Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

ĐỌC “BỐN MÙA” THƠ TRẦN NHUẬN MINH NXB VĂN HỌC HÀ NỘI 2011

(tiếp theo)

“CHÁU ĐI ĐÀO THAN THỔ PHỈ”
Hai tiếng “Thổ phỉ” đã là minh chứng đủ đầy cho sự hỗn loạn của xã hội một thời ở vùng mỏ than Quảng Ninh. Nạn đào than cướp giật, trộm cắp của các đầu gấu, đầu nậu hoành hành ở vùng đất này 5 năm liền. Đến nỗi Trung ương phải về chỉ đạo mới tạm yên cái nạn đào than thổ phỉ. Cháu Mừng của Nhà thơ là nạn nhân chắc chắn không phải duy nhất vì không phải một hầm, một lò mà hàng trăm, hàng nghìn hầm lò than khai thác than thổ phỉ. Đã là trộm cắp thì lấy đâu ra an toàn. Cứ thế nhân lên để biết có bao nhiêu cháu Mừng lâm vào cảnh đói rách nên phải:
“Cháu đi đào than thổ phỉ
Lấy tiền nuôi mẹ nuôi em
Sập lò, cột đè gẫy nát
Xác buộc túm trong vải bạt
Than đổ ứ đầy lên trên
Xe chạy trốn người, qua đêm”

Mặc dù Nhà thơ đã viết:
“Đã qua cái thời đói rách
Làm sao còn khổ thế này”.

Nhưng đã qua được đâu cái thời đói rách ấy và:
“Mẹ cháu sẽ nhận được gì ?
Tiền ư ? Gạo ư ? Vải ư ?
Em cháu sẽ nhận được gì ?
Cặp ư ? Sách ư ? Bút ư ?”

Tất cả chỉ còn lại là cái chết đau thương tang tóc của cháu Mừng. Cho đến chết thân hình dập nát giờ đây vẫn không thoát khỏi tội tình:
“Cháu nằm túm trong vải bạt
Mặt mũi than đè dập nát
Xe than đổi một mạng người
Chú biết kêu cùng ai được”

Trần Nhuận Minh chỉ biết ngửa mặt lên trời gọi tên cháu: “Mừng ơi!”. Ôi cái tên mới đẹp làm sao ! Mẹ cha đặt tên cho cháu, hy vọng cháu sẽ mang mừng vui đến cho cả nhà nhưng ngờ đâu cháu lại đoản mệnh và mừng vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy tang tóc đau thương trùm lên cháu, trùm lên gia đình, trùm lên cả vùng than. Không có ai vô can trong nỗi đau này.

“ĐỒI HOANG”

Trần Nhuận Minh muốn gửi gắm vào đây thuyết nhân quả. Cái giá phải trả cho việc hủy hoại quá khứ của chính dân tộc mình là như thế đó. Sau cải cách ruộng đất, rồi hợp tác hóa biết bao đình chùa ở những miền quê thờ những vị thành hoàng, nơi cho những kẻ tu hành nương nhờ cửa phật đều bị đập phá tan hoang để làm chuồng lợn, chuồng bò. Lợn, bò chết chưa hẳn do thần linh trừng phạt mà còn do cơ chế. Người bị dở dại dở điên, kẻ thì lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử. Qua bài thơ Trần Nhuận Minh muốn nhắc nhở không chỉ cả một dân tộc mà mỗi con người phải biết tôn trọng những giá trị đích thực của quá khứ, của lịch sử. Nhìn cảnh đổ nát điêu tàn của Lam Kinh ai chẳng thấy đau lòng.

“GỬI BÁC VƯƠNG LIÊN”

Tôi đã định dừng lại ở “Bên đường” vì những thân phận khổ đau tôi nhắc đến đã đủ. Nhưng đây lại là một phạm trù khác, phạm trù của lòng tham và tội ác. Tôi luôn nghĩ trong một bài thơ có những câu thơ phải viết để dẫn dắt và có những câu thơ muốn viết mà người ta thường gọi là những câu thơ “đinh”, câu thơ cốt lõi. Câu thơ lóe sáng để quyết định tứ thơ mà Nhà thơ muốn gửi gắm. Bài thơ nói về chuyện tiền nong nhiều đến nỗi phải nhét vào bao tải và bác Vương Liên lại thuê đến hai hầu gái để đấm lưng xoa bóp… Nhưng chỉ cần hai câu thơ tự bộc lộ thân phận mình thì thần thái của bài thơ đã bốc lên ngùn ngụt:
“Cái thằng bé thuở nào
Bác dạy làm cách mạng”

Thì ra bác Vương Liên không phải ai khác mà đó là một ông thầy của cách mạng. Ôi chua chát và phản phúc biết chừng nào ! Ông thầy dạy cách mạng hiện nay sống như thế đó, mà họ sống ngang nhiên mới lạ chứ. Những điều như thế này phải dùng câu trả lời của đấng Mê Tơi “như thế là như thế”. Còn chúng ta người trần mắt thịt biết trả lời sao đây và biết đặt niềm tin vào đâu để mà sống, mà làm việc.

“CANH KHUYA”
Thân phận của người con gái đẹp thời nay sao đắng cay đến thế ? Xung quanh em chỉ toàn là cạm bẫy. Tôi cứ nghĩ Trần Nhuận Minh lấy đâu ra nước mắt mà khóc thương cho hết mọi kiếp người. Có thật thế chăng ?
“Đất đã hẹp mà trời càng thêm hẹp
Trốn vào đâu sông núi vẫn vô tình
Góc phố nào không có lầu Ngưng Bích
Mặt người nào không có dáng Sở Khanh”

Nhân phẩm bị bủa vây.
“Chẳng còn dám gửi quà về biếu mẹ
Nỗi cô đơn thăm thẳm đến rợn người
Khi chợt thấy bếp nhà ai đỏ lửa
Lúc thoảng nghe đâu đó trẻ con cười”

Khát vọng một tổ ấm gia đình, khát vọng làm mẹ đã bị tước đoạt và Nhà thơ giàu nhân ái của chúng ta chỉ biết:
“Anh hãy ít ra là cầm lấy tay em
Để em nhận tiền mà không hổ thẹn”

“NHÀ THƠ ÁP TẢI”

Ở nhiều nơi trên thế giới văn chương có thể biến người ta thành tỷ phú đô la. Còn ở Việt Nam Nhà thơ còn phải làm nghề áp tải hàng hóa để kiếm kế mưu sinh. Nhà thơ Nhà văn là tầng lớp “bạch diện thư sinh” mà phải :
“Không ngờ một nhà thơ
Lại sống bằng nắm đấm”

Và cái cảnh:
“Thỉnh thoảng lại gặp cướp
Còn trộm thì mênh mông”...

“Đất nước có một thời
Kẻ gian nhiều như nấm”.

Đó là thời nào? Còn nếu vậy thì người ta sống làm sao đây? Nhưng không vì thế mà Nhà thơ phải từ bỏ khát vọng, khí phách của mình:
“Phải áp tải Sự Thật
Đến những bến cuối cùng”

Và:
“Chai rượu ngang dốc ngược
Đứng cùng trời
uống chung”

Những bến cuối cùng ấy là cõi người, phải rọi soi, phải thức tỉnh cõi người này bằng những câu thơ rắn hơn sắt thép và sắc hơn cả gươm đao.

“VỚI CHỊ HỒNG TÂM”

Thơ Trần Nhuận Minh thường lấy tư liệu trong hiện thực cuộc sống, vì thế tôi mới coi “Nhà thơ và hoa cỏ” là văn chiêu hồn của thời hiện đại. Câu chuyện đau lòng này xảy ra trên quê hương thứ hai của Trần Nhuận Minh:
“Cuộc đời toàn người tốt cả
Không ai xấu với ai đâu”

Nói thì nhẹ như lông hồng, nhưng thực tế thì bỗng dưng chồng chị mất cửa, mất nhà, bị bắt giam vào tù. Chuyện tày đình vậy mà Trần Nhuận Minh chỉ buông một câu:
“Mừng anh qua chút tai ương”
Cuộc đời như thế mà chỉ là “chút” thì như thế nào mới gọi là tai ương, là đại họa. Thế mới biết cuộc đời này luật pháp không nằm trong tay những người điều hành luật pháp mà thực ra những chánh tòa trong “Ngày này tháng nọ năm kia…”, những chánh tòa dốt nát trong “Em đi biên giới…” thì có cũng bằng không. Luật pháp bây giờ nằm trong tay những kẻ nhỏ nhen ti tiện, đố kỵ nhưng lại nắm trong tay chức trọng quyền cao. Chỉ vì sơ sẩy trong đối nhân xử thế mà chồng chị Hồng Tâm:
“Anh chẳng hiểu sao bị bắt
Rồi tự nhiên lại được tha
Thôi thế là anh có phúc
Được trả lương hưu trả nhà”

Anh phải đi tù oan mấy năm trời. Ra tù rồi được trả nhà, trả lương hưu nhưng rồi cũng không trụ nổi và phải vĩnh biệt thế gian này đi tìm một chốn bằng an nơi nào đó ở thế giới bên kia. Nhưng thế giới ấy như Trần Nhuận Minh đã viết vẫn “tưng bừng cái ác”. Đọc bài thơ tôi lại nhớ (khổ cái thân tôi lại nhớ, lại liên tưởng nhưng nó đã là nghiệp chướng của tôi rồi), vâng, vẫn nhớ vụ án giết người oan sai ở tỉnh Bắc Giang. 12 năm tù cho một người vô tội. Chuyện đã hai năm rõ mười như ban ngày mà tha ngay hay tha chậm cứ nhùng nhằng mãi, trên dưới đều chối tội, đều vô can như chẳng có gì. Kiếp người bây giờ chỉ bằng con ong cái kiến.

“THOÁNG”

Là tiếng chuông cảnh tỉnh sự băng hoại nhân cách của xã hội đương đại. Nét thuần phong mỹ tục, vẻ đẹp đoan trang của người phụ nữ Việt Nam thời nay không còn nữa mà chỉ là:
“Đàn bà khoác bị cói, đeo kính kơn, mặc quần soóc ra phố
Uống rượu chửi tục như đàn ông”

Còn trẻ con thì:
“Khách đến nhà trẻ toàn nói trống không
Khó lòng sai đun nước hay giữ chó
Chúng đến trường tay dây mực xanh đỏ
Bôi lên lưng áo thầy cô”

Rồi ông kết thúc với câu thơ làm cho ta lo lắng sợ hãi:
“Bà bán nước chè xanh không chỉ bán nước chè
Có bán cả phụ tùng tên lửa”

“PHÚT LÂM CHUNG CỦA CỤ HÃN”

Biểu tượng liêm khiết, tận trung của một thời giờ đã trở thành một nỗi ám ảnh, ân hận xót xa. Đến chết cụ Hãn vẫn không thể nhắm mắt vì chưa được ăn năn sám hối những gì do lòng tận tâm mù quáng đã gieo rắc tội ác lên lớp trẻ. Trước khi nhắm mắt cụ muốn Nhà thơ viết báo để xin lỗi những đứa trẻ đã bị ông đánh đập, có đứa hộc cả máu mồm máu mũi, Nhà thơ đành bất lực vì ông chỉ biết làm thơ. Thì ra tất cả mọi nẻo đường không phải là ngõ cụt. Trước khi chết con người ta vẫn mong muốn làm việc thiện. Sự ăn năn sám hối này đã làm xúc động bao con tim. Cụ Hãn ơi ! Cụ hãy nhắm mắt mà về trời, tất cả trẻ con trên đời này đều sẵn sàng tha thứ cho cụ vì đó là biểu trưng của một thời chứ không phải chỉ riêng mình cụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét