Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (3)

 
Hương này!
Thày làm mấy gian công trình phụ thôi.Mái lợp ngói hybrô xi măng. Tường xây bằng gach ba banh.Chỉ có thiết bị bên trong là hiện đại.Công trình của thầy gồm các "hạ mục" 12 mét vuông(1 gian) cho cô con gái Đỗ Thị Thương Chi (tuổi hợi 1983, kỹ sư chăn nuôi thú y); 16 mét vuông nhà bếp và nhà ăn.; 12 mét vuông nữa cho: 2 mét vuông toa lét; 4 mét vuông nhà tắm và 4 mét vuông nhà trống để sau này có thể để máy giặt hoặc máy phát điện( nếu như tình trạng thiếu điện cứ dài dài và thành bệnh kinh niên). Còn thày cô thì vẫn ở nhà cũ xây dựng từ 1986, lợp ngói giếng đáy.Căn nhà ấy bây giờ đã dột và xuống cấp rồi. Em chưa vào, nhưng chị Hà của em thì vào rồi. Thày xây dưng căn nhà ấy vất vả lắm. Tự mình lên núi đánh đá về xây móng. Tự mình ra suối gánh cát về tự đóng lấy gạch Ba banh. Căn nhà chỉ vẻn vẹn có 32 mét vuông mà phải xây dựng mất 3 năm, từ 1986 đến 1989. Mãi đến năm 2000 thày mới làm thêm được phần hiên trước rộng 16 mét vuông. Vì thế lần này thày chỉ bỏ ngói Giếng Đáy xuống cho ngói Hybrô xi măng lên (Vì phải thay cây que bề trên). Quây thêm một gian hiên thành phần gian thò để nối liền với công trình phụ mới xây dựng. Vì thế mà "nhà trên" lại vừa thấp, vừa cũ kỹ hơn nhà dưới. Mọi người cứ bảo thày phải "nâng cấp" cái nhà trên cho cao và sang để tương xứng với căn nhà mới xây dựng tuy giản dị, truyền thống nhưng rất hiện đại và sang trọng. Nhưng thày không có tiền vả lại đó còn gắn với kỷ niệm của một thời khốn khó nữa. Đầu tiên thày đưa cô Thu về đây còn phải ở có 6 mét vuông "lều vó" mà cô Thu đã ngỡ ngàng khen thày là "tài thế"! căn nhà ấy vẫn còn ảnh nhưng thày chưa phục dựng được.

Về bài giới thiệu thơ thày Trường có một chi tiết là bọn đầu gấu đến gọi ra để cảnh cáo. Đó là một đoạn thày đã cường điệu lên để nói cái nguy hiểm của làm thơ trào phúng thời nay. Nghĩa là cái chuyện "Mấy tên đầu gấu" kéo đến nhà mới chỉ nằm trong ý định của họ thôi. Nhưng thực tình thì thày cũng chỉ định đùa vui thôi nên mới gọi cả tên thật ra như vậy chứ có in ấn tuyên truyền gì đâu. Nhiều người đến hỏi thày đều nói vậy
Thày lại có khách đến. Hẹn Hương ở kỳ sau nói tiếp. Cho thày số điện thoại di động. Và gửi cho Thày mấy tấm ảnh thật xinh gái vào để thày được chiêm ngưỡng trò cũ của thày bây giờ như thế nào chứ. Chào em
**

Ban chiều vì có khách nên thày bỏ dở cuộc trò chuyện với Hương. Bây giờ xin tiếp tục.Trở lại thiên truyện "Cha và dì" của em nhé. Đây là một truyện em viết khá tinh tế. Truyện giống như một bài thơ ấy. Rất bâng khuâng và buồn man mác. Những nhân vật trong truyện người nào cũng đẹp, đẹp như mơ như mộng ấy, nhưng rất khó gặp ở trong đời. Nếu phải tìm một thiếu xót cụ thể của truyện thì thày chỉ tìm thấy có một từ sai thôi. Không rõ vì tác giả hiểu sai hay đánh máy nhầm ?. Đó là từ "nguyên sinh" ở cuối trang hai. Đúng ra phải là "quyên sinh" quyên là liều là bỏ còn sinh là mạng sống, sự sống của cá nhân mình. Nó đồng nghĩa với tự tử. Còn nguyên sinh là sự sống ban đầu.Sự sống ở giai đoạn sơ khai mới hình thành. Cả ở bản em gửi ra cho thày và cả ở bản trên mạng đều sai như nhau.
Cũng phải bàn thêm về văn phong, phong cách. Không bao giờ nên cố tình bắt chước người này hay người khác làm gì. Cứ phải viết theo khẩu khí và thói quen tự nhiên của mình thôi. Em viết hiền lành thật thà nhưng không kém phần tinh tế và sâu sắc, giầu nữ tính thì đó là phong cách của Minh Hương. Thày nghĩ cứ sống thật với mình, viết thực như mình thì tự nhiên sẽ có phong cách. Phong cách cũng không phải nhất thành bất biến. Cùng với sự biến đổi của “con người tinh thần người viết”, phong cách tự nhiên cũng sẽ biến đổi theo.
Từ lần trò chuyện sau Minh Hương phải vào vai cô giáo đi. Thày không quên "tính lãi" Hương đâu. Đừng có mà đánh trống lảng. Cô giáo càng đi sâu vào công việc “bếp núc” của từng truyện thì "trò Tuân" càng có điều kiện học được cách viết truyện ngắn. Chẳng may, nếu ông trời không cho "trò Tuân" viết được truyện ngắn thì chí ít "trò Tuân" cũng biết đọc truyện ngắn một cách "có tâm" hơn với người viết truyện. Dưới đây "trò Tuân" gửi cô giáo một bài viết nghiên cứu về thơ lục bát: "Lục bát từ dân gian đến hiện đại"

11/6/2010 Kính thưa thày!Vẫn biết rằng, mỗi người có một cuộc đời, nhưng em vẫn thấy se lòng khi đọc đi đọc lại những điều thầy tâm sự về tình yêu và sự nghiệp của mình. Em chúc cho thày và cô Thu mãi mãi hạnh phúc bên nhau, cho dù cuộc sống còn đó những bộn bề, lo toan  vất vả, khi tuổi của thày đã ngấp nghé thất thập rồi. Em cũng mừng cho thày cô có một cậu út đang biết vượt lên khó khăn để sớm đáp đền và mang lại hạnh phúc cho cha mẹ. Em thấy an lòng là thầy đang sống rất an nhiên tự tại, luôn bầu bạn với văn chương, điều đó đã giúp thày thêm yêu cuộc sống.Còn về "bếp núc" truyện ngắn của em thực ra không có gì đâu ạ. Bất chợt trong cuộc sống, thấy có ít nhiều những cảm xúc về một vấn đề nào đó, thường là những người thật, việc thật thì em bị tình cảm chi phối, muốn được chia sẻ, thế là em viết. Vì là truyện ngắn, không phải bút ký nên em được quyền hư cấu, tưởng tượng. Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt: Tốt và xấu; thiện và ác. Em luôn khát vọng những điều tốt đẹp, em muốn những nhân vật của em phải là "Người", phải vượt lên trên những bản năng. Chính vì vậy, em viết rất thật đấy ạ. Chuyện Cha và dì, em góp nhặt từ 2 chuyện có thật là: Có một người bạn của em, sau khi người cha mất đã có ý định đi tìm người em mà cha mình đã có với người không phải là mẹ mình, chỉ có điều họ là anh em trai, còn trong truyện em cho họ là gái để dễ vào truyện. Còn người Dì, thì em gép vào một chuyện thật nữa là có một người bạn cùng công tác với em, đã chịu rất nhiều thiệt thòi để không làm ảnh hưởng đến người yêu, một mình nuôi con. Những nhân vật đó, họ đều ở rất xa thày và cô Thu, nhưng khi đọc, thày cũng nói là giống chuyện của thày, tất nhiên là không phải hoàn toàn, nhưng cái cốt là sự hiện hữu và sức mạnh của tình yêu. Một tình yêu vĩnh hằng, một tình yêu tâm linh, một tình yêu thánh thiện với đúng nghĩa của nó, dù là nghiệt ngã, oan trái, không thuận với những khuôn mẫu thông thường, mang tính phổ biến của xã hội. Thực ra, nhân vật của em cũng có hạn chế đấy ạ. Tuy không nói trắng ra, nhưng người mẹ trong truyện cũng không thể vượt được mặc cảm của mình để đến gặp người dì, mà mãi đến trước khi chết mới nhờ con gái của mình làm điều mà chồng mình mong muốn. Và người đọc cũng tự hiểu rằng, để nói được những điều vị tha, độ lượng như vậy, người mẹ cũng đã trải qua bao nhiêu đau khổ, hờn ghen, oán trách. Đó là lẽ thường, là bản năng mà. Chỉ khi trải qua được cái bản năng đó thì cái phần "Con" mới thoát được thành "Người". Do đó, rất khó có thể có nhiều  "Người" như thế ở đời, nhưng chắc chắn là có.Thày nói là thày chưa viết được truyện ngắn !? Thực ra, em nghĩ là thày đã viết nhiều rồi đấy ạ, có điều là thày chưa chuyển thể đấy thôi. Cuộc sống của chính thày và cuộc sống xung quanh đã được thày ghi lại rất sống, rất thực. Nhưng vì quá tôn trọng sự thật, thày không muốn diễn khác đi một tí, cộng thêm yêu cầu quá khắt khe, qúa cao nên thày chưa chấp nhận mình đấy ạ. Em xin được chép lại tâm sự của thày hôm trước: ...  “Thày thường rất chú ý đến những “chợt thấy” đầu tiên này. Vì nhiều khi nó mới là thần khí chân thực của tác phẩm. Cố nhiên vì mới là “chợt thấy” thì nó còn mơ hồ chưa rõ nét. Phải có thời gian nghiền ngẫm và thẩm định lại...” Vâng đúng là như vậy đấy ạ, từ cái bất chợt ta thấy được, đó là "ý " , ta suy ngẫm, rồi xuất thần các "tứ" đổ về. Chỉ thế thôi ạ. Không biết thầy có đồng ý với em như vậy không ạ?Lần sau em sẽ nói thêm về truyện "Vườn Mai", Em chúc thày vui, khỏe. Cho em gửi lời thăm có Thu và bé Chi.
Em chào Thày!
1/9/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét