Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

CHƯƠNG 6:THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (tiếp theo)

Chuyện thời bao cấp
             Tôi đi làm tối mắt tối mũi, Tuấn đi mẫu giáo, và sáng ra lúc nào cũng ư ử khóc “mẹ ơi con không đi mẫu giáo đâu”. Tôi lại phải dỗ, phải nịnh, rằng để yên cho mẹ đan xong cái tay áo này, mẹ con mình kể chuyện đi Nha Trang thăm bà nội cho các bạn con nghe, cháu mới lại hậm hực ăn được mấy miếng cơm rang, hay quả trứng luộc rồi đi ”hoạt động cách mạng”. Tuấn tuy năm tuổi thôi, nhưng đi mẫu giáo gần nhà nên bị mẹ huấn luyện tự đến trường và tự về nhà, nhất là tự về. Nghĩ lại sao hồi ấy mọi chuyện đơn giản thế nhỉ, mà cô giáo cũng cho phép thì mới tự về được chứ. May mà cháu tự lực chứ mẹ cháu đi làm về còn lang thang xếp hàng mua rau, mua đậu thì biết bao giờ mới về mà đón con được. Xếp hàng mua rau thì tôi kể rồi, nhưng xếp hàng mua đậu phụ theo phiếu thì lúc nào cũng hồi hộp và đa phần là tẽn tò về không. Chả là thế này, người ta bán đậu trong từng khay gỗ lớn, mỗi kg đậu là 5 bìa. Khi mình xếp hàng, mình phải đếm nhẩm 5, 10, 15, 20, 25… rồi chia cho 5 hoặc khoanh từng đám năm cái đậu phụ đếm là một, mười cái đậu phụ đếm là hai,…để tính còn bao nhiêu người được mua và có đến lượt mình không. Thường thì phải trừ hao mấy người vì họ được ưu tiên thẻ thương binh mà. Tôi hay bị tẽn tò vì nhăm nhăm đến lượt mình mua đây rồi, nhưng tự nhiên có một ông thương binh, thế là chịu, nản nhất là đến lượt mình còn đúng năm bìa đậu thì ông ta mua mất! Mệt mỏi quá nhưng phải nhịn, bụng bảo dạ vì họ có công, trải qua chiến tranh hi sinh xương máu bây giờ mới được ưu đãi một tí, đừng có ghen tị với họ!.
             Ấy cũng bởi có chuyện thẻ thương binh nên cơ quan tôi mới có chuyện vui, và chị em chúng tôi được nhờ. Chả là anh Dư cùng đơn vị công tác không may bị tật mắt lác từ nhỏ, lác vì biến chứng của bệnh sởi. Lớn lên, Dư học đại học rồi ra trường về cơ quan tôi. Chỗ bọn tôi làm việc rất gần chợ. Dư chưa vợ con gì, thi thoảng ra mua thịt hay đậu phụ bằng tem phiếu, không chịu xếp hàng, cứ chen lên đầu tiên và đòi mua. Tay anh ấy tỏ ra móc vào túi ngực nhưng có thẻ ưu tiên đâu. Tuy nhiên, người bán hàng thấy anh bị lác, nghĩ là thương binh nên bán. Một ít bà con bên dưới xì xào, “anh này sao chen lên nhỉ, thẻ của anh ta đâu?”.Anh ấy quay lại hùng hổ nhìn thẳng vào người thắc mắc, mà có thẳng được đâu, cái tròng đen lại ở chỗ khác! một tay vỗ vào ngực đồm độp một tay chỉ chỉ đối phương: “Hừ, đường 9 Nam Lào về đây, các vị có giỏi ra ngoài ấy mà đánh nhau!” Thế là những người xung quanh can, “thôi thôi anh ấy là thương binh mà, để anh ấy mua!”.
        Thế rồi,được đằng chân lân đằng đầu, Dư thương tình phụ nữ chúng tôi con cái nheo nhóc, tan sở xếp hàng tối mịt chả mua được gì, bèn sáng kiến nghĩ ra “các bà đưa hết phiếu cho tôi, là hôm nào các bà muốn mua ấy, tôi sẽ mua hộ”. Dư thuật lại mẹo vui cho chúng tôi nghe, chị em buồn cười quá nhưng thấy cũng hay, nên gửi phiếu. Vậy là ông ”thương binh từ đường 9 Nam Lào về” luôn bận rộn mua lắm thịt lắm đậu phụ quá mà bà con dân lành chịu chết không dám ho he.Thực ra vui thì vui tôi thấy thế nào ấy, nhưng có lúc bí quá đành tặc lưỡi gửi liều, hình như tôi có gửi vài ba lần.
         Đã nói chuyện mua bằng tem phiếu thì cũng kể luôn một kỉ niệm khác. Hôm ấy là chủ nhật. MQ cùng tôi ra chợ gần nhà. Tôi thấy mậu dịch bán cá, tất nhiên là bằng tem phiếu rồi. Tôi xà vào xếp hàng, bảo MQ dạo quanh đó đi cho khỏi sốt ruột. Nào ngờ, MQ ghé tai tôi bảo, “để anh lên mua cho, em không phải xếp hàng”, và cầm luôn cái phiếu. Tôi ngơ ngác giật áo MQ chạy ra một chỗ khuất hỏi làm sao mà anh mua được, MQ cười, anh có cái thẻ …thư viện đỏ lòe(!)
Trời ơi tôi phát hoảng, nhưng không ngăn được, MQ cứ phăm phăm đi lên phía trên. MQ mặc bộ quân phục sĩ quan, rút trong túi ngực ra cái thẻ đo đỏ, chứ có dám trình hẳn hoi đâu, thế là cô nhân viên cửa hàng bán cho ngay một kg cá. Trống ngực tôi cứ đập thình thình, họ mà biết họ lôi ra thì xấu hổ quá. Mua xong rồi, tôi chả mừng tí nào, mặt tôi cứ ỉu xìu xìu. Chắc MQ không hiểu được sao tôi như thế. Tôi buồn vì nhớ lại ngày xưa khi còn học trên sơ tán, MQ đã mất bao công phê phán mấy cậu bạn vì đói mà trộm sắn của dân, MQ ghét sự gian dối. Còn bây giờ, thì ra MQ thương tôi ư? Hay cái khó làm ló ra cái …khôn lỏi? MQ chắc không để ý rằng trong hàng xếp dài dằng dặc kia đang có bao bà mẹ già như hoặc hơn má, hơn me, có bao phụ nữ bụng chửa vượt mặt. Tôi nghĩ vậy thôi chứ không dám nói gì. Tôi chỉ bảo lần sau anh đừng làm thế nhé, tôi sợ lắm.
            MQ nhà tôi là thế, hết sức đơn giản và lạc quan. Còn tôi thì phức tạp, chuyện gì cũng tự bới ra củ tỉ cù ti những thứ để mà day dứt. Bởi thế, lắm khi tôi bực mình và buồn vô hạn. Tôi biết MQ yêu tôi tha thiết nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn. MQ lạc quan thì tôi nghĩ là MQ vô tâm. Mà có những cái MQ vô tâm thật ấy chứ. Đấy là tôi thích hoa, thích lắm thứ hoa chả cứ violet là loại thích nhất. MQ biết vậy nào phải tôi che dấu gì, mà mỗi ngày sinh nhật tôi, MQ cứ lơ lơ đi, hoặc đi mua hoa một cách miễn cưỡng. Có lần, tôi không chờ đợi được nữa, sáng sớm ra đã tự đi mua hoa về cắm
rồi. Nghèo thì nghèo, chẳng thể nghèo đến mức cả năm có một ngày sinh nhật mình lại không mua mấy bông mà cắm cho được. Túi hết tiền thì mua hoa xấu, hoa rẻ, chả sao cả, về việc này tôi đâu có cầu kì. Ngọn lửa tự ái của tôi, bình thường chỉ âm ỉ, nhưng những dịp như thế, cứ bốc lên ngùn ngụt. Tôi tự mua hoa, tôi tự cắm, rồi mặt tôi xưng lên như cái lệnh. Tôi lạnh lùng, không nói gì cả. Tôi không cho MQ kịp trở tay nữa. Mà tôi cũng không khóc.Tôi cứng cỏi và trơ như đá. Dần dà MQ cũng hiểu tôi hơn, nhưng tôi dám chắc MQ không bao giờ hiểu hết.. Chỉ xa MQ một tuần, do chủ nhật MQ bận trông thi, chấm thi chẳng hạn, là tôi viết hàng đống thư gửi lên đơn vị. Sau khi viết một chặp đủ thứ tình cảm, thể nào tôi cũng đay lại một câu, “em biết những lá thư này sẽ làm anh bớt đi một ít niềm vui trong cuộc sống vốn rất đơn giản và đầy ắp tiếng cười của anh, nhưng thôi em là vợ anh thì anh cũng phải biết em nghĩ những gì”. Ôi mệt mỏi quá. Tôi đã lấy MQ làm chỗ dựa duy nhất của đời mình, nên tôi cứ trút bỏ mọi thứ vào đầu cho MQ chịu đựng. Trong gian khổ nhọc nhằn, đôi khi tôi không mấy thiện cảm với những nụ cười phớ lớ của MQ mặc dù tôi quá biết, không có người chồng lạc quan như thế, tôi chắc “chết” lâu rồi, tôi không chịu đựng nổi, tôi chỉ muốn tung hê tất cả.
         Sóng gió nổi lên, rồi sóng lại lăn tăn yên bình, gió dịu êm vuốt ve mơn trớn cho lòng tôi dịu lại. Mấy năm sau đó, cứ ngày sinh nhật tôi, MQ dạy sớm và rủ con đi mua hoa về cắm bình chúc mừng mẹ. Tôi lờ đi, bây giờ là tôi lờ. Phải, vì bây giờ tôi không thích hoa nữa. Giới hạn đã bị vượt qua, thật khổ. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy mình có cái gì cực đoan, và quá đáng, nhưng chả biết làm thế nào. Tôi thích hoa, thích mộng mơ vớ vẩn. Còn MQ, anh thích những thứ thực tế hơn. Một lần ra mậu dịch MQ mua được cái khóa giá rẻ, vì thìa khóa kèm theo đó nhưng không mở được. Sau khi tháo lắp nghiên cứu, anh rèn được thìa khóa cho nó rồi quyết định ra mua 12 chiếc luôn, để tháo ra thay đổi thành 12 cái khóa nghiêm chỉnh, xong đem ra hàng khóa bán cho họ với giá đắt hơn. Lời lãi không là bao nhưng MQ rất khoái chí. Tôi phục anh nhưng chẳng động viên chia
s
ẻ gì nhiều, mà MQ có giận dỗi trách móc gì đâu.
           Mùa Đông, nhà tôi lạnh hun hút. Hai vợ chồng với hai đứa con nằm trên chiếc giường cưới hồi nào lủng cùng toàn chân là chân. Mùa hè, nóng, khi MQ về thì một trong hai con phải ngủ với bà. Còn bây giờ lạnh, chúng được ngủ cả với bố mẹ. Chả có đệm, chỉ có chăn chiên lót giường, thế là MQ  lấy may so để lên cái bếp điện đất cũ, đốt dưới gầm giường cho ấm. Vợ chồng con cái khuya khuya nóng bỏng cả đít vì điện tăng mạnh lên, vừa thích vừa sợ vừa buồn cười. Ông bà thì không dám để MQ đặt may
so. Ông ngoại bảo, “tôi sợ cái anh MQ này lắm, điện anh ấy mắc rối như tơ vò lủng là lủng lẳng, sờ chỗ nào cũng có thể giật, thôi tôi có chăn bông rồi để yên tôi nằm”. Bà me thì thích cái dây may so nhưng nghe ông nói thế cũng thôi luôn.
             Cũng bởi dùng may so, nên mới tốn điện và MQ nảy ý gian giảo để trộm điện. Anh làm một cái công tắc có hai trạng thái, tắt thì công tơ chạy bình thường, còn bật thì công tơ đứng yên. Tôi biết, sợ mà không cản. Thời gian và cái khó đã “lưu manh hóa” làm thay đổi vợ chồng tôi mất rồi! “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, thế nên một hôm, người ta vào kiểm tra hàng loạt hộ, trong đó có nhà tôi, tóe loe ra lúc ấy công tắc đang bật. Chúng tôi phải nói khó mãi, nhận lỗi và trình bày hoàn cảnh, chắc là thương tình “vợ con bộ đội” nên người ta không làm to chuyện. Chúng tôi sợ xanh mắt, và từ đấy không dám gian lận nữa. Đấy cũng là một kỉ niệm buồn của vợ chồng tôi. Sẽ càng đau hơn khi nhớ về cái ngày MQ tức giận mấy bạn trong lớp đào trộm sắn của dân, mà bây giờ thì…
          Dây may so nhà tôi dùng vô tư xả láng, bởi vì có một lần, Minh, quê ở Thanh Hóa, bạn của MQ đi nghiên cứu sinh từ  Nga về.
Hôm đó là giữa tuần MQ có giờ dạy không về được. MQ nhắn về tôi đi đón bạn thay MQ. Gia đình Minh ở xa, đi lâu ngày về Hà Nội chả hiểu thế nào, nên cũng muốn có người thân ra đón cho đỡ tủi. Đêm ấy, bạn về trên tàu liên vận. Tới ga Hàng Cỏ có dễ gần 11 giờ đêm. Tôi mặc bộ quần áo bộ đội, tôi không nhớ mình kiếm đâu ra hay là mặc của MQ nữa. Tôi đón Minh chỉ có tay không, trong khi mọi người tấp nập mang hoa, có nhà thuê cả xe con ra đón nữa, hay là con cháu ông to gì không biết. Ra đấy tôi mới thấy mình ngố. Nhưng thôi tình cảm là trên hết mà.Tàu xình xịch đến, và dừng lại. Minh và tôi nhanh chóng nhận ra nhau. Minh là bạn thân của chồng tôi, tôi biết từ lâu. Bạn rất cảm động khi thấy tôi ra đón. Tôi thuê xích lô cho bạn về nhà tôi, còn tôi thì lẽo đẽo đi xe đạp theo. Nấu nướng chút gì cho bạn ăn, chỉ dẫn cho bạn tắm rửa thay đồ rồi đi nghỉ cũng phải quá nửa đêm. Bố tôi có vẻ không bằng lòng, ông cằn nhằn lẽ ra MQ phải xin về mà đón bạn, chứ tôi đón và chăm lo cho bạn thế không tiện. Đúng là các cụ có khác. Tôi chỉ buồn cười, và thấy vui vui vì mình đã làm được một việc nhỏ có ích an ủi bạn thay chồng thôi. Hôm sau Minh thu xếp lên đơn vị ngay, và bạn mang về phần cho chúng tôi bao nhiêu quà, cái quạt tai voi này - là bạn tự cho chứ tôi không bao giờ dám mơ!-, hai kg đường kính, bao nhiêu là dây may so, một cái bàn là nữa, và kẹo tây thật ngon. Tôi cứ ngẩn cả người và bảo Minh mang về cho gia đình bạn, vợ con bạn chứ sao cho chúng tôi lắm thứ thế. Bạn chỉ cười rất hiền và bảo “không có gì đâu mà chị, không có gì…”. Đúng là … ngày xưa…thích thật!!!
         Đến mấy ngày sau tôi đi làm về vẫn dở cái quạt cái bàn là ra ngắm, để rồi khi MQ về là hai vợ chồng dắt nhau đi bán lấy tiền tiêu chứ có được giữ làm kỉ niệm mà dùng cho sướng đâu. Quạt thì mấy năm sau cơ quan phân phối cho quạt “tai chuột” rồi, còn không thì cứ quạt nan thôi, cứ rôm cứ sảy đầy người; và quần áo cả nhà đều lem nhem, tụi tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ chuyện là lượt.
              Cứ nhắc đến sự thiếu thốn ngày xưa thì đủ thứ ập về để nhớ, để “cười trong nước mắt” thật. Nhà tôi nuôi một con mèo tam thể, nó hay chuột lắm. Nhưng nó còn “hay” hơn một cách đặc biệt. Đó là thi thoảng cậu cắp trộm của nhà ai con cá mang về. Chưa kịp ăn thì cả nhà tôi mấy mẹ con đã hùa nhau đuổi bắt, để làm gì thì thôi, đừng ai bắt tôi phải viết ra cụ thể cho thêm đau lòng. Không dám mong gọi “Mèo ơi cắp trộm thêm cá nữa nhé!”, nhưng trong lòng, đôi khi vẫn có chút gì mong manh chờ đợi.
            Có một lần, tôi bị ốm phải nghỉ việc mấy ngày. Mai, bạn tôi, một trong hai người học sau tôi một năm, đến thăm. Bạn xách một nải chuối tiêu chín vàng cho tôi để bồi dưỡng. Ngày ấy là thế mà, thăm người ốm thì nải chuối hoặc một chục trứng gà là quí lắm. Tôi ngồi dạy ra bàn tiếp bạn. Hai tên đang nói chuyện với nhau thì Hoa và Tuấn, con gái và con trai tôi dắt nhau ra nói nhỏ “Mẹ ơi cho bọn con ăn một quả chuối nhé”. Tôi gật đầu và cũng nói nhỏ “các con ăn đi”. Sau đấy, hai người lớn tiếp tục nói chuyện, không để ý gì cả. Một lúc sau, tôi mới giật mình nhìn ra phía hai con. Chúng ăn hết nhẵn cả nải chuối rồi, không còn quả nào, chỉ còn một đống vỏ chuối và cái cuống nải thôi, hai bộ mặt có vẻ tươi cười hỉ hả lắm. Tôi nhìn trộm Mai, không biết bạn có để ý không.  Tôi ngượng với bạn quá, chứ không phải tiếc vì các con ăn hết. Đằng nào tôi chả nhường cho chúng, nhưng mà vô tư thế này ngay trước mặt khách thì thật là…Từ đấy, tôi nói chuyện gượng gạo hẳn. Mai thấy tôi có vẻ mệt nhắc tôi đi nằm nghỉ, cáo từ ra về. Tôi không dám dọn chỗ vỏ chuối đi, đành chỉ nhắc các con ra chào chú, chúng ra ngay và líu ríu chào hớn hở, chỉ còn thiếu mỗi nước là dặn “chú ơi lần sau chú lại đến thăm mẹ cháu ốm nhé”. Bạn về rồi, nằm xuống tôi ngẫm nghĩ, chỉ tại mình không có tiền mua chuối cho con ăn, lúc nào cũng cơm rang với chả cơm nguội,  lúc nào cũng củ sắn củ khoai là ghê gớm lắm rồi, nên mới thế. Hai đứa con ấy hôm nay đã 41 tuổi và 38 tuổi mà hình ảnh chị em chúng lũn tũn rủ nhau ăn hết cả nải chuối vẫn còn nguyên vẹn và sắc nét hằn trong trí nhớ tôi không bao giờ quên.
             Rồi một ngày kia, chị Hoàn con bác ruột tôi ở trong Nam ra Hà Nội. Vợ chồng tôi dẫn chị đi chơi chợ Đồng Xuân. MQ mặc quần áo bộ đội thì đã đành, còn tôi, tôi cũng nghênh ngang mặc đồ bộ đội nữ, chẳng nhớ tôi kiếm ra nó bằng cách nào. Chị tôi ngẩn ra ngắm nhìn hai đứa rồi hoan hỉ lên đường. MQ chuẩn bị sẵn ít tiền trong túi ngực áo bộ đội xem có cần mua gì không. Trước khi vào chỗ đông đúc, MQ dặn chị tôi: “Chị ơi, ở ngoài này còn nhiều kẻ cắp lắm, người ta vẫn lưu truyền tài nghệ của “kẻ cắp chợ Đồng Xuân” đấy chị ạ. Chị vào phải cẩn thận nhé chị!”. Chị tôi ừ ừ nét mặt đầy lo lắng, tôi thì không cầm tiền, tôi đã thống nhất với chồng, anh giữ lại kì lương tháng này để tiêu dùng tiếp chị khi dạo thăm Hà Nội, nên tôi là người thoải mái vui vẻ nhất. Nào ngờ, thoáng một cái, ba chúng tôi len vào một đám đông nào đó, định mua cái gì thì MQ đã kêu thất thanh: “Ôi chị ơi, em bị nó móc trộm hết tiền rồi!”, mặt mũi tái dại chỉ chỉ vào túi áo ngực đã thành rỗng tuyếch. Chị tôi không dấu được vẻ sợ hãi, ba chị em đành tiu nghỉu ra về.
         

           Khổ lắm nhưng có lúc vui thật, thích thật đó là Tết Nguyên Đán. Ở nhà thì tiêu chuẩn có mấy lạng thịt và mấy đồ lặt vặt đi xếp hàng hết hơi rồi, nhưng MQ mà ở đơn vị về thì thể nào cũng đeo lủng lẳng hai cân vừa thịt vừa xương (lợn). MQ đi xe đạp 60 km, nên khi về đến nhà thường là giữa đêm. Lúc này ông bà đã ngủ. Tôi khẽ trở dạy mở cửa cho chồng, rồi hai tên lẻn vào bếp, xử lí đám thịt xương quí giá. Thường thì chúng tôi không thể dấu được các con. Chúng nửa tỉnh nửa mê mà nghe loáng thoáng bố gọi cửa, lại thấy bố mẹ lẳng lặng vào bếp là chúng dậy ngay và theo sang liền. Tôi tay dao tay thớt thao tác rất nhanh nhẹn, pha ít nước muối rửa vài lần, rồi lọc xương ra hoặc có mẩu chân giò thì tốt, xào lên dành cho nồi măng ninh nhừ. Một ít mỡ lằng nhằng được rán ngay tắp lự, và các con tôi chỉ chờ có thế, chúng hau háu đợi mẹ thổi phù phù cho mỗi đứa nếm một cái tóp mỡ, nhất là may vớ được cái tóp có dính một tẹo thịt thì khỏi phải nói rồi, mắt sáng rực như ánh đèn pha. Một ít thịt nạc lọc ra ngày trước rang lên để phần bà me, bây giờ có cả ông ngoại thì cái nồi xinh xinh hai ông bà cùng nhấm nháp gọi là có tí thịt trước tết. MQ đi xa về, vất vả, nhưng chả chịu tắm rửa ngay, cứ líu ríu bên vợ con thế thôi. Thi thoảng, anh chạy ra ôm ngang lưng vợ thì ít mà ôm trên lưng vợ thì nhiều và thủ thỉ “vợ của anh ơi!” khiến cho đôi đũa vợ anh đang đảo chảo đảo nồi phải ngập ngừng dừng lại. Tôi lườm yêu chồng và bảo anh từ từ đã nào, nói vậy mà chính tôi cũng không hiểu từ từ là thế nào nữa.
            Sau khi xem vợ làm xong và dọn dẹp đâu vào đấy rồi, MQ mới đi tắm. Tất nhiên là tôi đun cho anh một nồi nước nóng. Nồi nước nóng thì bé mà chậu thì to. Gió mùa Đông Bắc tràn về lạnh buốt thấu xương. Anh vừa tắm vừa rên hừ hừ chêu tôi ở cái góc sân nhỏ hun hút, còn tôi thì cười mà thấy rùng mình.
            Lục đục phải hai giờ sáng mới đi ngủ. Bọn trẻ thì bị khua lên giường từ trước. Mới lên giường chưa ấm chỗ, thì MQ kêu muốn …đi ngoài! Ôi quả là nan trình, tôi sợ nhất cái khoản này. Bạn đọc có biết vì sao không? Này nhé: cái chuồng xí đi chung tập thể nằm ở sân nhà khác, cách nhà tôi chừng 10 mét, nhưng phải lách  người  đi qua một lối nhỏ bên nhà ông anh họ tôi chỉ chừng 60 cm. Chuồng xí làm kiểu hai ngăn, nhưng vì không có nhiều tro để bỏ vào, nên nó rất bẩn và hôi. Vào đấy, chỉ trong phút chốc, xong “câu chuyện” của mình thì người bị ám nồng nặc cái mùi không thể chịu nổi. Thế nên khi MQ trở lại giường ngủ, thì tôi nhất quyết không cho anh vào, và “bắt” anh phải đi tắm gội đầu lại và thay quần áo khác. Thật cực khổ nhưng chẳng biết làm sao. MQ có oán tôi ác không tôi không biết. Chỉ biết là MQ chịu thua và rên hừ hừ ra sân. Ôi những kỉ niệm ngày xưa hỏi làm sao mà quên được cơ chứ?  

Trích Hồi Ký : NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét