là một cái bi kịch lớn của chiến tranh. Chiến tranh đã tạo ra những hoàn cảnh để con người phải tự bóp chết những “mầm sống” vô tội. Thời chống Pháp đã có một “Bà mẹ sông Hồng” đã phải bỏ đứa trẻ xuống sông để giữ bí mật cho bộ đội vượt sông rồi. Đến thời Chống Mỹ lại thấy xuất hiện một ông Tư này. Mô tuýp giống nhau nhưng hoàn cảnh cụ thể thì có khác nhau. Cái tên Chiến Thắng và sự chết ngạt của bé Chiến Thắng gợi ra một ẩn dụ ghê gớm về sự vô nghĩa của chiến tranh. Nhưng đoạn kết thì lại vớt vát quá. Đáng ra cứ để cho ông Tư muốn nói ra mà không thể nói ra. Nghĩa là bản thân cái “nỗi đau” ấy cũng chết ngạt nốt thì truyện có khi lại sống hơn chăng?
Ấy là “trò Tuân” cứ mạo muội mấy ý với “cô giáo Hương” thôi. Xin được tác giả trao đổi lại dài dài thêm. Hương chỉ nên đưa dần dần từng truyện một thì nó không bộn, đọc dễ tập trung hơn.
Lần này “trò Tuân” gửi thêm cho “cô giáo Hương” một bài giới thiệu thơ để cô giáo cho ý kiến. Số là thế này: Thày Bùi Trác Trường, giáo viên dạy môn Kỹ thuật nông nghiệp ở trường ta (cấp 3 Chí Linh) ấy. Thày đã nghỉ hưu cũng lâu lâu rồi, có cho in một tập thơ và nhờ thầy viết lời giới thiệu và đặt tên hộ cho tập thơ. Thày đã đặt tên cho tập thơ là Gió lành và có mấy lời Tản mạn xung quanh tập Gió lành

7/6/2010
Kính thưa thày!
Em vô cùng cảm ơn những nhận xét của thày về 3 truyện ngắn của trò Hương. Thế là em lại được học thêm những kỹ năng trong khi viết văn. Từ khi xa thày, học đại học Nông nghiệp, ra công tác, trò Hương của thày đã vận những kiến thức đã học được từ thày Tuân để viết luận văn tốt nnghiệp đại học, rồi viết các văn bản của một Chánh văn phòng, rồi viết báo, viết truyện ngắn, thi thoảng làm thơ, viết tạp bút... Cứ thế, trò Hương lầm lũi làm việc, sống và công tác, được nhiều người khen là văn hay chữ tốt. Nhưng tuyệt nhiên, không ai góp ý cho trò Hương của thày những hạn chế, non yếu trong viết lách. Vẫn biết là mình còn nhiều yếu điểm, nhưng lung mung không rõ ràng, do vậy mà không thoát ra được. Hôm nay, lại tiếp tục được học thày, trò Hương ngộ ra rất rõ nét về mình: Minh Hương của Thày viết truyện ngắn mới chỉ có tấm lòng của người viết, còn về "Nghề" thì còn non tay lắm. Qua 3 truyện ngắn thày đã nhận xét, trò Hương đã rút ra 3 bài học để nếu còn viết thì sẽ vận dụng: Bài học thứ nhất qua truyện CÂY KHẾ VƯỜN XƯA là: Muốn bất ngờ phải bí mật; Bài học thứ hai qua truyện VƯỜN MAI là : Nói ít hiểu nhiều - không nói thay; Bài học thứ ba qua truyện NỖI ĐAU là: Phải đi đến tận cùng của sự dồn nén. Lần này em gửi truyện CHA VÀ DÌ. Thày đọc và lại chuyện trò với em nhé.
Em đã đọc bài của thày về tập thơ Gió lành. Em học được thêm lối viết khéo léo và rất ngọt, hóm hỉnh và rất sống động của thày. Nhưng em vẫn hơi phân vân phần thày viết về chuyện làm thơ vui của thày. Hơi lo cho Gió Lành bị "Gió dữ" đâu đó tạt qua, lại gặp tai bay vạ gió như người viết lời bình ngày nào thì lại khốn khổ!?
Em xin lỗi, Thày trò mình cứ mải chuyện văn chương, em muốn biết hiện thầy làm nhà đến đâu rồi ạ? Em chúc thày và gia đình hạnh phúc, thày sẽ viết được nhiều những điều mà thày còn ấp ủ!


30/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Thuận đà



(Họa đảo vận bài “Chia tay bạn thơ”
của Ninh Hà dời đất Chí Linh ra Hà Nội)
Bỏ nơi rừng suối bác đi xa
Gần gũi cháu con sống thuận đà
Dâu rể đôi bên đều ấm tổ
Gia đình một mối sẽ êm nhà
Công kia việc nọ càng đông khách
Đón tết mừng xuân ắt lắm hoa
Còn chút tình xưa nơi đất cũ
Thôi đành cất giữ đáy tim ta.
30/8/2014
Đỗ Đình Tuân
Phụ chép: Chia tay bạn thơ:

Trót bén duyên rồi không nỡ xa
Phải đâu mơ mộng chốn phồn hoa
Một đàn con trẻ bay rời tổ
Hai tấm thân đơn giữ nếp nhà
Dan díu nàng thơ đằm nghĩa bạn
Vấn vương con chữ thắm tình ta
Năm mươi năm ấy bao hoài niệm
Thổn thức trong tim mãi đậm đà.
Thu 2014
Ninh Hà

Một thời...

Là một thời chưa xa:

 Cái ngày ấy thế này đây:
 

Những người năm xưa cũ
Hồn bây giờ ở đâu?????


CHẠY THEO...




                    CỨ CHẠY THEO MỐT THỜI TRANG
               EM THÌ TƯƠI TỐT, ANH VÀNG MẮT RA
ÔI A...!
Phố Quê 31/8/2014 T.D

NHỚ BÁC



Tháng chin mồng hai nhớ Bác Hồ
Ba đình lời Bác, tiếng hoan hô
Nhân quyền, độc lập, tình hòa hiếu
Mãi mãi tường tồn với tự do
                                     VN

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 70



Bài 70

Tín Dương tức sự
信陽即事
Tín Dương tức sự
河南首信陽,
Hà Nam thủ Tín Dương 1,
天下此中央。
Thiên hạ thử trung ương 2.
片石存申國,
Phiến thạch tồn Thân quốc 3,
重山限楚彊。
Trùng sơn hạn Sở cương.
馬鳴思飼秣,
Mã minh tư tự mạt,
民食半枇糠。
Dân thực bán tỳ khang.
白發秋何恨,
Bạch phát thu hà hận,
西風遍異鄉。
Tây phong biến dị hương.

Dịch thơ: Viết ở Tín Dương

Tín Dương đầu tình Hà Nam
Ngày xưa thiên hạ trung tâm đất này
Đá thời Thân Quốc còn đây
Trập trùng núi Sở quây quây một vùng
Ngựa kêu nhớ ngọn cỏ đồng
Dân ăn một nửa phải dùng cám rau
Trắng đầu thu lại hận sao
Gió tây trải khắp gian lao xứ người.

                            Đỗ Đình Tuân
                                (dịch thơ)

Chú thích:
1. Tên một huyện thuộc tỉnh Hà Nam, ở đây có bức thành cổ cũng gọi là thành Tín Dương.
2. Thời cổ, Hà Nam ở giữa chín châu (tức Trung Quốc).
3. Nước Thân, một nước cũ do Võ Vương nhà Chu lập ra để phong cho con cháu Bá Di, Thúc Tề.
18/7/2014
Đỗ Đình Tuân

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (1)

 Đôi lời phi lộ của Minh Hương: Sau  bao năm rời Trường cấp III Chí Linh thân yêu đi xa, được vài dịp về thăm trường, MH đều nhờ các bạn đưa đến thăm các thầy cô giáo cũ và được biết thầy Quỳnh - cô Hanh; Thầy Hải - cô Điểu; thầy Thịnh - Cô Tú; thầy Tân - cô Thu Ba đều đã không còn ở Chí Linh; Thầy Tuân cũng không còn dạy ở Trường; Thầy Tư thì ở tít Phả Lại... MH chỉ vụt về Chí Linh rồi lại phải đi ngay vì ở Nha Trang ra công tác Hà Nội chỉ tranh thủ thôi, không ở lâu được. Cho nên Thầy giáo duy nhất mà MH được gặp ở Chí Linh là thày giáo Đỗ Đức Mạnh, Thày chủ nhiệm năm lớp 9. 
      Năm 2006, Ba chị em Tô Hà, Minh Hương, Vân Anh và thày  Đức Cảnh từ Nha Trang ra dự Hội Trường cấp III Chi Linh, MH mới được gặp thầy Tuân. MH đến chào thầy và lễ phép hỏi: Thưa thầy, Thầy có nhớ trò không ạ ? Thầy thủng thẳng nói: Cái Hương em cái Hà chứ gì!... MH cảm động và  thấy sướng ơi là sướng... Chỉ đơn giản vì MH nghĩ các thầy thường chỉ nhớ học sinh giỏi xuất sắc như các chị Hồng Minh, Tô Hà, Bích Sâm... thôi, thế mà Thầy nhớ cả MH thì nhất định là sướng rồi, chắc vì là em của chị Tô Hà, học sinh cưng của Thày... Nhưng mà như thế  với MH là nhất. Đến tháng 5/2010, MH lại có dịp trò chuyện với Thầy qua thư điện tử... Thật bất ngờ, những bức thư nhỏ giữa thầy trò đã được Thầy đưa lên Blog của Thầy. MH xin phép  được đăng lên TRI ÂN để chia sẻ cùng các thầy cô và các anh chị.  
 
Thứ Bảy 22 tháng 5 năm 2010
Em chào Thày ạ!
Em là Hương, em chị Tô Hà, học sinh cũ của Thày. Chị Hà cho em số mail của Thày, được biết Thày vẫn khỏe và thường lên mạng, em viết mấy dòng kính thăm Thày.
Em đã nghỉ hưu, ở nhà lo nội trợ. Cũng thi thoảng viết bài cho báo Người cao tuổi.Nghe chị Hà nói, Thày cũng thường xuyên viết.  Em muốn được đọc những tác phẩm của thày được không ạ? Thày cho em theo địa chỉ này hoặc giới thiệu những địa chỉ thày thường đăng bài, em tìm đọc cũng được.
Về nghỉ hưu rảnh rỗi, em đã đánh máy lại những truyện ngắn em viết cách đây hơn mười năm rồi và gửi lên mạng. Hiện em đang gửi bài cho Văn Chương Việt và Chim Việt Cành Nam. Em chọn một số truyện kính gửi thày, thày đọc và chấm điểm cho em như ngày em còn được học Thày nhé. Hiện giờ em chưa viết thêm được truyện nào, có một truyện đang viết dở nhưng thấy hình như chưa được ổn lắm nên còn để ngẫm nghĩ thêm.
Em chào Thày và kính chúc Thày, Cô mạnh khỏe, hạnh phúc!
Em mong thư của Thày! 
23 tháng 5, năm 2010

Thày đã nhận được thư và những truyện ngắn của Hương rồi
Nhưng thày chưa đọc được. Để thư thả thày sẽ đọc và cho ý kiến. Còn thày toàn viết chơi thôi. Nhiều nhất là thơ bông phèng, rồi đến các bài bình thơ và nghiên cứu về thơ,  một số hồi ký đời thường viết theo yêu cầu của một dịp nào đó. Nhưng nói chung văn thày có một loại độc giả riêng. Không rõ các em có thuộc diện độc giả ấy không. Thày sẻ gửi dần cho em đọc sau nhé
Thày giáo cũ: Đỗ Đình Tuân

27 tháng 5 năm 2010

Hương này!
Thày chỉ làm thày của các em khi còn mười tám đôi mươi thôi. Bây giờ các em đã trưởng thành cả rồi.Tô Hà thì đã thành nhà báo hình. Minh Hương thì đã trở thành nhà văn viết truyện ngắn...Còn thày thì vốn đã cùn mòn đi vì thời gian vùi lấp và... Nếu đã truyền được cho các em được điều gì từ trước thì đó mới là cái còn lại, là cái lãi của thày thôi. Vì thế mà về yêu cầu đọc và chấm điểm cho em như ngày trước thì thày không dám nữa. Nhưng thày sẽ đọc và trao đổi với em như những người bạn văn chương thì có lẽ đúng hơn và cũng lý thú hơn. Trò hương của thày có đồng ý thế không. Còn em muốn đọc những bài viết của thày thì thày rất sẵn sàng. Thậm chí còn rất sung sướng nữa là đằng khác. Nhưng thày chỉ viết chơi thôi. Chỉ thỉnh thoảng mới có bài in báo và lên mạng. Thày cũng định tập hợp tất cả chúng lại theo từng thể loại và rồi khi nào có điều kiện thì in, hoặc tung lên mạng cho bầu bạn cùng đọc. Chính cái yêu cầu này của em càng kích thích thày làm cái việc đó đấy. Kỳ này thày sẽ gửi cho em một "ký ức tuổi học trò" mới viết của thầy cho Hương nếm thử. Vì là "của thày" cho nên dù chua, dù chát thế nào Hương cũng phải cố mà nuốt đấy.
Về 5 truyện ngắn của Hương  thì chỉ có 3 cái "Cây khế vườn xưa", "Vườn mai" và " Nỗi đau" là đọc được chữ thôi. Còn có hai cái Hương lại viết bằng "tiếng chăm" hay sao ấy, nó cứ loằng ngoằng không đọc được. Thày định nhờ cô Phan Thị Bích Hằng giỏi "âm ngữ" nhờ công chúa Huyền Trân dịch cho mà Hằng đi chữa bệnh chưa về. Nên lại phải nhờ tác giả Minh Hương chuyển lại phông chữ hộ thì "trò Tuân" mới đọc được. Phải mở ngoặc thêm tí chút ở chỗ này: Tuy không có số sách ghi chép nhưng về lý là Hương đã học thày 3 năm, tức là đã "nợ thày" 3 năm. Mà đã nợ thì phải "tính lãi". Cứ theo lãi xuất ngân hàng bây giờ đi. 1% tháng nhé. Nhưng thày chỉ lấy hữu nghị cho em nhẹ thôi. 10% năm. Hương ra trường 36 năm rồi. vị chi là 360%. Cứ thế mà đại khái tính ra thì Hương cũng nợ thày 10 năm dậy. Thày biết Hương viết truyện ngắn giỏi, hay khiêm tốn hơn cứ tạm gọi là viết được đi. Còn thày thì lại rất mê viết cái thể này mà không sao viết được. Viết xong đọc lại là chán ngay. Làm văn chương có cái khổ thế đấy. Thích mà không thể làm. Muốn mà không thể được. Cho nên thày mới phải "đòi nợ" Hương là thế. Thày dạy nhiều học trò chứ, nhưng thày có "đòi nợ" ai đâu. Chỉ có đòi nợ "trò Hương" thôi. Ấy là vì "trò Hương" biết viết truyện ngắn. Mà thày thì vẫn cứ muốn viết được cái món truyện ngắn này. Hương cũng không cần phải thiên kinh vạn quyển làm gì. Bây giờ mà phải ngồi bó giò đọc sách Bàn về truyện ngắn nọ kia để dậy "trả nợ" thày thì còn đâu ra thì giờ mà nội trợ chăm chồng chăm con? Rồi lại còn phải giành thì giờ để "viết" nữa chứ. Thày chỉ muốn Hương hãy kể lại hoàn cảnh, lý do và quá trình làm việc cụ thể đối với từng cái truyện mà Hương viết ấy. "Trò Tuân" sẽ chăm chú lắng nghe. Chỗ nào "ngộ" ra được điều gì đó thì "trò Tuân" sẽ "trừ nợ" dần đi cho "cô giáo Hương". Bao giờ hết nợ thì "thày lại hoàn thày và trò lại hoàn trò". Nếu "cô giáo" đồng ý thế thì ta bắt đầu từ cuộc trò chuyện lần sau. "Trò Tuân” xin chúc cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc, viết hay và dạy giỏi.

Thứ Bảy, 5 tháng 6 năm 2010
Kính thưa thày!
Trước tiên, em xin được thày tha lỗi vì đã để thày phải mong đợi thư đáp lễ của em. Sau nữa, em xin được có ít lời phân trần để thày có cớ để tha lỗi.
Thưa thày! Sau khi gửi thư cho thày, hầu như lần nào lên mạng em cũng mở hộp thư để mong được nhận thư thày, địa chỉ mail này của em mới lập và chỉ mới gửi thư cho riêng thày. Thế nhưng vào hộp thư đến đều trống. Nghe chị Hà nói thầy đang làm nhà, em nghĩ chắc là thày rất bận. Hôm qua, chị Hà gọi điện nói thày đã gửi thư, thêm một ngày mất điện... Bây giờ, mở mail ra thì có thư của thày nhưng lại vào mục khác, không hiểu sao nó lại vào mục đó chứ. Vậy là trò Hương thất lễ với thày nhiều lắm. Thày tha lỗi cho em không ạ? Dù Thày có tha lỗi, trò Hương cũng thấy mình đáng trách nhiều lắm, vẫn lại muốn khóc thôi...
Em đã đọc rất kỹ "ký ức tuổi học trò" của thày. Thày cho phép em được nói cảm nghĩ của mình nhé: Ngoài những bài giảng, những bài văn mẫu của thày em đã được nghe, được học, đây là lần đầu tiên em được đọc văn của thày. Văn của Thày giáo già viết về tuổi thiếu thời. Vậy mà hình như vẫn còn mới tinh, rõ một một,sống động, rất dí dỏm, chân thực và cảm động.  
Em rất đồng ý với thày là cần hệ thống lại những bài viết của thày để cho bạn bè, học trò của thày được đọc và tán thưởng. Còn về việc thày tính lãi với trò Hương thì biết nói với thày thế nào đây ạ! trò vừa mừng vì được thày tính lãi và bày cách để trả lãi cho thày, vừa lo không biết có làm được không? Tuy vậy, em cũng muốn được thưa với thày suy nghĩ của em. Thực ra, em viết truyện ngắn chỉ để giải thoát cho chính mình. Việc đăng tải là cơ duyên, do có người khích lệ gửi bài đi, rồi báo đăng rồi cũng có người đọc... Điều chính là khi viết rồi, đọc lại thấy chính mình được chia sẻ. Còn so với các nhà văn thì em tự biết: mình còn quá nhỏ bé, văn viết hiền quá, thật quá và còn nhiều cái yếu quá nữa. Vậy nên, làm sao thày lại có thể đòi em trả lãi được cơ chứ. Thày ơi, trò của thày tự thấy mình còn phải học thày nhiều lắm. Được đọc những dòng tâm sự của thày, em cảm động và thấy dù bây giờ mình cũng đã bắt đầu già nhưng với thày thì mình vẫn là cô học trò nhỏ của thày. Em thật bất ngờ vì nhận thấy: Thày vẫn trẻ, hóm hỉnh, vui tính như ngày xưa. Đó là điều thú vị và quý giá nhất đấy ạ.
Em sẽ chỉnh lại phông chữ, và gửi thêm cho thày một số truyện ngắn nữa. Em cũng mong được đọc thêm nhiều thể loại viết nữa của thày. Thư sau em sẽ thưa lại một số hoàn cảnh khi em viết truyện ngắn để thày hiểu thêm khi đọc truyện của trò Hương nhé.
Em kính chào thày. Chúc thày - cô và gia đình hạnh phúc.
27/8/2014
Đỗ Đình Tuân

NGẪM

 
 
( Họa nguyên vận bài: SẦU NHÂN THẾ  của Lá Thu)

Thời suy thế sự nhiễu cùng nhương
Khắp chốn uôm oam tựa ễnh ương
Kẻ nịnh vênh vang vai phú quý
Người ngay lầm lũi kiếp dân thường
Lại tham bòn vét đồng tiền mọn
Quan nhũng vơ về món lợi trương
Nên nỗi giang sơn teo tóp lại
Cơ đồ chìm đắm cảnh bi thương

          30-8-2014
           Song Thu

Phụ chép: SẦU NHÂN THẾ

   
                    Thế sự sao nhiều chuyện nhiễu nhương
              Đau đời nuốt lệ nỗi tai ương
              Người hay việc tốt quân đâu hiếm
              Kẻ dở làm điêu tướng vẫn thường
              Nhậu nhẹt tối ngày ngân quỹ hụt
              Bạc bài khuya sớm nợ nần trương
              Hổ thay bao kẻ ngồi trên trốc
              Có hiểu dân lành thật đáng thương !
                                                 Lá Thu 

KINH THÀY

 
Kinh Thày biếc thắm một dòng sông
Lấp lánh xa xa gợn ánh hồng
Lồng cá ai nuôi ven dải cát
Con thuyền mái đẩy sóng mênh mông
Nồng nàn chén rượu hương say thoảng
Say đắm lời ca sợi chỉ lòng
Mong đợi bình minh lên tỏa nắng
Ngọt ngào thành phố vẫn hằng mong.
                                         VN

ĐÔNG SƠ

 
Sùi sụt mưa dò gẹo gió may
Kêu sương tiếng nhạn lạc theo bầy
Âm thầm ngõ trúc rêu vàng phủ
Xao xác sân chùa lá đỏ bay
Mặt nước vô tình cây giỡn sóng
Lưng trời cố ý gió đùa mây
Chén tình em rót anh chưa cạn
Đã thấy trong lòng chếnh choáng say!
                       Áng Phao, ngày 10-11-2012
                                     Tạ Anh Ngôi

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

CHÚC MỪNG SINH NHẬT






TRIANCUOCĐOI trân trọng chúc mừng sinh nhật thày Nguyễn Văn Thịnh 30/8. Kính chúc thày mạnh khỏe, hạnh phúc và là đôi mắt sáng, đôi tay khéo đưa những vần thơ mượt mà của cô Cẩm Tú lên Blog Tri Ân Cuộc Đời.
Trân trọng chúc mừng. 

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 69



Bài 69

Vũ Thắng quan
武勝關
Vũ Thắng quan
谷口雄關武勝名,
Cốc Khẩu 1 hùng quan Vũ Thắng 2 danh,
古時此地限蠻荊。
Cổ thời thử địa hạn Man Kinh 3.
一兵不設自雄壯,
Nhất binh bất thiết tự hùng tráng,
百載承平無戰爭。
Bách tải thừa binh vô chiến tranh.
半日樹蔭隨馬背,
Bán nhật thụ âm tuỳ mã bối,
十分秋意到蟬聲。
Thập phần thu ý đáo thiền thanh.
傷心千里一迴首,
Thương tâm thiên lý nhất hồi thủ,
滿目楚山無限青。
Mãn mục Sở sơn vô hạn thanh.

Dịch nghĩa: Ải Vũ Thắng
Cửa ải hùng tráng ở núi Cốc Khẩu mang tên ải Vũ Thắng
Thời xưa, nơi này giới hạn đất Man Kinh
Không cần đóng quân, tự nó hùng tráng
Trăm năm nay hưởng thái bình, không có chiến tranh
Suốt nửa ngày, bóng cây chạy theo lưng ngựa
Mười phần, ý thu đến với tiếng ve kêu
Trên đường nghìn dặm, đau lòng quay đầu lại
Mắt ngợp núi nước Sở, xanh biết bao


Dịch thơ: Ải Vũ Thắng

Vũ Thắng Lạc Dương ải nổi danh
Đất này thời trước thuộc Man Kinh
Không cần quân lính vẫn hùng tráng
Yên ổn bao đời chẳng chiến tranh
Đi suốt nửa ngày lưng ngựa rợp
Mười phần thu ý tiếng ve quanh
Đau lòng nghìn dặm quay đầu lại
Núi Sở ngập tràn xanh với xanh.

                             Đỗ Đình Tuân
                                            (dịch thơ)

Chú thích:
1. Một núi thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam.
2. Cửa ải Vũ Thắng, ở phía nam huyện Tín Dương, tỉnh Hà Nam.
3. Chỉ vùng đất nước Sở (nay thuộc các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang, Giang Tô. Thời xưa nước Sở gọi là Kinh và là đất Nam Man, nên thường gọi là Man Kinh.
18/7/2014
Đỗ Đình Tuân

Mưa chiều nay










29/8/2014
Đỗ Đình Tuân

NGÂU MUỘN

           
Lâu ngày Ngưu Chức gặp nhau
Khóc rơi trắng lệ, cười đau nỗi niềm
Thỏa thê kể lể sấm rền
Khiến cho trời đất mọi miền ngả nghiêng…!!!

 VN

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 68



Bài 68

Lý gia trại tảo phát
李家寨早發
Lý gia trại tảo phát
曉色何滄茫,
Hiểu sắc hà thương mang,
初日隱山腹。
Sơ nhật ẩn sơn phúc.
路上人旣行,
Lộ thượng nhân ký hành,
枝頭鳥猶宿。
Chi đầu điểu do túc.
萬古一紅塵,
Vạn cổ nhất hồng trần,
其中皆碌碌。
Kỳ trung giai lục lục.
犬噬竹村中,
Khuyển phệ trúc thôn trung,
定有高人屋。
Định hữu cao nhân ốc.
 
Dịch nghĩa: Buổi sáng từ nhà họ Lý ra đi
Sắc trời ban mai thật là bát ngát
Mặt trời mới mọc còn nấp trong lòng núi
Trên đường, người đã đi
Đầu cành, chim còn ngủ
Muôn thuở một đám bụi hồng
Trong đó mọi người bận rộn
Tiếng chó sủa trong xóm trúc
Chắc có nhà của bậc cao nhân

Dịch thơ: Buổi sáng từ nhà họ Lý ra đi

Buổi sáng trời bát ngát
Mặt trời nấp bụng non
Người trên đường cất bước
Chim còn ngủ đầu cành
Nghìn năm cõi hồng trần
Người người đều bận rộn
Nghe chó sửa trong xóm
Chắc có nhà cao nhân.

             Đỗ Đình Tuân
                (dịch thơ)
Chú thích:
* Lý gia trại: trại nhà họ Lý, chắc đoàn sứ Nguyễn Du đã ghé qua đêm.
17/7/2014
Đỗ Đình Tuân