Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

CHƯƠNG 10: SUY NGHĨ VÀ QUYẾT ĐỊNH (tiếpTheo)

Chuyện vui nơi công sở
              Vậy là gia đình tôi không có biến động gì cả. Tôi đi làm, dạy quanh ở Hà Nội là chính, thi thoảng đi công tác các tỉnh, không có gì căng thẳng. Chỉ việc nuôi dạy con là khó thêm theo mỗi tuổi của chúng. Ở đơn vị công tác, có những thời kì cán bộ nhân viên khá nhàn rỗi. Khi đó, anh chị em thích chơi “tiến lên”, thích buôn chuyện đủ thứ. Ngày ấy, mỗi người một cặp lồng cơm mang theo từ nhà, đến bữa ăn thì ngồi cùng với nhau, chia sẻ cho nhau tí chút rồi vừa ăn vừa nói chuyện thật rôm rả. Chưa đến giờ ăn thì mọi người đã lục tục chuẩn bị rồi, để khi ăn xong vào giờ nghỉ trưa là chính thức chơi bài. Chỉ chơi vui vậy thôi chứ tuyệt nhiên không có đụng đến tiền bạc chi cả. Mặc dù nhàn rỗi, Vụ trưởng tôi (anh Quy) vẫn giữ đúng nguyên tắc, nghĩa là sáng ra giờ làm việc mùa hè là 7h30 thì yêu cầu mọi người phải có mặt đầy đủ. Có vài ba anh chị em, đôi khi đến muộn, thế là anh Quy kê ngay cái bàn làm việc của anh gần cửa ra vào. Mấy chú đến muộn đi qua len lét, còn anh thì chả nói gì, mắt chỉ liếc qua, và mặt nặng như chì. Thế thôi, nhưng các chú vừa sợ vừa ghét anh. Hôm nào anh làm việc ở đó thì không dám ăn cơm sớm, bớt cười nói còn anh mà đi họp vắng thì “gà vọc niêu tôm” ngay. Tôi không ghét anh bao giờ, chả gì chúng tôi đã làm việc với nhau suốt từ ngày tôi mới về cơ quan, rồi trong mấy năm chiến tranh nữa. Anh tâm huyết với công việc, cẩn thận, kĩ lưỡng. Anh tâm sự với tôi, anh luôn nhớ về những ngày xưa, ở một vùng quê nghèo Hà Tĩnh, còn phải đi mót từng củ khoai ăn cho đỡ đói lòng, chứ đâu được như bây giờ mặc dù mọi người cứ kêu ca thôi, chứ thực tình nhà nước lo đủ thứ cho mà. Anh lấy vợ hơi muộn, nhưng vợ chồng sống hạnh phúc. Anh chị sinh con đầu lòng, là con trai. Anh kể, cháu thông minh lắm. Một hôm tôi đến chơi thăm gia đình anh. Tôi nhìn mãi mới nhận ra cậu con trai đang ngồi ở một góc tôi tối. Chả là da cậu đen đen chứ không trắng như bố mẹ. Tôi gọi,
- Nguyện à, cháu đang làm gì đấy?
- Cháu chào cô ạ, cháu đang ăn.
- Vậy hả, cháu ăn ngon nhé - Tôi nháy mắt cười vui.
- Cô ơi! cháu không thích ăn những thứ này.
- Để cô xem cháu ăn những gì nào? - Tôi lại gần hỏi.
- Bố mẹ cháu cứ bắt phải ăn giò! - Bé hậm hực chỉ bát giò để đó.
- Thế cháu thích ăn gì? - Tôi hỏi tiếp.
- Cháu chỉ thích ăn cơm với cà với dưa muối thôi, nhưng bố mẹ cháu bảo nó mặn lắm chua lắm không được ăn - Bé buồn nản nói.
Hì hì tôi hiểu rồi…khổ thân cháu quá, mà thông cảm với anh chị thôi. Ngày ấy, mấy nhà ai dám mua giò ăn? Anh chị đều tu nghiệp ở nước ngoài về, khá hơn mọi người, dồn vào bồi dưỡng cho cậu con trai quí tử mà. Nhưng anh chị cứng nhắc quá, cứ nhất định bắt cháu theo ý mình.
Anh chị ở đâu đó dưới nhà đi lên, tôi kể lại, anh phân trần ngay:
- Đấy cô Thư xem, nó ương quá, lúc nào ăn cứ như chịu tội đến khổ.
- Em hỏi chuyện cháu rồi nhé, anh chị cứ cho cháu ăn cơm với dưa với cà đi xem nào, nó đang thiếu “chất dưa cà” mà! Hay là cho cháu ăn mấy miếng thịt, cá, sao ngày nào cũng ăn giò vậy? - Tôi vừa đùa vừa thật.
- À…ừ thì nó gầy quá cô ạ, lại đen như củ súng trông đến chán - Bố cháu than phiền.
-  Cô xin bố mẹ cho cháu ăn một bát cơm với cà nhé! - Tôi quay sang nói với bé.
Nguyện thay đổi hẳn nét mặt, trông vui tươi rạng rỡ, ăn bát cơm ngon lành. Thấy thế anh Quy than thở biết rằng ngon rồi, nhưng ăn vậy là hại thận lắm.
           Một hôm, tôi kể chuyện con tôi học chuyên Toán và hỏi, anh có thích cháu Nguyện học chuyên Toán không, anh bảo rất thích. Thế là tôi trao đổi chút kinh nghiệm, đưa các bài tập cho anh để cháu tập làm. Năm ấy cháu thi đậu vào chuyên Toán. Rồi một lần tình cờ Nguyện lên cơ quan chơi, tôi hỏi thăm cháu học hành thế nào. Cháu bảo cháu vẫn đang học chuyên, nhưng nói thêm:
- Bố cháu nghe cái ông nào ấy xui để cháu thi và học chuyên Toán, cháu thấy học mệt quá cô ơi!
- (Tôi suýt phì cười) Thế hả, cái ông nào tệ thật! cháu không thích học chuyên Toán thì nói cho bố mẹ biết nhé. Nhưng nếu thấy không khó lắm, thì cháu cố gắng, vui vẻ lên, cháu sẽ học giỏi mà.
           Ngày tháng cứ đều đều trôi đi. Giải lao và ăn trưa có chơi tiến lên có tán phét không thể sôi nổi hấp dẫn bằng đàm tiếu vài vụ “oa tơ ghết”nào đấy. Chả là ở đơn vị nọ có chị Tam trong công việc thì cần mẫn, lại chăm lo nuôi hai đứa con trong khi chồng công tác xa nhà. Thế quái nào, chị và anh lái xe, đem lòng quí mến nhau. Lúc đầu, ở cùng khu tập thể, họ quan tâm tới nhau khi thì chị bảo con mang biếu bác bát canh cua, khi thì chị ốm mệt, anh mua cho viên thuốc cảm. Rồi đến một ngày nào đó, họ yêu nhau thật thì phải. Thế là anh bí thư đảng ủy phái một số cán bộ cùng đơn vị đi rình xem sự thể thế nào, rồi về cả quê anh ta tìm hiểu xem vợ con anh ta sống ra sao, để mà liệu bề “can thiệp”. Thôi thì ngày ấy, chúng tôi ngồi ăn cơm trưa với nhau mà chuyện cứ nở như ngô rang. Người bình luận thế này, kẻ thế nọ. Một cậu bạn (gọi là bạn nhưng nhỏ hơn tôi, thân với tôi và gọi tôi bằng chị) cười rất tươi, chia sẻ  “Chị ơi, em nghĩ, đã là tình yêu thì tình yêu nào cũng đẹp lắm, vậy sao người ta phải can thiệp vào chuyện riêng của họ?” Tôi nhớ mãi câu nói bông đùa mà có lẽ thật của cậu ta, cho tới tận mấy chục năm sau, khi cậu ta và vợ li dị nhau để cậu cặp bồ và chung sống với một người đàn bà khác. Tôi quí cậu bao nhiêu thì tôi ghét cậu bấy nhiêu về cái tội này. Tôi thương cô vợ cậu, và mặc dù phân tích can ngăn đủ điều, tôi không thể làm gì được, đành nghĩ đó là số phận của họ! Trong thực tế, tôi vẫn đang chơi với cả hai gia đình, và bây giờ thì tôi thương cả hai người phụ nữ. Nhiều lúc, tôi chả hiểu tôi là người như thế nào nữa.
          Còn vị bí thư đảng ủy nọ, một hôm không nén được giận, kể với bọn tôi:
- Hừ, mẹ…nó chứ…
- Sao thế anh? - chúng tôi hỏi.
- Cái thằng cha chồng cô Tam, nó mới ở xa về. Tôi gặp riêng nó, và bảo “Này cậu, cậu xem thế nào, chứ cứ đi biền biệt thế, ở nhà vợ cậu có … gì thì lôi thôi lắm…cậu đã biết chuyện rồi đấy…”.
Nó thản nhiên vỗ vai tôi, bảo “Anh cứ bình tĩnh, đâu có đó…”
- Rồi anh bảo sao ạ? - Chúng tôi buồn cười quá mà phải cố nhịn.
- Mẹ nó chứ. Mình thương tình nó sống xa vợ con, bảo cho nó biết mà giải quyết ổn thỏa, rồi mà xin chuyển về gần. Nó không cảm ơn mình thì thôi lại bảo mình bình tĩnh. Xin lỗi các vị, nó chỉ đáng tuổi em út tôi, mà nó dám vỗ vai tôi hỏi có lộn tiết không chứ?
- Ha ha…thôi mà anh bực làm gì cho mệt, anh tận tình quan tâm vậy là được rồi - Chúng tôi bật cười phá lên, an ủi anh ấy.
Một cậu còn đưa đẩy thêm, trêu:
- Anh ơi, anh phải lo chuyện chị nhà anh ấy, chị ấy xinh thế trẻ thế lại là (ở trong một lĩnh vực hoạt động dễ bay bổng yêu đương lãng mạn) lỡ ra….
- Cậu nói cái gì hả? vợ tớ hả? - Anh trở lại vui vẻ cười hề hề…
- Vâng. - cả bọn cười theo...
- Tớ đã nói với vợ tớ rồi. Ở khu tập thể này, cậu thấy đấy, có chín đôi thì đã tám đôi bỏ nhau hoặc lủng củng, chỉ còn tớ và cậu. Tớ bảo cho cậu biết, nếu một ngày đẹp trời nào đó ngủ dậy, tự nhiên cậu chán tớ, thì chỉ cần một câu thôi “Này ông! Tôi chán ông rồi!” Tớ sẽ mua mấy lon bia và một ít đồ nhắm, ta cùng nhâm nhi rồi chia tay nhau đàng hoàng, tớ sẽ giải phóng cho cậu ngay, cậu muốn đi với thằng nào thì tùy cậu. Nhưng nếu không nói gì, mà cứ lẳng lặng theo nhãi ranh nào, tớ bảo trước, không xong với tớ đâu!...hề hề…
- Úi, nể anh quá! anh thật thẳng thắn và chả sợ vợ tí nào. May cho anh lấy được chị vợ hiền lành, tận tụy, không bao giờ chê anh già tóc bạc trắng đầu, công việc thì suốt ngày máy máy móc móc khô cứng như là ….he he…- Tôi bạo dạn trêu đùa anh.
           Tôi tếu táo vui vẻ ở cơ quan với đồng nghiệp vậy thôi, chứ về nhà thì xoay như chong chóng, chả có thì giờ nào mà cười nói gì với ai, cứ lầm lũi làm đủ thứ. Làm thêm thì quay sang nuôi gà công nghiệp, không đan len không bán hàng nước nữa. Giống gà là gà công nghiệp, nhưng tôi đun nấu thức ăn cho gà cứ như nuôi lợn ấy. Này nhé, sáng ra tôi đi làm, trên đường ghé qua mấy nhà ở chỗ chị gái tôi ở đặt thùng xin nước gạo, hai ngày một lần buổi chiều lấy về. Buổi chiều nào không lấy nước gạo thì ghé qua bãi rác chợ Hôm, nhặt lá xu hào già người ta vứt đi, mang về băm chặt nấu với nồi nước gạo. Thi thoảng nấu canh cua, hay có mổ cá thì bỏ thêm bã cua, ruột cá vào nữa. Thế nên gà lớn to nhưng thịt khá chắc và đặc biệt trứng thì lòng đỏ thẫm y như gà ta vậy. Thời gian này tôi nuôi ít thôi, chủ yếu để lấy trứng và có giỗ tết gì thì yên chí.
            Nhắc chuyện tết, phải kể chuyện chia thịt lợn ở cơ quan. Chả là, cứ sắp tết thì cơ quan đưa xe xin mua một vài con lợn ở các tỉnh đem về chia cho cán bộ công nhân viên. Tôi làm công tác công đoàn và là phụ nữ nên được tín nhiệm chia thịt lợn. Tôi cùng với mấy chị xẻ phân loại thịt, chia thành các xuất phân bổ đều, này là một miếng rọi, này là một ít thịt sấn mông hoặc vai, một ít sườn áng chừng bằng mắt rồi cân từng gói lên, tương tự nhau, lỡ chênh lệch thì cắt đi thêm vào một chút.Nhưng quan trọng là, mỗi gói đều được bọc kín giấy, xếp từng hàng, xong ai lấy gói nào thì lấy, chứ không mở toang hoang ra. Vì sao vậy? vì để không ai chọn cho mình gói ngon hơn cả! Khi tôi chặt chặt chia chia, các chú ngồi quanh để xem, nhưng khi bọc lại tôi tráo vị trí lung tung không ai biết đằng nào mà lần. Thế là hú họa may hơn khôn thôi. Cái ngày ấy cứ là phải kĩ lưỡng thế, mặc dù khi chia đã để ý sự công bằng rồi, ví dụ gói nào nhận miếng rọi long là y như rằng được bù miếng thịt thăn ngon lành.
             Đó là những năm tôi chia thịt lợn. Còn một cái tết, tôi ốm nghỉ ở nhà, đúng vào năm có tí tẹo thịt thôi. Bạn bè mang đến nhà tiêu chuẩn mỗi người 0,9 lạng thịt lợn sấn, tức là 90 gram đấy. Thật là cười ra nước mắt. Nhưng biết làm sao khi nó thật 100%? Tôi để nguyên miếng thịt này ướp tẩm rồi làm nhân cho một cái bánh chưng đặc biệt, bánh chưng gói bằng “thịt cơ quan” (ngày xưa hay có bảng đề “ở đây bán thịt trẻ em” mà, tôi chợt nhớ).

Nào ta đi nghỉ mát

               Cứ sống cực khổ mãi thì sẽ có mấy ngày sung sướng. Đó là lần đầu tiên MQ được tiêu chuẩn nghỉ ở Bãi Cháy mang theo vợ con. Chúng tôi ở nhà nghỉ quân đội. Tắm thì ở biển Bãi Cháy rồi, nhưng nhà nghỉ thì cách xa biển. Nó nằm ở ven một quả đồi, hàng ngày đi tắm biển, phải đi trên con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo lên xuống, xa tới hai km! Vợ chồng tôi mang theo Tuấn và Hương. Còn Hoa, chuẩn bị thi học kì 2, không dám đi, vả lại lúc này cô nàng thích làm người lớn, không thích lằng nhằng theo bố mẹ nữa.
               Lần đi biển ấy, trời nắng nóng lắm. Con gái tôi đã còi thì chớ, rôm sẩy còn mọc đầy người nhất là cái lưng thì đỏ lựng. Tôi quên không nhớ phòng nghỉ có quạt điện không, hình như không vì tôi suốt đêm cứ phải quạt tay phành phạch và xoa cho con. Nhưng được cái phòng có cửa sổ mở tung ra nên có gió mát. Hàng ngày, sáng ra mỗi người được ăn một bát phở hoặc cháo. Xong cả nhà lệnh khệnh vác hai cái phao đen to tướng dắt díu nhau ra biển. Các con tôi đều tự đi lấy. Lúc trèo lên dốc thì mệt thở phì phò, khi xuống dốc thì chùn cả chân rồi còn sợ con nhỏ ngã nữa chứ. Toát hết mồ hôi, đường xa ơi là xa, ra đến nơi chả thấy có sóng đâu, Bãi Cháy trông như một cái vùng đầm lầy. Dưới chân đầy những con hà đâm vào da thịt đau điếng. Nhưng thôi, ba mẹ con không biết bơi vậy lại an toàn. MQ trêu tôi ra biển mà đầu không ướt thì bao giờ biết bơi? Thế là MQ ấn đầu tôi dìm xuống nước sặc sụa, và cười bảo, đầu tiên cứ phải thế đã rồi dần dần anh sẽ hướng dẫn tập bơi. Trông MQ bơi ngon lành, bơi chó rồi bơi ếch, bơi xấp rồi bơi ngửa mà thấy thèm. Anh bơi giỏi từ bé khi còn ở Nha Trang. Rồi khi sang Trung Quốc, khi học ở trường học sinh miền Nam cũng vậy, anh cùng các bạn có nhiều dịp để bơi lội, chứ không du dú như tôi, chỉ giỏi lội nước mưa đến mắt cá chân là cùng.
            Tôi xuống nước chỉ chừng 15 phút là mệt, say lảo đảo như ngồi ô tô, lại lọ mọ lên bờ, mặc ba bố con đùa nghịch. Đói mệt chả có gì ăn, vì làm gì có tiền? Nên cứ tắm xuông thế thôi. Vì đường đi quá xa nên tiếc công, phải ở ngoài biển thật lâu mới về. Buổi trưa nắng quá, vợ chồng con cái lếch thếch trở về nhà nghỉ. Đói mềm người, nên sau khi tắm rửa qua loa, là xuống nhà ăn ngay. Mỗi gia đình được một “mâm” bao gồm một tô cơm rất to, một đĩa rau muống luộc xanh rờn, một bát nước rau muống vắt chanh, một bát nước mắm, và quan trọng nhất là một đĩa thịt ba chỉ rang hơi mặn ngọt vàng ươm. Quên mất, chưa hết, có một đĩa bánh làm bằng bột mì rán từng thỏi con con như từng cái nắm cơm chim chim cho trẻ con ấy. Sau mỗi bữa ăn, có nhiều mâm bỏ không ăn hết bánh rán, nên tôi xin đồ thừa ấy bỏ vào cặp lồng để sẵn, tối đến lỡ đói bụng thì mang ra cho các con ăn thêm. Tôi ăn thấy ngon lắm, nhưng không dám ăn. Có thừa cái nào nữa thì để sáng mai khi đi ra biển mang theo ăn đường. Thi thoảng để dành một chiếc bánh để các con ra sân cho bọn khỉ nhấm nháp, rồi hai đứa chìa hai cái đầu cho khỉ “bắt chấy”. Nắng thế mà ngày nào chúng tôi cũng hai lần ra biển tức là bốn lần đi về. Hai giờ chiều đang nắng thế cả nhà đã đi rồi, kẻo muộn hơn sẽ tắm được ít.
            Nghỉ được đâu một tuần, tôi thấy cuộc sống như ở trên thiên đường. Thích nhất là không phải lo ăn từng bữa, không phải đi chợ, nấu cơm, rửa bát. Rôm sảy trên lưng con gái mất dần, các vết lở ghẻ trên chân con trai thâm lại, tôi tự đứng lên ngồi xuống thở trong lòng biển đã bớt sặc sụa, thi thoảng chỉ nhớ con lớn và lo cháu học hành thi cử thế nào, nhớ bà me lụi cụi dọn hàng nước không biết có bị đau nhức chân nhiều không, rồi quên ngay thôi.
            Ra về lưu luyến mãi biển. Tôi hẹn anh những năm sau nếu có xuất là đi nữa nhé, đi cho tới khi tôi biết bơi thì sẽ thích hơn.

Thái Lan ấn tượng

           Quay về chuyện học hành. Bé Hương dần lớn lên thì tôi lại nghĩ chuyện học tiếng Anh tiếp. Một phần là tranh thủ tự học một phần là đến lớp học buổi tối. Nhưng tôi chỉ đến lớp buổi tối một tháng trước khi sắp thi bằng B, còn bình thường làm sao bắt me tôi trông con cả tối được.Ở nhà tự học, tôi chỉ có thể học ngữ pháp, còn nghe nói thì khi vào lớp vẫn giống lần trước, ú a ú ớ chả hiểu gì. Tôi đành quyết tâm theo kiểu “điếc không sợ súng”. Tôi luôn ngồi bàn đầu, và bất cứ cô giáo hỏi cái gì, nhất là hỏi sau khi cô đọc một bài khóa, hay kể một câu chuyện, là tôi giơ tay xung phong trả lời. Tôi giơ tay mà nhiều khi trong đầu tôi không có cái gì cả. Nhưng tôi cứ giơ tay để cô giáo gọi. Tôi đứng lên, nói lắp bắp bằng tiếng Anh, rằng, tôi chưa hiểu nhưng tôi muốn tập nói và phiền cô nhắc lại hoặc gợi ý. Cứ dần dà thế, tôi được nói nhiều nhất. Cả lớp im lìm, người không hiểu là không xung phong, các bạn hiểu chút ít thì ngại ngần. Cuối cùng, trong cả tháng trời ấy, hầu như chỉ có tôi giơ tay phát biểu tự nguyện.Tôi tập trung cao độ và liều mạng đi thi mà rồi cũng đậu, được cấp bằng B hẳn hoi. Tất nhiên là điểm không thể nào cao được, chỉ là bằng “khá” thôi.
             Tôi đặt luôn kế hoạch cho tương lai, sẽ “lấy” tiếp bằng C theo kiểu này. Nhưng từ từ đã, chưa kịp có bằng C thì cơ quan đã cho tôi đi học ở Bangkok 10 ngày, dự một khóa học ngắn ngày về phân tích nghiệp vụ trên máy vi tính. Ngày ấy, còn ít người học tiếng Anh lắm, mà đi học thì phải tự lực, không có phiên dịch, nên tôi được tiến cử, cùng với một bạn gái. Bạn tôi làm bên chuyên môn nghiệp vụ, tôi làm bên máy tính. Việc chọn cử rất tự nhiên, tôi thấy lãnh đạo bảo lên phòng Quan hệ quốc tế và Vụ Tổ chức Cán bộ làm hồ sơ thủ tục đi học thì làm thôi. Về sau mới biết, có một tình tiết là, cái cậu bạn tôi vừa kể là cậu ấy bảo tình yêu nào cũng đẹp ấy, đang chuẩn bị đi thi nghiên cứu sinh ngoài nước, trong một lần tiếp xúc với lãnh đạo cơ quan - anh Lê - (đây là vị lãnh đạo mới), cậu ta kể chuyện công việc trong đơn vị tôi khi thủ trưởng hỏi han. Cậu ấy nhắc đến tôi với đôi điều “ca ngợi” gì ấy, lãnh đạo mới hỏi “Cô ấy như thế nào nhỉ? Sao không bao giờ thấy lên gặp tôi???” Cậu bạn mới giải thích: “ Dạ, chị ấy không lên xin gặp anh là bình thường thôi ạ, người có lòng tự trọng không bao giờ làm việc đó!” (Thật hoảng hồn khi nghe bạn kể, và tôi hơi ngơ ngác không dám thắc mắc, ơ thế cậu lên gặp thủ trưởng cũng là không có lòng tự trọng à?”) Chả biết tình cờ hay vô tình, tôi thấy mình được gọi đi Bangkok! Đi thì đi, nhưng mà chả biết vì chọn người lâu quá hay sao mà để muộn cả khóa học, khóa có mười ngày thì người ta học được bốn ngày rồi, đoàn Việt Nam mới lóp ngóp sang sáu ngày cuối. Mọi việc hộ chiếu visa giấy tờ thủ tục làm vội vã rối tinh rối mù lên, ngày ấy quan hệ của Việt nam và Thái Lan không được tốt, nên khó khăn thêm hay sao ấy. Khi hoàn tất cầm được hộ chiếu trong tay thì đã là hơn 9 giờ sáng của ngày lên đường, trong khi 10h15 là giờ bay! Xe cơ quan đưa chúng tôi ra sân bay, có cả anh Trung (lãnh đạo Vụ, người mà định đưa tôi làm trưởng phòng ấy!) đi tiễn. Nhìn đồng hồ quá trễ, tôi ngán ngẩm nói với anh ấy: Thôi, chắc muộn mất rồi, không đi làm gì nữa anh ạ. Anh ấy động viên và bảo vẫn cứ đi. Thế là xe chạy, tôi mệt rũ người ra, rồi bị say nữa, tôi chả thấy có hứng thú gì bụng chỉ bảo dạ sao cứ có mình dây vào cuộc đi là vất vả thế nhỉ. Ra đến sân bay, y như rằng máy bay vừa cất cánh! Thế là đành kéo nhau về chứ còn làm gì?  Tôi hơi bực mình vì biết chắc là không kịp mà vẫn cứ phải đi.
            Tôi nôn thốc nôn tháo, rồi vẫn phải ghé nhà anh ấy nghỉ tạm một lúc mới về. Nhớ chuyện cũ đi Đức ngày xưa, khi về không cho quà bọn trẻ nhà anh, tôi ngượng mà chả biết làm thế nào. Anh ấy lúc nào cũng tốt với tôi, còn tôi thì thích giữ khoảng cách với người lãnh đạo!
             Tôi về, chả thấy buồn vì lỡ chuyến đi. Có điều, đêm ngủ say nhưng mơ rất buồn. Tôi nằm mơ thấy có người đến đưa tôi một gói bọc bằng giấy báo và bảo tôi có quà. Tôi cảm ơn và mở ra thì chỉ có một bức ảnh má chồng chụp, lồng khung kính hẳn hoi, y chang tấm di ảnh trên ban thờ trong Nha Trang thờ má. Tôi nhìn thấy tấm hình má thì bật khóc nức nở, dàn dụa nước mắt. MQ thấy tôi khóc nấc lên thì lay tôi dậy hỏi em làm sao thế? tôi vẫn khóc, mãi sau mới biết mình nằm mơ. Tôi kể lại việc nhận quà là tấm hình của má. MQ bảo tôi, em biết không, hôm nay là ngày giỗ má.
- (Tôi giật mình) Chết thật sao anh không nhắc em?  
- Anh biết vì quá bân mải lo giấy tờ và mọi chuyện gấp gáp quá để đi học, nên anh không nhắc. Để em đi rồi, anh sẽ nhờ chị Thùy Trinh (chị gái tôi ở kề bên) mua các thứ làm lễ khấn má.
          Kể cũng lạ. Bao nhiêu lâu nay, tôi bận quá đủ thứ việc có lúc nào nhớ đến má đâu, nhất là những ngày gần đây, lo thủ tục, chờ đợi visa đi lên đi xuống. Vậy mà đêm nay, tôi lại nằm mơ, thì ra má về nhắc nhẹ tôi. Tôi ân hận quá, từ ngày má mất, tôi làm giỗ chu đáo lắm, cả giỗ ba chồng nữa, có bao giờ tôi quên đâu, vậy mà lần này thì quên thật. Thế mới biết, có thế giới của người âm thật, chứ chẳng phải chuyện mê tín gì.
          Sáng ra, tôi lật đật dậy thắp hương khấn má, má hãy tha lỗi cho con. Mà tôi nghĩ, vì tôi có lỗi thế, nên chuyến bay mới nhỡ. Đành vậy, tôi chuẩn bị đi làm bình thường, đeo lủng lẳng thêm cái thùng để qua chỗ chị gái thay thùng nước gạo chiều nay sẽ lấy. Đang đi, sắp đến chỗ rẽ, tôi chợt nghe tiếng gọi từ phía ngược lại:
- Chị Thư ơi, chị đi đâu mà đeo cái thùng gì thế? -  Một cậu cùng phòng hớt hải.
- Chị đi làm, mang cái thùng này để thay thùng nước gạo - Tôi thản nhiên.
- Ôi dào, chị quay về nhà ngay đi, không đi làm không lấy nước gạo gì cả, nhanh lên không muộn bây giờ. Người ta đã đổi được vé rồi, hôm nay hai chị sẽ bay tiếp. Chị về và nhờ ai chở ngay ra sân bay nhé. Bạn chị đi trước rồi. - Cậu vội vã giải thích.
-???
- Chị nhanh lên! sao mà mặt đần ra thế? chị không tin à, thì vé đây chị xem đi!
              Thế đấy, chả “số” là gì, chả là má hết giận và phù hộ là gì. Về đến nhà tôi chạy sang hàng xóm may nhờ ngay được một ông có xe máy (ngày ấy xe máy hiếm lắm), tất tả xách va li nhỏ còn chưa rỡ bỏ các thứ để ra sân bay.
               Rồi hai chị em sang Bangkok, phải transite qua Lào, xuống sân bay thuê taxi về sứ quán. Hai đứa nghỉ ở một phòng tại nhà khách, ăn cơm cùng ở đó. Riêng cơm thì tự do xả láng, có cái nồi cơm điện thật to, ai muốn ăn bao nhiêu thì ăn! Đi ra đi vào cổng, bọn tôi hay gặp một phụ nữ trạc tuổi mình, nhưng ăn mặc rất cầu kì, son phấn tươm tất. Tôi trông chị ta giống người … nước ngoài, không phải người mình nên cần hỏi cần nói gì là tương luôn tiếng Anh thôi. Chị ta là người đầu tiên bọn tôi gặp khi bước vào cổng sứ quán. Chị nói tiếng Anh rào rào. Tận mấy hôm sau, tôi mới biết chị ấy là nhân viên sứ quán, làm công tác công đoàn, thế là mấy chị em mới tung "chưởng" tiếng Việt ra với nhau.
            Buổi đầu tiên đến lớp. Chúng tôi dè dặt, rón rén và hồi hộp. Đây rồi, tòa nhà cao tầng, lên thang máy, đi qua mấy gian làm việc sách vở ngồn ngộn, người đi lại giầy tây giầy cao gót lộp cộp lộp cộp. Chúng tôi tìm đến phòng học. Giáo viên là một ông Tây, chưa biết người nước nào. Tôi chào thầy, chào cả lớp, rồi  trình giấy tờ. Dường như họ chờ đợi chúng tôi lâu rồi. Thầy nói một chặp, đưa vài bản khai yêu cầu điền thông tin. Tôi điền vội rồi còn căng tai cố đoán xem thầy nói những gì. Tôi nghe mà trống ngực đập thình thình. Có một lúc, tôi không hiểu. Thầy bảo, hay là bạn  nói tiếng Pháp với tôi nhé. Người Việt Nam nghe nói giỏi tiếng Pháp lắm mà! Tôi hết hồn, dạ không không, ở nhà chỉ thế hệ cha ông chúng tôi mới nói tiếng Pháp thôi, chúng tôi là thế hệ sau, trước đây chỉ học tiếng Trung, tiếng Nga trong trường phổ thông và đại học. Mấy năm lại đây, chúng tôi mới học tiếng Anh nên còn kém lắm. À à vậy cũng không sao. Các bạn vào lớp rồi sẽ quen, đừng sợ!.
           Mỗi người một cái PC để trước mặt, thầy giáo giảng và hướng dẫn cho mọi người làm theo. Tôi chưa dùng PC bao giờ, nay vào muộn nên thoạt đầu bỡ ngỡ, nhưng một lúc lâu sau thì định thần. Giờ giải lao, một bạn làm quen bảo tôi, từ mấy ngày nay chúng tôi luôn chờ các bạn. Chúng tôi muốn biết người Việt Nam là thế nào, có giống người Thái không? Ngày nào vào lớp, nghe tiếng bước chân tới gần, chúng tôi đều bảo, họ đến đấy! nhưng rồi hôm nay, các bạn mới tới thật. Chúng tôi thấy bề ngoài các bạn chả khác gì người Thái đâu. À mà sao các bạn đến muộn thế? Ôi thật xấu hổ, có đấy với đây thôi mà đến muộn cả gần nửa khóa học, tôi đành lúng búng giải thích rằng làm thủ tục bị muộn, rồi lỡ chuyến bay, rằng (tự nghĩ) chính tôi còn chả hiểu sao mà muộn nữa là.
              Mỗi buổi học là một thầy hoặc cô giáo khác nhau, chưa kịp quen giọng của người này thì đã phải nghe sang giọng người khác. Nhưng nói chung tôi có thể hòa vào lớp, có thể hiểu được bài, làm thực hành ra kết quả mong muốn. Vào một buổi cô giáo phân tích kết quả, tài liệu dày đặc những đồ thị và công thức, đến giờ thảo luận, tôi tự nhiên theo thói quen cũ giơ phắt cánh tay lên để phát biểu, đứng dậy rồi mới nhận ra là mình nhầm đây không phải là lớp học tiếng Anh ở nhà. Thế là liều mạng phải nói đủ thứ, và “máu tự trọng” lại nổi lên, tôi cố mà lí sự về những điều mình hiểu, cố mà thắc mắc về những gì mình chưa hiểu. Và ẩn trong sâu sa, tôi muốn gửi cho các bạn nước ngoài một thông điệp, rằng học viên Việt nam đang rất cố gắng đây và không muốn thụ động im lìm trong khi học, không chịu thua kém các bạn đâu nhé kể cả việc tiếp thu bài giảng và giao lưu qua Anh ngữ. Xong một chập, được cô giáo khen tít mù, sướng quá, mà ngày ấy chưa hiểu rằng thầy cô giáo Tây rất hay động viên học trò, nên cứ tự sướng hơi quá mức.
              Sau giờ học ở lớp, dĩ nhiên là chúng tôi dạo quanh các cửa hàng. Mua thì ít mà xem và thử là nhiều. Có cái áo thôi (của đáng tội thêu ren rua đẹp quá) mà bọn tôi chọn thử cả buổi sáng chủ nhật, cuối cùng vẫn không mua. Mà lạ thật, các cô bán hàng cười tươi như hoa, chiều chuộng chào mời giải thích đủ thứ, kiên nhẫn cả buổi luôn, và mặc dù khách không mua, họ vẫn vui vẻ. Tôi cứ liên tưởng đến mấy chị mậu dịch viên nhà mình quát khách mà ngỡ ngàng, và luôn cảm thấy ngượng ngùng ngài ngại vì mình chọn lâu mà khó tính quá.
              Một lần đi đâu xa, lạc không về được sứ quán, tôi đánh bạo ra một trạm cảnh sát hỏi thăm đường về. Tôi hỏi anh cảnh sát bằng tiếng Anh, anh ta chưa chỉ ngay đường mà nháy mắt trêu và hỏi các cô là người nước nào. Tôi chợt nghĩ nếu nói thật mình là người Việt thì họ không thích, nên nói lảng ra chúng tôi là người Lào. Ai dè anh ta cười sung sướng và tuôn một tràng tiếng Lào (tiếng Lào na ná tiếng Thái thì phải). Tôi tịt ngóp và xấu hổ, rõ ra là tên nói dối, tôi liền chào tạm biệt rồi bỏ chạy, không hỏi thăm nữa. Anh ta cười sằng sặc vẫy chúng tôi trở lại, nhưng chúng tôi vừa ngoái đầu nhìn vừa sợ hết hồn. Nếu vì chuyện này mà anh ta nghĩ người Việt hay nói dối thì quả là tôi đáng tội quá.
                Khác với lần đi Đức xưa, lần này tôi không mua đồ chơi cho con nữa, cả khóa học mỗi người được phát 400 đô la Mỹ. Sau khi trả tiền ăn ở, tiết kiệm được hơn 300, dồn vào mua một ti vi 14 inches và mấy cái áo phông quần bò, đem về nhà bán hết đi được một số tiền tiêu cho cả nhà. Rõ là đầu óc “buôn” bắt đầu nhen nhúm rồi. Nói là tiết kiệm chứ ngày đó tôi “sĩ diện” ra phết. Một lần chúng tôi rủ một bạn gái người Thái đi ăn trưa ở quán cơm nhỏ, tôi và bạn đều tranh trả tiền, cuối cùng tôi thắng. Tôi không chịu được cái cảm giác người ta nghĩ mình nghèo không mời được họ bữa cơm, ấy là cứ tự vận vào để mà nghĩ thế, chứ tiếng Anh cả hai đều tậm tịt có “lói thõi” đâu mà tâm tình nhiều.
            Một lần, và là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi ăn tự chọn. Hai đô la Mỹ, chúng tôi coi là đắt lắm. Món ăn có tới gần hai trăm loại khác nhau. Bạn tôi, ngay từ hiệp đầu đã lấy một đĩa tú ụ đồ ăn, nghĩ lại thấy buồn cười, mà rồi có ăn được đâu. May tôi mệt, đau đầu dữ dội nên không thiết ăn uống, chỉ lấy tí một, chứ phải chi lúc khỏe có khi tôi còn lấy đĩa đầy và to hơn bạn nữa ấy chứ.
             Quà mang về chúng tôi chả có gì, gọi là mang ít bánh kẹo và vài tút thuốc lá ba số 5 mời tập thể thôi. Quà riêng, tôi chỉ mua về cho anh Hoàng Thư (người bạn bị tật nguyền) một bánh xà phòng thơm Camay màu đen. Nó thơm đến nỗi thỉnh thoảng giở ra cầm tay, cất vào va li, ngửi tay thấy cứ thơm phức lên, không dám rửa vì tiếc mùi thơm ấy. Chiều muộn, chúng tôi chả đi dạo đâu, cứ ngồi trong sứ quán ngắm góc vườn, người ta đốt một đống lớn túi ni lon đủ màu sắc, rồi các hộp, hòm bìa cát tông mà tiếc đứt ruột.
               Bangkok có bao nhiêu chùa chiền, thắng cảnh du lịch mà ngày ấy (1985), chúng tôi chỉ loanh quanh với những bài học trên lớp, và mấy cái quần bò áo phông ở chợ là chính, có đi đâu có biết gì đâu. Ấn tượng thật mạnh mẽ khi bước vào siêu thị là sàn nhà sao cứ bóng loáng lên thế, đi rón rén chỉ sợ mình ngã lăn ra đấy thì khổ. Các cô nhân viên mặc đồng phục váy áo trắng toát hoặc hồng tươi trông thật đáng yêu. Tôi thầm so sánh ngày trước sang Đức (1979) thấy siêu thị sầm uất đẹp lắm rồi mà giờ thấy Bangkok  còn hơn thế nữa. Có phải họ đang “giẫy chết” đấy không???

Trích Hồi ký: NƯỚC MẮT VAD NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét