Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

CHƯƠNG 11: HẠNH PHÚC (tiếp theo)

Lời thề cộng sản
          Vì đang làm dở thủ tục kết nạp Đảng thì đơn vị cũ giải thể, nên hồ sơ của tôi được chuyển tới Vụ mới. Hai Đảng viên giới thiệu tôi vẫn là người của đơn vị cũ, chỉ tổ chức kết nạp là làm ở nơi mới mà thôi. Hai người ấy một là anh Quy, Viện trưởng Viện nghiên cứu, một người là Mạnh, trưởng phòng của một phòng cùng Vụ, ngày xưa là học sinh miền nam giống chồng tôi. Mạnh hơn tôi một tuổi, nhưng học từ nước ngoài về, ra trường sau tôi tận mấy năm nên coi là bạn bè. Chắc vì từ nước ngoài trở về, nên tính tình thoải mái tự nhiên, tự nhiên đến mức có một lần chặn tôi ở ngay giữa đường phố đông đúc, để bảo tôi rằng cậu ấy yêu tôi! Tôi ngạc nhiên và hơi buồn cười. Tôi bảo, ơ bạn có vợ mà, mình thì có chồng, anh MQ đấy thôi, bạn biết rồi còn gì, sao lại nói thế? Cậu ấy cười rất tươi và bảo, nhưng mình cứ yêu Thư! Một chuyện vui ghi lại cho truyện đỡ tẻ nhạt, chứ thực chả có gì nghiêm trọng, bởi cậu ấy cũng chỉ tếu táo nói thế, còn tôi thì lúc nào cũng nhăm nhăm yêu mỗi chồng mình.Tuy nhiên, tôi hơi ngại khi còn làm việc chung Vụ cũ, có lúc Mạnh chặn tôi ngay trong phòng làm việc dù chỉ vài câu bông đùa, miệng thì cười rất tươi nhưng sợ phát khiếp, sợ ai nhìn thấy trông kì kì và không hiểu được.
             Lễ kết nạp Đảng của tôi vậy là tiến hành tại đơn vị mới, ngày 28 tháng 6 năm 1987. Tôi rất xúc động, không còn chai lì nữa, ngay từ khi quốc ca và quốc tế ca cất lên. Tôi đọc đơn xin gia nhập Đảng mà run run, tuy không òa khóc. Rồi tôi đọc những lời thề. Đọc xong, và khi những nghi lễ thủ tục khác hoàn tất, tôi không thở phào nhẹ nhõm. Trái lại, tôi cảm thấy nặng nề hơn, bởi từ nay những trách nhiệm của một đảng viên cộng sản, dù vô hình hay hữu hình, sẽ gắn theo mình suốt cả cuộc đời. Nhưng nghĩ đến chồng mình, tôi lại cảm thấy ngập tràn niềm hạnh phúc: Tôi đã là đồng chí của anh. Tôi không còn là cô sinh viên ngây thơ thuở nào nghe anh giáo huấn về Đoàn thanh niên, cánh tay phải của Đảng nữa. Một năm sau, tôi trở thành Đảng viên chính thức, sinh hoạt tại chi bộ ở môi trường mới này.
Tự hào
            MQ bảo vệ luận văn phó tiến sĩ xong từ ngày tôi còn ở đơn vị cũ. Hồi ấy chưa có máy vi tính, mà dùng máy chữ để đánh văn bản. Ở cơ quan, đến giờ nghỉ trưa là tôi hì hục làm cho MQ. Lần này là đánh máy, và điền thêm bằng tay những kí hiệu toán học, thật cẩn thận, mà không sợ rằng luận văn bị thầy giáo trừ điểm như ngày trước tôi chép bài kiểm tra bằng tay hộ MQ nữa.
            Bọn trẻ nhà tôi lớn nhanh như thổi và học quay cuồng, nhất là Hoa, sắp thi đại học rồi. Cháu muốn theo bạn học thêm, nhưng tôi không đồng ý. Một phần vì tôi không có tiền, nhưng một phần khác là vì tính cháu làm bài rất ẩu, nên tôi mua sách bộ đề để cháu tự học, cho thấm và trình bày chuẩn hơn. Hoa ngoan, và chịu khó, mượn bài vở của bạn được đi học để tham khảo, thậm chí chép lại. Học trên lớp về, xong việc nhà là ngồi vào bàn miệt mài giải Toán, rồi cả Lý, Hóa nữa. Hoa định thi khối A, và có ý phấn đấu thi điểm cao để được đi học ở nước ngoài. Mới ngày nào, đó còn là ý định thầm lặng của tôi, mà nay tự cháu đã hình thành một quyết tâm trùng lặp với mẹ. Rồi tôi cho cháu thi thử nhiều lần để rút kinh nghiệm và biết sức mình tới đâu. Có lần, đi thi về, ba bài toán lí hóa tưởng như làm được hết cả, mà tổng số điểm chỉ có 20! Bố MQ xem bài thi toán của con gái xong thì xé tan thành nhiều mảnh, ném xuống đất và di chân lên. Cháu bị bố mắng té tát vì cái tội làm được mà làm tắt làm ẩu, nên bị trừ điểm suốt. Chả là cô nàng cứ thỉnh thoảng viết “rõ ràng là”, “hiển nhiên là” rồi viết béng cái điều mà mình suy luận ra để làm tiếp các bước khác. Bố MQ năm nào chả chấm thi đại học, nên mới phân tích rõ ràng và chỉ cho cháu thấy như thế nào là được điểm, được bao nhiêu từng cung đoạn. Rồi còn những chỗ xóa lem nhem nữa, ai biết đằng nào mà lần! Sau khi thi thử, Hoa thường phải làm lại và trình bày cho nghiêm chỉnh hơn. Vì thế kết quả có khá lên, và ngày càng tự tin. Giai đoạn sau, sắp thi, tôi cho cháu đi học thêm cả ba môn, có chú tâm chọn lớp rèn giũa tính cẩn thận, chứ khả năng giải Toán của cháu thì tốt rồi. Riêng môn Lý, theo học một thầy giáo là bạn của bố MQ, cháu được thầy khen lắm nên tạm yên tâm.
             Năm ấy, Hoa thi vào một trường đại học kĩ thuật, bởi hi vọng có 80 chỉ tiêu đi nước ngoài. Một tuần trước khi thi, tôi cho cháu nghỉ ngơi và hầu như không học hành gì nữa, có xem phần lí thuyết thì chỉ đáo qua một chút nhẹ nhàng, bởi tôi cho rằng để đạt được kết quả cao, cần có nhiều yếu tố, kiến thức chắc chắn vững vàng, tự tin chứ không chủ quan, nhanh mà cẩn thận, sức khỏe tốt, tâm lí thoải mái, không cay cú không căng thẳng. Trên đường đưa con đi thi, tôi tâm tình với cháu. Lâu nay, mẹ không thúc ép con nhiều, để con tự giác, và mẹ biết con muốn phấn đấu đi học nước ngoài. Đấy cũng là ý nguyện của bố mẹ. Tuy nhiên, con cần hiểu rằng, suốt bao năm nay, con đã cố gắng hết sức mình, thì hôm nay đi thi, con sẽ thể hiện hết những gì mình có. Nhưng như thế không có nghĩa là bắt buộc con phải được điểm thật cao, bắt buộc con phải được đi nước ngoài. Con cần thật sự thoải mái và chấp nhận tất cả. Có thể khi thi, không những không được điểm cao, mà thậm chí còn có thể trượt đại học nữa. Nếu trượt thì sẽ học lại sang năm thi, chả sao cả. Chỉ cần nhất là đã ngồi trong phòng thi thì làm bài và trình bày thật cẩn thận, kiểm tra kết quả cho chính xác, và không được ngó nghiêng sang bạn sẽ mất tinh thần và làm phiền bạn. Mẹ chúc con khỏe mạnh, tỉnh táo, và bình tĩnh.
           Hoa thi môn đầu tiên là môn Toán, trưa về thì bố MQ và một chú cùng đơn vị đã ngồi chờ sẵn để kiểm lại kết quả con gái làm bài. Tôi không thích làm vậy, và ngăn MQ, dù con làm đúng sai thế nào thì đã xong rồi, để nó nghỉ ngơi chiều làm môn khác chứ, xoáy vào tìm hiểu lỡ ra thấy có sai lại chán nản mất tinh thần ra. Ngăn chả kịp, hai anh em đã kịp truy con bé, và chấm cho nó chín điểm rồi, và cằn nhằn nó để sơ sảy tí chút. Thật may là khi thừa giờ cô nàng đã kịp kiểm tra thấy sai và làm lại một bài!
           Hai buổi sau cháu thi Hóa và Lý, làm bài có vẻ tốt. Có vẻ thôi, còn thì chả biết thế nào. Dù sao, tôi đã cho con du ngoạn vào Nam một chuyến, thăm mộ ông bà nội ở Nha Trang, thăm bà con họ hàng ở cả Nha Trang và Sài Gòn. Chuyến đi là để cháu thoải mái sau những năm học hành vất vả. Nhà ở chợ Trời, người ta buôn bán ăn uống tấp nập, hàng bún chả suốt ngày thổi khói thơm vào nhà, mà nhà tôi thì đóng cửa thật chặt, con cái cứ việc học hành quên cả đói khát.Với lại, “may ra” cháu được đi nước ngoài thì đây cũng là một chuyến đi có ý nghĩa. Sẽ lâu lắm cháu mới lại vào Nam được như thế này. Hai mẹ con đi, con thì vô tư, còn mẹ thì tỏ ra vui vẻ, nhưng trong lòng canh cánh, không biết điểm thi của con sẽ thế nào. Đậu đại học thì chắc là đậu rồi, nhưng hồi hộp lắm về cái vụ đi nước ngoài ấy.
            Trở ra Hà Nội, biết ngay điểm rồi đây 25/30, mà điểm đi nước ngoài là 25,5! Toán 9 Hóa 9 Lý 7. Ngạc nhiên nhất là môn Lý 7 điểm. Hoa thì thấy gần như môn Lý là mãn nguyện nhất, vậy mà chỉ có 7 điểm thôi! Hay là người ta bỏ quên mất một tờ? Cháu thắc mắc. Tôi chả biết làm thế nào người ngây ra như khúc gỗ, xong phải cố trấn tĩnh ngay. Không thể để con bé chán nản quá được. Tôi an ủi và bảo con làm đơn để xin phúc tra, hai môn Hóa và Lý. Phúc tra cả Hóa thì buồn cười vì Hóa đã 9 điểm, nhưng lỡ ra môn Lý làm dở thật mà Hóa tăng được ½ điểm thì sao. Đúng là “chày cối” quá mất thôi.
             Tôi mang đơn đi tìm nơi nhận hồ sơ phúc tra. Thế quái nào tôi gặp ngay một ông (không biết có phải thầy Vật Lý hay không). Nghe tôi trình bày và hỏi thăm, ông ấy bật tín hiệu để ông ấy sẽ giúp đỡ, còn tất nhiên đơn cứ việc nộp ở nơi mà ông ấy chỉ dẫn. Không biết tôi có nhầm lẫn không, nhưng nhận thức lúc đó của tôi là, ông ấy bảo phúc tra ½ điểm của môn Vật lí là OK nếu như tôi đồng ý chi tiền ra, mặc dù ông ấy không hoàn toàn nói trắng ra như thế. Tôi ngần ngừ, rồi kiên quyết chào và ra về, chỉ nộp phúc tra bình thường. Tôi không dám kể chuyện này cho con gái, và bố MQ. Tôi không biết hai bố con sẽ nghĩ gì, và nhất là con gái liệu có “trách” tôi không. Nhưng tôi đã quyết là như thế. Tôi quyết để con mình học trong nước với điểm số 25, thế thôi, mặc dù được tăng ½ điểm cũng thích!!!
           Và gần như tất nhiên, sau khi phúc tra, con tôi giữ nguyên điểm 25. Tôi dắt con đến trường làm thủ tục nhập học. Tôi gắng an ủi con, học trong nước cũng tốt, còn bao bạn trượt mong được đỗ kìa, con thấy đó. Hai mẹ con đành phải quen dần với sự gạt bỏ hi vọng nhỏ nhoi lâu nay vẫn thường trú trong đầu óc của mình.
            Học sinh nhập học đông lắm, nên phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Rồi đến lượt mình. Bỗng nhiên, loa phát thanh của trường vang lên một thông báo mà tôi không dám tin ở tai mình nữa: “Điểm chuẩn đi học nước ngoài đã hạ xuống 25, vậy những em nào đủ điểm 25 sẽ không làm thủ tuc nhập học mà chuyển sang cơ sở Thanh Xuân để đăng kí nước học và đi học ngoại ngữ!” Ơ hơ, thế chả có “số” là gì??? Tôi lồng lên ở cái bàn người ta làm thủ tục nhập học để xin lại hồ sơ con mình, và cẩn thận hỏi đi hỏi lại mãi. Thế đấy, thế là đi đăng kí, có thể đăng kí đi Ba Lan, đi Liên Xô. Tôi bảo con, thôi đi Liên Xô cho “lành” con ạ, con là con gái một thân một mình sang Ba Lan thấy ngại lắm (trước mắt tôi hiện ra cảnh mấy cô gái Ba Lan phì phèo thuốc lá suốt ngày, cảnh ăn chơi do mình tự tưởng tượng ra, đến là ngây ngô và thủ cựu). Nhưng mà để về nói với bố và hỏi ý kiến bố đã, kẻo hai bố con thích chọn Ba Lan thì mẹ phải xem lại!.
              Về nhà, bố MQ đồng ý, đi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Thế là làm thủ tục và con gái vào trường học tiếng Nga rồi chuẩn bị lên đường, chả biết đằng nào mà thay đổi ý định!.
  .       Cậu con trai thoắt đã học xong cấp 2 chuyên Toán. Thi vào cấp 3 trường Hà Nội Amsterdam, nếu theo đuổi chuyên Toán như chị, Tuấn khó lòng mà đậu. Bởi vậy, tôi chuyển hướng cho cháu thi vào chuyên Hóa, với hai môn thi Toán và Hóa. Toán thì không quá khó, nhưng Hóa thì phải học thêm trước khi thi. Tôi đưa cháu đến nhà thầy giáo dạy Hóa và xin cho học. Mấy buổi đầu đi học về, cu cậu ngồi làm bài tập Hóa mà nước mắt chảy ròng. Tôi ngạc nhiên hỏi thì cậu bảo con không làm được. Tôi giở vở ra xem, bài tập Hóa tính vài nồng độ tỷ lệ phần trăm thôi mà. Tôi giảng cho cháu và nhắc nhở (phải cố kìm chế nhịn cười): “Con không làm được thì nói và mẹ sẽ giảng cho con hiểu, sao con trai lớn rồi lại khóc như thế? sau này sẽ còn học thật nhiều nữa, chả lẽ cả đời con cứ khóc vậy sao, hay là khóc đến khi lấy vợ?!?” Vậy đấy, rồi cũng qua, cháu trở lại ổn thỏa ngay, và thi với điểm số môn Toán thật cao, còn điểm Hóa thì thấp, nhưng đủ để đậu vào chuyên Hóa 1. Mỗi lần, mẹ trêu thì cậu ngường ngượng. Và vì bố ít khi có nhà, nên cu cậu hay tranh thủ nằm cạnh mẹ, gối đầu lên tay mẹ như hồi còn bé tí. Thỉnh thoảng cậu thích đọ bàn tay vào bàn tay mẹ, và khoái chí nhận xét:”bàn tay con sắp gần bằng bàn tay mẹ rồi, ngón tay con béo hơn, chỉ ngắn hơn mẹ chiều dài thôi”. Tôi cười nói tiếp, “mà bàn tay con các ngón khít lại không có những kẽ hở, nghĩa là sau này, con giầu hơn, không nghèo như mẹ!”
           Chị Hoa thi đậu, lo học ngoại ngữ rồi sẽ ra nước ngoài, công việc nấu ăn chuyển sang cho Tuấn. Mỗi lần tôi đi công tác vắng, ở nhà giao cho cậu đi chợ lo cả nấu ăn nữa, thì khi về, lần nào bà me cũng kêu:”Gớm, chị về tôi mừng quá, ở nhà với cái thằng này đến khổ. Suốt ngày nó bắt cả nhà ăn đậu phụ kho trắng tinh, chán ơi là chán. Chưa hết nồi này nó đã mua mấy bìa đậu khác về rồi”. Rau thì thấy cậu đề ở bảng dặn em “luộc nửa mớ rau muống!” Ấy là hồi này khá lên đấy chứ, trước mua đậu bằng tem phiếu còn chả có mà ăn nữa là. Nhưng thôi vừa thông cảm với bà me, vừa thương con, thằng bé khổ quen nên tiết kiệm. 
 
Trích Hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét